Trang chủ PGVN Cửa thiền Mái ấm cuối con đường!

Mái ấm cuối con đường!

80

Đ được các sư cô trong chùa chăm sóc, nuôi dưỡng và cho đi học tại trường mẫu giáo gần đó. Mọi người nói Đ may mắn lắm, nhờ mấy sư cô mà được sống đến bây giờ… Theo TS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, toàn TP có khoảng 60.000-70.000 trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (VOC), thế nhưng chỉ có chưa đến 1/10 em được chăm sóc…

Dưới mái ấm Phật đường

Nằm trên đường Trần Não, phường Bình An, quận 2 (TPHCM), trong khuôn viên chùa Diệu Giác, một dãy nhà trông khang trang, thoáng mát là nơi cư trú của hơn 120 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, bị nhiễm HIV/AIDS. Ban đầu, từ một hai đứa trẻ bị cha mẹ đem bỏ trước cổng chùa, trẻ sống lang thang ngoài đường phố đã được sư phó Thích Nữ Như Trí cùng các ni sư chùa Diệu Giác đưa về nuôi dưỡng trong chùa.

Từ đó, không hiểu tại sao, các bậc phụ huynh lại chọn đây làm địa chỉ “bỏ quên” con trẻ. Và cứ thế, lại thêm 1 trẻ rồi lại 1 trẻ nữa mang đến trước cổng chùa… Sư Thích Nữ Hạnh Nhẫn dẫn tôi đi tham quan một vòng của mái ấm. Sư cho biết, dù nơi ăn chốn ở còn rất chật hẹp và thiếu thốn về nhiều mặt nhưng các em đã vào đây ngoan ngoãn lắm. Ngoài giờ học các em còn được học thêm nghề thủ công…

Những đứa trẻ chưa có tên, cô Như Trí lấy họ theo tên tục của mình (Văn Thị Thu Thủy) để đặt. Nam thì cô đặt Văn Phước, Văn Thiên…, nữ thì cô chọn tên mềm mại như: Văn Thị, Văn Thái… Tôi bắt gặp bé Văn Phước Thịnh nhỏ nhất trong những đứa trẻ được nuôi ở chùa. Nay bé hơn 6 tháng tuổi. Em được đón vào chùa khi mới được vài ngày tuổi.

Trực tiếp chăm sóc Thịnh là một phụ nữ trẻ, chưa một lần lập gia đình. Chị gọi bé là con và yêu thương bé với tấm lòng của một người mẹ thật sự. “Mọi người làm việc ở đây là vì cái tâm, cái tình. Bởi công việc của các mẹ là không cố định, hết việc này đến việc kia.

Đang cho con ăn mà nghe nói có nhà hảo tâm gọi điện đến lấy cơm, rau, thịt thì mình cũng phải chạy thật nhanh. Ơ đây, không có mẹ nào đảm nhận một việc gì nhất định bởi ai cũng xác định rằng phải đem lại cho con mình những gì tốt nhất. Nhiều người đến hỏi họ có bằng cấp chuyên môn bảo mẫu hay sư phạm gì không, nhưng đối với tôi cái bằng cấp duy nhất, quý giá nhất mà tôi nhận được từ họ là cái “tâm”. Bởi công việc của những người mẹ ở đây đều không được nhận lương bổng” – Sư Hạnh Nhẫn cho biết.

Một ngày cách đây 5 năm, cánh cổng từ bi của chùa lại một lần nữa mở ra khi tiếp nhận 2 anh em có H. Mới đầu, cái cảm giác lo sợ virus H cứ ám ảnh các sư cô. Chẳng lẽ lúc đó lại bỏ các em, mà bỏ đi đâu, ai sẽ nhận? Những câu hỏi cứ ám ảnh mãi và cuối cùng, bằng tấm lòng từ bi cao cả, các sư cô đã dang rộng vòng tay chăm sóc.

Thế nhưng hơn 1 năm sau, cả 2 cháu lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng… Từ đó, nghĩ đến các em nhỏ có H bị xa lánh, các sư trong chùa họp bàn và quyết định lập phòng tư vấn và hỗ trợ HIV/AIDS Diệu Giác. 53 trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS đã được phòng tiếp nhận và chăm sóc.

Khi chúng tôi hỏi về những vui buồn trong vai trò của một tư vấn viên, một sư cô (xin được giấu tên) vui vẻ kể: “Có lần, một người khách nói với tôi là các cô… biết gì mà tư vấn về căn bệnh này! Tôi chỉ mỉm cười và từ từ giải thích cho họ hiểu. Nhưng cái chính là chúng tôi muốn cho họ biết, họ không bị xã hội bỏ rơi khi mắc phải căn bệnh này và mọi người sẽ luôn bên cạnh để giúp đỡ, chăm sóc họ”.

Tôi mang thắc mắc ra hỏi ni sư Như Trí: Trong số 126 em và gần 20 bảo mẫu, phục vụ hàng ngày, chỉ tính riêng “cái ăn” thôi, có nguồn kinh phí nào trợ cấp? Một thoáng buồn sâu thẳm, ni sư Như Trí nói nhỏ, giọng như nghẹn lại: “Mỗi tháng trung tâm phải chi phí khoảng 60 triệu đồng. Toàn bộ số tiền là của đàn na tín thí giúp đỡ. Mỗi buổi sáng mở mắt, các cô lo làm sao phải có hơn 60kg gạo để nấu cho các em trong ngày. Còn rau củ thì hàng ngày đều được các nhà hảo tâm các chợ bớt ra, gom lại, kẻ ít người nhiều…”.

Tôi không dám hỏi thêm điều gì nữa. Đằng sau khoảng lặng của ni sư là những con số, nỗi lo cơm áo của đời thường đã len vào đến tận cửa chùa…

Bàn tay của sơ

Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của đường Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận, Mái ấm Mai Tâm trông có vẻ yên ắng. Mái ấm hoạt động từ tháng 7.2005 do sáng kiến của Ban mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS thuộc Tổng Giáo phận TPHCM. Sơ Kim Hương tiếp chúng tôi tại phòng khách tu viện thánh Paolo với giọng nói nhỏ nhẹ “rặt” Nam Bộ.

Sơ cho biết, mái ấm được thành lập từ đề xuất của cha Toại – người tu sĩ dòng Camillo – với mong muốn giúp những em bé không may vừa chào đời bị nhiễm HIV có nơi nương tựa. Những người thành lập mái ấm tự nguyện chăm sóc cho trẻ bị nhiễm HIV với hy vọng sắp tới sẽ có thuốc điều trị cho cả mẹ và con khỏi bệnh. Cả những em bé chưa chào đời có mẹ nhiễm HIV cũng được chăm sóc từ khi còn là bào thai để không lây bệnh từ người mẹ.







Những “người mẹ” của trẻ em bất hạnh.
Mái ấm Mai Tâm với các dịch vụ: Chăm sóc giảm nhẹ cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người bị gia đình bỏ rơi; hỗ trợ tuân thủ điều trị thuốc ARV cho người bị nhiễm; đào tạo nghề (may, thủ công mỹ nghệ…) để giúp phụ nữ tự nuôi sống bản thân; hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng; vận động giảm kỳ thị phân biệt đối xử…

Mái ấm hiện có 50 trẻ nội trú, trong đó có 10 trẻ bị ảnh hưởng, 37 trẻ có H và 27 trẻ mồ côi. Trên 230 trẻ VOC ngoại trú tại cộng đồng được mái ấm quản lý và hỗ trợ kinh phí hàng tháng. Khi những trẻ nhiễm HIV được đưa về mái ấm này, có em đã gần kề bên cái chết vì bệnh AIDS đã ở giai đoạn cuối, không thể tự đi đứng được.

Tuy nhiên, sau vài tháng được chăm sóc, cho uống thuốc đặc trị, sức khỏe của các em được phục hồi. Có những đứa trẻ cha mẹ nhiễm HIV, sinh ra bị bỏ rơi, được đưa vào mái ấm, sau hơn một tháng được nuôi nấng tại đây, người nhà đã đón về. Mỗi khi các em có gia đình đến nhận về cả mái ấm hạnh phúc lắm. Dù gì đi nữa, em đó vẫn còn may mắn.

Sơ Hương cho biết: “Đến bây giờ, mọi người vẫn còn nhìn HIV là căn bệnh tiêu cực. Căn bệnh này cũng giống như bệnh ung thư, viên gan B thôi, tuy nhiên, ai cũng xa lánh các trẻ bị nhiễm H”. Bé N.L có H được bà ngoại ở Tiền Giang đưa đến mái ấm khi bố mẹ mất vì căn bệnh AIDS.

Từ ngày L bước vào lớp 8, em hay hỏi các sơ: Tại sao con phải uống thuốc, người con sao không nặng ký? “Chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ câu trả lời em đỡ tủi và chấp nhận căn bệnh thế kỷ này. Quả thật, khi nghe các cháu hỏi, lòng chúng tôi đau lắm” – sơ Hương tâm sự. Cháu L còn cho tôi biết: Mọi người trong lớp nhìn con bằng ánh mắt sợ sệt. Con ngồi bàn đầu và chẳng ai dám ngồi gần con cả.

Không riêng gì L, có những trường hợp, chính người thân trong gia đình cũng tìm mọi cách xa lánh người có H. Gặp cháu M sống tại mái ấm Mai Tâm, khi tôi hỏi có thường xuyên về thăm nhà không? Cháu chỉ lẳng lặng lắc đầu và nói với giọng buồn buồn: “Cháu nhớ ông, bà nên muốn về thăm nhà lắm. Nhưng mỗi lần cháu về, mọi người đều dọn cho cháu ngồi ăn riêng, chén dĩa riêng, chỗ ngủ riêng… Khi cháu ăn xong là đem chén, đũa ném vào thùng rác…”.

Sơ Hương không ngần ngại kể cho tôi nghe sơ đã bị kim truyền dịch cho người AIDS đâm vào tay 2 lần, nhưng qua xét nghiệm máu sơ vẫn bình an. “Nếu người chăm sóc không ngại ngần, dám chạm tay vào người bệnh, ăn cùng người bệnh là đã giúp trẻ có niềm tin trở lại cuộc sống” – sơ tâm sự.

Tôi đã phỏng vấn tiến sĩ Lê Trường Giang – Phó Chủ tịch UB Phòng, chống AIDS TPHCM về trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (VOC) đang bị kỳ thị ở cộng đồng, ông trả lời có vẻ chua xót: “Ngoài 3 nguyên nhân: Tình dục, ma tuý, mẹ – con, trên thế giới chưa thấy xuất hiện một ca nhiễm HIV từ những nguyên nhân khác. Thế nhưng, trẻ nhiễm HIV vẫn còn bị cộng đồng xa lánh quá. Họ vẫn coi đây là căn bệnh xã hội có vẻ ghê gớm lắm”.

Tôi nghĩ, cũng không có vẻ bi quan như ông nói, may mắn là ở TP này vẫn còn những vòng tay, những nơi nương tựa cho trẻ VOC. Mái ấm Mai Tâm, Xuân Vinh, Diệu Giác, Tam Bình… vẫn ngày đêm âm thầm che chở cho trẻ VOC… Chính nơi ấy, những bờ vai của những nhà tình nguyện, sơ, ni cô đã chở che cho những số phận không may mặc dù chẳng biết ngày mai các cháu sẽ như thế nào…