Hồi mới vào đại học, tôi từng gặp được bà. Ở sảnh trưng bày mỹ thuật cổ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có pho tượng quý được đặt trong lồng kính. Đó là hình ảnh hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (ngày xưa đặt ở chùa Mật, Thanh Hóa). Bà hoàng phục sức lộng lẫy, thần thái sống động như vẫn còn hơi thở. Nhưng trông bà xa cách và cô độc.
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (tượng chùa Mật, hiện đặt ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Còn ở đây, trong phủ thờ chùa Bút Tháp, hoàng hậu Ngọc Trúc là một người khác hẳn, chỉ mặc tấm áo kép đơn giản, tóc buông thả xuống lưng. Trên người bà không có chút gì vướng bận danh phận của một người có địa vị cao nhất trong xã hội Lê – Trịnh lúc bấy giờ. Cạnh bên bà là con gái ruột – công chúa Lê Thị Ngọc Duyên. Khung cảnh tình thân ấy lại đặt để giữa chốn Phật môn có điều gì đó khiến chúng tôi phải chạnh lòng.
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, chùa Bút Tháp, Hà Nội
Sử sách nói rằng năm 1630, chúa Trịnh Tráng đem con gái Trịnh Thị Ngọc Trúc gả cho vua Lê Thần Tông. Điều đau lòng trong câu chuyện này là bà Ngọc Trúc chính là vợ góa của Cường quận công Lê Trụ (chú họ vua Thần Tông), là người đàn bà đã có bốn con. Dưới sự sắp đặt kỳ quặc (và tàn nhẫn?) của cha, bà phải tái hôn, lên ngôi hoàng hậu. Bà hoàng khi ấy không chỉ có vai vế là trưởng bối mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi. Còn Lê Thần Tông khi lấy bà Ngọc Trúc, cả triều đình đều can, nói: “Đã trót rồi, lấy gượng vậy. Từ đó trời mưa dầm không ngớt”. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)
Bỏ qua hết những lý giải chính trị và thời cuộc, đây là một câu chuyện gia đình thật sự buồn.
Bà Ngọc Trúc lên ngôi hoàng hậu không được bao lâu thì bỏ cung lên chùa làm người tu hành thật sự, mang theo con gái Ngọc Duyên (là con của bà và Lê Trụ). Tôi có ý tìm nhưng không thấy sử sách ghi gì về ba người con còn lại của bà (với Lê Trụ), cũng không có ghi chép bà có đứa con nào với vua Thần Tông. Hai cuộc hôn nhân đến với cuộc đời một người đàn bà. Cuối cùng là một kết cục buồn thương với chia ly và mất mát. Cũng như những câu chuyện gia đình ly tán khác, mỗi người trong cuộc đều nhận lấy một số phận có quá nhiều điều chưa thỏa nguyện.
Trong buổi chiều vắng lạnh, khói hương thắp lên cứ quẩn một chỗ không tan ra được. Không biết các bạn tôi nghĩ gì? Riêng tôi chạnh lòng nghĩ tới công chúa Ngọc Duyên. Một thân phận cành vàng lá ngọc như nàng, dẫu đã cách chúng tôi hằng mấy trăm năm, vẫn có khác bao nhiêu. Ngồi bên cạnh mẹ mình đã bao thế kỷ trong phủ thờ heo hút của một ngôi chùa, nàng có bao giờ mong ngóng gặp lại cha mình, có bao giờ luyến nhớ những giây phút gia đình đầm ấm hay buồn thương thời thanh xuân đã trôi qua phí hoài trong câu chuyện đau buồn của người lớn?
Bạn tôi thắc mắc: vậy còn vua Lê Thần Tông trong câu chuyện này đâu phải là người ngoài cuộc? Cuộc hôn nhân của ông và bà Ngọc Trúc vốn từ lúc khởi đầu đã không thể tìm thấy điều gì có thể làm nên một câu chuyện gia đình bền chặt. Cho nên mấy trăm năm qua dù hình ảnh ông và hình ảnh bà Ngọc Trúc vẫn còn (trong khá nhiều di tích cổ), nhưng ông và bà không thể cùng ngồi lại bên nhau. Tuy ở chùa Mật ngày xưa vua Thần Tông ngồi giữa sáu bà hoàng của mình (các bà này được coi như là hoàng hậu, trong đó bà Ngọc Trúc là chính cung hoàng hậu) nhưng rồi khi chùa Mật không còn, người hậu thế đã đem bà Ngọc Trúc rời hẳn khỏi ông.
Người ta dời tượng bà về đặt vào lồng kính ở Bảo tàng Mỹ thuật, trong khi năm bà vợ kia vẫn còn ngồi lại bên ông, được phối thờ cùng ông ở đền Vua Lê. Người nào đã làm công việc di dời tượng bà Ngọc Trúc hẳn ngoài mục đích thực thi nghiệp vụ bảo tồn còn gửi chút lòng cảm khái cá nhân của mình vào đó. Vì trong bộ sáu pho tượng nguyên bản của sáu bà hoàng tượng nào cũng tuyệt đẹp và đặc sắc, sao lại chỉ muốn dời mỗi tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc?
Có lẽ lòng người thời nào cũng vậy, trân trọng những mối quan hệ thực chất. Còn những gì không thật, những con người không dành cho nhau dẫu có phải gán ghép lại vì những mục đích hay nỗi niềm nào đó thì cuối cùng cũng phải chia lìa. Trong câu chuyện gia đình xưa cũ, đầy bi thương của hoàng tộc Lê – Trịnh ấy, ai cũng ngẫm nghĩ được vài điều gì đó cho riêng mình. Vậy mà trong những câu chuyện hằng ngày thời hiện đại, bọn trẻ tụi tôi (và cả những người nhiều tuổi hơn chúng tôi nữa) thỉnh thoảng vẫn cứ thung dung bước vào những sai lầm. Chuyện xưa và chuyện bây giờ nào có khác gì đâu.