Trang chủ Diễn đàn Lý luận Phật sự: Yếu kém ít được nói đến

Lý luận Phật sự: Yếu kém ít được nói đến

74

Thường được đọc những văn bản “nghị quyết trung ương” in kín nhiều trang báo, ngoài ra còn có “diễn văn khai mạc”, “bài phát biểu quan trọng”, thường được tập họp thành một quyển sách,… tôi băn khoăn và ngỡ ngàng khi đọc Nghị quyết Hội nghị kỳ 2 khóa VI HĐTS GHPGVN.

Nghị quyết chỉ có khoảng 16 câu, ứng với 15 điểm, được in trên báo Giác Ngộ. Nếu trình bày toàn văn nghị quyết trên 1 trang báo, thì có lẽ chưa kín hết 1 trang báo Giác Ngộ.

Có lần, chúng tôi cũng đã ghi nhận, nghị quyết đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc mà cũng chỉ khoảng 2 trang giấy A4.

Những bản nghị quyết của GHPGVN thường chỉ là những bản kê công việc phải làm, nội dung đúc kết, rất ngắn gọn, hoàn toàn khác xa với nội dung các nghị quyết mà bạn đọc thường tiếp xúc, thường đi sâu vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, vừa có nội dung nhiệm vụ, công việc, mục tiêu, vừa có nội dung phân tích, lý giải vấn đề, nêu rõ quan điểm, đường hướng, cơ sở lập luận, nhận định.

Về các nội dung ý kiến, phát biểu trong hội nghị vừa nói ở trên của Phật giáo, thì Nghị quyết hội nghị chỉ ghi nhận vắn tắt trong điểm 12: “Ghi nhận những ý kiến phát biểu bổ sung của các ban, viện Trung ương, BTS GHPGVN các tỉnh thành phố. Nghiên cứu tính khả thi để bổ sung vào chương trình Phật sự của Giáo hội”.

Câu văn trên là quá trừu tượng, chung chung, qua đó không thấy được nội dung gì có thể đúc rút, tổng kết. Câu văn trên nếu lắp vào bất cứ nghị quyết của một cuộc họp nào của Hội nghị HĐTS GHPGVN đều có thể được cả. Vì nói chung chung, bao quát như thế tức là không nói gì hết, để vào đâu cũng đều phù hợp.

Tình trạng văn bản nghị quyết chung chung gắn gọn như thế cho thấy yếu kém của GHPGVN trong nghiên cứu lý luận hoạt động và trong tư duy lý luận.

Là một tôn giáo trí tuệ, lẽ ra sau mỗi kỳ họp trung ương văn bản nghị quyết phải thể hiện tầm vóc trí tuệ của tập thể lãnh đạo giáo hội, các nội dung tư duy, trình bày, thảo luận, tại các kỳ đại hội, hội nghị, các quan điểm cơ bản, phân tích đánh giá tình hình, phát hiện, ghi nhận vấn đề; đường hướng, kế sách giải quyết, thay vì cụ thể thì chỉ nêu công việc, còn lại thì chỉ nói chung chung, không thấy sự vận động trí tuệ của những nhà lãnh đạo Phật giáo tham gia cuộc họp.

Ở đây, chúng tôi không chỉ so sánh với văn bản nghị quyết của tổ chức cầm quyền, mà còn có thể so sánh với văn bản mà các tôn giáo khác ban hành sau các kỳ họp của giáo phẩm cấp cao, như các dạng thư (thư chung, thư luân lưu, thư hiệp thông, tông thư…) đủ loại, nêu rõ nội dung kết luận, quan điểm, định hướng hoạt động tu sĩ và tín đồ.

Văn bản trong đó gồm nghị quyết, của các tổ chức, trong đó, có tổ chức tôn giáo, phổ biến trong và sau các kỳ họp quan trọng làm tăng tính chất giao lưu giữa các cấp lãnh đạo tổ chức, những người dự họp và đông đảo quần chúng. Cấp lãnh đạo phổ biến chi tiết quan điểm, nhận định, đánh giá, đường lối, nhiệm vụ, cách thức giải quyết đến đông đảo quần chúng thì hoạt động chỉ đạo sẽ đi vào chiều sâu và có chất lượng. Lợi ích như thế thuộc về cả đoàn thể, tổ chức. Quần chúng đông đảo cũng là đối tượng hưởng lợi vì họ cảm thấy thuyết phục hơn là chỉ được phổ biến công việc vắn tắt.

Mong rằng GHPGVN chú ý nhiều hơn trong hoạt động lý luận. Cụ thể là xây dựng hoàn thiện nghị quyết các kỳ đại hội, hội nghị trung ương với bề dày lý luận phù hợp, hơn là nghị quyết chỉ là văn bản gạch đầu dòng, nêu các công việc phải làm, chỉ mang hình thức một văn bản hành chính đặc biệt, chứ không phải đạt đến mức tài liệu đúc kết sau các cuộc họp quan trọng.

Về mặt truyền thông, các văn bản quan trọng của hội nghị như diễn văn khai mạc, báo cáo tổng kết, bài phát biểu quan trọng nên được chú ý phổ biến đến công chúng. Đây là việc giới Phật giáo vẫn thấy truyền thông đại chúng thực hiện, nhưng giới Phật giáo ít chú trọng để vận dụng. Ở các tôn giáo khác, nội dung mà các nhà lãnh đạo tôn giáo cao cấp thống nhất trong các cuộc họp lớn, nội dung các văn bản quan trọng còn được phổ biến trong các thánh lễ, bên cạnh việc phổ biến bằng truyền thông đại chúng. Trong khi đó, Phật sự Giáo hội ít khi được thông báo phổ biến trong các khóa lễ, còn truyền thông văn bản của các kỳ họp quan trọng cũng ít được chú ý.

Như vậy, bên cạnh vấn đề tăng cường nghiên cứu lý luận, ở đây cần chú ý đến hoạt động truyền thông. Một kỳ họp quan trọng mà văn bản công bố chỉ 1 -2  trang giấy thì vô tình làm nhẹ thể, giảm giá trị của kỳ họp đó.

Những cuộc họp với bề dày trí tuệ thì không thể phản ánh bằng những văn bản sơ sài, giản lược, đại khái.

Cũng như nghị quyết trung ương của tổ chức cầm quyền thể hiện sự phát triển của khoa học chính trị, là những thành quả cụ thể của khoa học chính trị, thì nghị quyết của Trung ương GHPGVN cũng phải phản ánh trình độ học thuật Phật giáo trong một ứng dụng rất cụ thể và rất thiết thực. Là soạn thảo nghị quyết các kỳ đại hội, hội nghị trung ương.

MT