Trang chủ Văn hóa “Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long”: Làm sao chỉnh...

“Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long”: Làm sao chỉnh sửa hồn của thời đại?

62

Thật ra, không thể bình luận một tác phẩm nghệ thuật khi chưa được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, mà cụ thể đối với phim là xem. Trong cương vị người viết bài này, tuy chưa hẳn là trong nghề Lý luận phê bình, nhưng do được đào tạo theo chuyên ngành này ở bậc đại học, thì đó lại càng là một điều cấm kỵ.

Vì vậy, ý kiến trong bài viết dưới đây không phải là ý kiến phê bình tác phẩm, mà chỉ là một số nội dung bàn luận xung quanh những thông tin về bộ phim, đặc biệt là vấn đề chỉnh sửa, một vấn đề nóng hiện nay.

Trên mạng, cũng như qua các đài phát thanh, có rất nhiều ý kiến khác nhau về bộ phim, có khi bác bỏ lẫn nhau, thậm chí có ý kiến xem phim nói trên là một tác phẩm “vứt đi”, “bôi bác”…. Một số ý kiến thận trọng hơn, chỉ lưu ý đến những chi tiết phải chỉnh sửa.

Tại sao chúng ta quan tâm đến bộ phim này? Bởi lẽ rõ ràng và đơn giản, đây là một bộ phim về một danh nhân Phật giáo và trong đó có các nhân vật lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Phim trong giai đoạn được duyệt, số người được xem phim rất ít. Một số xem được vài trích đoạn, cũng không thể nói được gì. Ở đây, chúng ta đành phải căn cứ thông tư từ một số tờ báo uy tín, mà không thể đến những thông tin như… đây là một bộ phim Trung Quốc khoác áo Việt Nam, hay một vài ý kiến suy diễn xa hơn.

Báo Tuổi Trẻ đã cho chúng ta biết một số nội dung mà hội đồng kiểm duyệt đã yêu cầu chỉnh sửa bằng văn bản như:

– Cắt bỏ một số cảnh quá quen thuộc của Trung Quốc dễ gây sự hiểu lầm cho khán giả như cảnh vua đi lại ở cầu dích dắc trên một mặt hồ, một số đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc, trang phục Trung Quốc, sửa lại những lời thoại ngôn ngữ chưa phù hợp.

– Một số vấn đề liên quan  đến lịch sử cần sửa lại, bám vào chính sử để thể hiện như việc Lê Hoàn lên ngôi và cuộc kháng chiến chống Tống, sự kiện Lê Hoàn đánh Tống được ghi trong sử như một trong những trận đánh oai hùng tại sông Bạch Đằng, Tây Kết.

– Chỉnh sửa lại phần kết quyết định dời đô của Lý Công Uẩn để thể hiện được đây là nhu cầu phát triển của nhà nước Đại Cồ Việt có một kinh đô xứng tầm mà Lý Công Uẩn sáng suốt nhận ra và quyết định” (Theo Tuổi Trẻ Online).

Đây chỉ là những chỉnh sửa có vẻ chỉ ở phần chi tiết, không thể làm thay đổi diện mạo bộ phim. Tuy nhiên, cũng theo bài báo trên, ông Trịnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Truyền thông Trường Thành, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có trường quay, rất khó khăn để hoàn thiện Việt hoá bộ phim. Hiện nay bộ phim đã hoàn thành và trình lại bản chỉnh sửa cho hội đồng thẩm định, nhưng vẫn không được cho phép chiếu trong dịp Đại lễ.

Thực ra, trong điện ảnh việc chỉnh sửa (chứ không phải cắt bộ phận) một bộ phim truyện, phần lớn trường hợp đều tốn công sức và tốn kém không phải nhỏ, so với việc làm lại hẳn một bộ phim mới. Ấy vậy mà công ty làm phim vẫn “chỉnh sửa” và được trình ấn bản phim đã chỉnh sửa. Kết quả chỉnh sửa bộ phim ra sao?

Báo Tuổi Trẻ ấn bản giấy ngày 30 tháng 9 năm 2010 lại đăng bài “Bộ phim Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long: Phải tiếp tục chỉnh sửa

Cần chỉnh sửa những gì, bài báo trên cho biết: Bên cạnh một số vấn đề kỹ thuật lồng tiếng, đối thoại, “bên cạnh đó, một số chi tiết lịch sử trong bộ phim cần có giải trình cụ thể như lời cẩm nang của sư Vạn Hạnh “không cần đánh, chỉ sau 21 ngày quân Tống tự rút quân” dễ gây ra nhiều suy diễn khác nhau.

Một số chi tiết lịch sử đề cập trong bộ phim cần đối chiếu với những tài liệu gốc để xác định độ chính xác (theo góp ý trong văn bản giám định thì kịch bản phim nên bám vào chính sử để thể hiện).

Trong cuộc làm việc với Công ty Trường Thành, thường trực hội đồng thẩm định cũng kiến nghị đoàn phim mời các chuyên gia về tiếng Việt cổ, chuyên gia về tôn giáo để thẩm định và tư vấn các vấn đề ngôn ngữ hay yếu tố Phật giáo trong phim”. Chúng ta chú ý đến cụm từ “yếu tố Phật giáo”. Thế là việc quan tâm của Hội đồng thẩm định đã đi gần với quan tâm của chúng ta – những Phật tử – đối với bộ phim. “Yếu tố Phật giáo” là yếu tố quan trọng, yếu tố nền tảng, yếu tố triết học, yếu tố thời đại của bộ phim. Thời đó, Nho giáo chưa phát triển ở Việt Nam, mà giữ vị trí chủ đạo về tư tưởng là “yếu tố Phật giáo”. Khác với phim Truyền hình Trung Quốc thường thấy dựng với “yếu tố Nho giáo” làm nền tảng, cho dù là trong phim có sư có ni.

Đến bây giờ, hội đồng thẩm định và kiểm duyệt bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long mới khuyến cáo hãng làm phim mời đến các chuyên gia về tôn giáo, tức các nhà Phật học, chư tôn đức tăng ni tư vấn, đã là quá muộn. Dù cứ đem hết chi tiết này đến hết chi tiết khác ra mà sửa tới sửa lui, nhưng nếu bộ phim đã làm trên cái nền tư duy triết học Nho Giáo, thì vẫn không làm sao thay đổi diện mạo của bộ phim được, vì cái hồn của thời đại đã bị lệch rồi.

Cũng theo bài báo dẫn trên, thì “Gút lại cuộc làm việc, Công ty Trường Thành sẽ thực hiện việc sửa chữa lần hai, sau đó thường trực hội đồng thẩm định sẽ xem xét. Trường hợp nếu bản phim vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu tiếp tục đầu tư thời giờ, công sức để có bản phim tốt nhất trình chiếu ra công chúng."

Như vậy, với kết quả cuộc làm việc trên, bộ phim Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long  không thể kịp có một bản sửa hợp lý để được cấp phép chiếu mừng Thăng Long – Hà Nội như đề nghị trước đó của Bộ Văn hoá Thông tin Truyền thông và Du lịch (Công văn số 3055/BVHTTDL-ĐA ngày 14/9/2009).”

Thế là phim sẽ lại sửa và sửa vô hạn định. Thật là một bài học cho việc thực hiện phim truyện lịch sử, với tất cả sự khó khăn của nó. Rồi thế nào là một “bản sửa hợp lý”, khi các chuyên gia về tôn giáo tham gia. Liệu “trái banh” trách nhiệm có đá về phía các nhà Phật học, các tu sĩ Phật giáo, khi mọi chuyện đã xong, gạo đã thành cơm, để người ta có thể nói phim phù hợp với yếu tố Phật giáo, yếu tố triết học, yếu tố thời đại vì đã có chuyên gia Phật giáo tham gia, chịu trách nhiệm tư vấn chỉnh sửa.

Ý kiến chủ quan của chúng tôi là nếu bộ phim đã không đạt được chất lượng cần có để là một sản phẩm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì thôi, cứ sửa một lần nữa rồi cho chiếu. Vì cứ sửa với chỉnh mãi, thì làm lại bộ phim mới sẽ kinh tế hơn.

Tuy nhiên, đối với các vấn đề, các hạn chế, thiếu sót của bộ phim, thì hãy vận dụng yếu tố lý luận phê bình để tham gia… chỉnh sửa. Khi đó các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia về tôn giáo sẽ được mời để chỉ ra những hạn chế của bộ phim. Khi khán giả xem phim thì đồng thời sẽ được các nhà lý luận và phê bình giúp nhận thức, đánh giá đúng đắn về bộ phim, điều chỉnh các kiến thức lịch sử chưa phù hợp mà bộ phim thể hiện, thì cũng là gián tiếp đưa đến khán giả bài học lịch sử đúng đắn, và cũng là một cách sửa bộ phim theo cách đỡ gánh nặng cho nhà sản xuất.

Cũng bài báo dẫn, trên dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh: “Hội đồng không có văn bản bản chính thức nào về việc không phát sóng bộ phim do yếu tố nội dung”. Như vậy, cứ chỉnh sửa, rồi bộ phim cũng sẽ được chiếu. Nhưng như đã nói, chỉnh sửa đến khi nào? Chi bằng cứ vận dụng các hình thức lý luận phê bình (chẳng hạn phát sóng ý kiến chuyên gia, đặc biệt chuyên gia tôn giáo, phát biểu song song với việc trình chiếu, góp phần định hướng khán giả), để “cứu” bộ phim, trình chiếu trong hình thức thích hợp nhất có thể có để chào mừng Đại lễ.

MT