Điều đặc biệt nhất, “khai sinh” ra Trung tâm Phật giáo Luy Lâu không phải bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa rộng lớn, mà nó lại được bắt nguồn và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Ấn Độ, theo con đường truyền bá của các tăng sỹ và các thương lái, nhà buôn người Ấn Độ bằng đường biển.
Chùa Dâu (Bắc Ninh)
Và quan trọng nhất, Phật giáo Việt Nam cho đến bây giờ, đó là sự hoà hợp của Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa, chứ không phải là sản phẩm của 1.000 năm Bắc thuộc.
Phóng viên đã có buổi trò chuyện cùng hoạ sỹ, nhà phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng – tác giả của cuốn sách Chùa Dâu và Nghệ thuật Tứ pháp về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng, có thể chứng minh Luy Lâu là trung tâm Phật giáo ra đời sớm nhất dựa trên những góc độ nào?
Hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng (HS PCT): Theo Lịch sử Phật giáo VN, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ theo con đường từ Tây Tạng đi sang. Khi người Trung Quốc muốn truyền Phật giáo sang Việt Nam thì Phật giáo đã vào Giao Châu rồi, Việt Nam đã có được mấy bộ kinh, mấy chục ngọn tháp rồi.
Khi đó, ở Luy Lâu có tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, mây mưa sấm chớp. Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam tìm cách hoà hợp với tín ngưỡng này, nên mới sinh ra truyền thuyết về Man Nương, là nguồn gốc để có hệ thống tín ngưỡng Tứ pháp cho đến tận bây giờ…
Gắn với truyền thuyết Man Nương ở vùng Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh), nghệ thuật và lễ hội Tứ pháp hiện vẫn thịnh hành, tuy những lễ cầu đảo hô phong hoán vũ không còn nữa.
Truyền thuyết kể rằng: vào thời Sỹ Nhiếp, viên Thái thú người Tàu cai trị Giao Chỉ, có sư Khâu đà la từ Tây Trúc sang Giao Châu. Thoạt tiên, đến vùng Phật Tích, sau đó đến Luy Lâu (Dâu). Ở đây, ngài được vợ chồng Tu Định rất mộ đạo, cho con gái mình là Man Nương theo hầu.
Chùa Dâu
Một hôm, Khâu đà la đi chơi về, thấy Man Nương ngủ ở bậu cửa, không nỡ đánh thức bèn bước qua. Chẳng ngờ cô gái động mình có thai. Vợ chồng Tu Định rất giận, chờ con gái sinh hạ, bế đứa bé trả lại nhà sư.
Khâu đà la đem đứa bé vào rừng, nói với cây Dung thụ (cây Dâu): nếu có thiêng thì hãy nhận lấy hài nhi này. Cây bèn mở thân, sư đặt đứa bé vào đó, cây khép lại.
Khâu đà la sau đó về Tây Trúc, trao cho Man Nương cây gậy, dặn lúc nào hạn hán thì chọc xuống đất, chỗ đó sẽ có nước. Nhiều năm sau, sông Dâu dân nước lụt khắp vùng, cuốn trôi cây Dung thụ, không ai vớt được.
Man Nương bèn lấy dải yếm kéo cây vào. Sỹ Vương cùng dân chúng xẻ cây làm bốn khúc, tạc thành bốn tượng Mây, Mưa, Sấm, Chớp, thờ ở bốn chùa Vân – Vũ – Lôi – Điện. Riêng cành cây cũng tạc thành một tượng Pháp, thờ ở chùa Keo, gần đó. Đứa bé trong cây biến thành tảng đá, gọi là Đức Thạch Quang, cũng thờ trong chùa Dâu.
Cũng theo truyền thuyết, các chùa Tứ pháp được xây dựng ngay từ thời Sỹ Nhiếp, tức là thế kỷ 2, nhưng các di tích này không còn gì.
Năm 580, Thiền sư Tây Trúc Tì ni đa lưu chi (Vicitaruci), sang Giao Châu truyền đạo, lập ra dòng Thiền đầu tiên ở chùa Dâu. Nhưng phải đến thế kỷ 13 – 14 mới có di tích còn để lại đến nay.
Mạc Đĩnh Chi trạng nguyên thời Trần cho xây lại chùa, xây cầu chín nhịp, tháp chín tầng, nay tháp đã đổ chỉ còn ba tầng. Nguyên uỷ, nơi thờ Tứ pháp chỉ là một kiến trúc mặt bằng hình vuông, chính giữa đặt Tứ pháp, hai bên có Kim đồng – Ngọc nữ. Trước mặt là hòn đá thiêng và tượng đức thánh tải (con của Tứ pháp), sau lưng là tượng sư Khâu đà la.
Khi đạo Phật đồng hoá tín ngưỡng này, ban thờ Phật được thêm ra, kiến trúc cũng giống như các chùa kiểu nội công ngoại quốc đồng bằng Bắc bộ, ban thờ Tứ pháp đặt trước, ban thờ Phật đặt sau, gọi là tiền Thánh hậu Phật.
Phóng viên: Yếu tố Ấn Độ lưu giữ ở Trung tâm Phật giáo Luy Lâu có thể kể đến những dấu ấn nào?
HS PCT: Trước hết đó là vật thờ có hình linga, chính là Đức Thạch Quang, trong truyền thuyết là đứa bé được Khâu đà la đưa vào thân cây Dung thụ hoá thành.
Thứ hai, cách tạo tượng mây mưa sấm chớp giống hệt tượng dòng Ấn Độ – Khơme. Có lẽ, do ảnh hưởng của tạo hình Phật giáo nguyên thuỷ, được các nhà sư Ấn Độ đưa sang. Các tượng Tứ Pháp đều cởi trần, quấn xà rông, nhân tướng theo kiểu Ấn Độ, mũi cao, lõ… Nhưng những thân hình đều là Phật mẫu nên mang vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ, rất đặc biệt trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.
Từ tượng bà Man Nương đến các tượng Bà Trắng, Bà Đỏ và Kim đồng – Ngọc nữ… đều rất gợi tình, gần với một thứ nghệ thuật thế tục hơn là tôn giáo.
Tượng Pháp Vân thì nghiêm trang thần bí, Pháp Vũ phồn thực đầy đặn; Pháp Lôi thì thô mạnh; Pháp Điện là em út nên xinh đẹp thanh tú. Đứng về mặt nghệ thuật, không nơi đâu ở Việt Nam có một tập hợp điêu khắc gắn bó với truyền thuyết huyền thoại, với tính gợi tình và cái đẹp nữ tính huyền bí đến như vậy.
Dấu ấn Ấn Độ còn thể hiện trên những ván khắc chữ Phạn, tuy niên đại không lâu, phần lớn ở thế kỷ 19 nhưng vẫn còn nguyên chữ Phạn.
Thời đó, các nhà sư Trung Quốc muốn sang Ấn Độ nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ đều phải qua Giao Chỉ để học chữ Phạn; ngược lại, các nhà sư Ấn Độ muốn sang Trung Quốc cũng phải qua Giao Chỉ để học chữ Hán… Đó là những dấu ấn quan trọng cho thấy, Luy Lâu được hình thành và mang đậm những nét đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ.
PV: Về kiến trúc, Luy Lâu mang đậm dấu ấn của trường phái nào, Ấn Độ hay Trung Quốc, thưa hoạ sỹ?
HS PCT: Kiến trúc chùa Dâu có vẻ giống kiến trúc đời Đường. Tháp Hoà Phong của chùa Dâu giống tháp Đại Nhạn ở Tây An. Còn tạo hình tượng Phật thì rất Việt Nam, và còn dấu tích của thế kỷ 13 ở các vì kèo gỗ.
Luy Lâu trở thành trung tâm Phật giáo, vì nó còn có yếu tố nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Kiến trúc Luy Lâu, về tổng thể có con đường đi từ Bắc xuống Nam và con đường từ Tây sang Đông.
Theo hướng Bắc Nam từ Móng Cái về đến Luy Lâu, qua mấy con sông, bây giờ là đường 183 chạy từ Phú Thị sang gần Phả Lại, con đường Tây Đông xuyên Hà Bắc, Bắc Ninh, xuyên ngã tư Đông Côi về Cẩm Giàng xuống mạn Hải Dương.
Trước tiên, Luy Lâu nằm ở vị thế thuận lợi cho giao thông. Thứ hai, nó nằm ở vùng đồng bằng kẹp giữa con sông Cầu và con sông Hồng, lại có một con sông nối từ sông Cầu sang sông Hồng, đó là sông Dâu.
Thực ra, sông Dâu phải “kinh qua” sông Tiêu Tương (ông Tiêu Tương nối sông Cầu và sông Hồng, gặp sông Dâu ở Đình Bảng. Sông Dâu chạy từ Đình Bảng về vùng Dâu (Luy Lâu) và chạy xuống sông Châu Giang).
Chùa Dâu cách đường giao thông Đông Côi khoảng 6km, và nằm sát sông Dâu. Do điều kiện thuận tiện cho việc đi lại nên chính quyền đô hộ Trung Quốc chọn đây làm nơi đóng thủ phủ, đó là một điều dễ hiểu.
Về kiến trúc cụ thể, có mấy phân khu như sau: thành Luy Lâu nằm ngay ngã tư Dâu, và nằm sát con sông Dâu. Đây là thủ phủ của chính quyền đô hộ phong kiến, có trường dạy chữ Nho của Sỹ Nhiếp. Thứ hai, vùng Dâu là vùng cư dân Trung Quốc ở nhiều, cho nên mộ Hán còn rất nhiều ở nơi đây.
Phật giáo Tứ pháp là một Phật giáo lớn, bao giờ cũng gồm ít nhất 5 ngôi chùa: chùa Tổ (chùa thờ Man Nương) và bốn chùa con (Pháp vân, Pháp vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).
Đứng về mặt kiến trúc cụ thể, thành Luy Lâu hiện tại chỉ còn một khu thành đất, có trung tâm, nhưng dấu tích còn lại không nhiều về kiến trúc bên trong như thế nào.
Hiện trên thành Luy Lâu chỉ còn đền thờ Sỹ Nhiếp, tương truyền là trường dạy học của ông; và một ngôi chùa sát đó có tên chùa Bình (nơi bình văn của các nho sỹ).
Còn như chùa Dâu, trước đó thoạt tiên là một mặt bằng hình vuông, thờ tượng Pháp ở chính giữa, chỉ có thế chứ không có gì khác. Đến thời Trần có thêm cầu chín nhịp, có tam quan, có tháp, có thêm trước trước sau sau, mới hình thành kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc, tất cả quy mô và kiến trúc tương đối giống nhau…
PV: Phật giáo Ấn Độ, khi sang Việt Nam thì có yếu tố nữ tính không?
HS PCT: Phật giáo Ấn Độ căn bản đều là hình tượng nam. Ngay như Phật Quan Âm cũng là nam. Sang Trung Quốc, Việt Nam mới “nữ hoá” đi. Việt Nam và Trung Quốc có tục thờ các bà mẹ, gọi là thờ mẫu. Nếu không kể Tứ pháp thì chúng ta đã có tín ngưỡng thờ mẫu: mẫu thượng thiên, mẫu thượng ngàn, mẫu thuỷ cung, đó là tam toà thánh mẫu…
Phật giáo Ấn Độ nhập với tín ngưỡng bản địa mà có sự phân hoá: Thánh mẫu thượng thiên nhập vào Quan âm thị giả, hay Quan âm vô uý; Thánh mẫu thượng ngàn thành Quan âm toạ sơn; Thánh mẫu thuỷ cung thành Quan âm Nam Hải…
Nó cộng hình tượng nam với hình tượng nữ, Phật cộng với Man Nương ra hình tượng Phật mẫu Man Nương. Đó là dấu ấn bản địa, dấu ấn của một giai đoạn mẫu hệ còn tồn tại.
Cho đến bây giờ vẻ đẹp của tượng Phật Việt Nam vẫn là vẻ đẹp nữ, chứ không phải vẻ đẹp nam. Nhất là những tượng Phật ở chùa Dâu, rất nữ tính, đôi tay và ngực rất nõn nà, đẹp gợi cảm.
Phật giáo Trung Quốc tuy sang sau nhưng là một hệ thống, cùng với cả bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến Trung Quốc. Tính hệ thống của tổ chức chính quyền đô hộ phong kiến Trung Quốc thời kỳ đó có vai trò quan trọng trong việc phát triển Phật giáo Trung Quốc tại Việt Nam.
Trong truyền thuyết, tạc tượng, xây chùa… là Sỹ Nhiếp đứng ra thuê người làm. Thực ra, lúc đó Phật giáo Trung Quốc cũng chưa sang đến Việt Nam. Dấu ấn Phật giáo Ấn Độ vẫn là chính, là mạnh. Chính quyền đô hộ là chính quyền Trung Quốc, chứ tôn giáo là Phật giáo Ấn Độ du nhập với tín ngưỡng bản địa Việt Nam, thành ra Phật giáo Việt Nam.
Cần phải biết được chính quyền phong kiến lấy Nho giáo làm căn bản, Sỹ Nhiếp cũng chỉ dạy đạo Nho. Đạo Nho không phải là tôn giáo. Ngay cả đạo Phật cũng không phải là Tôn giáo, lúc đầu là triết học.
Nhưng khi đi đến các vùng xa xôi, đưa học thuyết thế này thế kia, người dân không hiểu. Cho nên những người truyền đạo, tốt nhất cứ gọi Phật là một ông thần. Tất cả những vùng mà Phật giáo đi qua, họ đều biến Phật thành một ông thần, có phép thiêng này khác…
Phật giáo là một trường phái triết học, chứ không phải là một tôn giáo. Kinh Phật không hề có tính chất tôn giáo, không bảo thờ ai, không bảo cúng ai, cũng không có một vị tối cao, tối thượng nào cả, hoàn toàn là triết học về mặt nhận thức luận.
Cái vỏ bên ngoài của Phật giáo Việt nam từ thời đó, buộc phải nằm dưới cái vỏ của tín ngưỡng. Sau này, nó lại hoà trộn giữa tam giáo: Nho – Lão – Phật; cộng thêm tín ngưỡng dân gian mới ra Phật giáo bây giờ, viết sớ viết bùa, tụng kinh gõ mõ mà không cần hiểu nội dung kinh kệ.
Đi theo đạo Phật gọi là tu, tu tức là học, học tức là nhận thức, giống như Phật giáo thời Trần, nhận thức, chứ Phật không phải là thần có tay có mắt để cứu nhân độ thế. Sự giác ngộ là giác ngộ của bản thể.
Đối với nhân dân, nói như thế thì người ta không hiểu, họ cứ coi Phật là một vị thần; khi nào khó khăn thì cầu thần khấn phật giúp đỡ phù hộ. Phật bảo: “Ta chỉ là ngọn đuốc dẫn đường, còn đi thế nào là các người tự đi”…
PV: Sơ đồ hoá hệ thống Phật giáo Luy Lâu cũng theo đó mà hệ thống các ngôi chùa được sắp xếp dựa trên những yếu tố tâm linh?
HS PCT: Chùa Man Nương quay về hướng Nam. Bốn chùa con (chùa Tứ pháp) đều quay về hướng chùa tổ, hướng Tây, chầu về hướng mẹ. Điều này là đặc trưng riêng của Phật giáo Luy lâu…
Tín ngưỡng Tứ pháp là một vùng rất rộng, kéo dài từ huyện Gia Lâm (chùa Ninh Hiệp, chùa Nành cũng thờ Pháp Vân), qua sông Đuống sang bên này là huyện Mỹ Văn (Hưng Yên), qua con sông Hồng sang bên kia là Thường Tín, kéo lên tận Giáp Bát bây giờ cũng có chùa Pháp Vân.
Nó là một vệt liền nhau của 3, 4 tỉnh. Gia Lâm ngày xưa cũng thuộc về Bắc Ninh, cũng nằm trong huyện Siêu Loại, mà Luy Lâu là thủ phủ của huyện Siêu Loại.
PV: Đấy có phải là sự truyền bá rộng rãi của đạo Phật hay là tín ngưỡng của một vùng lãnh thổ bản địa?
HS PCT: Tín ngưỡng thờ thần tự nhiên là một vùng rộng, vì người dân trông lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ nên họ phải thờ các hiện tượng tự nhiên. Thời Trần, Mạc Đĩnh Chi cho xây tháp giống như tháp Đại Nhạn của Trần Huyền Trang (tháp Đại Nhàn nguyên là nơi chứa Kinh).
Ông Mạc Đĩnh Chi đã cải biến chùa Dâu mang tính chất tu tập, tượng trưng nhiều hơn so với tính chất thờ cúng. Hết thời Trần, đạo Phật suy vong. Nhà Lê (vua Lê Thái Tổ) ra đạo luật hạn chế sư sãi, yêu cầu tổ chức thi cho các sư, và chỉ những người trên 50 tuổi mới được thi.
Những người còn lại phải trở về làng, trở về cuộc sống thường ngày, tham gia cày cấy… Trong cái rủi có cái may. Những nhà sư này về làng đã tiếp tục truyền bá đạo Phật vào dân gian, và như thế đạo Phật mới có cơ hội phát triển vào trong dân gian.
PV: Vai trò Trung tâm Phật giáo của Luy Lâu bị mất đi từ khi nào, thưa hoạ sỹ?
HS PCT: Các di tích của chùa Dâu đều là dấu ấn từ thế kỷ 16 đổ về đây là chính. Đến thế kỷ 19, con sông Dâu bị cạn, sông Tiêu Tương và sông Dâu biến thành hai con sông chết. Điều này cũng có nguyên do của nó.
Thuở đó, sông Dâu và sông Tiêu Tương chảy theo hướng Bắc – Nam, hướng có độ dốc lớn, thường gây ra lũ do lượng nước dồn về nhanh. Cả vùng Dâu – Keo, Đình Bảng ngày xưa đều thường xuyên có lụt.
Người dân Kinh Bắc mới khơi con sông Thiên Đức (sông Đuống bây giờ) theo hướng Tây – Đông để chia nước sông Hồng. Khi đó, con sông Thiên Đức cũng chỉ là một con sông nhỏ, người dân bắc cầu tre đi qua được. Đình làng Đông Hồ nguyên là bên kia sông, khi khơi sông mới di về bên kia.
Người ta làm chết hai con sông kia đi, nuôi con sông Thiên Đức lớn lên cắt Bắc Ninh ra làm hai phần: nam phần Bắc Ninh (gồm bốn huyện Gia Lâm, Thuận Thành, Gia Bình, Lang Tài); bắc phần Bắc Ninh (gồm ba huyện: Quế Võ, Tiên Du và Yên Phong).
Có thể nói, sự có mặt của con sông Thiên Đức cùng với sự biến mất của con sông Dâu và sông Tiêu Tương là thời điểm đánh dấu vai trò của trung tâm Phật giáo Luy Lâu mất dần.
Nhưng thực tế, thời điểm chính quyền đô hộ chuyển từ Luy Lâu về Thăng Long (thế kỷ thứ 5 – 6), vai trò kinh tế, chính trị của Luy Lâu đã giảm đi rồi, theo đó vai trò truyền bá về mặt học thuật của Luy Lâu cũng giảm.
Đến thời Lý, trung tâm Phật giáo nằm ở phía Bắc (Chùa Phật Tích và chùa Dạm) bên Tiên Du và Quế Võ. Thế kỷ 17, vai trò Phật giáo lại thuộc về Bút Tháp, một ngôi chùa gần đó .
Khi sông Dâu bị lấp, giao thông đường thuỷ không còn nữa. Đến thế kỷ 17, người ta về Bút Tháp, về vùng Dâu vẫn đi bằng đường thuỷ, bằng thuyền. Dấu ấn còn lại của con sông Dâu bây giờ, chỉ là những cái ao dài còn sót lại ở các làng Bút Tháp, làng Tư Thế và đoạn sông chạy từ Dâu đến chợ Nôm.
Ca dao có câu “ Lên đênh ba bể bốn bề/ Chiếc xuôi Hà Nội, chiếc về sông Dâu”… Như vậy, đến thế kỷ XIX, khi Thăng Long được đổi tên là Hà Nội thì con sông Dâu vẫn còn.
Xin cảm ơn hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng!
Nguồn gốc Trung tâm Phật giáo Luy Lâu “Trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những tăng sĩ Ấn Ðộ. Các vị tăng sĩ này tới viếng Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước khi các vị tăng sĩ Ấn Ðộ tới Việt Nam, các thương gia Ấn Ðộ cũng đã tới Việt Nam rồi và cũng đã mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta. Hồi bấy giờ (đầu kỷ nguyên), Ấn Ðộ đã có liên hệ thương mại trực tiếp với Trung Ðông và gián tiếp với các nước vùng Ðịa Trung Hải, Ðế quốc La Mã tiêu thụ rất nhiều vàng, lụa, hương liệu, trầm, quế, tiêu, ngà voi, châu báu… Ðể có đủ hàng cung cấp cho thị trường ấy, các thương gia Ấn Ðộ đã dong thuyền đi mãi về Viễn Ðông. Những thương thuyền này theo gió mùa Tây nam đi về Ðông Nam Á, tới bờ biển Mã Lai, Phù Nam và Giao Chỉ. Thương gia Ấn Ðộ phải ở lại đây cho đến năm tới, chờ cho gió mùa Ðông bắc để trở về Ấn Ðộ. Trong thời gian này, họ lại sống với dân bản xứ và đã ảnh hưởng tới dân bản xứ bằng lối sống văn minh của họ. Vì sự có mặt của những thương gia Ấn Ðộ mà dân ta hồi đó đã biết đến ít nhiều về kỹ thuật canh tác, y thuật và tôn giáo Ấn Ðộ. Ta có thể nói rằng chính những thương gia Ấn Ðộ đã trước tiên đem Phật giáo vào nước ta. Những thương gia kia, tuy vậy, không phải là những nhà truyền giáo, và mục đích của họ khi đến xứ ta là để buôn bán chứ không phải là để truyền đạo. Trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Người Giao Chỉ ta đã áp dụng những điều hay về canh nông và về y thuật do họ chỉ bày, cố nhiên là cũng tỏ ra mến chuộng tôn giáo của họ. Nhưng nếu hồi đó có những người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đạo Phật đây cũng mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của người cư sĩ, giới hạn trong sự tụng đọc tam quy, cúng dường Phật tháp và bố thí cho người ốm đau đói khổ, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ. Trong các chuyến đi xa hàng năm với nhiều tháng lênh đênh trên biển cả như thế, các thương gia Ấn cũng thờ cúng và cầu nguyện đức Phật và các vị Bồ Tát hộ trì cho trời yên biển lặng và mọi sự yên lành. Các thương thuyền này thường thờ đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và đức Nhiên Ðăng (Dipankara), được nổi tiếng là những vị che chở cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi. Cũng trong mục đích cầu nguyện và cúng dường tam bảo, họ thỉnh theo thương thuyền một vị tăng sĩ. Chính những vị tăng sĩ đi theo thương thuyền này sẽ lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ. Tuy nhiên, những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền Ấn Ðộ không phải chỉ mục đích giảng đạo và cầu nguyện cho các Phật tử trong thương thuyền. Vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, khuynh hướng Phật Giáo đại thừa đã nẩy nở tại Ấn Ðộ, và vào đầu th ế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Tây lịch, các trung tâm Amaravati và Nagarjunakonda ở miền duyên hải Ðông nam Ấn Ðộ dần dần trở nên những trung tâm Phật giáo truyền báo vào các nước xa là một trong những hoa trái của đạo Phật đại thừa; chính ý hướng này đã thúc đẩy những vị tăng sĩ đi theo vơi các thương thuyền về Ðông Nam Á. Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Ðộ tới bằng đường biển, đó là một điều tất cả các học giả đều phải đồng ý. Ðạo Phật tại Giao Châu do từ Ấn Ðộ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống.” (Việt Nam Phật giáo sử luận; tác giả Nguyễn Lang – Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – 1979) |