Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Lược y nghi trượng lễ nghinh thỉnh giới sư trong giới đàn...

Lược y nghi trượng lễ nghinh thỉnh giới sư trong giới đàn PG bắc truyền

718

Đó là một kho tàng tri thức văn hóa ứng xử, nghệ thuật lễ nghi, âm nhạc trình diễn, ngôn ngữ bác học, truyền thống của Phật Giáo được tinh tuyển và ứng dụng trong Giới Đàn, thể hiện tính trang nghiêm long trọng, thoát tục cao nhã, với công năng dẫn người tham dự dễ dàng thể nhập vào Thánh Giới thiền cảnh, tạm thời gác hết việc trần, lắng lòng thanh tịnh thọ lãnh pháp vị an lạc vi diệu của Phật Giới.

Lễ cung nghinh thỉnh rước của Phật Giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, thường thấy nghi chép trong các bộ kinh Đại thừa, khởi nguồn từ việc chư Thiên và các vị vua Ấn Độ vì tỏ lòng cung kính của mình đối với Đức Phật nên dùng nghi trượng của Thiên giới hoặc triều đình rước Phật lên thiên cung hay vào hoàng cung phó cúng dường đăng đàn, thuyết pháp.

Trong Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh  phẩm Hiện Bảo Tháp thứ 11 chép: “Các phan lọng đều dùng bảy thứ báu, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, và mai khôi hiệp lại thành, cao đến ngang cung trời tứ Thiên vương, trời Đao lợi, rưới hoa mạn đà la cúng dường…các cõi nước đó”.

Phật Giáo truyền vào Đông độ nghi thức nghinh thỉnh trong Phật Giáo càng được chú trọng và thể chế thành một nghi thức trong Tùng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền. Chế độ phong kiến phương Đông ảnh hưởng Nho giáo, chú trọng lễ nghĩa cho nên hầu hết các nghi tiết lễ chế của triều đình phong kiến đều được quy định một cách rõ ràng, nghi thức của Phật Giáo có liên quan đến triều đình cũng không được ngoại lệ đều được thể chế hóa.

Ban đầu nghi nghinh thỉnh của Phật Giáo Bắc Truyền được dùng trong các nghi thức triều đình cung nghinh Xá lợi Phật vào cung để cúng dường.

Theo sách Phật Cốt Xá Lợi chương thứ 6 diễn tả cảnh tượng đời nhà Đường 7 lần cung nghinh Phật cốt Xá Lợi.

Thất Nghinh Phật Cốt chép: “Đường Cao Tông lần nghinh thỉnh Phật Xá Lợi vào cung để cúng dường này tổ chức hết sức trang nghiêm chưa từng có. Tháng 12 năm đó cử hành đội nghinh rước đến chùa Pháp Môn để cung thỉnh Xá lợi, Phật tượng cùng chư Tăng để vào cung cúng dường. Điều phái 9 đội binh nhạc, tập trung các đội dân nhạc ở hai huyện phụ cận Trường An là Châu Tập và Vạn Niên, tràng phan bảo cái hơn 1000 bộ, gấm kết xe hoa, ngư long hý châu tràng 1500 chiếc, sàn cái bằng gấm kim lâu 500 cây, phướng thêu hình tượng Phật 200 bức, thảm đỏ trãi đường hơn 3000 tấm, đoàn nghinh Xá lợi trang nghiêm long trọng, rầm rộ nghinh thỉnh Xá lợi từ chùa Pháp Môn về Trường An dài hơn 10 dặm, trước nhìn không thấy đầu, sau xem chẳng thấy đuôi, phướng phan che cả mặt trời, trống nhạc động cả thiên địa, xướng kinh tán kệ âm động lên tận cung Vân Tiêu, hai bên đường người người quỳ lạy nghinh rước, khắp chốn đô thành tự quán gióng trống nổi chuông…”

Phật Giáo Đông Truyền đến đời Đường thì đạt đến cực thịnh, các tông phái Phật Giáo được thành lập, tùng lâm thanh quy pháp tắc được thể chế hóa, nghi thức nghi quỹ hành trì được hệ thống, biên soạn chỉnh lý.

Nghi thức cung nghinh của Phật Giáo Bắc Truyền được thể chế hóa thành hai thể loại: (1) dùng trong pháp hội như cung nghinh Xá lợi, Phật tượng, Kinh điển, nghinh thỉnh Pháp sư đăng tòa thuyết pháp, chẩn tế..v.v…. (2) dùng trong sinh hoạt của Tăng già như Thỉnh sư thăng đường Bố Tát, Sám hối, Đại Tham, Tiểu tham, cung nghinh Giới sư đăng đàn truyền giới v.v…

Tất cả các nghi thức nghinh thỉnh này đều tùy theo địa phương, tự sở, nghi tiết cũng như hoàn cảnh của pháp hội mà được an trí và sắp xếp cho trang nghiêm và trọng thể, nghi trượng dùng trong nghi thức cũng tùy theo truyền thống các tự viện, tùng lâm, tông phái mà linh động an bày sắp đặt.

Nghi trượng được dùng trong nghi lễ Phật Giáo Bắc Truyền ngoài công năng trang nghiêm đạo tràng ra còn hàm chứa những ý nghĩa vô cùng thâm diệu và bao hàm cả những triết lý sâu xa của Đạo Phật.

Những nghi trượng thường được dùng trong nghi thỉnh rước gồm, Tràng, Phan, Lọng (sàn cái), Tích Trượng, Bê, Pháp Loa, Bát Kiết Tường Trượng.

1. Tràng: tiếng Phạn dhvaja-ketu-pataka, còn gọi là thoát xà, bảo tràng, thiên tràng.v.v… là một trong nhiều chủng loại cờ xí dùng để nghinh rước trang nghiêm đạo tràng, cúng dường Phật và Bồ Tát.

Tràng nguyên được dùng trong nghi vệ của nhà vua, hoặc làm vật chỉ huy của các tướng lĩnh, do Phật là Pháp Vương, giáng phục tất cả ma chướng, cho nên xưng Phật thuyết pháp là  “Kiến Pháp tràng” (kiến pháp tràng ư xứ xứ , phá nghi võng ư trùng trùng). 

Tràng còn là vật trang nghiêm pháp hội dùng để nghinh thỉnh, tán thán công đức Phật và Bồ Tát. Trong Kinh Pháp Hoa quyển thứ năm phẩm Phân Biệt Công Đức chép: “Trên mỗi đức Phật có các vị Bồ Tát nắm cầm tràng, phan, lọng, cái thứ đệ lên đến trời Phạm thiên”. 

Tràng có hình tròn dài hoặc là tám hay sáu cạnh thường dùng vải gấm kết thành, nếu hình tròn thì không có phan nhỏ hoặc anh lạc treo xung quanh, nếu là tràng 8 cạnh hay 6 cạnh thì các góc đều có treo phan nhỏ hoặc là tua anh lạc dùng để làm trang nghiêm sức.

2. Phan: tiếng Phạn Pataka-pataka-dhvaja-ketu, Phan là tên gọi đủ của tinh kỳ (tinh kỳ là loại cờ trên có cắm lông dùng cho những người đi sứ ngày xưa) còn gọi là Ba đa ca, đà phược nhược, kế đô, cùng với tràng đều là vật trang nghiêm để cúng dường Phật và Bồ Tát, phan còn được dùng tượng trưng cho oai đức của Phật và Bồ Tát, trong các Kinh điển của Đại thừa phần đa dùng phan, lại làm vật tượng trưng cho việc hàng phục thiên ma, trên phan thường ghi kinh chú hoặc danh hiệu chư Phật, Bồ Tát.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thập Hồi Hướng Phẩm chép: “Bồ tát thí thượng diệu tràng phan, rồi hồi hướng rằng: Nguyện cho hết thảy chúng sinh, thường dùng vải tốt làm phan, viết ghi chính Pháp, hộ trì chư Phật Bồ tát pháp tạng”.

Trong các kinh điển tán thán công đức cũng tạo tràng phan cúng dường trang nghiêm Phật độ, được các công đức, cũng như thoát khỏi khổ nạn, vãng sinh về cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật và thành tựu đạo Bồ đề.

Trong Kinh Trường A Hàm quyển 4 phẩm Du Hành Kinh chép: “Để Xá Lợi Phật trên bàn…kính trì phan cái, tán hoa, đốt hương, nổi các nhạc cụ cúng dường Xá Lợi”.

Phan có hình dẹp và dài trên có đầu phan thứ đến thân phan, hai bên thân phan có treo phan thủ (hai lá phan nhỏ hai bên) dưới thân phan có phan túc. Phan thường dùng gấm, vải kết thành, cũng có phan làm bằng vàng, đồng, gỗ, giấy, ngọc v.v…

3. Lọng: Tiếng Phạn chattra là vật dùng dể che mưa nắng, còn gọi là Sàn cái, Lạp cái, Bảo cái, Viên cái, Hoa cái, Thiên cái.

Trong Ma Ha Tăng Kỳ Luật quyển 32 chép: “Có ba loại Sàn cái làm bằng vỏ cây, lá cây và bằng tre”.

Trong Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự quyển 6 chép: “Sàn cái có hai loại thường dùng trúc và lá cây làm”.

Tthời cổ đại ở Ấn Độ khi có các cuộc họp quan trọng của các bộ lạc, thường họp ở dưới các gốc cây để tránh nắng, các vị chủ chốt của cuộc họp thường đứng dưới gốc cây, Đức Phật cũng như vậy thuyết pháp thường cũng ngồi dưới gốc cây, sau đó tập tục đứng dưới gốc cây họp hay thuyết pháp được hình thức hóa thành lọng che, sau dần che lọng được thể chế hóa tượng trưng cho vương giả, hoặc là Pháp vương thuyết pháp dùng sàn cái lại tượng trưng và làm vật trang nghiêm pháp hội.

Sàn cái có hai loại:(1) dùng trang nghiêm pháp hội thường được làm bằng gỗ hoặc vải gấm, có 8 cạnh hoặc là 6 cạnh mỗi cạnh đều có treo phan nhỏ hoặc là anh lạc làm vật trang sức. (2) lọng dùng trong nghinh rước thường có hình tròn làm bằng nan tre và bọc gấm hay thêu hoa hình dáng như một cái dù lớn.

4. Tích Trượng:
tiếng Phạn khakkara,  thuộc 18 vật dụng của các thầy Tỳ Kheo.

Tích Trượng dùng chống trong lúc đi đường, còn gọi là Khiết khí la, Khiết cát la, Khích khi la, Hữu thinh trượng, Thinh trượng, Thiền trượng, Minh trượng, Trí trượng, Đức trượng, Kim tích, Trượng.

Trong Tỳ Nại Da Tạp Sự nói việc Tỳ Kheo đi khất thực, để báo cho thí chủ biết cũng như không làm cho thí chủ bị giật mình chép: “Bí sô khất thực nhà người, mở cửa  làm tiếng động để báo, chủ nhà nhiều khi ngạc nhiên hoặc kinh hải giật mình. Phật dạy: nên làm Tích Trượng. thầy Tỳ Kheo không hiểu bạch Phật. Phật dạy: trên đầu tích trượng làm các vòng lớn, trong vòng lớn có đeo các vòng nhỏ, khi lắc tích trượng phát ra tiếng kêu cảnh báo cho các thí chủ biết… Tỳ Kheo đến trước nhà không phải Phật tử lắc trượng hồi lâu không thấy thí chủ ra. Phật dạy: “không nên lắc trượng lâu quá, chỉ nên lắc 2 hoặc 3 lần nếu thí chủ không ra thì đi.

Hình dáng của Tích Trượng được chia làm ba phần, đầu trượng, thân trượng, chân trượng.

Đầu và chân của Tích Trượng thường được làm bằng kim loại, đầu Tích Trượng thường có hình trụ tháp, xung quanh có các còng lớn bằng kim loại trong mỗi vòng lớn đều có treo các khuyên nhỏ cũng bằng kim loại khi lắc thì có tiếng vang, có hai loại tích trượng là phiến trượng và tích trượng, hình dáng thường thấy của tích trượng là có 4 vòng lớn tượng trưng cho tứ thánh đế, 8 vòng nhỏ hoặc 12 vòng tượng trưng cho Bát Chính Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên.

Hình của Phiến Trượng gồm hai vòng lớn tạo thành, thường treo 4 vòng nhỏ, tượng trưng cho Nhị Đế và Tứ Thánh Giáo.

Trong Kinh Phật Thuyết Đắc Đạo Thê Đăng Tích Trượng chép: “Phật dạy chư Tỳ Kheo: Các ông nên thọ trì Tích Trượng. Vì sao vậy? quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật đều trì Tích Trượng. Cho nên gọi là Trí trượng, vì làm sáng tỏa hiển hiện trí của bậc Thánh. Còn gọi là Đức trượng vì bổn hành các công đức, là sự biểu thị của Thánh nhân, là minh ký của hiền sĩ, là chính tràng của Đạo Pháp.

Ngài Ca Diếp bạch Phật: vì sao gọi là Tích Trượng? Phật dạy: Tích là nhẹ vậy, để chống để dựa gọi là trượng, vì để trừ phiền não, ra khỏi Tam Giới vậy. Tích là sáng, vì đắc được trí huệ. Tích là tỉnh ngộ, tỉnh ngộ khổ không, Tam Giới kiết sử vậy. Tích là thông suốt, người trì tích trượng thông suốt đoạn trừ ngũ dục vậy”.

5. Bê: Còn gọi là Thiền Chấn, Hương Bản, Cảnh Sách Bổng, Thiền Trượng.

Trong Thập Tụng Luật chép: “Lúc Phật con tại thế, các vị Tỳ Kheo ngồi thiền hôn trầm… Phật dạy nên dùng Thiền trượng lại cảnh sách cho tỉnh thức…

Ttrong Thích Thị Yếu Lãm chép: “Thiền chấn làm bằng một miến gỗ lát mỏng, hình dạng giống như cái hốt…người ngồi tọa thiền nếu hôn trầm thì dùng để cảnh sách.”

Theo Thiền Tông Cảnh Sách Bổng chép: “Cảnh Sách Bổng có hình dẹp và dài, làm bằng gỗ tay nắm hình trụ tròn. Mùa đông thường dùng gỗ cứng làm Hương Bảng còng mùa hè thì dùng gỗ mềm để làm, vì do mùa đông mặc đồ có khác cho nên tùy y mà chế bổng vậy.”

Ngày nay Cảnh Sách Bổng hay Hương Bảng thường được gọi là cây Bê, Bê là tiếng kêu trại của Bổng vậy. Thiền bổng ngày nay được trang nghiêm hóa thành nghi trượng để thỉnh rước cho nên trên thân Bê có chạm khắc hoa văn để thêm phần nghiêm sức trang trọng, thể hiện oai nghi Tăng già và nhắc nhở cảnh sách đàn hậu bối.

6. Pháp Loa:
Tiếng Phạn dharma-sankha là pháp khí thường dùng trong các pháp hội của Mật Giáo. Còn gọi là Thương, Kha bối, Pháp loa, Kim Cang loa, thể loại nhạc khí, dùng vỏ ốc biển đục lỗ ở cuối chổ xoắn để thổi, âm thanh trầm hùng oai tráng.

Ttrong các kinh điển Đại thừa thường dùng âm thanh này dụ cho tiếng thuyết pháp vi diệu của Phật.

Trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Tự chép: “Nay đức Phật Thế Tôn muốn nói pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, thổi pháp loa lớn…”

Trong Kinh Vô Lượng Thọ quyển 1 chép: “Đánh Pháp Cổ thổi Pháp Loa”.

Trong Lạc Dương Già Lam Ký quyển 5 chép: “Nước Ô Dương Tây Vực có tập tục sáng tối thổi Pháp loa lễ Phật.

Trong Quảng Thanh Lương Truyện quyển thượng chép: “Núi Ngũ Đài Sơn chùa Đại Tháp Linh Thứu mỗi khi khải kiến pháp hội đều có thổi pháp loa”.

Nói về công đức của Pháp loa trong Kinh Bất Không Thằng Tố Thần Biến Chân Ngôn quyển 18 chép: “Nếu gia trì vào Pháp loa để lên chỗ cao mà thổi âm thanh to lớn, chúng sinh trong 4 loại, nghe được âm thanh của Pháp loa liền diệt hết các trọng tội, liền xã bỏ tự thân thọ được thân trời sinh lên thiên thượng”.

Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni chép: “Nếu như muốn triệu thỉnh tất cả chư Thiên thánh thần thường dùng Bảo loa thủ”.

Pháp loa được thổi trong Pháp hội với ý bố cáo cho chúng hội biết đạo tràng bắt đầu khai diễn, Pháp Phật bắt đầu tuyên dương, cung thỉnh chư Thiên, Hộ Pháp, Thánh Thần lâm đàn, Pháp sư đăng lâm pháp đường.

7. Bát Kiết Tường nghi trượng:
là tám nghi trượng trên đầu có chạm khắc tám hình tượng cát tường của Phật Giáo, biểu thị pháp hội nghinh thỉnh long trọng trang nghiêm và hàm xúc ý nghĩa vi diệu của thắng pháp.

Bát kiết tường tương truyền là vật phẩm của chư Thiên cúng dường cho đức Phật Thích Ca lúc Ngài giáng thế và sau này Mật Giáo thường dùng các hình tượng này tạo thành hình tượng để cúng dường Phật. Thường dùng vàng , bạc,  đồng, gỗ hoặc là vẽ.

Hình tượng Bát Kiết Tường gồm có:

1. Bình Báu: tượng trưng cho đãnh môn của Phật và Giáo Pháp của Như Lai ý nghĩa cầu nguyện chúng sanh đắc được giáo nghĩa viên mãn của Phật.

2. Bảo Cáí: tượng trưng cho Phật đảnh biểu thị sự hàng phục ma chướng, cụ oai thế lực, nguyện cho chúng sanh thoát khổ đắc được an lạc.

3. Song Ngư: biểu trưng cho phật nhãn của đức Thế Tôn hiền từ quán sát chúng sanh, dùng trí tuệ của Phật diệt trừ vô minh, ngộ hết thảy trí huệ.

4. Hoa sen: tượng trưng cho lưỡi của Phật quảng trường thiệt tướng nói vô lượng Pháp, nguyện cho chúng sanh khai ngộ Phật tri kiến cụ túc lợi ích pháp lực.

 5. Pháp loa: tượng trưng cho cổ dài  ba ngấn của Phật, tiếng nói của Phật quảng đại du dươngnhư âm thanh của Pháp loa nguyện cho chúng sanh nghe được liền đặng giải thoát và giác ngộ.

6. Kiết tường kết: tượng trưng cho tâm của Phật còn gọi là vô lượng kết vì là kết không có đầu cũng không có đuôi cho nên biểu thị Phật Tâm vô tận như hai chư vạn tạo thành nguyện hết thảy chúng sanh thành tựu mọi thắng duyên.

7. Tôn Thắng Tràng: tượng trưng cho Chánh Đẳng Chánh Giác là sự thắng lợi của Phật Giáo, nguyện cho chúng sanh đạt đáo rốt ráo Vô Thượng Bồ Đề.

8. Pháp Luân: tượng trưng cho bàn tay của Phật với ý pháp luân thường chuyển và đồng thời cũng biểu ý bát tướng thành tựu của Phật.

Nghi trượng dùng để Nghinh thỉnh trong Phật Giáo Bắc Truyền ngoài tính cách trang nghiêm pháp hội ra còn chứa đựng trong đó cả một hệ thống giáo nghĩa triết học của Phật Giáo, nhưng quan trọng nhất là sự nguyện cầu cho hết thảy chúng sinh đắc Vô Thượng Bồ Đề được hình tượng hóa và qua đó thể hiện được tính cách Đại Thừa Viên Giáo của Phật Giáo Bắc Truyền.