Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Lược sử về niên đại chùa Côn Sơn

Lược sử về niên đại chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn là tên gọi chính thức của một ngôi cổ tự tọa lạc tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

THỜI NHÀ TRẦN

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Tăng Bá Hoành, ban đầu chùa Côn Sơn có tên chữ là “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự” (chùa được trời ban phúc ở núi Côn Sơn), “Côn Sơn Tư Phúc tự” (chùa ban phúc ở núi Côn Sơn). Đến đầu thời Cảnh Hưng chỉ còn “Côn Sơn tự” (gọi theo địa danh núi Côn Sơn) [1]. Chùa còn có tên Nôm là chùa Hun, nhiều người tin vào cách giải thích cho tên gọi này như sau: trước đây khu vực này rừng núi rậm rạp, nhân dân thường vào đây đốn củi đốt than, khói bay mù mịt như hun, vì thế gọi là chùa Hun.

Giai đoạn cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV là thời kỳ hưng thịnh của triều Trần, Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới thời Trần nhưng vị thế của Thiền phái Trúc Lâm vẫn luôn được nhắc đến như xương sống trong văn hóa Việt Nam, mang tính thống nhất quốc gia và chi phối mạnh mẽ tới xã hội thời Trần. Có không ít những ngôi chùa gắn với Thiền phái này được Tăng Ni, Phật tử cả nước xem như những địa điểm tâm linh quan trọng, gồm: Yên Tử, Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa tháp Phổ Minh [2]. Trong đó, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn – Yên Tử – Quỳnh Lâm), các vua Trần thường ngự giá về thăm [3]. Ca dao có câu:

Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm

Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành.

Hệ thống văn bia chùa Côn Sơn cho biết khá rõ về lịch sử hình thành và phát triển của chùa. Bia niên đại Thiệu Phong thứ 17 (1357) (thác bản bia hiện lưu giữ tại viện Hán Nôm) có ghi: “Chùa Thiên Tư phúc Côn Sơn xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn là nơi danh lam cổ tích, là nơi trụ trì của sư tổ thứ 3 đời nhà Trần, sư nối pháp Huyền Quang Ma-ha tôn giả, chùa xưa được Trần Minh Tông cấp 1 vạn tờ điệp khống chỉ, người cúng tiền vàng kể đến hàng nghìn lưu truyền đến muôn đời”. Bia “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự” (崑 山 天 資 福 寺) thuộc nhà bia cuối dãy hành lang bên trái có niên đại Hoằng Định thứ 15 (1615) xác nhận “Côn Sơn là danh lam cổ tích có từ thời Trần…”.

Bên cạnh văn bia, sách Tam Tổ thực lục chép rằng: “Tháng 7 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khai Hựu thứ nhất (1329), sư (ý nói Pháp Loa) mở thắng cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn” [4]. Ở đây, chúng tôi tin vào dòng niên đại trong Tam Tổ thực lục vì nó được thị giả Trung Minh sao chép lại và đích thân đệ tử chân truyền là Huyền Quang khảo đính. Cùng với đó, dấu vết kiến trúc và di vật qua các lần điều tra thám sát, đặc biệt là cuộc khai quật khảo cổ học năm 2006 của Viện Khảo cổ học kết hợp với Ban quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã góp phần khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng lớn vào thời Trần [5].

Thiền phái Trúc Lâm có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, nên đã phải chịu cảnh thăng trầm sau khi triều đại này suy tàn. Vì vậy, sau khi Huyền Quang đệ tam tổ viên tịch, hệ thống truyền thừa không còn rõ ràng và phải đợi đến thời Lê Trung hưng mới khởi sắc trở lại. Hiện nay, chùa Côn Sơn còn một số thư tịch, văn bia ghi chép về quy mô các công trình kiến trúc tôn tạo xây dựng ở thế kỷ thứ XIII – XIV do thiền phái Phật giáo Trúc Lâm chủ trì. Chùa cũng còn lưu giữ nhiều di vật thời Trần như: ngói mũi sen, ngói tráng men, chân tảng, bia đá, tháp đất nung… Những di vật này minh chứng một thời vàng son của chùa Côn Sơn trong lịch sử. Chùa Côn Sơn trong giai đoạn thế kỷ XIII – XIV được triều đình, các bậc vương hầu, quý tộc và nhân dân hết lòng ủng hộ quan tâm. Côn Sơn bấy giờ đã trở thành một trong 3 trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

THỜI NHÀ HẬU LÊ VỀ SAU

Sang thế kỷ XV, triều Lê đưa Nho giáo thành quốc giáo. Sự phát triển của Nho giáo chuyển sang giai đoạn độc tôn, các chí sĩ đua nhau đi thi để ra làm quan. Vì vậy, Phật giáo trở thành thứ yếu, chùa chiền ít được các vương hầu quý tộc quan tâm. Tuy nhiên, chùa Côn Sơn vẫn có vị trí quan trọng. Năm 1439, vua Lê Thái Tông khôi phục các chức tước cho Nguyễn Trãi, trong đó ông có một chức danh là “Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự” tức là quản lý chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn) [6].

Bia Thanh hư động

Cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, Phật giáo phục hưng, các vua chúa, phi tần, quan lại đua nhau góp tiền, cúng ruộng, tham gia sửa chữa xây dựng chùa. Năm 1607, nhà sư trụ trì Mai Trí Bản cùng các hội chủ ở các phủ xa như: Khoái Châu, Thường Tín, Từ Sơn… đóng góp tiền của tu bổ nhiều công trình và hệ thống tượng Phật. Bia Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự dựng niên hiệu Hoằng Định 15 (1615) ghi: “Việc hưng công sửa chữa chùa của nhà sư họ Mai được tổng kết gồm có tôn tạo cây cửu phẩm liên hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, Hành lang trái phải đằng trước, Hành lang trái phải đằng sau, Tam quan, trùng tu Thượng điện, cộng đến 83 gian, làm mới các chư Phật trên cửu phẩm tới 385 vị, tạo mới tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn, 2 tượng hộ pháp thiện – ác, 1 tượng chủ núi, 3 tượng cô hồn, trùng tu tượng Phật trên thượng điện là 18 vị, sơn son thếp lại 3 vị tam thế, với tổng số đất đai ao hồ là 80 mẫu”.

Vào giữa thế kỷ XVII, chùa Côn Sơn dưới sự trụ trì của nhà sư Đỗ Công Triều tự là Huyền Chân Thiền sư (1653 – 1656) tiếp tục được tu sửa. Tấm bia dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) và Thịnh Đức 4 (1657) ghi: “Chùa Côn Sơn được sửa chữa đài cửu phẩm liên hoa, nhà Thiên hương…tạo ra một quy mô rộng lớn. Từ gác chuông cao chót vót đến Tiền đường, Hậu đường…đều nguy nga tráng lệ”. Toà Thượng điện hiện còn giữ được kết cấu kiến trúc của bộ vì kèo ở thế kỷ XVII, trên thanh xà nối hai vì nóc gian giữa còn dòng chữ “Thánh triều hoàng đế tuế thứ Quý Tỵ xuân… cốc nhật tạo”. Có lẽ là năm Quý Tỵ (1653) mà bia Thịnh Đức nguyên niên đã ghi lại. Như vậy ở thế kỷ XVII, chùa Côn Sơn được các quan lại, tầng lớp quý tộc và nhân dân xa gần hưởng ứng cung tiến tu sửa và mở rộng. Vì vậy, quy mô chùa rất khang trang, rộng lớn.

Sang thế kỷ XVIII, chùa Côn Sơn vẫn được sự quan tâm công đức lớn lao của nhân dân cả nước về nhân tài, vật lực, nên quy mô và diện mạo thời kỳ này vẫn giữ dáng vẻ tôn quý. Bia Khôi tạo trùng tu Phật tổ Côn Sơn tư phúc tự dựng năm vào niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) ghi nhận việc Thiền sư Hải Ấn về trụ trì đã có nhiều tu bổ như: “… Sùng hưng xây dựng Đăng Minh bảo tháp trông tựa ngọc báu…”. Cùng với đó là “…trùng tu, chỉnh đốn bảo điện, dao dài đông đúc, lầu chuông gác phẩm, chênh vênh đối chiếu, sừng sững tương vọng”, hay “…lại sửa chữa hậu đường, giải vũ nguy nga cùng 2 bên tả hữu hành lang, trùng tu lại cửu phẩm liên hoa như hòn ngọc biếc, tô lại hơn 300 tượng pháp, làm mới tượng Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai, sơn thếp lại các pho tượng Phật cùng bảo toà tam vị thánh tổ Hoàng kim lấp lánh, công nghiệp vẹn toàn, chuộc lại ruộng ở Đồng Lỗi…”.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tục nổi dậy, như: Khởi nghĩa Bãi sậy, Đốc Tít… dẫn tới khu vực Côn Sơn – Chí Linh trở thành chiến địa. Chùa Côn Sơn cũng như bao công trình kiến trúc tôn giáo khác đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, không còn là nơi đô hội như xưa. Vì hoàn cảnh ấy, các công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa Côn Sơn bị xuống cấp và dần mất đi trong giai đoạn này. Sang đầu thế kỷ XX, vào năm Khải Định Tân Dậu (1921), nhà tổ chùa Côn Sơn đã được tu bổ lại như ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Côn Sơn là nơi hoạt động của du kích địa phương và là một cứ điểm quan trọng của chiến khu Đông Triều (Hoàng Hoa Thám). Thực dân Pháp nhiều lần đem quân về càn quét đốt phá khu vực này. Côn Sơn trở nên xơ xác tiêu điều. Năm 1947, chùa bị pháo giặc ở Phả Lại bắn phá huỷ toà tiền đường và hầu hết các công trình kiến trúc, hệ thống tượng pháp, đồ thờ… Chùa lúc này bị bỏ hoang, không ai trông nom. Nhà sư trụ trì mất, cỏ dại mọc vào tận sân chùa. Chùa Côn Sơn như một phế tích. Khi hoà bình lập lại, Đảng – Nhà nước và nhân dân quan tâm thu dọn, trông nom tu bổ lại. Nhưng đất nước vừa qua cơn binh lửa kéo dài nên việc tu bổ chưa được bao nhiêu.

Sau kháng chiến chống Pháp, nước ta lại bước vào giai đoạn chống Mỹ. Nhiều nhà sư trong đó có sư trụ trì chùa Côn Sơn đã bỏ áo cà sa hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước vẫn khắc phục khó khăn để tu bổ chùa. Năm 1962, chùa Côn Sơn được tôn tạo lại, toà tiền đường hiện nay nguyên là ngôi đình ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn đưa về thay thế. Trong những năm tháng chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Côn Sơn ngày 15/2/1965. Người căn dặn nhân dân hãy “xây dựng Côn Sơn thành chốn tùng lâm đẹp của đất nước”. Từ năm 1968 đến 1972, Ty Văn hoá Thông tin và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Hưng đã di chuyển một số pho tượng và đồ thờ ở các chùa khác về thờ trên Tam bảo chùa Côn Sơn như ngày nay. Năm 1994, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định thành lập Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc với nhiệm vụ bảo vệ tôn tạo, phát huy toàn diện khu di tích. Ngày nay, chùa Côn Sơn vẫn được sử dụng đúng chức năng là công trình tôn giáo phục vụ đời sống tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo người dân địa phương nói riêng và người dân trong cả nước nói chung.

Phạm Thanh Long, Hồng Lượng

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Phạm Thanh Lâm, hiện đang công tác tại Bảo tàng Quảng Ninh.

[1] ] Tăng Bá Hoành (1980), Tháp Đăng Minh ở Côn Sơn (Hải Hưng), In trong Tạp chí Khảo cổ học (số 1 năm 1980), tr.80.

[2] HT.TS. Thích Thanh Nhiễu (2019), Vai trò đặt nền tảng cho giáo hội Trúc Lâm của Trần Nhân Tông và bài học lịch sử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, In trong Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.335.

[3] Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, tr.190.

[4] Thích Phước Sơn dịch và chú giải (1995). Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.30.

[5] Nguyễn Khắc Minh (2009), Khai quật chùa Côn Sơn (Hải Dương), In trong Tạp chí Khảo cổ học (số 6 năm 2009), tr.55-63.

[6] Đinh Khắc Thuân (2002), Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình Nhà Lê, Tạp chí Hán nôm (số 4 năm 2002), tr.21.