Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Lùi bước chính là đang tiến lên

Lùi bước chính là đang tiến lên

512

Hai chiếc xe Honda chở chúng tôi nhập vào dòng xe cộ đang hối hả nối đuôi nhau trên đường số 5 (Hà Nội – Hải Phòng). Qua khỏi phố núi khoảng mười cây số, chúng tôi bắt đầu đi trên những đoạn đường làng quê để về thôn Đào Xá.


Lâu lắm tôi mới được ngắm lại phong cảnh đồng quê. Những cơn mưa đã làm cho khí trời mát mẻ dễ chịu. Những đám ruộng hai bên đường ngập nước, những người nông dân đang lom khom cấy lúa. Một chút bất như ý vừa thoáng qua trong tôi đã liền tan biến. Một chút bất tiện của mình lại là niềm hoan hỷ của bao nhiêu người!


Nhìn những người dân quê đang lùi dần, tay thoăn thoắt cắm xuống những cây mạ non và những đám ruộng cấy xong dần hiện ra trước mắt, tôi bỗng nhớ đến bài thơ của Thiền sư Vô Đức:


Cầm bó mạ non cấy xuống ruộng,
Cúi đầu liền thấy trời trong nước,
Thân tâm thanh tịnh mới là đạo,
Lùi bước chính là đang tiến lên.


***


(Bả thủ thanh ương sáp mãn điền,
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên.
Thân tâm thanh tịnh phương vị đạo,
Thối bộ nguyên lai thị hướng tiền).


Nguyên do bài thơ này như sau:


Một học Tăng ở chùa Long Hổ đang cố vẽ lên bức tường trước chùa một bức họa rồng và cọp vồ nhau nhưng vẽ mãi vẫn không đạt. Trong bức họa rồng ở trên mây lượn vòng xuống dưới, còn cọp ngồi xổm trên ngọn núi trong tư thế vồ về phía trước. Đang loay hoay với bức họa thì Thiền sư Vô Đức từ bên ngoài trở về, học Tăng liền xin ý kiến của thiền sư.


Khi phân tích bức tranh, Thiền sư Vô Đức đã chỉ cho các học Tăng thấy rõ những chi tiết chưa phù hợp với tính cách của rồng và cọp. Rồng muốn tấn công thì không phải giương đầu ra mà là phải rút về phía sau. Cổ rồng thụt về sau thì sức quật tới càng mạnh. Hổ muốn nhảy lên cao thì đầu phải hạ sát đất. Đầu cọp càng hạ sát đất thì khả năng phóng tới càng mạnh, càng cao.


Nhân đó ngài cũng đã dạy chúng học Tăng một bài pháp ngắn: “Làm người xử sự với nhau và đạo lý tham thiền tu đạo cũng giống như thế, lùi lại về sau thì khả năng tấn công về trước càng xa, sau khi phản tỉnh khiêm nhường thì năng lực vươn lên càng cao”. Và ngài đã đọc cho những người hiện diện bài thơ đầy thiền vị trên.


Bài thơ tuy chỉ có bốn câu nhưng thật thâm thúy. Tâm thanh tịnh thì Phật tánh hiện, như bầu trời cao rộng mênh mông hiện ra trong mặt nước phẳng lặng trong xanh.


Trong cuộc sống chúng ta cần phải biết hướng về phía trước, hướng về một tương lai tươi đẹp, sáng sủa, nhưng điều quan trọng là phải biết nhún nhường, khiêm hạ và đôi khi cũng phải biết bước lùi một bước. Người thiếu tính khiêm cung thì khó có được sự cảm mến của mọi người chung quanh. Lúc nào cũng muốn vươn lên cao, không biết thu mình chờ đợi là người thiếu khôn ngoan. Giống như rồng và cọp khi đấu với nhau thì phải biết tiến lùi đúng lúc, khi cần cao thì phải giương cao, khi cần thấp thì phải biết hạ thấp.


Tuy đơn giản nhưng đây chính lại là điều nhiều khi rất khó thực hiện trong cuộc sống.


Có khi phải lấy lùi làm tiến. Như người thợ cấy, lùi bước để cho đám mạ non được đều hàng thẳng tắp.


Lùi lại để lấy đà tiến lên cũng chính là việc biết ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ. Hàn Tín ngày xưa nếu không biết thu mình lại trước một kẻ thất phu thì làm sao có thể được Lưu Bang làm lễ đăng đàn bái tướng!


Trong việc tu học cũng lại như thế. Người tu cần phải tham cứu đến nơi đến chốn, không nên có tâm kiêu ngạo, tự tôn. Người tu nếu không biết có những lúc phải ngồi yên, soi rọi lại chính mình mà lúc nào cũng muốn hướng ra ngoài, vươn lên trước thì làm sao hoàn thiện được nhân cách của người tu, đạo nghiệp làm sao thành tựu!


Trước khi muốn đi xa thì phải chuẩn bị hành trang thật chu đáo và đầy đủ, nếu không chuyến viễn hành sẽ khó có được kết quả như ý. Nếu chưa được chuẩn bị kỹ càng mà ta vội lên đường thì có khi phải bỏ cuộc nửa chừng. Thật chẳng đáng tiếc lắm sao!


Đang miên man suy nghĩ thì xe chở chúng tôi đã đến chùa. Trong sân chùa, những người Phật tử, hầu hết là những người dân quê chất phác thuần hậu, đang chờ đón chúng tôi. Và ngoài những đám ruộng kia cũng có những người Phật tử đang lom khom cấy mạ.