Phật giáo Phú Xuân vốn nổi tiếng với hệ thống nghi lễ phong phú, đặc sắc, bao gồm cả nghi thức và lễ nhạc cùng tồn tại song song với lễ nhạc cung đình Huế (nhã nhạc Huế). Ngoài những bài bản thuộc nhã nhạc tấu trong nghi lễ còn có những bài bản hoà tấu theo các bài tán tụng mang nét đặc trưng của nghi lễ Phật giáo Huế, những bài ca khúc trong văn nghệ Phật giáo được viết lời theo các bài bản thuộc nhã nhạc hay những làn điệu thuộc dòng ca Huế cổ truyền.
Những thập niên 50 – 70 của thế kỷ XX là một thời kỳ huy hoàng của nhã nhạc cung đình, âm nhạc truyền thống với giọng hát của các danh ca như: Quế Trân (đã qua đời), Bích Liễu (đã qua đời), Bích Lài (ở TPHCM), Thanh Hương (Huế), Vân Phi (Huế)… và những danh cầm nghệ nhân: Nguyễn Kế (đã qua đời), Vĩnh Phan, Vĩnh Lộc, Nguyễn Hữu Ba (đã qua đời), Trần Kích (Huế), Cao Hữu Ông (đã qua đời). Chính trong giai đoạn này các ca khúc Phật giáo mang âm hưởng nhã nhạc truyền thống lần lượt xuất hiện.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng”. (Ảnh: TL)
|
Theo năm tháng, hiện nay trên đất Huế, số nghệ sĩ còn biết các ca khúc Phật giáo mang âm hưởng giai điệu ấy không còn nhiều. Đến nay vẫn còn lưu truyền ở Huế một số ca khúc Phật giáo được viết theo thể loại âm nhạc truyền thống Huế đã được sưu tầm và trình diễn với nghệ sĩ Minh Mẫn – một người có thể gọi “báu vật”. Tuy tuổi đã ngoài 80 nhưng nghệ sĩ Minh Mẫn còn có thể ca được tất cả bài ca thuộc dòng ca Huế cổ: Nam xuân, Quả phụ, Cung nam, Phú lục, Nam ai, Nam bình, Tứ đại, Cổ bản… và các điệu lý xưa: Vọng phu, Sáo quảng, Bốn cửa quyền… hò vè và các bài bản thuộc nhã nhạc: Ngũ đối thượng, Long ngâm và mười bản ngự (Phẩm tiết, Nguyên tiêu…).
Nhạc cung đình Huế xưa kia bao gồm nhiều thể loại như: Giao nhạc dùng trong lễ Tế giao, Miếu nhạc dùng trong lễ tế miếu, Ngũ tự nhạc dùng trong các cuộc tế lễ Thần Nông, Thành Hoàng, Xã Tắc. Đại triều nhạc dùng trong những dịp lễ lớn, Thường triều nhạc dùng trong các lễ thường triều, Yến nhạc dùng trong các cuộc yến tiệc lớn trong cung đình và Cung nhạc phục vụ trong nội cung.
Múa cung đình Huế cũng có nhiều điệu được sử dụng vào những dịp khác nhau. Cho đến nay còn tồn tại 11 điệu múa cung đình trong đó đặc sắc nhất là “Lục cúng hoa đăng” gồm lễ dâng hương, hoa, đèn và nến, trà, quả theo sáu khúc tấu dùng trong các ngày lễ vạn thọ (sinh nhật vua), thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi).
“Lục cúng hoa đăng” có nguồn gốc từ một điệu múa dùng trong nghi lễ Phật giáo, với các điệu múa hoà trong lời hát cùng ánh đèn hoa lung linh mờ ảo tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy. Theo công trình nghiên cứu của ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, vũ khúc Lục Cúng có từ thời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Hằng năm khi vụ mùa được bội thu, tại các chùa lớn thuộc các hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín – các nơi thờ Phật Tứ Pháp – những lúc có tổ chức các lễ lớn đều biểu diễn vũ khúc này để dâng hương, hoa, đèn, trà, quả, thực lên Tam Bảo.
Đến thời Minh Mạng (1820 – 1840), vua sai Viện Hàn lâm học tập, tiếp nhận và sửa lại vũ khúc này. Cái tên “Lục cúng hoa đăng” chính thức có từ thời ấy. Như vậy, “Lục cúng hoa đăng” từ tính chất vốn có của nó là một loại hình âm nhạc tôn giáo đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình. Tuy hình thức có sự cải biên, song điệu múa “Lục cúng hoa đăng” vẫn được trình diễn với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người được thái bình, hạnh phúc, an lạc. Cũng tương tự như vậy, trong âm nhạc cung đình Huế còn có điệu múa “Đấu chiến thắng Phật” dùng trong các lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ.