“Họ tới rồi! Họ tới rồi!” một hướng dẫn viên du lịch reo lên qua chiếc loa anh đang cầm. “Mau lên! Mau lên!”
Các thầy tu xuất hiện, trong bộ áo chùng màu nghệ, lặng lẽ rảo bước, tay cầm những chiếc thố khất thực; còn đám du khách hiếu kỳ xúm quanh họ, lia lịa bấm máy ảnh.
Luang Prabang là cố đô cổ chìm trong sương mù, giữa núi rừng heo hút của miền trung nước Lào, với khoảng 40 miếu mạo đền chùa được xây dựng từ những triều đại khác nhau. Mãi cho tới gần đây, nơi này còn là một trong những dấu tích nguyên sơ của văn hoá truyền thống trong khu vực. Nhưng giờ đây, Luang Prabang đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc, tính nguyên sơ và ý nghĩa văn hoá.
Cũng như nhiều địa danh văn hoá tương tự khác trên thế giới, cố đô 700 năm tuổi này đang dần hẹp trước quá trình hiện đại hoá. Nhà cửa biến thành nhà nghỉ, quán ăn, quầy lưu niệm và hiệu massage. Các nghi lễ truyền thống trở thành các màn trình diễn phục vụ khách du lịch.
Nithakhong Somsanith, một nghệ nhân thêu chuyên bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, thể hiện sự thất vọng: “Giờ đây du khách ngồi trên xe buýt xem các tăng lữ như người ta xem khỉ hay trâu. Các thầy tu không còn nơi nào đủ tĩnh lặng để thiền định.” Sự thanh bình vốn có nơi cố đô cổ Luang Prabang đang dần biến mất.
Luang Prabang đã được Unesco công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1995, và hệ thống quy định nghiêm ngặt đối với việc cải tạo, nâng cấp và xây mới đã giúp gìn giữ những con phố, công trình kiến trúc nhỏ và mật độ giao thông thưa thớt của nơi này trong suốt nhiều năm. Quang cảnh cố đô không bị phá hỏng bởi những toà nhà cao tầng.
“Vấn đề là ở chỗ họ mới chỉ chăm chút cho phần cứng, chứ không phải phần mềm: văn hoá,” ông Gilles Vautrin, chủ một nhà hàng Pháp đã sống ở đây gần một thập kỷ qua, nói. “Một thành phố của bảo tàng, của khách sạn. Du khách có thể thích thú, nhưng đó không còn là Luang Prabang như trước đây nữa.”
Vẫn là nghi lễ khất thực vào mỗi sáng sớm, nhưng giờ đây, khi xuống đường chính, đường Sisavangvong, các thầy tu phải lách qua đám đông khách du lịch và người bán hàng rong, giữa tiếng mua bán huyên náo.
Tuy nhiên, hạn chế khách du lịch cũng như những tác động của du lịch đến thành phố này không phải vấn đề đơn giản đối với các cơ quan quản lý của một trong những nước nghèo nhất châu Á, nơi ngành du lịch là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng.
Nhưng nếu không có các biện pháp kiểm soát “cơn lốc” thay đổi này, Luang Prabang có thể trở thành một thành phố du lịch như bao địa danh khác trên thế giới, nơi tràn ngập biển hiệu quảng cáo nước ngọt, nơi âm thanh của các chuyến xe buýt chở khách du lịch át đi tiếng cầu kinh.
Ngày nay, nhiều người dân địa phương do không gánh nổi chi phí sinh hoạt trong bối cảnh giá cả leo thang đã phải cho thuê nhà làm nhà nghỉ và nhà hàng để chuyển ra ngoài thành phố sống.
Anh Vilath Inthasen, 25 tuổi, là một người gốc Luang Prabang, đã có 8 năm làm thầy tu, nhưng hiện làm quản lý một tiệm cá phê phục vụ khách du lịch. “Nếu bạn là một tăng lữ, bạn có thể học tíeng Anh và làm du lịch. Hầu hết những người làm việc trong các nhà hàng trước đây đều là tăng lữ.”
Không thể phủ nhận rằng những thay đổi chóng mặt đó đem đến cho người dân địa phương công ăn việc làm và thu nhập, nhưng bản sắc văn hoá nơi đây đang bị phá huỷ.
“Giờ đây các quán bar mở tới tận nửa đêm – điều hiếm thấy trước đây ở Lào,” anh nói.
Việc mất đi bản sắc văn hoá là điều phải lưu tâm, vì Luang Prabang không chỉ đơn giản là một công trình kiến trúc như các ngôi đền ở Angkor, Campuchia. Ông Laurent Rampon, nguyên kiến trúc sư trưởng, giám đốc trung tâm bảo tồn văn hoá Luang Prabang, nói: “Không có gì thực sự nổi bật ở Luang Prabang. Khi bạn nhìn vào các công trình kiến trúc, bạn thấy chúng thú vị, nhưng rất bình thường, không có gì đặc biệt. Đền chùa không nguy nga tráng lệ. Cái thực sự làm nên nét hấp dẫn của Luang Prabang là tất cả mọi thứ cộng lại. Không khí của một kinh đô cổ, cuộc sống thường nhật lặng lẽ, đền chùa miếu mạo và giới tăng lữ.”
Một trong những thứ đó mất đi sẽ làm mất không gian văn hoá của Luang Prabang.
Nghịch lý ở đây là Unesco đã trao cho Luang Prabang danh hiệu Di sản văn hoá thế giới để phần nào giúp nơi này thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng giảm nghèo cũng là giảm di sản. Chính quyền địa phương thực sự đang loay hoay giữa việc phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá.