Em rất thích đến lớp
Từ sáng sớm, chúng tôi về chùa Hương Lan để dự buổi lễ khai giảng năm học mới của lớp học tình thương 2010-2011. Chỉ cách quốc lộ 6A khoảng 100m nhưng những tiếng còi xe, sự ồn ào của đường phố đã bị ngăn lại bằng một không gian thanh tịnh với vườn cây trái xum xuê quả.
Những em học sinh đến chùa học chủ yếu là những em khuyết tật, bị mắc các căn bệnh như thiểu năng trí tuệ, câm, điếc, đao, bệnh tự kỷ, không có khả năng học tại các lớp học bình thường.
Sư thầy Thích Đàm Tiền trao quà và đèn ông sao cho các “con” khuyết tật tại lớp học tình thương. |
Sư thầy Thích Đàm Tiền trụ trì chùa Hương Lan nói về những ngày đầu thành lập lớp học tình thương: “Năm 2007, cô Hòa là giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn gặp nhà chùa và nói, tại trường có một số em học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà học hành sa sút, không theo kịp những em cùng lớp và một số em khuyết tật không thể theo học tại trường được. Từ đó tôi bàn với cô Hòa và cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thoan mở một lớp học tại chùa, dạy phụ thêm vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần do cô Hòa phụ trách. Lớp học ban đầu có 27 em học sinh học lực yếu và 6 em khuyết tật. Chỉ sau một năm, 27 “con” đã theo kịp các bạn và đã trở về lớp. Từ đây, những gia đình có con em bị khuyết tật trong xã rồi đến những em không may mắn trong huyện đã đưa con em mình tới chùa để xin học. Số lượng các “con” đến xin học tăng theo từng năm: Năm 2007 chỉ có 6 “con”, năm học 2008-2009 là 31 “con”, năm học 2010-2011 này lên đến 38 “con” ở 8 xã trong huyện theo học tại chùa”.
Hiện nay lớp học có 38 em học sinh, tuổi từ 6 đến 25, được chia làm ba nhóm. Nhóm một là các em tiếp thu tạm được bài, nhóm hai là những em không nói được, không đi được, nhóm thứ ba là những em không có khả năng tiếp thu đến lớp để được sinh hoạt tập thể, giúp các em hòa đồng với các bạn cùng cảnh.
Em Tố Thị Tư đang theo học chương trình lớp 2 khoe: “Em rất thích đến lớp, thứ bảy, chủ nhật nào mẹ cũng đưa em đến lớp. Em được sư thầy và cô giáo dạy tập đọc, tập viết và em được học hát nữa…”.
Đặc biệt, chúng tôi được trò chuyện với hai em Xuân và Miền, năm nay đã 24 tuổi, đều bị câm bẩm sinh, đã theo học tại lớp tình thương từ ngày lớp mới thành lập. Từ không biết chữ, đến nay các em có thể viết nhanh, với những nét chữ khá tròn. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cách trình bày tỉ mỉ tới cả dấu chấm, dấu phẩy của hai em.
Những tấm lòng Bồ Tát
Để duy trì được lớp học tình thương trong suốt ba năm qua là sự cố gắng và tình thương của sư thầy Thích Đàm Tiền, sư bác Thích Tịnh Hậu cùng các cô giáo của Trường Tiểu học Đông Sơn, Trường THCS Thanh Bình, Trường THCS Trung Hòa, huyện Chương Mỹ. Các cô đã dành những ngày nghỉ bên gia đình để đến lớp với những em khuyết tật bằng cả tấm lòng, tình thương không một chút tư lợi cho bản thân.
Không thể kể hết những khó khăn, vất vả mà các cô đã theo lớp trong suốt ba năm qua. Cô Lê Thị Hòa, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Đông Sơn, được các em học sinh lớp tình thương gọi với tên thân mật “Mẹ hiền Bồ Tát”. Dạy những em học sinh bình thường đã vất vả, khi dạy những em khuyết tật còn vất vả gấp nhiều lần.
Cô Hòa tâm sự: “Thật sự là rất khó khăn. Mình không có nghiệp vụ sư phạm với các con khuyết tật nên mỗi ngày dạy phải rút kinh nghiệm, phải kiên trì, mềm mỏng, thậm chí phải dỗ dành chứ không được cáu giận”. Khi được hỏi việc dạy trên lớp đã mệt, ngày nghỉ cô lại đến chùa dạy thì còn thời gian đâu cho gia đình? Cô Hòa cười, nói: “Mình rất may mắn là chồng và gia đình nhà chồng rất ủng hộ, tạo điều kiện cho mình”.
Không chỉ các cô giáo tham gia dạy các em mà sư thầy và sư bác cũng tham gia dạy và chơi cùng các con. Sư bác Thích Tịnh Hậu tâm sự: “Nhiều con tới đây chỉ để chơi cho hòa đồng với các bạn, mình phải dỗ dành, chăm sóc đến cả việc vệ sinh cá nhân vì chúng không ý thức được việc đó. Có những con nhà cách chùa tới cả chục cây số, nhà chùa lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các con buổi trưa tại chùa để đỡ vất vả cho các con và gia đình”.
Khi được hỏi về mong muốn của nhà chùa, sư thầy Thích Đàm Tiền tâm sự: “Thật sự đến lúc này nhà chùa cũng khó khăn, chỉ mong sao có được một đến hai suất tiền chỉ vài trăm nghìn một tháng để hỗ trợ cho các cô giáo có hoàn cảnh khó khăn để các cô đỡ phần vất vả, có thể duy trì và phát triển được lớp học”.