Trang chủ Đời sống Tâm sự Lời với một người bạn trước khi ra đi

Lời với một người bạn trước khi ra đi

115

M. thân mến,


Kính thưa các vị bằng hữu và thân nhân của người đã mất,


Kính thưa quý vị quan khách,


 


Các bạn thân mến,


 


Cách đây khoảng 4 tuần chúng tôi đến thăm Anh tại bệnh viện. Khi chúng tôi ra về, nước mắt Anh chảy tràn trên má. Hôm nay Anh ra đi, nước mắt chúng ta chảy tràn trên má. Tình thương là thứ chất liệu, thứ nối liền chúng ta trong cuộc đời, thứ nối liền chúng ta giữa những cuộc đời.


 


Chính tình thương nà là cái cho tôi nguồn can đảm, đọc một bài điếu văn ngắn trước quý vị. Đối với Anh, tôi muốn nói chuyện với tính cách là một người bạn, nhưng thật riêng tư thôi. Những điều mà tôi trình bày sau đây thật là khác thường, ngay cả đối với người Việt Nam. Vì tôi sẽ nói với tính chất của một người Phật tử với một người bạn vừa mới mất. Và vì là Phật tử, thâm tâm tôi tin rằng, Anh vẫn còn nghe và còn hiểu những gì tôi nói.


 


Bạn D thân mến. Cách đây khoảng 35 năm tôi nhận được một lá thư từ xứ Huế miền Trung xa xôi của chúng ta. Lá thư này của một người bạn học cũ. Trong thư có đoạn: “… một người em họ của tôi sắp qua Đức, hãy lo cho hắn một chút…”. “Người em họ” đó chính là Bạn!


 


Thế nhưng chẳng bao lâu sau tôi chẳng cần phải “lo” cho bạn gì cả. Bạn sớm trở thành một người đàn ông với trí thông minh cao độ, với một năng lực tươi trẻ, với một sự quyết tâm mạnh mẽ, nhưng cũng với một quan niệm sống nhuốm đầy tính chất lý tưởng. Trong khoảng thời gian cuối những năm sáu mươi đến đầu những năm bảy mươi, Bạn đã làm những điều mà tất cả chúng ta đều làm, đó là một mặt học hành và hội nhập vào xã hội Đức, mặt khác luôn luôn hoạt động tích cực cho đất nước chúng ta, vốn đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Cả hai bổn phận Bạn đã thực hiện một cách trọn vẹn vì Bạn vốn là loại người dấn thân, không bao giờ từ nan trước trách nhiệm nào cả.


 


Với thời gian, Bạn đã trở thành một nhà khoa học xuất sắc. Tôi đã mạn phép đọc lại bài diễn văn của giáo sư Grobe nhân dịp lễ kỷ niệm 25 năm làm việc của Bạn, được tổ chức cuối năm 2002. Tôi hãnh diện về Bạn. Bạn cũng đã xây dựng một gia đình hạnh phúc và là một người chồng đáng yêu. Đối với tất cả mọi người, dù là đồng nghiệp người Đức hay bạn bè Việt Nam, Bạn luôn luôn là một bằng hữu xứng đáng. Thế nhưng Bạn cũng có nhiều thất vọng và nỗi cay đắng. Những ước mơ của Bạn cho đất nước chúng ta không được thực hiện trọn vẹn. Nhưng chính những nỗi niềm thất vọng của Bạn là bằng cớ của một trái tim yêu thiện mỹ. Vì rằng, đối với những mục đích cao đẹp như sự phát triển của thế giới chúng ta, viễn tượng của đất nước chúng ta, tương lai của con em chúng ta… hẳn mỗi người với một trái tim đầy nhiệt huyết phải có hy vọng, chờ mong, viễn ảnh và do đó mà cũng có những nỗi thất vọng. Bạn đã là một con người như thế.


 


Hình như vì những niềm thất vọng hữu lý đó mà Bạn đã rút lui. Tôi đã nghĩ như thế vì tôi chẳng nghe tin tức gì của Bạn nữa. Thế nhưng vào một ngày tháng Giêng năm nay, trong điện thoại bỗng vang lên tiếng nói của Bạn, thứ tiếng với âm sắc không ai có thể lầm lẫn của xứ Huế chúng ta. Bạn đã gọi cho tôi. Thế là sau 30 năm chúng ta lại nói chuyện với nhau.


 


Bạn giải thích tại sao lại gọi cho tôi. “Vì tôi đọc một bài của anh. Tôi hết sức xúc động khi đọc bài đó mà tôi phải gọi cho anh”. Trong bài này, tôi viết về cuộc đời của một vị Ni sư và cái chết của bà trước đó không lâu. Cuộc nói chuyện này đã cho tôi thấy hai điều: một là, trước sau bạn vẫn có một trái tim nồng ấm, nó sẵn sàng đập nhanh hơn vì cái thiện, cái mỹ, cái lý tưởng; hai là, trong thời gian qua Bạn có một tâm hồn tôn giáo và có quan tâm to lớn với đạo Phật.


 


Thế là mối liên hệ giữa chúng ta đã được nối lại, như thể chúng ta luôn luôn gần với nhau. Ngày 30-4 năm nay bạn gửi cho tôi cuốn Politik des Herzens của Geseko von lupke. Đây là một món quà quý giá với một loạt những sáng kiến, tư duy, viễn cảnh, phương thức… rất hay cho loài người của thế kỷ thứ XXI. Với nó, tôi đọc được tâm hồn của Bạn: Trước sau thì bạn vẫn là một nhà khoa học nhưng đang đảm nhận một cấu trúc nào đó của vũ trụ. Tâm hồn tôn giáo của Bạn thể hiện trong điều này, điều mà tôi rất quý trọng và liên tưởng đến con người vĩ đại Max Planck. Nhưng rõ ràng nhất là trái tim nồng ấm của Bạn làm người ta phải khâm phục. Tôi tính là sẽ cùng Bạn dịch cuốn sách này ra Việt ngữ. Bạn cũng đã đồng ý. Nhưng bây giờ đã quá trễ.


 


Bốn tuần sau khi nhận món quà quý báu đó, tôi nghe Bạn lâm trọng bệnh “không thể cứu chữa”. Trong tháng Sáu, tôi viết thư cho Bạn và gửi theo thư bốn câu kệ trong kinh Kim Cương của Phật. Ngày 15-6, Bạn viết trả lời tôi như sau: “… Món quà quý anh tặng tôi là những câu kệ của kinh Kim Cương… Kể từ đầu năm nay tôi bắt đầu liên lạc với bạn bè và đọc lại sách vở tiếng Việt. Tới nay thì tôi liên lạc nhiều với Cung, với Cầu và với anh. Và bây giờ thì tôi bị bệnh. Dường như tất cả đã định sẵn. Khi bác sĩ nói thật cho biết bệnh tình của mình, tôi không hốt hoảng gì cả mà yên lặng lắng nghe. Sau 27 năm nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thiết bị NMR và thực tập cho sinh viên trẻ, tôi thấy đã mệt, vì anh biết rồi, tôi làm cái gì thì làm rất hăng say. Cho nên bây giờ tôi muốn dần dà rút lui. M cũng muốn cùng với tôi có một cuộc sống yên tĩnh hơn…”. Ngày 20-7, Bạn còn gửi cho tôi một tấm thiếp và hẹn gặp lại nhau sau 30 năm xa cách trong dịp đám cưới của hai bạn Tâm và Tấn. Thế nhưng cuối cùng bạn không đến được.


Trái tim đầy thương yêu và nồng ấm của Bạn không còn đập nữa. Bây giờ, vì Bạn quý trọng các câu kệ trong kinh Kim Cương, tôi xin đọc lại, trước hết bằng tiếng Việt:


 


“Tất cả pháp hữu vi


Như mộng, huyễn, bào, ảnh


Như sương sa, như điển chớp,


Cần phải quán như vậy”


 


Tiếng Đức:


“Alles unterliegt dem Gesetz der Vernderung, einem Traum, einem Phantom, einer Luftblase, einem Schatten, einem Wolkenstuck gleich, wie der Tau des Morgens oder das Zucken des Blitzes:;


in dieser Weise sollter ihr anschauen und kontemplieren”


 


Nơi đây từ “Tất cả pháp hữu vi” có nghĩa là toàn thể thế giới hiện tượng, kể cả thân Bạn và dòng tâm thức của Bạn. Thế nhưng sự khác biệt giữa “thân” và “dòng tâm thức” là, cái thứ hai (dòng tâm thức) vốn cũng đổi thay nhưng có tính liên tục, còn thân thì không. Giấc ngủ là đứa em nhỏ của cái chết (tục ngữ Đức). Thế thì cái chết chỉ là người anh của giấc ngủ. Thân có thể chết, nhưng dòng tâm thức vẫn tồn tại và đợi đến lúc nào đó sẽ hình thành một thân mới. Đó là nguyên lý của cái gọi là sự tái sinh trong đạo Phật.


 


Thân giống như giấy, mực của một cuốn sách. Không có giấy mực thì đành là không có cuốn sách, tức là chuyên chở những tư duy, sáng kiến, viễn cảnh, phương thức… Sự so sánh này xem ra thật là bất thường, thậm chí chướng kỳ, nhưng ở đây nó rất đúng. Đời của chúng ta là như một cuốn sách. Điều quan trọng nằm nơi nội dung, nơi những thông tin, nơi những nhắn gửi, thông điệp, nơi tác động của nó lên độc giả…, chứ không quan trọng lắm cuốn sách gồm bao nhiêu trang giấy. Cũng như thế, đời Bạn có thể ngắn ngủi, nhưng nội dung và thông điệp của đời Bạn là sắc sảo và đáng quý trọng. Như một bức điện tín chứa một tin vui. Tấm giấy điện tín có thể bị xé rách, nhưng thông điệp, cái “hồn” của bức điện vẫn tác dụng tiếp tục. Và tất cả những gì có tác dụng là có thực tại. Bạn đang trải nghiệm ngay bây giờ đây cái thực tại đó. Tất cả các thực tại đều bình đẳng. Đó là vài nét của vũ trụ quan Phật giáo.


 


Số phận muốn rằng, tôi cùng đi với Bạn trong những tháng đầu tiên và những tháng cuối cùng của đời Bạn sống tại Đức. Còn ba mươi năm ở giữa hai giai đoạn đó thì hóm hỉnh thay, không có gì cả. Hôm nay tôi vui lòng cùng đi với Bạn những bước cuối cùng. Xuất phát từ lòng yêu thương và kính trọng đối với một con người như Bạn, theo niềm tin của chúng ta, tôi gọi lớn: “Bạn thân mến, thân vật chất chỉ như là bọt nước, như áng mây. Hãy nhìn về phía trước và đi tới. Hãy đi, đi không hối hận, không tiếc nuối. Hãy đi với một tâm thức trong sáng qua những bờ bến khác, qua những thế giới khác, qua những quốc độ khá, nơi mà Bạn sẽ trải nghiệm sự sống sáng tỏ hơn nữa, kinh nghiệm phong phú hơn nữa, sâu thẳm hơn nữa, với nhiều cảm khái hơn nữa, với nhiều minh triết hơn nữa, với nhiều tác đọng hơn nữa…”. Tôi cúi đầu lạy Phật. Cầu Chư Phật sẽ gia hộ cho Bạn. Bạn D thân mến. Chúng tôi xin chào Bạn. Hãy lên đường và hẹn gặp lại (8-10-04).