Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Lời tự chúc chính mình

Lời tự chúc chính mình

88

Trẻ con quần áo mới. Người lớn lo nấu nướng cỗ bàn và trang trí nhà cửa. Đối với phần lớn người Việt mới chỉ khoảng nửa thế kỷ trước thôi, tranh treo trong nhà cũng có nghĩa là phải vào dịp Tết. Chưa có khái niệm mua tranh vào các dịp khác. Ngày thường muốn mua tranh cũng không có ai bán.

Xa xưa hơn nữa, vào khoảng vài ba trăm năm trước đã bắt đầu hình thành những phố phường ở thành thị và làng mạc thôn quê chuyên nghề “làm” tranh bán Tết. Ở Hà Nội có Hàng Trống, Hàng Hòm. Ở Bắc Ninh có làng Đông Hồ. Ở Huế có làng Sình chuyên làm tranh phục vụ cho cúng bái và đốt (hoá). Tranh cho ngày Tết ngoài ý nghĩa trang trí nhà cửa còn như một lời chúc đầu xuân. Treo ở trong nhà và dán ngoài cổng. “Đại cát”. “Nhân nghĩa”. “Lễ tri”. “Phúc, lộc, thọ”… Phần lớn chúng được in ấn hàng loạt và vẽ tay thêm vào. Một kỹ thuật kì dị không có trong bất cứ khái niệm hội hoạ hàn lâm nào. Nhưng cũng rất khó để phản bác nó khi mà hội hoạ hiện đại và đương đại thế giới đã và đang dùng rất nhiều chất liệu, thủ pháp tạo hình dân gian như vậy.

Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ

Chiều hăm sáu Tết, bà nội trải hai chiếc nia rộng lên chiếu. Lá dong rửa sạch, lạt giang lột mỏng, gạo ngâm, đỗ đãi, thịt ướp muối tiêu. Cụ dạy con cháu gói bánh chưng. Gói xong bắc bếp. Đặt nồi cá kho mía bên cạnh. Nổi lửa. Năm nào cũng dạy gói bánh cho đến ngày cụ mất mới thôi.

Và từ đó gia đình cũng không gói bánh chưng nữa. Bố tôi lên phố Hàng Trống. Chơi ở đấy lâu lắm. Tối mang về bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” đã bồi trục cuốn cẩn thận treo lên bức tường trang trọng nhất trong nhà. Cành đào phai thế “bạt phong” cắm trong lọ cổ. Khói hương trầm thơm ngát bên mâm ngũ quả đầy ắp sặc sỡ. Lũ trẻ thao thức ngồi chờ nghe tiếng pháo Giao thừa.

Cứ ngỡ đó là hình ảnh vĩnh cửu của một cái Tết phố phường. Nhưng không. Bây giờ bánh chưng cúng chỉ mua hai chiếc mà nhiều năm để quên mốc thếch. Pháo Giao thừa chỉ còn “nổ” trên TV. Và hình như ít còn ai ngày Tết mua tranh dân gian về nhà treo.

Người Hà Nội những năm sau hoà bình 1954 có thêm thú chơi tranh Tết Bờ Hồ. Dòng tranh này cũng có tuổi thọ đến hàng vài chục năm có lẻ. Những năm 70 vẫn còn thấy bán trên các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Mã… Tranh vẽ bằng bột màu và phẩm. Màu sắc tươi sáng cải lương nuột nà. Đề tài thường là phong cảnh bờ hồ Hoàn Kiếm. Có đôi nam nữ áo trắng quần tây tựa vào nhau bên gốc dừa nhìn trăng lên. Ước mơ thống nhất? Có chim bồ câu vỗ cánh bay trên nền trời xanh ngắt. Ước mơ hoà bình?

Tranh treo trong nhà dân phố, trong cửa hàng ăn uống mậu dịch và ở cả các bến tàu bến xe. Một thứ pop-art đích thực. Thuần thục phong cách và kỹ xảo. Đặc biệt do các “hoạ sĩ” đường phố sáng tạo ra và giữ bản quyền bằng tay nghề điêu luyện. Tha hồ cho mọi người sao chép ý tưởng. Vẽ kém không bán được. Tôi đã xem những hoạ sĩ như thế trên phố Hàng Đào ngồi vẽ. Rất cần phải có năm tháng mới luyện được một tay nghề hoa mỹ khoáng hoạt đến như vậy. Ăn đứt đám tranh chép vụng về lai tạp bây giờ trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) và đường Đồng Khởi (Sài Gòn).

Vậy mà thật ngạc nhiên, các cửa hàng tranh chép bây giờ vẫn đắt khách ngày Tết? Vào nhà vài quan chức có cỡ cũng thấy treo loại tranh này. Chép đủ hết cả Tây, Tàu, ta. Van Gogh, Levitan, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch cho đến Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn v.v… Ấm ớ về nghệ thuật còn có thể châm chước. Mù tịt về bản quyền có ngày oan gia!

"Đêm giao thừa Hồ Gươm" của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Một bức tranh rất nổi tiếng trong kho tàng mỹ thuật của ta là bức sơn mài “Đêm Giao thừa hồ Gươm” của hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Hiếm có một hoạ sĩ Việt Nam nào có cái nhìn thấu đáo trân trọng đến thế đối với ngày Tết cổ truyền dân tộc. Bằng những kỹ thuật bậc thầy và sự quan sát đầy hứng khởi với không khí Tết ở Thủ đô ngày mới hoà bình, hoạ sĩ đã đưa được niềm mê say hạnh phúc của mình lên từng gương mặt người trong khung cảnh đông vui mà không ồn ào của một đêm Giao thừa. Những tán cây dát vàng ven hồ huyền hoặc lung linh toả sáng. Tháp Rùa trầm mặc ẩn mình sau những dáng điệu hình hài bay bổng của tà áo dài thiếu nữ. Những nhân vật được cách điệu ở mức độ cao mà vẫn giữ được đặc điểm nổi bật tầng lớp của mình. Họ hoà mình trong không khí Tết, hoà mình vào nhau tạo nên một khung cảnh sinh động tràn ngập niềm vui nền nã kín đáo.

Tranh lụa “Cảnh phố chợ Đông Dương” của Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, 1905-1963) khổ 50cm X 75cm, vẽ vào khoảng 1926-1929, được bán đấu giá tháng 10.2010 tại Hồng Kông.
Tranh lụa “Cảnh phố chợ Đông Dương” của Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, 1905-1963) khổ 50cm X 75cm, vẽ vào khoảng 1926-1929, được bán đấu giá tháng 10.2010 tại Hồng Kông.

Hoạ sĩ đương đại rất ít người vẽ về không khí Tết cổ truyền ở thành phố. Hoặc có thì cũng “hồi cố” vẽ lại những cảnh hội hè Tết nhất nông thôn với hình ảnh cây nêu, cờ, phướn, đánh đu, chọi gà. Giả và gượng gạo. Trên đời chỉ duy nhất có chân tay giả là không mang yếu tố bịp bợm mà thôi.

Tết bây giờ không còn không khí ấy. Chợ hoa Cống Chéo Hàng Lược quá tải đã chia về muôn ngả phố phường. Phố nào cũng là chợ nên chẳng chợ nào có tên cả. Đêm Giao thừa đông đúc chật chội chen lấn. Âm nhạc điện tử ở những nơi công cộng quá ồn ào phô phang. Trẻ con phóng xe máy như điên trên đường. Người lớn ngậm ngùi ngồi nhà nhắn tin chúc Tết nhau qua điện thoại. Ngày Tết ngại đến nhà nhau nhất là ở thành phố. Quanh năm gặp gỡ cơ quan, quán xá rồi còn gì?

Hoạ sĩ đương đại ngồi nhà vẽ con giáp cho năm mới. Một dịp thư giãn và cũng là có món quà xuân cho bạn bè. Người vẽ nhanh có thể vài chục bức. Người vẽ ít cũng được dăm bức. Tặng bản chính cho bạn bè hoặc in lên báo tặng độc giả. Người vẽ thành công tất cả 12 con giáp không nhiều. Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là số 1. Ông xứng đáng là bậc thầy của những hoạ sĩ vẽ con giáp như Lê Trí Dũng, Thành Chương, Phạm Viết Hồng Lam, Đỗ Phấn… Ông Nghiêm chơi với bố tôi. Hàng năm vẫn tặng tranh con giáp. Có năm cả tập. Bố tôi mang tặng lại cho bạn bè. Đến lúc chết cũng là vừa hết.

Nghe nói bây giờ tranh con giáp của ông Nghiêm có giá vài ngàn USD một bức? Cái “nợ đồng lần” ấy bây giờ tôi trả? Vẽ con giáp toàn mang cho bạn bè ngày Tết. Chưa bán bức nào. Vài năm nay sức yếu, ông Nghiêm không vẽ nữa. Cảm thấy một thiếu vắng không gì bù đắp nổi. Cuộc sống dù có đổi thay hiện đại đến đâu chăng nữa thì cảm nhận về Tết vẫn luôn trường tồn trong tâm thức Việt. Cần phải được xem một bức tranh mới trong ngày Tết như một lời tự chúc chính mình.