Trang chủ Đời sống Tâm sự Lời từ biệt của một người bị bệnh AIDS

Lời từ biệt của một người bị bệnh AIDS

104

Khi tôi nghĩ rằng tôi sắp chết, hai năm về trước, tôi đã làm một điều tự nhiên: tôi kêu cầu, và tôi đã được đáp ứng. Tôi trải qua nhiều tuần lên cơn sốt kinh khủng, đêm nào cũng tưởng như là sẽ chết vào nửa đêm… Rồi sau khi tham dự khoá tu, tôi đã thay đổi.


Điều đầu tiên tôi nhận thấy là, ta phải gánh lấy trách nhiệm về mình. Lý do tôi sắp chết là tôi mắc bệnh AIDS. Đấy là trách nhiệm của tôi, không đáng trách ai cả, kể cả chính tôi. Nhưng tôi nhận trách nhiệm về điều ấy.


Tôi đã làm một lời nguyện với chính mình và với bất cứ Thượng đế nào, trước khi tôi vào đạo Phật, rằng tôi chỉ muốn được hạnh phúc. Khi tôi làm quyết định ấy, tôi bám lấy nó. Và điều này rất quan trọng khi làm bất cứ một pháp tu luyện nào về tâm linh. Bạn phải làm cái quyết định là bạn thực tình muốn thay đổi. Nếu bạn không muốn thay đổi, thì không ai sẽ làm công việc ấy cho bạn.


Phần của chúng ta là làm việc với những khía cạnh hàng ngày của tình huống của mình. Trước hết là cảm thấy tri ân vì bạn được ở trong thân xác này, và ở trên hành tinh này. Đấy là khởi điểm của tôi – cảm ơn trái đất, cảm ơn các sinh loài. Bây giờ khi thấy mọi sự từ từ tuột mất, tôi càng cảm ơn mọi người và mọi sự. Bởi thế, bây giờ việc tu tập của tôi xoay quanh niềm tri ân ấy, một sự dâng hiến…


Đừng lần tưởng như bao nhiêu năm tôi đã lầm, rằng “tu luyện” có nghĩa là ngồi thẳng lưng nhẩm đọc thần chú, mà trong tâm cứ nghĩ “xong việc này là tôi mừng lắm!”. Tu luyện có ý nghĩa hơn thế rất nhiều. Tu luyện ngay trong khi tiếp xúc với mỗi một người mà bạn gặp; tu luyện trước mỗi một lời nói khiếm nhã mà bạn nghe, hoặc có thể được nhắm thẳng vào bạn.


Khi rời khỏi nơi ngồi thiền, mới là lúc bạn thực sự bắt đầu tu luyện. Chúng ta cần phải có rất nhiều nghệ thuật sáng tạo trong cách tu tập, áp dụng giáo lý vào sự sống. Trong hoàn cảnh ta sống, bất cứ động đến vật gì ta cũng có thể dùng làm đề tài tu tập. Bạn phải lấy ngay những hoàn cảnh thực tế trong đời để làm đối tượng tu tập.


Nếu không, thì bạn chỉ có niềm tin trống rỗng, không đem lại cho bạn một nguồn an ủi nào, một sức mạnh nào, khi bạn bắt đầu gặp rắc rối. Không bao giờ có chuyện: “Một ngày kia, tôi sẽ ở thiên đàng, một ngày kia tôi sẽ thành Phật”. Đó chỉ là một niềm tin. Bạn là một vị Phật ngay bây giờ. Và khi bạn tu tập, bạn đang tập để là chính bạn.


Điều rất quan trọng là sử dụng tất cả hoàn cảnh đang xảy đến trong đời bạn làm đối tượng tu tập. Như thầy tôi thường nói, nếu bạn luôn thực tập kêu cầu Phật cứu giúp, thì trong các cõi Trung Ấm, bạn sẽ làm việc ấy một cách tự nhiên…


Khi mới khởi sự tu tập, rèn luyện tâm, tôi luôn luôn ngấm ngầm phê phán mọi sự trong tâm tôi. Tôi phê bình người này, phê bình người nọ. Tôi phê bình cái kiểu anh ta nhìn, tôi phê bình cái kiểu chị ấy ngồi. Tôi thường phê bình: “Tôi không thích ngày hôm nay, bầu trời xám, mưa nhiều quá. Ôi, đáng thương cho tôi! Hãy thương tôi, hãy giúp đỡ tôi!”. Tôi khởi sự như thế, tâm tôi luôn luôn có một bình luận nào đó. Nhưng rồi tôi khởi sự thay đổi. Tôi viết cho tôi những mảnh giấy dán vào đồ đạc trong nhà: “Đừng phê phán!”


Khi bạn sống với tâm bạn – chọn lựa giữa cái này cái kia, như: “điều này tốt, điều kia xấu, tôi không thích…”, giữa hy vọng và sợ hãi, ghét và thương, vui và buồn, khi bạn thực sự tóm lấy một trong hai thái cực ấy, thì sự an ổn nội tâm của bạn bị xáo trộn. Một vị Tổ sư Thiền nói: “Con đường lớn không có gì khó, chỉ tối kỵ sự chọn lựa”. Vì Phật tính của bạn vẫn ở đấy, hạnh phúc ở khắp nơi.


Như vậy, tôi khởi sự làm việc với cái tâm phân biệt khái niệm của tôi. Lúc đầu có vẻ là một chuyện không thể được, nhưng càng tập luyện, tôi khám phá rằng nếu bạn cứ để yên những ý nghĩ khởi lên trong tâm thì chúng hoàn toàn ở nguyên chỗ cũ, không sao cả. Cứ ở với chúng và sung sướng, vì bạn biết bạn có Phật tính.


Bạn không cần phải cảm thấy như bạn có Phật tính. Không phải vậy. Vấn đề là lòng tin cậy, tức là đức tin. Vấn đề là lòng sùng kính, tức là sự quy phục. Điều này theo tôi là cốt yếu. Nếu bạn tin được những gì thầy nói, học tập và cố đưa giáo lý vào tâm bạn những lúc khó khăn, luyện tâm bạn cho khỏi rơi vào những mẫu mực tập quán, nếu bạn có thể chỉ ở với cái gì xảy ra, với một chú ý toàn triệt, thì sau một lúc bạn để ý rằng không có gì ở lâu, ngay cả những ý tưởng tiêu cực. Nhất là thân thể chúng ta. Mọi sự đều biến dịch. Nếu bạn cứ để yên, thì nó sẽ tự giải thoát.


Trong một hoàn cảnh như tình trạng tôi, khi nỗi sợ hãi trở nên quá rõ rệt, quá tràn ngập, và bạn cảm thấy như bị nuốt chửng bởi sự kinh hoàng, bạn phải xét lại tâm bạn. Tôi đã nhận ra rằng nỗi sợ hãi sẽ không giết chết tôi. Đấy chỉ là một cái gì đi qua tâm tôi. Đây là một ý nghĩ, và tôi biết những ý nghĩ sẽ tự giải phóng nếu tôi đừng thọc tay vào. Tôi cũng nhận ra đấy chính là những gì xảy ra trong cõi Trung Ấm, khi bạn thấy một hình ảnh có thể rất kinh hoàng. Nó không ở đâu ngoài tâm bạn. Tất cả những năng lực ấy lâu nay chúng ta đã nén xuống trong thân thể, nay đang được bung ra.


Tôi cũng khám phá rằng, khi tôi đang luyện tâm, có một điểm, một đường mà ta phải vạch sẵn, không để cho tâm ta vượt qua. Nếu vượt qua, ta sẽ có vấn đề, sẽ trở thành cau có, thành một người suy sụp trước mặt mọi người: đó là chuyện nhỏ. Nhưng bạn có thể nổ tung. Người ta thường nổ tung, mất quân bình vì tin vào những gì họ nghĩ trong tâm là có thực. Tất cả chúng ta đều vậy, nhưng có một đường ranh mà bạn không thể vượt qua… Tôi thường bị những cơn kinh hoàng. Tôi nghĩ có một hố lớn đen ngòm nơi khoảnh đất trước mặt tôi. Từ khi tôi luôn luôn tự ban cho tôi cái đặc quyền, cái ân sủng là được hạnh phúc, thì tôi không thấy những hố sâu đen ngòm nữa.


Một vài người trong các bạn thân thiết với tôi còn hơn cả ruột thịt. Các bạn dường như không cần biết tôi bị AIDS. Chưa có ai ở đây hỏi tôi: “Nào, anh làm sao mà bị thế?”. Không có ai ở đây từng nói xa gần rằng đây là một nguyền rủa đối với tôi, chỉ trừ một người bạn cũ cách đây một tuần lễ đã gọi điện cho tôi mà nói: “Anh có nghĩ rằng đây là một nguyền rủa của Thượng đế giáng xuống cho anh chăng?”. Sau khi dứt cơn cười lớn, tôi nói: “Anh tin rằng Thượng đế đã nguyền rủa trái đất, và thân thể con người là bất tịnh. Nhưng trái lại, tôi tin rằng ân sủng là khởi điểm đầu tiên, chứ không phải sự nguyền rủa”. Từ thời gian vô thuỷ, mọi sự đã hoàn tất, thuần tịnh và toàn hảo.


“Được rồi, thế thì tại sao bạn không được chữa khỏi bệnh?”. Người ta đã hỏi tôi như thế. Không phải là tôi đã không cố gắng: tôi đã từng mua một va-li đầy thuốc. Nhưng tôi đã ngưng chuyện ấy từ lâu. Tôi nghĩ lý do vì sợ nó sẽ can thiệp vào cái tiến trình đã khởi sự. Tiến trình này đối với tôi là một sự thanh lọc, tịnh hoá rất tốt. Tôi biết có rất nhiều ác nghiệp đã được đốt cháy. Có lẽ nó thanh lọc cho mẹ tôi, vì tôi hồi hướng cho bà. Bà rất đau đớn. Rồi có những bạn đạo mà tôi yêu mến như ruột thịt, họ cũng đau khổ. Tôi đã làm khế ước này với đấng Liên Hoa Sanh: “Nếu con phải ở lại chịu đau đớn để giúp tịnh hoá phần nào ác nghiệp của người khác, thì sung sướng biết bao!”. Đó là lời cầu nguyện của tôi. Tôi không phải là một người thích đau khổ, tôi bảo đảm với bạn! Nhưng tôi cảm thấy chính ân sủng, phước đức của đấng Liên Hoa Sanh đang nhẹ nhàng đưa tôi vào nỗi đau khổ ấy.


Và ở điểm này khi học với Rinpoche về giáo lý Trung Ấm, tôi thích chết không phải là một kẻ thù… Và đời sống cũng không là một kẻ thù. Sự sống là một điều vinh quang, vì chính trong đời này ta mới có thể tỉnh giác để nhận ra ta là ai.
Bởi thế tôi xin bạn, từ đáy tim tôi, xin bạn đừng phí phạm cái cơ hội mà bạn có – trong khi bạn đang còn tương đối khoẻ mạnh – để làm việc và cống hiến.


Vậy, tôi xin nói lời từ biệt ở đây. Ít nhất trong lúc này… Tôi muốn nói lời từ biệt với những bạn đã thành anh chị em ruột tôi, những bạn tôi mới quen mà chưa có hân hạnh được biết thêm, những bạn tôi chưa cả từng gặp gỡ… Tôi có cảm tưởng tôi có thể chết trong vòng sáu tháng, nhưng cũng có thể là ba tháng. Bởi thế, tôi giữ tất cả các bạn trong tim tôi, và tôi thấy các bạn đều sáng ngời rực rỡ. Không có một bóng tối nào…