Trang chủ Quốc tế Lời nguyện cầu ở kinh đô cổ BaGan

Lời nguyện cầu ở kinh đô cổ BaGan

78

Tất cả lần lượt xếp hàng, từng người một men theo những bậc thang dựng đứng leo lên đỉnh tháp cao gần 60m, hi vọng kiếm được một chỗ đứng ngắm một vùng kinh kỳ nổi tiếng khi chiều buông.


Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, ánh mặt trời đỏ rực cả một vùng trước khi chuyển sang màu tím sẫm để chìm dần trong mây. Không khí nóng hanh ở vùng đất khô cằn nhất Myanmar cùng với ánh nắng cuối ngày tạo nên một cảm giác khó tả.


Close


Trên đỉnh tháp, hàng trăm con người đủ mọi lứa tuổi, màu da đang chen chúc đứng, ngồi kín mít, chia nhau từng chỗ đứng để hướng ống nhòm dõi mắt ngắm một vùng kinh đô cổ kính của vương quốc cổ BaGan hùng mạnh.


Bí ẩn ngôi đền ngàn năm tuổi


BaGan hình thành vào thế kỷ từ 11-13 với gần 3.000 ngôi đền, chùa nhấp nhô nằm chen nhau trong diện tích khoảng 25 dặm vuông, uốn lượn ven con sông Ayeyarwady thơ mộng, tạo nên một trong những quần thể kiến trúc độc đáo nhất vùng Đông Nam Á.


Trước đây, vùng này từng có hơn 5.000 ngôi tháp, đền lớn, nhỏ nằm kề nhau được xây bằng gạch và đá, đều dát vàng ròng ở bên ngoài. Nhưng theo thời gian, nhiều ngôi đền, chùa giờ đã trở thành phế tích.


Những nhà khảo cổ của UNESCO từng đánh giá BaGan là “một trong những thành quả tiêu biểu nhất của kiến trúc Phật giáo tiểu thừa trên thế giới” và trong lịch sử kiến trúc vùng Đông Nam Á, đền tháp BaGan chỉ xếp sau Angkor của Campuchia.


Close


Ngôi đền này xây dựng đầu thế kỷ 12 theo phong cách kiến trúc cổ của người Barma, người Môn với đá và gạch nung đỏ, biểu thị trí tuệ vô thượng, vô biên của đạo Phật. Cũng giống như hầu hết các ngôi đền, chùa khác ở Myanmar, đỉnh tháp được dát vàng ròng trông vàng rực, óng ánh.


Đứng bất kỳ vị trí nào trong vùng kinh đô cổ này đều có thể thấy ngôi đền Thatbinnyu cao sừng sững, tượng trưng sức mạnh và niềm tin vào đạo, vào cuộc sống tương lai của người Myanmar. Tương truyền để xây ngôi đền này, các vị vua phải cần 10.000 thợ giỏi từ khắp nơi trên đất nước Myanmar làm việc ròng rã trong gần 30 năm mới hoàn thành.


Các quốc vương BaGan đã cho xây dựng ngôi đền này để mỗi chiều lên đỉnh tháp ngắm hoàng hôn và cầu nguyện cho đất nước thanh bình, người dân được no ấm. Nhiều truyền thuyết kể rằng bất kỳ ai lên được đỉnh tháp vào buổi chiều thì cầu nguyện điều gì cũng sẽ được như ý.


Close


Mỗi lần xuất quân chinh phạt các nước hay lễ khải hoàn khi trở về, các quốc vương BaGan đều tổ chức lễ hội vào buổi hoàng hôn tại đỉnh tháp Thatbinnyu. Chỉ những người dân ưu tú có nhiều đóng góp cho quốc gia mới được vinh dự lên đỉnh tháp ngắm hoàng hôn cùng nhà vua và triều thần.


MuMu – cô hướng dẫn viên người Myanmar – nói không rõ những giai thoại đó thực hư thế nào, nhưng mấy trăm năm nay người dân Myanmar nào cũng mơ ước được một lần đến chiêm ngưỡng những ngôi đền cổ ở BaGan, đồng thời được cầu nguyện cũng như ngắm hoàng hôn trên đỉnh tháp cao nhất vùng này. Đối với du khách nước ngoài, đến Myanmar để ngắm hoàng hôn trên đỉnh tháp Thatbinnyu là tour không thể thiếu.


Trước đây, đường lên đỉnh tháp chỉ có những bậc thang dựng đứng, trơn trượt, hai bên không có tay vịn. Sau vì khách hành hương, du lịch quá đông nên Ban quản lý khu di tích cổ BaGan xây thêm tay vịn cho khách tham quan, nhất là khách nữ đi lại dễ dàng hơn.


Một người dân địa phương bán nước giải khát dưới chân tháp kể cách đây khoảng ba năm, một du khách là tỉ phú người Pháp đến đây không biết cầu nguyện điều gì. Nhưng hơn một năm sau, ông này quay lại và hiến tặng 3kg vàng ròng dát lên đỉnh tháp để tạ ơn.


Bà chủ quán còn nói số vàng dát trên đỉnh tháp ngày một dày hơn, đậm hơn là do bá tánh thập phương đến đây cầu nguyện vào lúc hoàng hôn, sau đó được toại thành nên hiến tặng tạ ơn. Chuyện này có thật hay không chưa ai kiểm chứng, nhưng cứ nhìn dòng người lũ lượt trèo lên trên đỉnh tháp rồi quay xuống vào mỗi chiều cũng đủ thấy tháp có sức hấp dẫn ghê gớm đối với du khách.


Thậm chí, nhiều phụ nữ đang mang thai nhưng vẫn cố lần mò theo từng bậc thang để lên được đỉnh tháp, đến khi xuống  đến đất nhìn độ cao dựng đứng, hãi hùng của ngọn tháp mà không hiểu tại sao mình liều thế…


Nguyện ước thanh bình


Mặt trời bắt đầu lặn. Ánh nắng cuối ngày tắt dần, hoàng hôn bao phủ. Không gian trở nên yên ắng, hàng ngàn con người lặng lẽ cùng dõi mắt nhìn về những ngôi đền, tháp cổ ẩn hiện lẫn trong màu mây. Những ngôi đền vẫn sáng rực ánh vàng của những ngọn tháp vàng ròng. Tháp nằm liền tháp, chùa liền chùa. Xa xa những ngôi làng truyền thống Myanmar thấp thoáng sau những rặng cây với những mục đồng dắt trâu từ ruộng trở về trong thanh bình.


Tiếng chuông chùa ngân nga. Thời khắc linh thiêng đã đến. Các nhà sư Myanmar đồng loạt quì xuống đọc kinh cầu nguyện, cả những nhóm du khách phương Tây cũng quì xuống theo và lâm râm khấn vái.


Trong giây phút cuối cùng của buổi chiều, những du khách dù khác nhau về màu da, giới tính, tuổi tác đều trở nên đồng cảm, xích lại gần nhau trước vẻ đẹp cổ kính huyền bí, xa xăm của những ngôi đền ngàn năm tuổi. Họ để lòng mình lắng đọng trước bao xô bồ của cuộc sống hiện tại mà nghiền ngẫm câu triết lý của nhà Phật: “Không tức thị sắc, sắc tức thị không”, nghĩa là “Có tức là không, không tức là có”. Cuộc đời này đôi khi có có, không không luôn lẫn lộn…


Cô hướng dẫn viên MuMu đứng cạnh tôi ngồi thụp xuống cầu nguyện rì rầm. Đôi mắt cô nhắm lại như trôi vào cõi thiền định xa xôi. “Tôi cầu nguyện cho quê hương tôi được thanh bình và phát triển. Mọi người được có việc làm, có cuộc sống no đủ”.


MuMu bảo vậy với đôi mắt ngời sáng khi ánh nắng cuối ngày bừng sáng một lần chót trước khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Cô gái trẻ này nói mỗi lần đưa du khách đến Myanmar đi ngắm hoàng hôn ở BaGan, cô đều nguyện cầu như thế. Cô chỉ mong ước mọi người trên thế giới hiểu rằng đất nước Myanmar đẹp, người dân Myanmar rất hiếu khách và yêu chuộng hòa bình.


Màn đêm xuống nhưng dòng người vẫn còn lưu luyến như chưa muốn rời ngôi cổ tháp. Những người dân địa phương Myanmar cười thật tươi, vẫy tay chào khách nước ngoài khi chia tay. Tiếng chuông chùa lại ngân nga.