Tâm vương hay còn gọi là Tâm pháp, tức các pháp đều từ Tâm này mà ra, nó là nguồn sống, là chủ mọi hành động của con người. Ý thức là thức thứ sáu trong tám Thức Tâm vương, nó có tác dụng sâu rộng hơn năm thức trước và làm chủ năm thức đó. Ý thức tùy thuộc vào cách nhìn nhận mà có những tên gọi khác nhau như; gọi là thức thứ sáu (vì nó đứng thứ sáu trong tám thức khi đếm từ ngoài vào), Minh liễu thức (vì nó làm chủ năm thức trước, nhờ nó mà phân biệt các sự vật được rõ ràng), Thức phân biệt (vì nó có khả năng phân biệt những cái tồn tại trước và sau về mặt thời gian nhờ quá trình huân tập của nghiệp). Ý thức có đủ ba tính chất: Thiện, ác và vô ký những tính chất này sẽ phát khởi khi nó hội đủ các điều kiện.
Ý thức của duy thức học cũng giống như ý thức trong tâm lý học, và triết học, nhưng tác dụng của nó lại lớn hơn nhiều. Trong duy thức học, Ý thức được chia làm hai phần; phần thô và phần tế. Phần thô là khi nó làm chủ và duyên hay hợp vào năm thức trước được gọi là Ngũ câu ý thức, và phần tế là khi nó hoạt động độc lập, không có sự phối hợp với năm thức trước. Ý thức có khả năng phân biệt, suy luận, nhận biết đối tượng, với từng phần mà ý thức đi vào nhận thức từng loại tướng trạng của đối tượng.
Trong bát thức quy củ tụng ở câu 43 khi bàn về thức thứ sáu có viết tam tánh tam lượng thông tam cảnh. Hòa thượng Nhất hạnh chú rằng, “tính chất nhận thức của Ý thức gồm cả ba tính (thiện, ác, vô ký); hình thái nhận thức của Ý thức gồm cả ba lượng (hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng); đối tượng nhận thức của Ý thức gồm cả ba cảnh (tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh)”[1]
Nên đối tượng nhận thức của ý thức được chia làm ba loại:
Thể tướng hay Tánh cảnh là tướng trạng có thực thể, nó là đối tượng của năm thức trước, hay nó là đối tượng của trực giác, đối với ý thức nó chỉ trở thành đối tượng khi ý thức nương vào năm thức trước để trực nhận đối tượng, nên nó là đối tượng nhận thức của Ngũ câu ý thức.
Mạo tướng hay Đới chất cảnh là những hình ảnh về sự vật mà ta thu nhận được do sự tiếp xúc hàng ngày của các giác quan. Tướng trạng này của sự vật được nhận thức không chỉ bởi Ý thức mà cần có sự tham gia của năm Thức trước nữa. Như khi ta phân biệt các màu sắc thì phải có sự tham gia của Ý thức và Nhãn thức, khi nghe nhận về âm thanh là sự kết hợp của Ý thức và Nhĩ thức….
Nghĩa tướng hay Độc ảnh cảnh là những tướng trạng mà Ý thức tri nhận được trong quá trình phân biệt, suy nghiệm, phán đoán. Nghĩa tướng không phải là đối tượng của năm thức trước, nó là đối tượng của Ý thức nhưng là Ý thức khi nó hoạt động độc lập tức Độc đầu ý thức. Bên cạnh đó, nó còn là đối tượng nhận thức của thức thứ bảy và thức thứ tám.
Trong quá trình nhận thức, Ý thức có ba hình thái tồn tại;
Nhận thức Hiện lượng là nhận thức mà ở đó chỉ có cảm giác và trực giác tồn tại thuần túy, tức ở đó Ý thức chưa khởi phân biệt.
Nhận thức Tỷ lượng là nhận thức mà sự so sánh, phân biệt một cách đúng đắn và chân thật.
Nhận thức Phi lượng là dạng nhận thức sai lầm của Hiện lượng và Tỷ lượng. Vì thế, nó thực chất không phải là một hình thái nhận thức độc lập so với hai hình thái trên. Mỗi khi hai hình thái trên nhận thức sai lầm thì đều xếp vào Phi lượng.
Tùy vào cách thức và đối tượng nhận thức mà Ý thức được chia làm hai loại là; Ngũ câu Ý thức và Độc đầu Ý thức.
Ngũ câu Ý thức là khi Ý thức duyên với năm Thức trước để phân biệt tướng trạng các vật. Trong quá trình nhận thức đối tượng, Ý thức có thể phối hợp với một, hai …hoặc cả năm Thức trước, nhưng Ý thức càng phối hợp với nhiều Thức thì sẽ dễ bị phân tán, khó tập trung hơn là khi phối hợp với một Thức. Như khi ta chỉ đọc sách sẽ tập trung hơn khi ta vừa đọc sách vừa nghe nhạc.
Đối tượng nhận thức của Ngũ câu Ý thức là Tánh cảnh và Đới chất cảnh, trong đó đối tượng chủ yếu của nó là Đới chất cảnh, Tánh cảnh chỉ được nhận thức trong một khoảng rất ngắn. Nó có cả ba hình thái nhận thức là nhận thức Hiện lượng, nhận thức Tỷ lượng và nhận thức Phi lượng.
Khi Ngũ căn tiếp xúc với Ngũ trần nhờ ngũ thức mà ta nhận biết được đối tượng, bước đầu của quá trình nhận thức là cảnh vật thực tại tác động vào các giác quan của chúng ta thì cảnh của sáu Thức sẽ đồng thời được phát sinh. Ở đây, Duy thức học thừa nhận sự tồn tại của thế giới khách quan, nhưng chỉ trong trường hợp cảm giác hay trực giác. Ngũ câu ý thức trực tiếp cảm nhận về Tánh cảnh (Thể tướng), Ý thức lúc này chưa phát khởi suy luận, bởi đi vào suy luận vào tri giác thì sẽ chuyển sang Đới chất cảnh (Mạo tướng) rồi, mà đã là Đới chất cảnh thì không còn là Tánh cảnh nữa. Bởi thế giới Đới chất cảnh là sự biểu hiện của thế giới Tánh cảnh, trong sự trực giác với Tánh cảnh khi có sự tham gia của suy luận thì thế giới Đới chất cảnh sẽ hiện ra.
Cơ sở nhận thức của Ngũ câu ý thức là cảm giác. Cảm giác chỉ có được khi có sự hợp lại giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, tức khi hai phần này tồn tại trong sự tương tác, trong sự thống nhất (nhưng không phải là đồng nhất). Chủ thể và đối tượng chỉ là những điều kiện để phát sinh cảm giác, chỉ khi có sự hợp nhất thì cảm giác mới xuất hiện. Đây là cảm giác thuần túy, ở đó chưa có sự phát khởi của Ý thức nên đối tượng nhận thức của nó là Tánh cảnh.
Trong quan niệm của duy thức học có những nét tương đồng với chủ nghĩa duy vật khi thừa nhận sự tồn tại khách quan của Tánh cảnh, xem đó là thế giới chân thật, lại có những nét tương đồng với chủ nghĩa duy tâm khi cho rằng Đới chất cảnh là do chấp ngã của Ý thức duyên với Tánh cảnh mà thành. Thế giới Tánh cảnh là thế giới thực, thế giới độc ảnh cảnh là giả. Tánh cảnh có nét tương đồng với Vật tự thân của Kant nhưng nó lại không phải là Vật tự thân, bởi Ngũ câu Ý thức trong trực giác vẫn nắm được Tánh cảnh, còn với Kant thì ý thức không thể nào đến được với Vật tự thân. Tánh cảnh tồn tại không phụ thuộc vào ý thức, nó là cơ sở để sinh ra Đới chất cảnh và nó là đối tượng nhận thức của thức thứ tám. Đới chất cảnh có nét giống với thế giới của chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng duy thức học không xem thế giới kinh nghiệm là chân lý, mà chỉ ảnh tượng của Tánh cảnh. Đối tượng nhận biết của Ngũ câu Ý thức là Đới chất cảnh, nhưng trong trực giác ban đầu thì Ngũ câu ý thức cũng cảm nhận được Tánh cảnh.
Khi Ý thức kết hợp với năm thức trước thì nó sinh ra Đới chất cảnh (Mạo tướng). Đới chất cảnh không phải là Tánh cảnh, nhưng vì chấp ngã mà nó hình như là tướng trạng của Tánh cảnh, nên đối tượng nhận thức của Ngũ câu Ý thức trong giai đoạn tiếp theo là Đới chất cảnh. Như khi Ý thức kết hợp với Nhãn thức ta nhận biết được sắc trần với những tướng mạo như;
Hiển sắc: tức phân biệt và nhận biết được màu sác ngoại cảnh.
Hình sắc: tức phân biệt và nhận biết được những hình thể dài, ngắn, vuông, tròn.
Biểu sắc: tức nó nhận biết được sự di động hay đứng im của đối tượng.
Khi Ngũ Câu Ý thức nhận thức chân thật về Tánh cảnh và Đới chất Cảnh ở hai giai đoạn trên thì đó là nhận thức Hiện lượng và Tỷ lượng; nhận thức Hiện lượng khi cảm giác và trực giác tồn tại dưới dạng thuần túy, nhận thức tỷ lượng khi có sự tham gia của Ý thức trong việc suy luận, phán đoán về đối tượng. Nếu những cái mà nó tri nhận được không mang giá trị đúng thì nó là dạng nhận thức Phi lượng. Như khi nhìn sợi dây thừng lại đưa ra phán đoán đó là con rắn chẳng hạn.
Nghĩa tướng (Độc ảnh cảnh) là phần tướng trạng do Ý thức suy nghiệm mà có, phần này không có sự tham gia của năm thức mà Ý thức hoạt động độc lập nên được gọi là Độc đầu ý thức. Bản thân Ý thức có thể hoạt động độc lập như suy nghĩ, tưởng tượng về một việc gì đó. Nên đối tượng nhận thức của Độc Đầu Ý thức là Nghĩa tướng.
Phạm vi hoạt động của Độc đầu Ý thức rất rộng nhưng có thể tạm chia làm ba lớp cơ bản: Ý thức trong mộng, Ý thức khi tỉnh, Ý thức trong định.
Ý thức trong mộng là khi năm thức trước không hề hoạt động mà chỉ có sự hoạt động của Ý thức. Lúc này, Ý thức biến hiện ra những cảnh tượng riêng, những cảnh tượng này đa phần là sai lầm và phi lý. Khi mộng những cảnh mà ta có là xa lìa thực tại, tự Ý thức biến hiện ra những cảnh riêng của mình, đôi khi cũng có sự suy luận trong đó nhưng đa phần là sai lầm, nên khi tỉnh dậy hồi tưởng về giấc mộng ta thấy rất nhiều điều vô lý so với thực tại.
Đối tượng nhận thức của Ý thức trong mộng là Độc ảnh cảnh, nhưng cũng có một phần của Đới chất cảnh. Bởi có những cảnh tượng trong mộng lại chịu sự chia phối của yếu tố sinh lý như; khi nóng bức ta có thể mộng về mùa hè oi bức, khi sợ hãi, hồi hộp ta có thể có những cảnh hung dữ trong khi mộng, hiện tượng bóng đè lúc ngũ là do tim của ta bị một vật nào đó làm ức chế, như đặt tay lên ngực khi ngũ chẳng hạn.
Ý thức khi tỉnh là Ý thức suy nghĩ, tính toán, suy tưởng về những việc quá khứ, hiện tại hay tương lai để lập kế hoạch hành động. Khi Ý thức suy nghĩ hay tính toán thì có thể suy nghĩ về thiện hoạc suy nghĩ về ác, chính điều này mà dẫn đến hành động thiện hay ác của con người, là cái dẫn nghiệp con người theo đường thiện hay đường ác, nên ý thức vừa có công vừa có tội là vậy.
Đối tượng nhận thức của Ý thức độc đầu khi tỉnh là Độc ảnh cảnh (Nghĩa tướng). Độc ảnh cảnh có hai loại; Hữu chất độc ảnh cảnh và Vô chất độc ảnh cảnh. Những ảnh tượng mà ta suy nghiệm do trong thực tế đã tiếp xúc rồi thì gọi là Hữu chất độc ảnh cảnh, còn những ảnh tượng do sự tưởng tượng ra mà có, nó không tồn tại trong thực tế thì được gọi là Vô chất độc ảnh cảnh.
Phạm vi hoạt động của Ý thức khi tỉnh rất rộng, theo Thạc Đức thì nó chiếm đến 99% trong tổng số các hoạt động của Độc Đầu Ý thức. Ý thức khi tỉnh trong Độc đầu Ý thức khi hoạt động có thể dẫn đến hai hệ quả là đúng hoạc không đúng.
Trường hợp đúng là khi những suy luận, phán đoán mà ta rút ra là hoàn toàn đúng với sự tồn tại của đối tượng, điều này có được do những kinh nghiệm mà ta có được trong cuộc sống với đối tượng. Muốn có được tri thức đúng về đối tượng thì phải có đủ hai điều kiện, kinh nghiệm mà ta có về đối tượng phải chính xác và phương pháp nhận thức phải đúng dắn.
Trường hợp thứ là không đúng hoặc gần đúng (tợ), tức giá trị mà ta thu được không đúng hoàn toàn, chân giá trị của nó có thể sai một phần hoạc sai hoàn toàn. Sự không đúng này cũng do hai lý trên mà thành; kinh nghiệm mà ta có về đối tượng là sai lầm, không đúng với bản thân tồn tại của đối tượng và do phương pháp suy luận của ta là sai. Cái không đúng có thể do một trong hai, hoạc do cả hai lý do trên mang lại.
Đa phần những suy luận trong Ý thức khi tỉnh là thiếu sót, bởi những kinh nghiệm mà ta có về đối tượng lại thường không bao quát được hết những tính chất, những đặc điểm của nó mà chỉ nghiệm được một số tính chất nào đó mà thôi. Ý thức hoạt động độc lập với các giác quan nên nó thiếu đi tính dữ kiện thực tế để đối sánh. Bởi khi ta ngồi suy nghĩ về căn nhà để miêu tả nó không bằng trực tiếp đi vào căn nhà đó. Bên cạnh đó, sự suy luận của chúng ta cũng thường mắc phải rất nhiều lỗi, không đảm bảo được tính logíc trong suy luận nên sai lầm rất dễ xảy ra.
Ý thức trong định chỉ xuất hiện khi đã nhập định, khi đi vào thiền định đã đạt đến mức nhất tâm bất loạn thì ý thức không tiếp nhận các nhận thức do năm thức trước mang lại mà nó hoạt động độc lập. Cảnh hay đối tượng của Ý thức trong định là cảnh giới chân thật, là Tánh cảnh (Thể tướng), lúc này Ý thức duyên trực tiếp với những cảnh chân thật. Ý thức trong định chúng ta không dễ dàng có được mà phải có công phu thiền định, chỉ có những vị chân tu tu hành thiền định đến đạt đạo thì mới có thể trải nghiệm được nó.
Vì thế, Ý thức trong duy thức học có đối tượng và phạm vi rộng hơn nhiều so với quan niệm của tâm lý học. “Động thân phát ngữ độc vi tối”[2] tức Ý thức là động cơ lớn nhất làm phát sinh hành động của thân thế và ngôn ngữ. Nên tác động của Ý thức có thể đưa con người ta tới giác ngộ hay vô minh, bởi những suy luận và phán đoán của nó. Nếu Ý thức mang tính chất thiện (được hiểu là phù hợp với chân lý, với lý nhân quả) thì sẽ tác động để con người có những hành động tốt, đưa dẫn con người đến giác ngộ, ngược lại nếu mang tính chất ác sẽ dẫn con người tới vô minh, luân hồi. Nên Duy thức học đặt ra yêu cầu mỗi người tu hành phải hiểu thấu được Ý thức, từ đó phá những chấp ngã để đạt đến công dụng vô biên của Ý thức tức Ý thức trong thiền định. Khi Ý thức đạt được Ý thức thiền định thì nó sẽ chuyển biến thành Diệu quan sát trí, sẽ nhìn nhận sự vật đúng như nó tồn tại mà không bị dẫn vào mê lầm. Do vậy, tận cùng của tiến trình lôgíc vận động của Ý thức là đạt tới Diệu quan sát trí, và tận cùng của sự nhận thức là đạt tới chân lý tồn tại của đối tượng.
[1] Nhất hạnh: Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Nxb Lá bối, 1969, tr.31.
[2]Huyền Huệ: Bát thức quy củ tụng trang chú, Nxb, Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.48.