Loại hương này được làm bằng những nguyên liệu tinh khiết nhằm đảm bảo sự thiêng liêng và công dụng của nó.
Trên tường văn phòng Nado treo bức tranh người phụ nữ ngực trần, đứng bằng một chân trên cánh đồng hoa. Người này đội vương miện bằng vàng và đeo vòng cổ hồng ngọc. Tay phải bà cầm một cây hương tỏa khói.
“Dugpoema đấy. Bà là nữ thần dâng hương trong Phật giáo”, Nado nói với cây viết Simon Urwin của BBC và chỉ vào bức hình đang treo tại văn phòng ở thủ đô Thimphu (Bhutan). “Người ta nói Đức Phật tạo ra hương và những đệ tử như Dugpoema đã đem nó đi khắp thế giới. Theo nhiều cách, tôi thấy mình cũng như đệ tử của Đức Phật”.
Như những người Bhutan khác, Nado là tên đầy đủ của ông. Người ở nước này không có họ. Trò chuyện một lúc, Nado mời Simon đi xem xưởng làm hương truyền thống của ông ấy – Nado Poizokhang. Đây là xưởng lớn và lâu đời nhất đất nước này. Họ chuyên sản xuất hương dạng cây và cả bột hương.
Các sản phẩm của Nado Poizokhang được người dân ở khu vực Himalaya ưa chuộng. Thậm chí, nhà vua cũng yêu cầu phải dùng hương từ xưởng này để thắp trong cung điện hoàng gia.
Loại hương tinh khiết nhất
“Tôi nghĩ họ thích hương của chúng tôi vì hương thơm và độ tinh khiết đáng kinh ngạc”, Nado nói trong khi mở cửa nhà kho. Nơi này chứa đầy nguyên liệu làm hương như gia vị khô, thực vật, cây thường xuân…
Ông chủ xưởng nói mọi thứ được làm 100% hữu cơ. Thành phần cơ bản nhất của hương ở Bhutan là nhành cây bách xù. Ngoài ra, hương thơm nồng nàn của chúng đến từ những bông hoa jatamansi (cam tùng hương) tinh tế.
Loại cây này mọc chủ yếu ở phía đông dãy Himalaya, nhất là khu vực vành đai Kumaon, Nepal, Sikkim và Bhutan. Tinh dầu cây có mùi thơm nồng đặc biệt, còn được dùng trong việc pha chế nước hoa hay làm thuốc an thần.
Theo Nado, không phải cơ sở nào cũng chọn dùng những thành phần tinh khiết như vậy trong quá trình sản xuất hương. Họ thường sử dụng hóa chất và nguyên liệu giá rẻ giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, những loại hương này thường khiến người ngửi đau đầu, khó chịu.
“Với chúng tôi, chất lượng quan trọng hơn cả”, Nado chia sẻ.
Một số loại cây, lá thuốc làm hương mà xưởng Nado sử dụng được thu hoạch bởi dân du mục trên những vùng núi cao. Nguyên liệu lấy từ đây đảm bảo không có độc tố cũng như chất bẩn.
“Dân du mục trên cao có cuộc sống khó khăn. Việc thu hoạch nguyên liệu đem lại thêm thu nhập. Đó là cách chúng tôi tạo những nghiệp tốt trước khi bắt đầu làm một cây hương”, Nado tâm sự.
Thời điểm thu hoạch cũng cần được tính toán. Nado nói tốt nhất là khoảng thời gian sau Thrue-Bab (ngày mưa may mắn). Đây là ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của mùa gió mùa ở Bhutan. Vào ngày này, những nguồn nước tự nhiên đều được “thánh hóa”. Người dân thường tắm ngoài trời để thanh tẩy cơ thể và nghiệp xấu.
“Thời điểm này, mặt trời sưởi ấm những chiếc lá. Cánh hoa tươi sắc vì được nuôi dưỡng suốt những ngày mưa. Điều này giúp chúng tôi tạo ra loại tinh dầu với mùi hương tuyệt vời. Nó đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất hương và bột hương.
Phép màu từ hương Bhutan
Việc sản xuất hương được thực hiện cầu kỳ do tính chất đặc biệt của nó trong văn hóa Bhutan. Tại đây, người dân thường thắp hương 2 lần/ngày. “Tại nhiều quốc gia khác, hương thường chỉ dùng trong ngày lễ. Ở đây, chúng tôi dùng để bắt đầu và kết thúc một ngày. Nghi lễ này gần như bắt buộc”, ông chia sẻ.
Tới nay, người Bhutan vẫn dùng hương theo cách đã tồn tại nhiều thế kỷ: dạng cây và bột. Thông thường, loại bột được dùng để đốt trên than hồng, có thể ở nhà, tu viện hay đền thờ.
Bột hương là vật để dâng lên các vị thần. Nó còn có tác dụng “xông” nhằm gột rửa phòng thờ thiêng liêng và các đồ vật thánh. Ngoài ra, khói hương cũng được cho rằng làm dịu những linh hồn tà ác và loại bỏ năng lượng tiêu cực. Hương dạng cây cũng có những tác dụng tương tự – dù chủ yếu dùng để thắp.
“Ở Bhutan, thắp hương là nghi lễ gần như bắt buộc”
“Làn khói nhẹ nhàng giúp nuôi dưỡng tâm hồn và kích thích các giác quan. Nó đem lại sự sảng khoái và cả sự bình yên trong tâm hồn. Công thức hương của chúng tôi có thể làm tất cả những điều đó. Nó giải phóng năng lượng tắc nghẽn trong cơ thể và chữa lành bệnh tật”, Nado chia sẻ.
Ông chủ xưởng không nói chi tiết về cách để làm nên một cây hương hoàn chỉnh. Ngay cả các công nhân cũng vậy. Họ biết đại khái nguyên liệu cần nhưng tỷ lệ chính xác thì không. “Chắc chắn, họ không biết có gì trong cái cốc tôi cho vào cuối cùng”, ông tiết lộ.
Công thức chỉ truyền cho con cháu trong nhà. Hiện tại, chỉ Nado và con gái ông – Lamdo – nắm được bí quyết gia truyền này. Tuy nhiên, ông chia sẻ công thức này dựa trên một công thức khác cũng nổi tiếng tại tu viện Phật giáo Tây Tạng hơn 350 tuổi Mindrolling (Ấn Độ).
Trước khi kết thúc buổi tham quan xưởng, Simon được dẫn đến phòng tạo hình cây hương. Nơi này có 12 nữ nhân công đang cho những nắm bột đã lên men vào phễu của một chiếc máy. Sau đó, chiếc máy sẽ biến bột thành những cuộn hương mềm chỉ trong vài giờ. Thành phẩm được đặt lên khay, có màu mận chín.
Sau đó, những cuộn hương được đem phơi khô trên gác xép rồi cắt tỉa và buộc thành từng bó. Trung bình, xưởng của Nado cho ra lò 20.000 cây hương/tháng và 350 kg bột hương. Sản phẩm của họ được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Anh…
Hương trong văn hóa Bhutan
Rời xưởng hương, Simon và Nado xuống sườn đồi để đến trung tâm Thimphu. Trên đường đi, Nado kể cho Simon nghe mình đã khám phá mục đích cuộc sống thế nào.
“15 tuổi, tôi đi tu và ở lại trong 10 năm. Tôi đặc biệt giỏi về thư pháp. Khi nhà vua thứ 3 của Bhutan yêu cầu Kinh điển Phật giáo được viết bằng chữ vàng, tôi chính là người thực hiện. Sau khi hoàn thành, tôi nghĩ mình muốn tìm thứ gì đó cân bằng giữa sự sáng tạo và thiêng liêng. Điều này đã dẫn tôi tới con đường làm hương”, Nado cho biết.
Chợ nhà nông Centenary nằm ngay trung tâm Thimphu. Tầng trệt là nơi bán trái cây, rau quả. Tầng trên gồm những cửa hàng bán hương liệu với đủ công dụng được quảng cáo như giảm đau bụng, thư giãn hay trừ tà.
“Hương quan trọng như đồ chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta hít thở mỗi ngày”
Ở đây, cả 2 gặp Choden, một phụ nữ thường xuyên mua hương của Nado để thắp cho đền thờ gần nhà. Bà đang đi chợ để mua thêm hương thơm mới.
“Tôi thắp 3 nén hương vào buổi sáng và 3 nén vào buổi tối. Tôi sẽ thấy thiếu nếu không làm điều này. Đó là nghi lễ tổ tiên đã truyền cho tôi và tôi dạy lại cho con cháu. Thắp hương cũng quan trọng như thức ăn, nước uống hay không khí. Đó là thứ gắn kết mọi người, bất kể giàu nghèo”, người này nói.
Rời khu chợ, 2 người đến một tu viện mà Nado cung cấp hương. Trong phòng cầu nguyện ngập tràn ánh nắng, nhà sư đang nhẹ nhàng đung đưa chiếc lư hương. Làn khói thơm tỏa ra từ chiếc nắp đục lỗ. Mùi hương thấm trong không khí, len lỏi vào từng nếp áo của ông.
“Khi thực hiện lễ puja (loại nghi lễ tẩy rửa bằng cách sử dụng bột hương), hương giúp tôi loại bỏ năng lượng tiêu cực khỏi căn phòng. Nó khiến tôi thấy thể chất, tinh thần của mình được rửa sạch. Hương giúp tôi tập trung để cầu nguyện. Quan trọng hơn, nó giúp tôi bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình”, ông tâm sự.