Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Loài hoa vừa quen vừa lạ ở ngôi chùa cổ Bối Khê...

Loài hoa vừa quen vừa lạ ở ngôi chùa cổ Bối Khê (Hà Tây)

71

Dường như đó chỉ là trí tưởng tượng của người nghệ sĩ dân gian. Nhưng sự thực nó vẫn tồn tại và xanh tươi trên mảnh đất Hà Tây trong một ngôi chùa cổ trầm nét thâm rêu mà không ai trong ngôi làng nơi có loài hoa lạ này xác định được tuổi của cây. Chỉ biết rằng nó đã có từ… xưa xa.


Và nó còn là một nghi vấn văn chương(?) trên sách giáo khoa nhiều năm trước nữa. Thế nên tôi gọi nó là loài hoa vừa quen vừa lạ. Quen bởi chẳng mấy ai là không thuộc nằm lòng ngay từ nhỏ câu ca dao cổ “Hôm qua tát nước đầu đình” và đã biết bao lần khúc dân ca Thanh Hóa “Đi cấy” vang lên trong những đêm trăng sáng.


Lạ bởi ai cũng nghĩ nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người và với nhiều người chưa từng được tận mục sở thị thì cho rằng thực tế chưa từng có loài hoa đó hoặc có chăng thì nó đã bị… tuyệt chủng như nhiều loài động, thực vật khác. Người ta vẫn nghĩ rằng, nó “huyền thoại” chứ không có chút “lịch sử” nào. Vâng, trăm nghe không bằng một thấy, mời bạn hãy tới đây:


Làng quê thấp thoáng ca dao


Con đường 21B từ Hà Đông tới Bình Đà rẽ trái sẽ dẫn bạn về làng Bối Khê. Cây cầu Định đến cây đa ba rễ đẹp thuần Việt vẽ nên một cung làng Bối trên mảnh đất cổ xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), trung điểm cung tròn ấy là ngôi đình Kim bên cây xanh cổ thụ và tâm cung tròn ấy là điểm linh thiêng nhất – yếu huyệt của làng, một khu vực mà cảnh quan cổ tích nhất làng, tập trung thành quần thể những di sản quý của làng…


Con sông Đỗ Động xưa đã không còn là dòng chảy đầy long mạch nữa, giờ chỉ là vệt nước nhỏ án ngữ con đường vào làng, mọc đầy hoa súng. Phía trước là chiếc cổng ngũ quan thật bề thế trông ra khoảng đất rộng thênh có cây đa đã nhiều trăm năm vẫn đứng lặng trầm và vườn mộ tháp sứt mẻ thời gian.


Không biết nó có nằm trong bộ sưu tập cổng làng của họa sĩ Quách Đông Phương hay không nhưng chắc chắn rằng chiếc cổng ấy đã hiện diện một cách kiêu trầm trong triển lãm ảnh về cổng làng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tây.


Bên trái cổng là lăng một Quận công từ thời Lê Trung Hưng, bên phải là đền thờ Đức Ông với cây đề cổ thiêng mang trong mình những nét uy xưa. Sau cổng làng, qua chiếc cầu gạch vắt trên vệt nước nhiều hoa súng là hai phiến đá lớn, rẽ phải sẽ tới nhà thờ một vị Tiến sĩ thời khoa bảng phong kiến, rẽ trái là con đường dẫn vào từ đường lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, còn bước thẳng là vào tam quan chùa cũng là gác chuông chùa Bối.


Chuông chùa đã bao lần thỉnh lên vọng ngân những tiếng thinh không. Cổng chùa đã bao lần mở ra đón những bàn chân du khách thập phương tới thắp hương. Họ đến cầu kinh lễ Phật, khảo sát điền dã tín ngưỡng làng, nghiên cứu công trình gỗ và đá kết hợp trong kiến trúc chùa, nghệ thuật điêu khắc trên những cột chống, bệ đỡ, đầu đao, vì kèo chùa Bối…


Đã có các nhà văn hoá dân gian, giới bảo tồn di tích, người nước ngoài… và cả những tên đạo chích tới đây bởi chùa có nhiều đồ thờ cúng đặc sắc. Một khoảng sân gạch chừng 400m2 với hai bên hồ nước, xưa là giếng ăn của làng, nay trồng hoa súng.


Giữa sân có bệ đá, lư hương đá chạm trổ nét thiêng xưa. Và vẫn còn trong vườn chùa hai giếng đá cổ, thuỷ linh như mắt rồng…


Hình rồng trên bệ tam thế của chùa được Tổng cục Bưu điện chọn làm mẫu trong bộ tem “Điêu khắc cổ Việt Nam thời Trần” phát hành năm 1998.


Ngôi chùa cổ Đại bi tự đã 624 năm này với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tam bảo thờ tiền phật hậu thánh, có đường hầm kháng chiến chống Pháp xuyên qua chính điện trở thành đề tài của nhiều luận văn, luận án, đồ án nhưng ít ai chú ý tới một loại kì hoa phía sau hậu cung chùa..


Sự thực một loài hoa hay sự thật của một câu ca dao


Đó chính là hoa sen trong câu ca dao cổ “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Hoa sen trắng tỏa hương thơm dịu chỉ nở vào độ tháng ba âm lịch. Khác với hoa sen trong đầm/ ao/ hồ, có hai loại, đỏ và trắng, hoa sen này chỉ có màu trắng, cánh hoa dày, nụ hoa có vẻ giống như hoa lan nhưng khi càng nở to thì nó chẳng khác gì với hoa sen dưới đầm nước là mấy, chỉ có điều xét về kích thước thì nó nhỏ hơn đôi chút.


Và nó mọc dưới những tán lá sen, từ những cành sen. Cành sen ư? Vâng, hai cây sen trong vườn chùa Bối Khê này, những cành sen này, những bông hoa này đã đứng giữa trời đất nắng mưa, đã đâm chồi nảy lộc, đã quang hợp và xanh màu diệp lục, đã nở và tỏa hương quanh ngôi chùa này qua rất nhiều thời gian trôi.


Cây sen thuộc họ thân gỗ, thẳng và cao (khoảng 5 mét), cắm rễ sâu vào lòng đất chùa, uống nước ngầm có lẽ là cùng mạch với hai giếng đá cổ trong vườn chùa mà lớn, mà ra hoa từ lâu lắm rồi. Ông Nguyễn Văn Háu, hơn 70 tuổi, ở Nhà văn hoá thôn Song Khê dẫn tôi đi xem tận mắt hai cây sen đó.


Ông chẳng biết sen trồng từ bao giờ và do ai trồng. Ông sinh ra đã thấy sen rồi, từ thời Pháp, từ thời ông nội ông đã có sen rồi. Không biết xưa sen cạn có mọc thành rừng không mà giờ chỉ còn hai cây này đứng song song như đôi chân hương thắp lên niềm kì mặc trong ánh mắt hậu thế.


Cuộc tranh luận về bài ca dao cổ “Tát nước đầu đình” với nhiều lý lẽ đưa ra để nói lên sự tồn tại của cành hoa sen có lẽ chỉ có trong thi ca nghệ thuật mà thôi, còn thực tế thì đốt đuốc lên tìm cũng không thể có.


Cứ cho là chàng trai kia đang ở trong tâm trạng yêu đắm say mà gọi đó là cành sen đi nữa thì dù có tài tình đến mấy chàng cũng không thể vắt chiếc áo lên được nếu là những bông hoa sen quen thuộc với cấu tạo sinh học mà ta vẫn thấy.


Đầm sen vốn là hình ảnh quen thuộc với bao người Việt, có ở khắp các làng quê Việt Nam. Dẫu chưa là quốc hoa nhưng bông sen đã là biểu tượng của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), của nhà Phật bởi vẻ thanh tao và hương thơm tôn quý. Được thi ca ưu ái, sen tỏa lung linh trong các câu ca dao.


Và tất cả những gì thuộc về sen đều có giá trị trong y học cổ truyền. Sen đã in đậm trong tiềm thức Việt nên cây sen đất này (người làng Bối vẫn gọi vậy, còn tôi thì muốn gọi là kì sen) đã trở thành dẫn chứng sống động nhất ngã ngũ cuộc tranh luận kia. Họ có thể đến đây tha hồ vắt áo lên cành sen như chàng trai xưa…


Cây sen đất đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Cảm hứng trước loài hoa vừa lạ lẫm vừa rất đỗi quen thuộc vùng đất mình, ông Nguyễn Văn Thuật, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây, đã viết bài thơ “Thanh Oai, miền đất kính”: “Đường về Bối Khê/ Đường về Cổ Hoạch/ Rừng trúc cờ bay/ Gươm khua trận mạc/ Đỗ Động giang sáng lòa giáo mác/ Tam Hưng tù và lay trăng/…/ Hoa sen đất nở bao thế kỷ/ Lớp lớp điệp trùng/ Quê hương biếc lộc/ Xanh xuân”.


Ông Lê Khắc Thiệu, Ban quản lý di tích chùa Bối kể với tôi rằng đã có lần đón những đoàn thầy giáo đưa học sinh về đây tham quan cây sen đất như một buổi dã ngoại để minh chứng cho bài giảng thêm sinh động. Loại sen này dường như chậm sinh trưởng bởi tôi thấy chu vi của cây không lớn.


Việc nhân giống cũng khó khăn lắm. Nhiều người, nhiều chùa khi biết tiếng có giống cây lạ đã đến đây để xin một – nguồn – gien quý hiếm về trồng song cây cũng không hợp với nơi đất mới. Đã bao lần dân làng chiết cành mà không được, vài ba năm gần đây mới thành công.


Rồi tôi lại được đưa tới nơi trồng hai cây sen đất mới trong khuôn viên chùa, ở hai bên gác chuông. Và nó đã ra hoa còn nhiều hơn cả hai cây già cỗi phía sau hậu cung chùa.


Vậy là có tới ba loại sen: sen nước, sen cảnh (nhỏ hơn sen nước nhiều, có dây leo, trồng trong bồn non bộ) và lạ lẫm nhất: sen đất, có cành, thường trồng nơi đình, chùa, miếu, mạo và (dường như) chỉ còn ở chùa Bối Khê này.


Tôi tự đặt ra trong đầu biết bao câu hỏi cho mình về loài hoa này: Lịch sử của loài sen đất, của hai cây sen này, quá trình sinh trưởng, phát triển và già cỗi của nó, những đặc điểm về sinh thái, và cả tính “thiêng” của nó nữa, tại sao nó lại hay được trồng ở những nơi tôn linh như đình chùa, tại sao nó chỉ thích hợp với đất Bối Khê này, v.v…


Có lẽ những câu hỏi đó xin dành cho các nhà sinh học. Thiết nghĩ, loài sen này hiện nay đã trở thành loại hoa quý hiếm và cần phải có biện pháp để bảo tồn và phát triển.


Một mai, với sự trợ giúp của công nghệ gien, ý tưởng về những cành sen nước có thể sẽ thành hiện thực bởi hoa hồng cũng đã có được màu xanh trong các phòng thí nghiệm Nhật Bản nhưng những giải pháp cho sự tồn tại của hoa sen đất thì cần ngay từ bây giờ.


Xưa tát nước đêm trăng, trai làng mượn sen để tỏ tình. Nay thôn nữ có còn hát Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng mỗi khi tới hội chùa Bối?