Trang chủ Diễn đàn Lịch sử – Pháp lý – Hiện thực – Tình người (trả...

Lịch sử – Pháp lý – Hiện thực – Tình người (trả lời Lê Tuấn Huy về vụ “đòi” Tòa khâm)

91

Sau khi xâm chiếm Việt Nam, thiết lập chế độ cai trị, thực dân Pháp chiếm phá không ít chùa chiền lấy đất đai để xây dựng công sở và giao cho Giáo hội Công giáo xây dựng nhà thờ và các cơ ngơi phục vụ cho lợi ích của giáo hội cũng như chính sách nô dịch văn hóa của thực dân. Thực dân Pháp đã duy trì quan hệ sản xuất phong kiến, đồng thời cho phép tư bản Pháp chiếm hữu và khai thác ruộng đất ở nước ta trên quy mô lớn. Chỉ tính đến nǎm 1890, ở Việt Nam đã có 126 đồn điền, hầu hết là của các cố đạo, võ quan và thực dân người Pháp. Số ruộng đất mà họ khai thác ở Trung Kỳ là 3.484 hécta, Bắc Kỳ là 3.068 hécta và Nam Kỳ là 4.346 hécta.


Năm 1873, được sự đồng ý của chính quyền thuộc địa, Giáo hội Công giáo chiếm một khu đất thuộc chùa Báo Thiên và cho xây dựng ở đây một nhà thờ bằng gỗ. Đến năm 1883 chùa Báo Thiên hoàn toàn được phá bỏ để xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội, thay thế cho ngôi nhà thờ bằng gỗ. Tòa Khâm Sứ Hà Nội là một phần của Nhà thờ lớn Hà Nội, nằm cạnh Toà Giám Mục trong khuôn viên đất nhà thờ. Năm 1950, Khâm sứ John Dooley của Vatican chuyển trụ sở ra Hà Nội, được Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội “cho mượn” (chứ không phải cấu kết) phần đất đó để làm Tòa Khâm Sứ.


Năm 1959, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Công Hòa bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với đạo Công Giáo, ra lệnh cho các giáo sĩ ngoại quốc phải rời khỏi Miền Bắc. Tòa Khâm Sứ của Vatican tại Hà Nội bị tịch thu, một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám Mục Hà Nội và Toà Khâm Sứ đã được chính quyền dựng lên. Sau đó Tòa Khâm Sứ đã được sử dụng vào nhiều mục đích phục vụ công ích khác nhau, có thời kỳ được dùng làm nhà văn hóa thiếu nhi…


Đây là những động thái mang tính “chính sách”. Bởi từ năm 1950 đến năm 1959 (thời gian Khâm sứ John Dooley hoạt động chống Cộng và bị trục xuất) là thời gian có nhiều biến động về chính sách đất đai của Chính phủ VNDCCH (không phải CHXHCNVN bây giờ, vì chính bản thân sự “chưa hoàn thiện” về chính sách trong một quá trình “tiệm tiến” của nó khi ấy cũng đã là một giới hạn lịch sử. Và như vậy Giáo hội Công giáo khi ấy (đang nơm nớp sợ tội, sợ bị quy chụp…) càng không phải là Giáo hội Công giáo hiện nay. Vì vậy “chủ thể” đã có những biến thiên về hình thái, tính chất và chịu sự quy định của những hoàn cảnh lịch sử cụ thể).


Cụ thể như: Ngày 4-12-1953, luật Cải Cách Ruộng Đất ra đời. Với các điều luật sau: Điều 1: Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Điều 2: Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác. Điều 3: Đối với địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì tuỳ tội nặng nhẹ mà tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò, nông cụ, lương thực thừa, nhà cửa thừa và tài sản khác (rất nhiều giáo sĩ Công giáo bị bắt giam, xét xử và quy vào điều luật này). Điều 10: Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v…) thì trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua.


Luật Cải Cách Ruộng Đất được bắt đầu bằng sắc lệnh ra ngày 20-4-1953, đăng trên công báo của Chính phủ VNDCCH. Đặc điểm của nó là ngoài luật lệ thêm vào thì luật mới là quyết định tịch thu tất cả tài sản của đế quốc Pháp, của Việt gian, của địa chủ ác ôn. Như vậy so với luật Cải Cách Ruộng Đất và sắc lệnh được ban ra sau đó, thì khi trục xuất khâm sứ John Dooley, việc giữ lại nhà thờ Lớn không để bị trưng thu, trưng mua đã là một nhân nhượng, còn tòa Khâm đương nhiên bị tịch thu vì đó là trụ sở của tay sai Vatican, cấu kết với thực dân Pháp chống phá Chính phủ. Với những điều kể trên, những mua bán, trao đổi, “cho mượn” trước đó là không còn hiệu lực. Và khi Công giáo nói “cho mượn” có nghĩa họ muốn nói rằng họ chẳng phải là một với Vatican. Họ “cho mượn” nhà mà để người khác sử dụng sai mục đích tôn giáo, chống phá chính phủ VNDCCH thì nhà bị tịch thu là không thể kêu ca vào đâu được.


Sau khi luật Cải Cách Ruộng Đất ban hành, Chính phủ VNDCCH đã gặp phải một số sai lầm khi tiến hành. Xong sau khi sửa sai, gần như chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch, quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ không hề có việc trả lại tài sản, nhà đất. (Đến năm 2004, theo báo Hà Nội Mới, UBND TP. Hà Nội mới ra quyết định trợ cấp cho một số trường hợp bị quy sai thành phần và có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kỳ cải cách ruộng đất với mức ba triệu đồng một trường hợp).


Vấn đề đất đai có nhiều thay đổi lớn sau hiệp định Genève, vì lúc đó có khoảng một triệu người bỏ Miền Bắc di cư vào Nam (trong đó hơn 2/3 người Công giáo tin vào lời đồn Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam nên họ bỏ giáo sứ, bỏ nhà đi theo). Sau khi tái tổ chức chính quyền, tạm ổn định tình hình, Hồ Chí Minh ký sắc luật về Cải Cách Ruộng Đất ngày 14-6-1955. Sắc luật này căn bản dựa trên hai sắc lệnh tháng 4 và tháng 12-1953, theo đó nhà nước tịch thu toàn bộ tài sản đất đai, nhà cửa, gia súc, nông cụ… của những người theo thực dân, địa chủ gian ác, cường hào ác bá, Việt gian, phản động; trưng thu không bồi thường. Tiếp tục tước quyền sở hữu đất đai của các tổ chức Thiên Chúa giáo… Lập toà án nhân dân để chuyên xét xử các địa chủ phản động, gian ác, những người chống phá “cách mạng” hay chống phá Cải Cách Ruộng Đất.


Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian John Dooley quản trưởng tại Tòa khâm (1950-1959) đã cho thấy trong quan hệ này không có cái gọi là “chủ thể tương ứng”, vì sao? Vì Giáo hội Công giáo không phải là một nhà nước mà chỉ là một thành phần dân chúng đang chịu sự quy định của pháp luật, cụ thể là chính sách Cải Cách Ruộng Đất, và vì trong con mắt của chính quyền sự hiện diện của Khâm sứ John Dooley cũng như của chính quyền thực dân là bất hợp pháp, là phi nghĩa, là phản động.


Nếu lấy năm 1975 như là một mốc lịch sử cho những thay đổi trong nhận thức về đất đai thì vào năm ấy đất đai ở miền Bắc đã nằm dưới những dạng phổ biến là hợp tác xã bậc thấp, bậc cao và nông trường. Việc cải tạo nông nghiệp, cũng như tiến trình quốc hữu hóa ở miền Bắc cơ bản đã hoàn thành trước năm 1960. Đất đai hoàn toàn không còn nằm trong tay sở hữu tư nhân. Trong khi đó, miền Nam, cuộc cải tạo nông nghiệp bắt đầu từ năm 1976 và qua các giai đoạn: tịch thu ruộng đất, phân chia lại cho công bằng và tập thể hóa. Những cố gắng này được đẩy rất mạnh và kết quả của nó được nhắc lại trong một chỉ thị ban hành vào năm 1988. Đến thời điểm đó cái gọi là “chủ thể gần nhất” Công giáo ấy cũng không có một giá trị sở hữu nào ngoài việc buộc phải hòa vào với sở hữu tập thể.


Sự kiện đất chùa bị thực dân Pháp và Công giáo chiếm đoạt cho đến sự kiện Tòa khâm bị tịch thu đều là một thực tế lịch sử đã nằm ngoài khuôn khổ pháp lý hiện hành (dù thời gian là ngắn hay dài). Cụ thể trong khoản 2 điều 10 Luật Đất đai đã quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Về chi tiết, cụ thể, khoản 1 điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai đã quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét việc giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993 trong các trường hợp sau: a. Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc; chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở Miền Nam.


Tuy nhiên đối với vấn đề vụ “đòi” Tòa khâm của người Công giáo, người Phật tử không phải vì thế mà lật lại lịch sử để đòi lại chùa Báo Thiên, chẳng qua hành động “đòi” của người Công giáo (trên một mảnh đất mà có lúc thái độ văn hóa và tình người đã bị bỏ quên ấy) đã gợi nhắc lại cho người Phật tử một nỗi ngậm ngùi. Và chính là thái độ bất chấp diễn trình lịch sử, bước qua khung pháp lý với độ dài là 50 năm để kêu gào cái gọi là “chủ thể hiện hành” đã gợi nhắc cho người dân Việt Nam về hình bóng những yêu sách trắng trợn của thực dân Pháp. Và bởi trong khi pháp luật được thực thi thì họ không dám mở miệng để “đòi công lý”.


Quả là “gian khổ” cho một hành trình lật lại và lật lọng sự kiện của 50 năm về trước. Nhưng họ có nghĩ về những điều họ đã đối xử với dân tộc này khi còn biết bao những mất mát chưa nguôi ngoai của dân tộc Việt Nam vẫn còn hằn lên trên mỗi gia đình. Ai là người thay họ đi “đòi”? Bị tịch thu một mảnh đất Tòa khâm (do quay lưng lại với dân tộc) thì họ đau đớn như lóc xương chẻ thịt. Còn Phật giáo mất bao nhiêu ngôi chùa, dân tộc mất bao nhiêu di sản văn hóa thì họ xem như là chuyện “dĩ vãng” và cái gọi là “hoàn toàn đi vào lịch sử”.


Lê Tuấn Huy viết: “Phật giáo Việt Nam từ bấy đến nay, qua bao nhiêu thăng trầm là bấy nhiêu lần thay đồi về mặt tổ chức và chủ thể rồi (sự phân tán của nhiều hệ phái Phật giáodưới thời Pháp thuộc thuộc để rồi thống nhất dưới cùng một giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; sau năm 1975 lại là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và một Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống Nhất khác không đặt dưới sự chi phối về chính quyền). Cho dù cố nại rằng chủ thể là toàn bộ Phật tử Việt Nam đi chăng nữa thì chủ thể dứt khoát cần phải có ở phía bên kia, trong sự kiện này là chính quyền thực dân, nay đã hoàn toàn đi vào lịch sử”.


Ở điểm này Lê Tuấn Huy đã bộc lộ rõ nhận thức thiếu căn cứ về lịch sử Phật giáo. Bởi dù dưới bất cứ danh nghĩa tên gọi tổ chức gì thì từ thời phong kiến đến hiện đại vẫn thống nhất một khái niệm đó là Phật giáo Việt Nam – Đạo Phật Việt Nam (từ khi thành lập nhà nước phong kiến Phật giáo đã là một thể thống nhất bên cạnh Đạo Lão, Đạo Nho. Công giáo vào Việt Nam có thể sớm hơn trước khi Pháp xâm lược nhưng không phải là Giáo hội và càng không được nhà nước phong kiến công nhận là đạo. Chỉ chính thức khi có quyền thực dân (không được người Việt Nam thừa nhận, trừ một bộ phận triều đình nhu nhược và người Công giáo), người Công giáo mới có Giáo hội. Giáo hội này lúc đó được xem là một thực thể gắn liền với thực dân Pháp). Các hệ phái Phật giáo của Phật giáo Việt Nam gồm các dòng truyền thừa (tương đương với dòng tu Công giáo) nên không lấy danh nghĩa “Giáo hội”. Nhưng Đạo Phật vẫn là một tôn giáo chính.


Trong Phong trào Duy Tân, Phan Chu Trinh thấy mối nguy của giặc Pháp đã kêu gọi bài Nho hưng Phật. Sự phá phách chùa chiền của thực dân và giáo sĩ Công giáo đã khiến cho những người Phật tử Việt Nam đoàn kết lại và phong trào chấn hưng Phật giáo nổ ra mạnh mẽ trên cả 3 miền ngay từ những năm đầu thế kỷ 20. Tùy điều kiện mỗi miền mà đặt tên gọi “Giáo hội”, tuy nhiên chủ thể thống nhất là một: Phật giáo Việt Nam – Đạo Phật.


Nếu tính song song với thời điểm năm 1950, và sự kiện Công giáo “cho mượn” Tòa khâm, tại Hà Nội ngày 8-6-1950 Phật giáo Việt Nam chính thức trở thành thành viên sáng lập của Giáo hội Phật giáo Thế giới. Ngày 14-9-1952, các vị đại biểu của Tăng già Bắc-Trung-Nam đã có mặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, họp Đại Hội đồng, tiến hành thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc. Đại Hội đồng đã thông qua bản quy chế của Giáo hội, bầu ra Hội đồng Pháp Chủ gồm ba vị Pháp Chủ ở ba miền, có nhiệm vụ chứng minh, ủng hộ. Mọi công việc do vị Thư­ợng Thủ cùng Tổng Trị sự đảm nhiệm. Suy tôn vị Thư­ợng Thủ đứng đầu Giáo hội và bầu ra Tổng Trị sự (nhiệm kỳ 2 năm) cùng các chuyên ban để thực hành các công việc của Giáo hội. Kết thúc Hội nghị, Giáo hội lấy tên là Giáo hội Tăng già Việt Nam, Hòa thư­ợng Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi được suy tôn ngôi Thượng thủ. Sau năm 1954 tên gọi Phật giáo Việt Nam có thể thay đổi nhưng vẫn là một chủ thể thống nhất trong dòng lịch sử.


Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Hồ Chủ tịch có viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của tổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng từ bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi các khổ ải nô lệ”. Chủ thể trước đó của Giáo hội Phật giáo với chính quyền thực dân (là không khuất phục, bán nước) và chủ thể sau đó với VNDCCH (là không đứng ngoài vận mệnh dân tộc). Điều đó luôn thống nhất.


Cũng cần nói thêm khi chính quyền thực dân mất cái gọi là chủ thể Công giáo cũng mất theo. Và cái chủ thể Công giáo trong chính quyền thực dân là lớn lối cướp phá chùa chiền, là cấu kết bóc lột nhân dân, là quay lưng lại với dân tộc, còn cái chủ thể Công giáo sau chính phủ VNDCCH là chủ thể khác. Như vậy ở miền Bắc, khi chính quyền thực dân cáo chung cũng chính là lúc cái gọi là “chủ thể Công giáo” hay “Giáo hội Công giáo” (mới đích thực) “hoàn toàn đi vào lịch sử” và lép vế hơn so với Giáo hội Phật giáo khi ấy.


Lê Tuấn Huy bạo biện: “Ngoài việc sự vụ xảy ra ngay dưới chế độ hiện hành, theo những thông tin được đưa ra từ phía Giáo hội, họ có các văn bản cần thiết (nói trống) làm cơ sở cho yêu cầu của mình (yêu sách). Vấn đề còn lại giờ đây là vấn đề giá trị thực của các chứng thư đó và hiệu lực của chúng có nằm trong khuôn khổ thừa nhận của hệ thống quy định pháp luật hay không”. Đến đây mới lộ rõ hành động “đòi” quả thực rất hồ đồ, vì biết bao con người như vậy mà không nghiên cứu xem pháp luật Việt Nam quy định như thế nào à?


Rõ ràng chính bản thân người Công giáo đã cố tình “đánh bùn sang ao” để bước qua lịch sử, bước qua khung pháp lý hiện hành và bước qua cả hiện thực (là những người công dân đang sống trên mảnh đất Việt Nam cần phải tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam cho dù đó là điều cá nhân mình không bằng lòng vì sự khiếm khuyết nào đó của nó). Cách nói trên của Lê Huy Tuấn cho thấy họ chẳng có những văn bản cần thiết nào cả, ngoài cái gì đó còn vấn vương trong trí óc họ, rằng Tòa khâm là đất nhà thờ Lớn cho Khâm sứ John Dooley “mượn”, còn “mượn” như thế nào thì trời biết đất biết.


Trong khi đó Chính quyền rất có thể họ sẽ nói: “Chúng tôi có tịch thu gì của các ông đâu, Toà Khâm Sứ là chúng tôi thu từ chính quyền thực dân, nên các ông không có quyền đòi lại” (LS Trần Vũ Hải). Và cho dù có bằng chứng gì đó đi chăng nữa thì Chính quyền cũng không thể sửa đổi pháp luật để đáp ứng yêu sách đó. Cho nên người Công giáo đừng tiếp tục hô hào rằng nhà nước “vi phạm pháp luật”, “cướp đất tôn giáo”… Vì nó sẽ dẫn đến một hậu qủa xã hội không thể lường trước được.


Nếu một lúc nào đó sự việc chuyển biến có lợi cho vụ việc “đòi” đất của người Công giáo đi chăng nữa thì chỉ có thể là một sự nhân nhượng nằm ngoài pháp lý và nằm ngoài lối ửng xử thông thường của tình người, lợi ích dân tộc chứ không bao giờ nằm trong cái gọi là “vì công lý” cả.