Lý giải về nguyên nhân tiêu vong của Phật giáo Champa, tác giả Quảng Văn Sơn, trong bài “Phật giáo Champa từ tư liệu đến nhận thức”, tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6 (132), 2014, đã phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan:
“Nguyên nhân sự tiêu vong của Phật giáo Champa
Sau một thời kỳ dài hưng thịnh, Phật giáo Champa dần bị tiêu vong. Sự tiêu vong của Phật giáo Champa, theo chúng tôi, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:
Về nguyên nhận chủ quan: Thứ nhất, nhà nước Champa được tổ chức theo thể chế liên bang, mà nhiều nhà khoa học gọi là Mandala, chứ không trung ương tập quyền như Đại Việt và Trung Hoa. Vì vậy, sự thay đổi vị trí của các tiểu vương trong việc nắm quyền lãnh đạo vương quốc Champa dẫn đến tư tưởng có thể thay đổi. Điều này thể hiện cụ thể trong lịch sử vương quốc này. Nếu như thời kỳ Indrapura, Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị xã hội, thì đến thời kỳ Vijaya, tôn giáo này mất dần ảnh hưởng và đi đến tiêu vong. Thứ hai, cộng đồng xã hội người Chăm bị chi phối rất lớn bởi tôn giáo. Điều kiện này góp phần dẫn đến việc Phật giáo chấm dứt sự tồn tại của mình. Người dân có thể theo Phật giáo, Bà La Môn giáo hoặc Islam giáo. Thứ ba, Phật giáo Champa không có vai trò to lớn như Bà La Môn giáo trong việc củng cố sự thống trị của vương quyền và thần quyền. Bà La Môn giáo chủ trương phân chia đẳng cấp nhằm duy trì sự ổn định xã hội, trong khi đó Phật giáo quan niệm ngược lại, nên xảy ra sự mâu thuẫn giữa hai tôn giáo này. Sự mâu thuẫn làm cho hai tôn giáo không thể chung sống một cách hòa bình, dẫn đến sự tiêu vong của Phật giáo. Thêm nữa, người Chăm có sự nhạy bén trong tiếp nhận văn hóa ngoại lai, bởi họ là cư dân biển, thương nghiệp phát triển chứ không như văn hóa Đại Việt tĩnh tại. Nền văn hóa Chăm mang tính chất động như vậy, cho nên năng lực tiếp nhận rất lớn và dễ thay đổi.
Về nguyên nhân khác quan: Các cuộc chiến tranh với Đại Việt góp phần làm mất dần vai trò Phật giáo Champa. Champa và Đại Việt trong lịch sử đã nhiều lần xung đột với nhau, làm cho vương triều Indrapura bị xóa sổ, dẫn đến việc Phật giáo Champa không còn chiếm địa vị thống trị nữa. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của Islam giáo làm cho trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á là Indonesia sụp đổ. Phật giáo Champa cũng nằm trong xu hướng nêu trên. Việc tiêu vong của Phật giáo Champa còn do sự chấn hưng Bà La Môn ở Ấn Độ và sự tác động mạnh mẽ của tôn giáo này đến Champa.
Ngoài ra, Phật giáo đưa vào người Chăm những triết lý cao siêu, phong cách nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo độc đáo, nhưng cũng làm tăng thêm tính bảo thủ, thụ động, và an phận vốn có ở tộc người này. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vương quốc Champa dần suy thoái, Phật giáo ở vương quốc này cũng dần tiêu vong”.
Đi sâu tìm hiểu tiến trình suy thoái và tiêu vong Phật giáo Champa, chúng ta có thể đi đến những nhận định và vấn đề như sau:
– Với quan điểm lịch sử Phật giáo Việt Nam là lịch sử Phật giáo các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, thì quá trình Phật giáo Champa suy thoái đến tiêu vong là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
– Sự tiêu vong của Phật giáo Champa là tiêu vong hoàn toàn, 100%, không còn một cộng đồng Phật giáo thiểu số nào cả. Đây cũng là một điểm đáng lưu ý. Trong đó, hệ quả của nó là không thể phục hồi.
– Đỉnh cao hưng thịnh, sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Champa trong lịch sử không thể ngăn cản được sự suy thoái và sau đó tiêu vong hoàn toàn của Phật giáo Champa. Cũng vậy, 1500 năm Phật giáo có thể biến thiên đến mức chỉ còn lại các di vật và phế tích.
– Phế tích các bệ thờ, điện thờ, dấu tích các hang động dùng vào việc thờ cúng, di vật các tượng Phật và Bồ tát… cho thấy Phật giáo Champa là Phật giáo thiên về thờ lạy, tế lễ, cúng bái. Phải chăng khuynh hướng cúng tế như thế đã khiến Phật giáo Champa suy vong?
– Tương ứng với thời nhà Trần của Đại Việt, vào khoảng 1301, vẫn còn ghi nhận những hoạt động của Phật giáo Champa qua chuyến du hóa của Tổ sư Trúc Lâm Yên Tử. Sự tồn tại thực tế của Phật giáo Champa không phải chỉ đến thế kỷ X, mà kéo dài trong nhiều trăm năm sau đó. Quá trình suy thoái của Phật giáo Champa gần như tương đồng với quá trình suy thoái của Phật giáo Đại Việt. Có gì quan hệ ở 2 quá trình này? Tại sao sự suy thoái của Phật giáo Đại Việt không dẫn đến sự tiêu vong hoàn toàn, trong khi điều đó diễn ra ở Phật giáo Champa?
– Kéo dài qua nhiều thế kỷ, kết cục tiêu vong của Phật giáo Champa là điều không phải là không thể thấy trước được, nhưng vì sao không thể ngăn chặn từ chính Phật giáo Champa.
– Quá trình tiêu vong của Phật giáo Champa thực chất là quá trình cải đạo toàn dân tộc Chăm sang đạo Bà La Môn và đạo Hồi. Nên nhìn nhận quá trình cải đạo này như thế nào?
– Phải chăng, do quá trình suy thoái diễn ra quá dài, tình trạng xuống dốc kéo dài từ từ, từng chút một, nên chính những người trong cuộc sẽ khó mà nhận ra những biểu hiện suy thoái, cho đến khi ý thức ra vấn đề thì không thể làm gì được nữa.
– Sự suy thoái của Phật giáo Champa có liên hệ gì, có tác động ra sao đến sự suy thoái của toàn vương quốc Champ-pa, dẫn đến sự diệt vong của nhà nước này.
Lý giải của tác giả Quảng Văn Sơn về nguyên nhân tiêu vong của Phật giáo Champa cho chúng ta những gợi ý sau:
– Sự tiêu vong của Phật giáo Champa được coi là có yếu tố chính trị, gắn liền với chính trị. Yếu tố chính trị được nói đến ở trên là thể chế liên bang của vương quốc Cham-pa, trong đó, tôn giáo của tiểu vương nắm quyền lãnh đạo vương quốc có thể dẫn đến sự thay đổi tôn giáo của toàn vương quốc (trong đoạn văn dẫn trên thì thời Indrapura là thời kỳ Phật giáo và thực trạng đó thay đổi ở thời kỳ Vijaya).
– Nhìn từ Phật giáo chúng ta sẽ thấy vai trò quan trọng của nhà nước hộ pháp. Nhà nước hộ pháp không còn thì Phật giáo có thể suy vong.
– Đỉnh cao hưng thịnh của Phật giáo Champa vẫn chưa cho phép Phật giáo cắm rễ sâu vào lòng dân tộc Chăm, dẫn đến việc Phật giáo Champa dễ dàng suy thoái theo những biến động chính trị.
– Một yếu tố chính trị nữa của quá trình suy thoái Phật giáo Champa là “các cuộc chiến tranh với Đại Việt góp phần làm mất dần vai trò Phật giáo Champa”. Tuy nhiên, ở đây, tác giả Quảng Văn Sơn lại cho rằng Phật giáo có vai trò “góp phần làm cho vương quốc Champa dần suy thoái”, do “làm tăng thêm tính bảo thủ, thụ động và an phận vốn có ở tộc người này”. Một hình thái có tính vận động liên hoàn qua lại đã diễn ra giữa Phật giáo Champa và chính quyền Chăm. Nhưng theo tác giả bài viết, Phật giáo lại gây hại cho chính mình bằng những tác động tiêu cực, bất lợi.
Trong Phật giáo, nếu tính chất từ bi được trí tuệ soi sáng thì sẽ không đưa tới sự thụ động, bi quan, tiêu cực, an phận. Nhưng Phật giáo khi chỉ thiên về cầu xin, cúng bái, thì mặt tiêu cực, thụ động sẽ nổi lên thành tác động chủ đạo, có hại. Có lẽ Phật giáo Champa mạt kỳ rơi vào tình trạng này, từ đó càng thúc đẩy xu hướng suy thoái.
Suy luận này phù hợp với những phát hiện khảo cổ học về hiện tượng Phật, tượng Bồ Tát, bệ thờ ngày càng nhiều ở các niên đại về sau, cho thấy xu hướng cúng bái vào mạt kỳ của Phật giáo Champa. Ở mọi quốc gia, trong mọi trường hợp cúng bái sẽ làm thủ tiêu yếu tố trí tuệ của Phật giáo, khiến Phật giáo trở thành một tôn giáo tầm thường, tệ hơn nữa là tạo những ảnh hưởng thụ động, bi quan.
Đây là một bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút ra từ quá trình suy thoái và diệt vong của Phật giáo Champa. Hoàn toàn không thể coi thường vai trò của nhà nước hộ pháp và diễn biến sa vào cúng bái tế lễ của Phật giáo.
– Trong nguyên nhân tiêu vong chủ quan thứ hai của Phật giáo Champa, nhà Chăm học Quảng Văn Sơn ghi nhận sự lựa chọn của người dân Chăm giữa “Phật giáo, Bà La Môn giáo và Islam giáo”. Đối mặt với môi trường cạnh tranh tôn giáo gay gắt, cuối cùng Phật giáo đã bị loại trừ, Bà La Môn giáo và Islam giáo còn tồn tại trong dân tộc Chăm đến ngày nay.
Theo bia Đồng Dương, đã có tình trạng một vị vua một lúc theo cả 2 tôn giáo Phật giáo và Bà La Môn giáo, cùng một lúc xây dựng một ngôi chùa và một ngôi đền (năm 875). Phật giáo do tính chất từ bi của mình chấp nhận cùng tồn tại tôn giáo đến sau. Nhưng việc cúng bái theo Bà La Môn giáo dẫn đến hậu quả sau cùng là Phật giáo bị loại trừ.
– Trong môi trường đa tôn giáo, Phật giáo cũng không thể đương đầu với Islam giáo, tôn giáo có tính cải đạo rất mạnh. Sự có mặt của Islam giáo đẩy nhanh quá trình diệt vong Phật giáo. Trong bài viết đã dẫn, xu hướng này có cục diện quốc tế, diễn ra ở Phật giáo Champa đồng thời với trung tâm Phật giáo Indonesia.
– Quá trình cải đạo, diệt vong của Phật giáo Champa là một quá trình hầu như không có ghi nhận bạo lực, cưỡng bức. Nếu cải đạo bạo lực đã là vấn đề sinh tử của Phật giáo nhiều nước trên thế giới, thì cải đạo phi bạo lực cũng đã tiêu diệt được Phật giáo Champa. Bài học lịch sử này là đắt giá trong bối cảnh cải đạo phi bạo lực nhằm vào Phật giáo là thường xuyên, liên tục, kéo dài đến tận hôm nay và đang tiếp tục diễn ra.
Đối với trường hợp Phật giáo Champa, cải đạo, dù phi bạo lực, vẫn là hết sức đáng sợ, vì nó tiêu diệt hoàn toàn, xóa sạch trơn Phật giáo, không để lại một cộng đồng thiểu số nào hết trong dân tộc Chăm.
Một dân tộc theo đạo Phật gần 1500 năm, từ đạo Phật mà đạt đến những thành tựu văn hóa phi thường, bây giờ lại sống bên cạnh đạo Phật như một tôn giáo ngoại lai, xa lạ, ở một bộ phận lại có xu hướng tiếp nhận đạo Tin Lành bên cạnh Hồi giáo và Bà La Môn giáo.
Trường hợp Phật giáo Champa cho thấy, đối với đạo Phật, tôn giáo của từ bi, nếu để thiên lệch về hướng cúng bái, rơi vào thế thụ động, an phận, nhu nhược, thì nguy cơ cải đạo đến mức tiêu vong hoàn toàn trong bối cảnh đa tôn giáo là một nguy cơ thường trực và nghiệt ngã.
Bị bứt khỏi Phật giáo, dân tộc Chăm đã là một dân tộc bất hạnh vì mất pháp lạc. Điều cay đắng hơn, vừa bị tiêu diệt, Phật giáo Champa vừa mang tiếng đã góp phần vào sự suy vong của vương quốc Chăm (như kết luận của tác giả Quảng Văn Sơn).
Coi Phật giáo Champa là một phần của Phật giáo Việt Nam lịch sử, thì bài học suy thoái diệt vong của Phật giáo Champa là một bài học lịch sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Cần hết sức cảnh giác, môi trường đa tôn giáo với sự hiện diện của những tôn giáo mang tính cải đạo mạnh là môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm đối với Phật giáo Việt Nam. Hiện Phật giáo Việt Nam cũng trong môi trường đó.
Sau 50 năm chấn hưng, Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đang có xu hướng diễn biến thiên về cúng bái. Phật giáo cúng bái là tiền đề của một Phật giáo thụ động, nhu nhược, bi quan, từ đó, suy thoái, tàn tạ, yếu thế rồi diệt vong không còn dấu tích là đoạn đường mà Phật giáo Champa một phần Phật giáo trên lãnh thổ Việt Nam đã trải qua.
Truyền thống là một sức mạnh, nhưng Phật giáo Champa gần một ngàn năm trăm năm cũng đã bị xóa sạch chỉ trong vòng một vài thế kỷ ngắn ngủi. Vì vậy, Phật giáo dù có bề dày lịch sử, cũng không nên ỷ lại vào lịch sử. Mà chỉ nên thấy trước hết từ lịch sử những bài học, đặc biệt là bài học xương máu, như Phật giáo Champa, trong một trường hợp tiêu vong đầy bi kịch.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.