Từ xưa, Chí Linh đã từng được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, nằm bên bờ Lục đầu giang – nơi sáu dòng sông hội tụ là Lục Nam, Thương, Cầu, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình.
Đền thờ Chu Văn An |
Ở đó còn có bến Bình Than lịch sử, án ngữ mạng lưới giao thông thủy, bộ từ biên giới phía Bắc và vùng Đông Bắc về Hà Nội, từ vùng Việt Bắc, Đông Bắc về đồng bằng sông Hồng. Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hải Dương, nổi tiếng với khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chí Linh còn có núi Phượng Hoàng in dấu của hai bậc danh sư là Chu Văn An – bậc thầy của nền khoa bảng Việt Nam và Nguyễn Thị Duệ – nữ tiến sĩ duy nhất của Việt Nam thời phong kiến.
Người về nước biếc non xanh
Đầu năm, các đền chùa ở phía Bắc đều nghi ngút khói hương, rầm rập người xe nhưng nổi bật nhất là hai danh thắng: quần thể Côn Sơn với chùa Côn Sơn, đền thờ Trần Quốc Tuấn, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi nằm giữa núi biếc, thông reo, thác đổ, hồ xanh và đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, một trong những trung tâm của đạo Tứ phủ.
Gần đó là cụm di tích đền Cao có bốn ngôi đền linh thiêng, cổ kính thờ năm anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống (năm 981), chùa Thanh Mai được xây dựng năm 1329 do thiền sư Pháp Loa – đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sáng lập, đền Mẫu Sinh thờ Mẫu, được xây dựng trên lưng chừng núi Ngũ Nhạc với hậu cung ở trên một tảng đá lớn hình người phụ nữ đang nằm sinh con, có tiếng là rất linh ứng.
Thoát khỏi sự ồn ào ấy, theo quốc lộ 18 về phía thị trấn Phả Lại rồi rẽ phải, men theo con đường nhựa quanh co dưới tán thông là tới núi Phượng Hoàng (xã Văn An) nơi thờ hai bậc danh nho Việt Nam là Chu Văn An và Nguyễn Thị Duệ.
Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, sinh năm 1292, mất năm 1370, là vị quan cương trực, người thầy tiêu biểu cho tài cao đức trọng của nền khoa bảng Việt Nam, ông sống vào cuối thời Trần, quê ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dù đỗ Thái học sinh nhưng ông không ra làm quan, mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch. Đây là người thầy có công lớn trong việc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam.
Tài năng và đức độ của thầy Chu Văn An vang xa, khiến học trò nhiều nơi tới bái sư, trong số đó có nhiều người thành đạt, làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Tương truyền, cả thủy thần đầm Đại (nay vẫn còn dấu tích ở phía Nam Hà Nội) cũng tới theo học. Khi trời đại hạn, cảm ơn nghĩa của thầy, người học trò đã hóa phép múa bút nghiên, vẩy mực làm mưa phải chịu tội với Ngọc Hoàng. Chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước cũng đen, nay gọi là đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến làng này thành một làng văn học, là quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…
Đến đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được vời ra làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám để dạy thái tử và tham gia vào công việc củng cố triều Trần đang có nguy cơ bị suy vong. Đến đời vua Dụ Tông, triều chính thối nát, gian thần nổi lên khắp nơi khiến xã hội rối ren, dân tình đói khổ. Trong khi nhiều vị quan cao chức trọng chỉ khư khư lo giữ mũ, Chu Văn An đã dâng thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh. Tiếc là vua không nghe nên ông từ quan, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách.
Ông viết nhiều sách, nhưng chỉ còn sót lại hai bài thơ chữ Hán. Người kiếm củi núi Phượng ấy tuy “Thân cùng mây tẻ quyến luyến hốc núi. Lòng cùng giếng cổ chẳng hề gợn song”, nhưng “Tấc lòng chưa lạnh như tro đất”. Khi Trần Nghệ Tông dẹp Dương Nhật Lễ, giành lại ngôi báu của nhà Trần, ông chống gậy về tận triều đình chúc mừng, nhưng không nhận chức quan, lại quay về lều cỏ.
Ông còn là nhà Đông y, đã biên soạn quyển Y học yếu giải tập chu di biên, bao gồm lý luận cơ bản về chữa trị bệnh. Khi mất, ông được vua Trần dành cho vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức Nho gia là được thờ ở Văn Miếu bên cạnh bậc Khổng Tử cùng các vị thánh hiền khác. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi ông “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.
Toàn cảnh đền thờ Chu Văn An |
Trải qua gần 700 năm, ngôi nhà đơn sơ nơi Tiều Ẩn dạy học và nương náu suốt nửa đời cùng với cung Tử Cực, điện Lưu Quang, am Lệ Kỳ, giếng Soi… không còn. Qua khỏi ngôi đền cũ ở cổng vào – kiến trúc thời Nguyễn còn sót lại là khu chiêm bái mới được tôn tạo, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đền thờ chính được phân bố thành ba cấp bậc, ngả lưng vào núi Phượng Hoàng.
Qua khu vực nhà bia cũ là hai tòa phương đình, tới hai nhà tả vu và hữu vu, vượt qua chừng hơn chục bậc thềm với đôi rồng đá dài chừng năm mét uốn lượn sẽ tới tòa đền chính. Ngôi đền chính kết cấu hình chữ Đinh, chồng diêm tám mái, bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài, hậu cung đặt tượng thờ Chu Văn An… Men theo triền núi dưới tán thông xanh mướt chừng 500m, sẽ tới ngôi mộ của bậc thầy đạo Nho ở Việt Nam nằm dưới bóng cây quân tử…
Nữ tiến sĩ duy nhất dưới thời phong kiến Việt Nam
Ngôi đền nhỏ, đang trong giai đoạn tôn tạo, khép nép nằm ven đường vào núi Phượng là nơi thờ tự một người phụ nữ xinh đẹp, tài danh vào hàng bậc nhất Việt Nam thời xưa là Nguyễn Thị Duệ.
Đền hình chữ đinh, chồng diêm hai tầng tám mái, dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra hồ Sen rộng mênh mông. Sau đền, mộ bà gối mình trên triền núi. Cuối triều Lê, đền và mộ tháp của bà được xếp vào hàng Chí Linh bát cổ:
“Lạ thay nhất kính chiếu ba vương
Kiệt Đặc tinh phi vốn cố hương
Đẹp tuyệt trần gian thêm sắc sảo…”.
Người đẹp tuyệt trần thêm sắc sảo ấy còn có tên khác là Nguyễn Thị Du hoặc Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền – nữ tiến sĩ duy nhất Việt Nam thời phong kiến. Quê bà ở làng Kiệt Đặc, nay là xã Văn An, huyện Chí Linh, sống vào thế kỷ XVI – XVII. Vốn là người thông minh, có nhan sắc, nên mới hơn 10 tuổi, bà được nhiều nhà quyền quý tới xin cưới hỏi nhưng không ưng thuận ai.
Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, bà cùng gia đình đi theo. Luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử nên bà phải giả trai để theo đòi nghiên bút. Trong khoa thi tiến sĩ năm Giáp Ngọ (1594), bà mang tên giả là Nguyễn Du để thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20.
Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú nên sinh nghi, dò hỏi. Khi chuyện bị lộ, bà không bị khép tội, mà còn được vua khen ngợi… Vua vời bà vào cung để dạy phi tần, từ đó thường được gọi là bà chúa Sao Sa. Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Bà vào rừng ẩn náu nhưng bị quân lính bắt được. Mến tài, vua Lê chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ…
Đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ |
Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà, dựng am Đào Hoa làm nơi đọc sách và dạy học. Nhiều học trò của bà đỗ đạt cao và làm quan lớn trong triều. Bà qua đời khi hơn 80 tuổi. Khi bà mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn làm phúc thần. Khi còn làm việc quan, bà rất quan tâm đến thi cử, bồi dưỡng nhân tài, tham gia chấm phần lớn các kỳ thi đình, thi hội. Bà được thăng chức Chiêu Nghi, hiệu là Nghi Ái Quan.
Khi quen biết hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) – một người phụ nữ cũng thông tuệ, am hiểu kinh sách, bà thường cùng hoàng hậu đi lễ chùa, gặp gỡ các bậc chân tu, sĩ phu tài danh, như Giang Văn Minh, Khương Thế Hiền… đàm đạo thế sự, văn thơ. Nguyễn Thị Duệ làm nhiều văn thơ, nhưng nay chỉ còn một số trong gia ký:
“Nữ nhi dù đặng có lề
Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên”.
Vũ Phương Đề trong tác phẩm Công dư tiệp ký khen ngợi bà là “Lễ sư thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”.
Bà được nhiều làng trong tổng Kiệt Đặc cũ tạc tượng thờ phụng. Tại Văn Miếu Mao Điền – trung tâm của tỉnh Hải Dương, bà được thờ cùng Khổng Tử.