Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Lén lút sửa bài chỉ bằng thay Ba Vàng cho Tam Chúc,...

Lén lút sửa bài chỉ bằng thay Ba Vàng cho Tam Chúc, báo Người Lao động vô trách nhiệm và vô liêm sỉ

Thiết nghĩ, nếu không đồng lòng và đoàn kết lên tiếng mạnh mẽ, những cơn bão truyền thông được tạo ra bởi những tòa báo bất lương sẽ còn ập đến chùa Ba Vàng nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

1675

Như đã đề cập trong bài Thêm một bằng chứng sống động về sự chộp giật của báo chí liên quan đến chùa Ba Vàng, báo Người Lao động đã có sai sót khi viết bài đề cập chuyện Phật tử Yến diễu hành mừng Phật đản tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) khi Đại lễ Vesak đang diễn ra trong khi thực tế Phật tử này đang diễu hành mừng Phật đản tại chùa Ba Vàng.

Gần 2 ngày sau, trước phản ứng của nhiều Phật tử, báo Người Lao động điện tử đã lén lút cho sửa bài bằng cách thay từ Tam Chúc bằng Ba Vàng, mọi nội dung khác giữ y nguyên, kể cả chú thích ảnh vẫn ghi là “Bà Phạm Thị Yến (váy đỏ) tay cầm cờ tươi cười xuất hiện trong lễ diễu hành chào mừng đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc – Vesak 2019“.

Nói lén lút là bởi không có bất kỳ thông báo, chú thích hay đính chính nào. Cùng một link bài viết, còn nội dung chỉ được thay đổi như đã nói ở trên.

Nhưng điều đáng nói, đáng bàn là ở sự sửa đổi lên quan đến nội dung.

Khi sự việc xảy ra ở Ba Vàng, việc hỏi và đáp với Đại đức Thích Đạo Hiển – Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trở nên thừa thãi, râu ông nọ cắm cằm bà kia, không muốn nói là lố bịch khi đặt trong bối cảnh mục đích, dụng ý và thủ đoạn của bài viết.

Mặt khác, chuyện Phật tử Yến diễu hành mừng Phật đản ở chùa Tam Chúc hay ở chùa Ba Vàng, về hình thức có thể giống nhau, nhưng về bản chất và hiệu ứng dư luận là hoàn toàn khác nhau một trời một vực.

Khi diễn ra ở Ba Vàng, đây là hành vi mừng Phật đản hết sức bình thường của một Phật tử của chùa, như hơn 2 vạn người khác, là quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được Hiến định và pháp luật bảo vệ. Và người khác chẳng có cớ gì mà dư luận ngạc nhiên, xôn xao, báo chí khích bác, bôi nhọ.

Phật tử Yến vui vẻ, hân hoan, tươi cười cũng là hết sức bình thường như hàng trăm triệu Phật tử khác, khi kỷ niệm ngày sinh của người Thầy vĩ đại, người Cha lành đã sáng lập và truyền bá đạo Phật, được lưu truyền hơn 2560 năm qua.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ sự khâm phục và tri ân Phật tử Yến nói riêng, đặc biệt là toàn thể đại chúng Phật tử chùa Ba Vàng nói chung, vì quý liệt vị đạo hữu đã vững vàng và kiên trung vượt qua trận cuồng phong bão tố khủng khiếp, đồng hành và sát cánh cùng nhau và cùng chư Tăng của chùa bất chấp mọi thị phi, là tấm gương sáng và viết lên một bài Pháp vĩ đại về tinh thần Bi – Trí – Dũng của người Phật tử tại gia trong việc hộ trì và tuyên dương Phật pháp.

Khi sự việc diễn ra ở chùa Tam Chúc, bản chất sự việc khác hoàn toàn. Chùa Tam Chúc là nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, có sự tham dự của nguyên thủ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là có sự hiện diện của nhiều vị cao Tăng thạc đức.

Muốn tham dự Đại lễ theo cách tường thuật của báo Người Lao động, phải có thẻ đại biểu, như Đại đức Đạo Hiển đề cập, một tỉnh cũng chỉ có 30 vị. Tôi là người sáng lập và là một trong những biên tập viên của Phattuvietnam.net cũng không có cơ hội tham dự (dù với tư cách phóng viên).

Còn nếu Phật tử Yến xuất hiện ở Tam Chúc như một người dân bình thường, chẳng dại gì mà chùa Ba Vàng, những người liên quan lại truyền thông rầm rộ, khác nào thách thức dư luận, giơ đầu chịu báng.

Đặt việc xuất hiện của Phật tử Yến trong bối cảnh như thế thì mới gây “ngạc nhiên”, “xôn xao”, thậm chí gây phẫn nộ trong dư luận, như chính tưởng tượng và ý định của hai phóng viên ngồi phòng lạnh, bàn giấy của báo Người Lao động. Dựng chuyện, nói quá, thậm chí nói láo vốn là năng lực cốt lõi của những tòa báo chuyên giật gân, câu khách.

Bản chất câu chuyện thay đổi khi “di chuyển” Phật tử Yến từ chùa Ba Vàng đến chùa Tam Chúc, rồi đưa trở lại chùa Ba Vàng, ấy thế mà nội dung bài báo không hề thay đổi. Đến chịu một cơ quan báo chí lớn. Điều này phản ánh gì?

Thứ nhất, đó là sự thiếu trách nhiệm đối với sản phẩm báo chí của mình. Mỗi tác phẩm báo chí, dù chỉ là bản tin, cũng là một đứa con của toà soạn, phản ánh một phần nào đó bộ mặt của tòa soạn. Một cơ quan báo chí chuyên nghiệp không thể đối xử vô trách nhiệm với đứa con của mình như thế, nhất là khi nó ảnh hưởng đến một tôn giáo, vốn luôn là đề tài nhạy cảm, cần có sự thận trọng.

Thứ hai, nó phản ánh nhận thức thấp kém, dốt nát của tòa soạn. Thấp kém ở chỗ họ coi đề tài tôn giáo cũng như đề tài cướp – hiếp – giết, đề tài đời tư người nổi tiếng, người của công chúng, miễn là gây “ngạc nhiên”, “xôn xao”, tạo sóng dư luận là được, dù hậu quả đối với cộng đồng, của chính tôn giáo đó như thế nào.

Dốt nát ở chỗ một học sinh đầu cấp hai, một người dân bình thường không cần có nghiệp vụ báo chí, không cần giỏi văn cũng biết sửa bài viết đó như thế nào. Ít nhất thì cũng phải cắt phần phỏng vấn Đại đức Đạo Hiển đi, rồi bỏ cái từ “xôn xao” đi, có chăng thì chỉ còn “ngạc nhiên” mà thôi.

Nhưng nếu thế thì đâu còn tính giật gân, đâu còn câu view được nữa. Tôi chỉ tin họ có nhận thức thấp kém, chứ không tin họ dốt nát.

Thứ ba, một bản tin được sửa lén lút thành ra nội dung tào lao, ngốc nghếch như thế, vẫn hiện diện phản ảnh sự vô liêm sỉ, coi thường dư luận, coi thường độc giả và coi thường chính mình. Đính chính và xin lỗi là chuẩn mực văn hóa ứng xử tối thiểu mà một tòa soạn nên có khi sai sót đã rõ như ban ngày.

Liệu dư luận có nên bị dắt mũi bởi những loại truyền thông như thế hay không?

Đáng tiếc là phản ứng của cộng đồng Phật tử đối với những tòa soạn báo chí như vậy vẫn còn thụ động, yếm thế. Thiết nghĩ, nếu không đồng lòng và đoàn kết lên tiếng mạnh mẽ, những cơn bão truyền thông được tạo ra bởi những tòa báo bất lương sẽ còn ập đến chùa Ba Vàng nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Từ bao giờ, Phật giáo trở thành miếng mồi ngon cho truyền thông lá cải và bất lương như vậy?