Núi Yên Tử, cao 1.068m, thuộc dãy núi Đông Triều, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có tên là Núi Voi, tên chữ là Tượng Sơn; hay còn gọi là Bạch Vân Sơn do quanh năm mây phủ. Truyền rằng thời Tần Thuỷ Hoàng, có vị đạo sỹ bên Trung Hoa tên là An Kỳ Sinh cất bước tới chốn này tu luyện và tìm thuốc trường sinh bất tử; rồi sau đó đắc đạo hóa đá lặng im giữa mây bay. Từ đó núi có tên là An Tử Sơn, hay Yên Tử.
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu
(Ca dao)
Từ cuối thời nhà Lý, thiền sư Hiện Quang của dòng thiền Trúc Lâm đã tới Yên Tử tu hành. Thời Trần, các vua Trần Thái Tông (1218-1277), Trần Thánh Tông (1240-1290) đã tới Yên Tử lập am tu hành, nhưng sau lại hồi kinh.
Phải đến vị vua thứ ba của nhà Trần là Trần Nhân Tông (1258-1308), sau khi thắng giặc Nguyên Mông, từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử khoác áo cà sa, kế thừa pháp phái thiền Trúc Lâm; thì Yên Tử thực sự trở thành trung tâm Phật giáo Đại Việt. Và vua Trần Nhân Tông trở thành vị tổ thứ nhất với với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử – một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam.
Trong những năm tháng tu hành, bên cạnh việc nghiên cứu phát triển Phật pháp; vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng nhiều công trình Phật giáo phục vụ cho việc truyền kinh giảng đạo.
Các công trình này và cả những công trình về sau trải khắp Yên Tử thành một hệ thống dài tới gần 30 cây số. Hơn 700 năm, thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên đã làm cho nhiều chùa tháp chỉ còn là phế tích… Dẫu vậy, bên cạnh giá trị tư tưởng, những kiến trúc còn lại của Yên Tử vẫn cho thấy vẹn nguyên giá trị nghệ thuật mà người xưa đã tạo nên.
Vườn Tháp Tổ với trung tâm là Huệ Quang Kim Tháp – tháp mộ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Đường lên Yên Tử bắt đầu từ chùa Giải Oan ngay ở chân núi. Tương truyền khi vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên Yên Tử tu hành, rất nhiều cung tần mỹ nữ đã đi theo. Khi vua lên núi và không cho theo nữa, họ đã đâm đầu xuống suối tự vẫn. Vua thương cảm lập một ngôi chùa bên suối để siêu độ. Từ đó chùa và suối mang tên Giải Oan.
Từ chùa Giải Oan đi theo đường tùng rợp bóng, là bắt đầu hành trình lên non Yên. Bây giờ có cáp treo, nhiều người lựa chọn phương tiện này để tiết kiệm sức lực và thời gian. Nhưng cũng không ít người hành hương vẫn đi theo lối cũ – vừa đi trên những bậc đá gập ghềnh, vừa niệm Phật. Có lẽ ở con đường ấy, sẽ nghe rõ hơn tiếng vọng núi rừng, nghe tiếng vọng thời gian 700 năm về trước.
Chùa Vân Tiêu, phía trước là cụm tháp mộ có tên là “Vọng Tiên Cung”.
Qua am Lò Rèn, qua Hòn Ngọc là tới vườn Tháp Tổ. Đây là một quần thể kiến trúc tháp mộ lớn nhất Yên Tử, nằm trên một mặt phẳng rộng rãi ở lưng chừng núi. Tọa ở chính giữa và có quy mô lớn nhất là Huệ Quang Kim Tháp – nơi cất giữ xá lỵ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tháp được xây theo lối kiến trúc tháp Phật giáo, có mặt bằng hình tứ giác, gồm 6 tầng, cao 10m, đặt trên đài sen 102 cánh.
Ở tầng thứ 2 của tháp có đặt tượng Tổ sư Trần Nhân Tông trong tư thế “Liên hoa tọa”. Bên ngoài là tường bao có cổng trước sau theo lối kiến trúc thành quách, đỉnh tường lợp ngói mũi hài. Hai bên là tháp mộ của hai vị tổ sư thứ hai và thứ ba là Pháp Loa và Huyền Quang… Xung quanh tháp Huệ Quang là 45 tháp mộ lớn nhỏ quây quần dưới những cây tùng cổ thụ, cây đại cổ thụ.
Vọng Tiên Cung nhìn từ sân chùa Vân Tiêu.
Đỉnh thiêng Yên Tử với ngôi Chùa Đồng huyền thoại.
Đi qua cổng sau tháp Huệ Quang sẽ gặp một con đường gạch, hai bên có hai hàng tháp mộ. Những viên gạch vuông trên con đường này là gạch hoa cúc, từ đời Trần, nay còn 84 viên. Đây là một trong những di tích ít ỏi của đời Trần sót lại. Qua con đường gạch, lên những bậc đá sẽ tới chùa Hoa Yên. Chùa nằm ở độ cao 543m, hơn 8m so với nền khu Tháp Tổ, với hàng cây đại cổ, tương truyền được trồng khi vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành. Hoa Yên là một trong những chùa quan trọng nhất, có quy mô lớn và đẹp nhất trong quần thể kiến trúc, vì lẽ đó còn có tên là Chùa Cả. Hoa Yên đã bị phá hủy nhiều lần, và ngôi chùa hiện nay mới được dựng lại theo kiến trúc thời Trần. Chùa có bố cục tổng thể đối xứng, gồm chùa chính ở phía trước, hai bên có lầu chuông trống, phía sau là nhà tổ…
Hoa Yên cũng là điểm dừng chân kết thúc một chặng đường, là nơi dâng hương thành kính và vãn cảnh, ngắm nhìn núi non ảo mờ trong ngút ngàn mây phủ.
Về với Yên Tử, dù là đi lễ hay đi tham quan ngắm cảnh; dù lần đầu hay lần thứ mấy; con người như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Ở đó tâm hồn như lắng lại, thuần khiết hơn và hướng thiện. Có lẽ khung cảnh ấy đã làm cho con người dễ cảm nhận và thấu hiểu hơn tư tưởng của Trúc Lâm thiền phái. Đó là sự hòa hợp giữa tinh thần dân tộc và tôn giáo, giữa tư tưởng và đạo đức, giữa đạo với đời. Tư tưởng ấy đã được vua Trần Thái Tông, ông nội vua Trần Nhân Tông lĩnh hội qua bài kệ nổi tiếng:
Núi vốn không có Phật
Phật chỉ ở trong tâm
Tâm lặng lẽ mà biết
Ấy là chân Phật
Từ Hoa Yên, bắt đầu một hành trình mới – lên chùa Đồng, lên đỉnh thiêng Yên Tử. Đường lên chùa Đồng dốc quanh co dưới những bóng cây cổ thụ; là con đường thử thách sự bền bỉ của con người và tấm lòng thành khi về đất Phật. Từ chùa Hoa Yên đi một đoạn sẽ tới chùa Một Mái. Đây là một ngôi chùa nhỏ nép vào sát vách núi, chỉ có một lối vào duy nhất từ một bên và chỉ có một mái đúng theo tên gọi. Trong chùa thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Từ chùa Một Mái lên tới độ cao 800m sẽ tới chùa Bảo Sái. Bảo Sái cũng từng là một trong những chùa đẹp nhất Yên Tử. Chùa nằm cheo leo ở vách đá với mặt bằng tương đối nhỏ hẹp. Trong chùa có ba bức tượng đồng của ba vị tổ Trúc Lâm. Bên chùa có cây sung cổ thụ, dưới có một con hổ đá – truyền rằng hổ từ xưa nằm đó nghe sư tổ giảng kinh.
Đường Tùng với những cây tùng cổ thụ, được trồng từ hơn 700 năm trước.
Tượng An Kỳ Sinh với hình dáng một người đang khấn nguyện đất trời trên đường lên chùa Đồng.
Cách chùa Bảo Sái vài trăm mét là chùa Vân Tiêu. Vân Tiêu hiện là chùa được xây dựng lại trên nền cũ của ngôi chùa đã bị cháy. Tuy nhiên những bảo tháp trước chùa vẫn còn. Khu tháp này có tên là Vọng Tiên Cung, gồm 5 ngọn tháp.
Ngọn tháp lớn nhất hình bát giác, 9 tầng, cao 7m là một trong những tháp mộ có kiến trúc đẹp và độc đáo nhất (cùng với tháp Huệ Quang).
Ở khu tháp mộ này còn có 2 cây tùng lớn. Cả quần thể nằm trên một mặt phẳng từ trên cao nhìn thấy rõ. Chùa Vân Tiêu tuy gần chùa Bảo Sái nhưng thường được du khách ghé thăm lúc xuống núi sau khi đã tới chùa Đồng.
Đường lên chùa Đồng càng quanh co khúc khuỷu. Những cây cổ thụ thưa dần, chỉ còn trúc và những cây bụi nhỏ. Những vách đá, những bậc đá trơ ra như thi gan cùng tuế nguyệt. Mây trắng phủ khắp trên những ngọn núi xanh biếc, nhiều khi có cảm giác như đi trong mây.
Đi qua cổng trời – nơi con đường luồn giữa hai vách núi – vài trăm mét, sẽ tới tượng An Kỳ Sinh – nhân vật của truyền thuyết đã gắn tên vào địa danh này. Tượng An Kỳ Sinh cao 3,5m; có dáng người chắp tay như đang khấn nguyện đất trời. Dưới chân tượng là một am nhỏ.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong chùa Một Mái. Bia Tam Tổ Trúc Lâm trước sân chùa Hoa Yên.
Đường lên chùa Đồng đã tưởng như thật gần, ngẩng nhìn đã thấy mây vờn trên đỉnh Yên Sơn. Thế nhưng đi qua hàng trăm bậc đá vắng dần bóng cây cỏ, lại như xa vời vợi. Khi đó ta mới thấu triết lý đạo Phật và tinh thần Trúc Lâm thiền phái, mới hiểu vì sao những bậc quân vương xưa lại rời bỏ kinh đô lên Yên Tử và đặt chùa Đồng ở đỉnh thiêng này.
Chùa Đồng lớn hơn nhiều so với kích thước của nó. Có lẽ ai lần đầu tiên lên đây cũng không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng ngôi chùa nổi tiếng và đượm màu huyền thoại này. Trải qua nhiều lần bị thiên tai phá hủy; nhiều lần tu bổ, phục chế; chùa Đồng bây giờ đã được phục dựng mới trên vẫn theo tinh thần kiến trúc và tôn giáo ấy. Công trình đã được khánh thành ngày 25.1.2007.
Vườn Tháp Tổ trong ánh nắng.
Chùa Hoa Yên, còn gọi là chùa Cả, một trong những kiến trúc quan trong nhất của ở Yên Tử.
Suối Giải Oan dưới chân núi và cây cầu đá dẫn vào chùa Giải Oan.
Chùa Một Mái, ngôi chùa còn giữ được cấu trúc khá nguyên bản, nép bên vách đá và chỉ có một mái.
Chùa Bảo Sái ở lưng chừng núi. Đây là ngôi chùa cũ, hiện đã được phục dựng thay thế.
Ở đỉnh cao nhất của non thiêng Yên Tử, trước chùa Đồng thâm nghiêm trầm mặc, có cảm giác như chạm vào vũ trụ, nghe được tiếng vọng đất trời, tiếng nói của tiền nhân, nghe được lời hồn thiêng sông núi. Con người như phiêu diêu thoát tục… Khung cảnh cũng thật diệu kỳ.
Khi mây quang có thể phóng tầm mắt nhìn cả vùng đông bắc tổ quốc; khi mây giăng phủ tứ bề – giáp mặt không nhìn thấy nhau. Lúc nắng bừng lên, cảnh vật sáng rỡ, lúc lại âm u như ở cõi khác… Và có lúc mây hé ra, lộ những “khe trời” cho nắng chiếu qua như những chùm hào quang.
Đường xuống núi nhẹ nhàng hơn, không hẳn vì những bậc đá; mà là tâm hồn thư thái, thỏa nguyện khi đi tới đích, tới được chốn linh thiêng cõi Phật, ở giữa đất trời. Mọi mệt nhọc, ưu tư muộn phiền dường như tan biến.
Lên Yên Tử là trở về cội nguồn, là một lần soi lại mình, rũ sạch bụi trần. Những bước chân xuống núi như còn vương vấn trong ánh hoàng hôn chiều tà, trong tiếng mõ chùa khoan thai văng vẳng.
Hà Thành