Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Lên chùa là để tỉnh thức chứ không phải để mê…

Lên chùa là để tỉnh thức chứ không phải để mê…

131

Trong lễ hành hương đầu năm, tôi có dịp được  đi thăm rất nhiều những ngôi chùa tại các tỉnh phía Bắc. Thật sự, tôi hơi bị bất ngờ về số  lượng cũng như cảnh đẹp của các chùa này.

Hầu hết các chùa đều có một lịch sử rất lâu đời và gắn liền với một vị thiền sư có tên tuổi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chùa cổ kính, phong cảnh thoát tục mang hương vị giải thoát, đúng là nơi dành cho những Phật tử tu hành. Trong không khí tĩnh lặng con người mới tìm về được chính mình.

Có lẽ từ xa xưa ông cha ta đã gầy dựng nên một cuộc sống rất cân bằng về tâm linh, cân bằng giữa cuộc sống tinh thần và vật chất. Vì vậy mà cuộc sống con người trở nên thanh thản, nhẹ nhàng giữa những bờ tre, giếng nước, sân đình và các miếu thờ, cây đa đầu làng.

So với cuộc sống hiện nay, chắc gì chúng ta đã sướng hơn. Cuộc sống quẩn quanh kiếm tiến, ăn chơi hưởng thụ mà có khi nào tâm hồn được thư thái đâu. Một sự bận rộn đến mức khi dừng lại thì cảm thấy bị hụt hưỡng stress vì không biết làm gì.

Đi chùa đầu năm là phong tục của hầu hết các nước Châu Á. Thời gian gần đây, lượng người đi chùa đầu năm để cầu an, cầu phúc tăng rất nhanh. Người dân đến chùa cúng bái đông nghịt, có cảm giác gần như nghẹt thở. Một số chùa đang trong quá trình xây dựng như chùa Bái Đính cũng đông nghẹp người.

Dù sao đây cũng là một nét đẹp văn hoá của dân tộc. Nhưng với một Phật tử như tôi thì không khỏi thốt lên sự tiếc nuối vì số lượng người đến chùa thắp hương cúng Phật nhiều như thế mà lượng người hiểu về Phật pháp lại quá ít như thế.

Người ta cúng vái ở khắp nơi, đổ mô hôi chen chân vái Phật để cầu mong, để ước nguyện. Nhọc sức như vậy mà không biết có nên cơm nên cháo gì không.

Nhìn những đoàn người đi trong đêm để cho kịp lên núi Yên tử từ tờ mờ sáng, leo núi trong sương mù hành hương về Cửa Phật mà chẳng biết gì về nơi mình đến, nơi mình dâng hương. Vất vả leo núi chỉ để xoa tiền vào chùa Đồng, chuông đồng cầu tài, cầu lộc thì thật đáng tiếc làm sao.

Rồi những đoàn xe nối đuôi nhau về các Thiền viện Trúc Lâm để lễ bái Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà chẳng biết gì về Ngài về Thiến phái Trúc Lâm do người sáng lập thì quả là tiếc thay, tiếc thay.

Nói đên đây tôi chợt nhớ đến một tình tiết trong truyện Thiên long Bát bộ của nhà văn Kim Dung. Khi vị Thầy trụ trì chùa Thiếu Lâm Tự phát hiện ra hai kẻ ngoài đạo là cha của Tiêu Phong và Mộ Dung Phục đã ẩn trốn trong chùa rất lâu để tìm kiếm cho được cuốn Võ công Thiếu lâm tự.

Vị Sư trụ trì đã phải thốt lên, thật là tiếc thay, tiếc thay ! Sống ở trong chùa đã lâu mà không thấy được viên ngọc quý Phật pháp ở ngay trước mặt lại cất công đi tìm cái vỏ hộp chứa đứng viên ngọc.

Cũng giống như người bỏ đi cái chân thật đi tìm cái hư ảo . Bỏ bờ giác để tìm tới bờ mê. Rồi lặn ngụp trong cái hư ảo không thật đó coi đó là hạnh phục thật sự của chính mình.

Nếu so những điều vị Sư trụ trì nói trên chúng ta thấy có khác gì. Chỉ cần chúng ta lên chùa tìm được viên ngọc Phật pháp đó thì chúng ta sẽ hiểu muốn được giàu có, muốn được sức khoẻ, muốn được hạnh phúc… chúng ta phải làm gì, phải gieo nhân gì. Làm chi phải vất vả giải tiền, vái lạy khắp nơi để cầu những thứ không bao giờ mang lại cho mình.

Nếu Phật, thánh có phù hộ thì cũng chỉ được một chút xíu khi gạo đã chuẩn bị thành cơm. Chúng ta có công đến chùa mà không tìm được cái hay, cái đẹp, cái siêu vượt  qua giáo lý Nhà Phật mà lại đi đốt vàng giải hạn… biến chùa thành nơi hành nghề mê tín dị đoan thật là tiếc thay, tiếc thay.

Biến nơi tu hành giải thoát, giúp chúng sinh thoát khỏi những nỗi khổ trong thế giới Ta bà thành nơi mong cầu và chất thêm nghiệp mới. Chùa là nơi giúp còn người tỉnh thức, thoát khỏi bờ mê thế mà chúng ta càng lên chùa thì càng mê, càng lên chùa càng lạc lối. Như vậy hỏi làm sao không đáng tiếc thật.

Thực sự với tình trạng hiện nay thì cũng khó trách người dân đến chùa mà không hiểu gì về Phật. Trải qua bao năm tháng, những tăng ni, Phật tử theo học Phật để có thể trở thành các vị sứ giả của Nhà Phật truyền kinh giảng đạo ở các chùa Phía Bắc là rất ít, gần như không có.

Nhiều người nghĩ, chùa chỉ là nơi mong cầu thần thành phù hộ hoặc là nơi yếm thế của những người muốn xa lánh trần thế đi tu. Sách về Phật học hầu như không thấy trong các cửa hàng sách. Tôi lên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – nơi giảng dạy tu học Phật mà thấy lượng sách về kinh Phật rất ít. Không đáng là bao so với biển học bao la Phật pháp.

Không phải, người dân phía Bắc không muốn nghe giảng pháp Phật mà tại các chùa thờ Phật hầu như không có những buổi giảng Kinh mang tính chất định kỳ như các nhà thờ Thiên chúa thường tổ chức. Thêm nữa, với những người còn sơ cơ khi bước vào chùa nếu nghe chỉ nghe tiếng trì tụng kinh họ sẽ cảm thấy khó hiểu và chán. Khó có được cơ duyên tìm về Cửa Phật.

Trong khi đó, thuyết lý Nhà Phật thì uyên bác, thâm thập…để hiểu được phải dụng công tu hành thông qua trì tụng, thiền định….

Qua buổi giảng Pháp của thày Đại Đức Thích Thiện Thuận tại chùa Tây Long, Tam Đảo, Ba Vì (qua video) tôi thấy, ngày cả những người dân làm ruộng cũng rất ham muốn được nghe giảng pháp Phật.

Thực tế người dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung rất hiếu học. Tập quán cuộc sống lại luôn gắn liện với chùa chiền. Đạo lý của người dân Việt Nam là thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tất cả những yếu tố đó là mảnh đất mầu mỡ để các vị Đại Đức, Hoà Thượng… có thể truyền bá tư tưởng Phật giáo sâu rộng vào quần chúng.

Một khi ánh sáng Phật pháp đã được soi rọi thì khó có thể tôn giáo nào thay đổi được. Tôi rất tâm đắc một câu nói của một vị Phật tử: ”Trong đêm tối, tất cả các đèn đuốc đều sáng, nhưng dưới ánh sáng mặt trời thì chẳng có đèn đuốc nào được coi là sáng cả.

Phật giáo được ví như ánh sáng mặt trời của trí tuệ và Từ bi.

Nam mô A di Đà Phật ! Nam mô Bổn sư Thích ca Mầu ni Phật!