Người dân Campuchia theo đạo Phật, nên chùa là nơi hết sức quan trọng đối với cuộc sống mỗi người và đất nước. Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, giao lưu cộng đồng, tổ chức các lễ hội và trò chơi truyền thống; là nơi giữ gìn hệ tư tưởng dân tộc, bảo tồn văn học nghệ thuật; là nơi dạy chữ, dạy nghề cho nhân dân. Vì thế, khi trẻ em đến tuổi đi học, gia đình đều gửi vào chùa nhờ các vị sư dạy dỗ. Khi đã có đủ trình độ về Phật học, kiến thức văn hóa và kỹ năng giao tiếp, các bạn trẻ mới được phép rời khỏi chùa trở về xã hội.
Từ một câu chuyện dân gian
Thuở ấy, Đức Phật đang giảng kinh ở đại tự. Rất nhiều tăng nhân và người dân đến ngồi dưới chân Ngài nghe lời chỉ dạy. Trong rừng, có con rồng tu luyện ngàn năm tên là Kalla Neakh – rồng Kalla. Nó rất thích nghe kinh Phật, và mặc dù có nhiều phép lạ, song nó muốn được trở thành Phật tử, vì thế đã hóa phép thành một nhà sư trẻ lén đến chùa ngồi lẫn với các vị sư khác để nghe Đức Phật giảng đạo.
Do nhiều đêm phải thức để dấu tung tích, ban ngày lại theo mọi người làm việc, nó thấm mệt và một đêm đã thiếp đi, trở lại nguyên hình là một con rồng khổng lồ, ngáy to như sấm khiến các vị sư vô cùng lo sợ. Kalla Neakh xấu hổ lắm. Nó lặng lẽ rút ra đứng ở bên chùa và chỉ dám nhìn từ xa. Bỗng nó nghe thấy lời Đức Phật vang trong không trung: Ta biết con một lòng hướng đạo và muốn trở thành người. Song, con phải nhớ rằng tạo hóa đã sinh ra con như vậy vì muốn con phục vụ cho muôn loài. Con hãy về bảo vệ các sinh linh trong rừng. Để ghi nhớ lòng thành của con, ta sẽ đặt tên con cho tất cả các đạo tử Phật môn, những người muốn xuất gia cửa Phật là Neakh.
Bước vào nghi lễ tu hành
Bambous Neakh do đó là một nghi lễ tối cao đưa một người thường bước vào đường tu hành. Với các em nhỏ, công việc tu hành chỉ giới hạn ở việc chăm chỉ học tập, nghe lời dạy dỗ của các vị sư, học kinh Phật, một số môn học văn hóa và võ thuật để trang bị kiến thức cho bản thân sau này trở về cuộc sống thường nhật. Do tại nhiều nơi vẫn chưa có hệ thống giáo dục thường xuyên nên chùa là nơi duy nhất các em có thể được học và dạy nghề, trong đó có mỹ thuật, văn học, ngoại ngữ và triết học.
Bambous Neakh bao gồm nhiều nghi lễ, trong đó có cả lễ cúng dân gian, thờ vật linh, đạo Bà La Môn và Phật giáo. Nghi lễ này gồm hai phần: đầu tiên ở gian nhà tăng và cuối cùng trong chính điện của chùa. Các gia đình chỉ tham gia vào phần lễ thứ nhất trong đó mọi người sẽ đưa tiễn các em nhỏ đến chùa, xem lễ cạo đầu, ăn bánh ngọt và nghe tụng kinh chiều trong một lễ gọi là Baisey Khvan Neakh. Đêm tối sẽ cử hành phần lễ thứ hai Hauv Proleung Neakh cầu nguyện các linh hồn đến chứng nhận Neakh – nhà sư trẻ tương lai. Tiếp tục là lễ Thveuo Thmenh Bom-penh Laekh – lễ chà răng của Neakh giúp cho nhà sư trẻ có giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, biết thuyết phục người khác.
Một lễ nữa là Owy Bay Neakh – hiến cơm cho Neakh. Các vị sư trong chùa lần lượt đem cơm chay, đồ ngọt, chua hoặc đắng cho Neakh, thể hiện tấm lòng nhân đạo, bác ái, biết chia sẻ. Kế đó là lễ Bang-vil Po-pil vốn xuất phát từ tục thờ vật linh và thần rừng, theo đó Neakh ngồi thiền yên lặng giữa một vòng tròn những bát nến và lá, có ý nghĩa đem lại niềm vui hạnh phúc qua hương thơm của lá và ánh sáng của nến, nhắn nhủ các nhà sư phải đem lại hạnh phúc cho mọi người bằng ánh sáng tri thức…
Khoảng 9 hoặc 10 giờ sáng là lễ quan trọng nhất – Lễ vào chùa Dang-her Neakh. Người thân của Neakh, dân địa phương và các nhạc sĩ sẽ cầm trên tay những chiếc lọng và cờ phướn rực rỡ làm thành một đám rước sôi động, đi đầu là Neakh trong bộ áo đẹp nhất ngồi trên lưng bò, ngựa hoặc voi tiến tới điện chính của chùa. Dang-her Neakh là một đám rước tái tạo lại chuyến ra đi của Đức Phật từ hoàng cung lên đường ngộ đạo. Bambous Neakh là nghi lễ cuối cùng. Chủ trì chùa bấy giờ sẽ cầu nguyện cho Neakh và giúp cậu thay áo. Giờ đây, em trai đã chính thức xuất gia trở thành một nhà sư.
Trong thời gian ở chùa, em sẽ mặc áo vàng, sống cùng các bạn đồng lứa và sư sãi, hoàn toàn tịnh giới và tránh mọi ưu phiền, ồn ào của xã hội. Nhờ được hưởng bầu không khí trong lành, các món ăn chay nên thân thể rất cường tráng khỏe mạnh, kết hợp với học võ ai nấy đều biết phòng thân tự vệ tốt…
Trong chùa vẫn thường xuyên diễn ra các buổi giao lưu cộng đồng cho phép mọi người đến chơi, trò chuyện và cung cấp những thông tin cập nhật về thế giới. Sau khoảng 10 năm, nhà sư trẻ sẽ làm lễ Lea-chak Sekha-bot – lễ hoàn tục để được trở về nhà, và được phong danh hiệu Ban-dhitya, gần giống với danh hiệu cử nhân.