Trang chủ Đời sống Tâm linh Lễ Vu Lan, Rằm tháng Bảy: Thành tâm, hướng thiện

Lễ Vu Lan, Rằm tháng Bảy: Thành tâm, hướng thiện

64

Đốt nhiều vàng mã là lãng phí

Tại các khu chuyên bán hàng mã ở Hà Nội như Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, phố Lương Văn Can… trong dịp lễ xá tội vong nhân năm nay, có thể thấy: Tuy có nhiều mặt hàng mới nhưng tình hình mua sắm kém sôi động. Chị Lê Thu Nguyệt – một người bán hàng mã lâu năm ở chợ Đồng Xuân cho biết: Năm nay hàng ế hơn. Bằng giờ này năm ngoái, cửa hàng tôi tấp nập người mua buôn và đặt hàng qua điện thoại. Có gia đình mua tới chục triệu tiền vàng mã, nhưng năm nay người mua nhiều nhất chưa tới 5 triệu đồng. Ngay cả những mặt hàng "hót" như ô tô, nhà cao tầng có "sổ đỏ", ti vi, tủ lạnh, giường… cũng ít người hỏi mua. Theo chị, người dân đã dần ý thức được việc đốt vàng mã là lãng phí và họ chỉ mua những đồ mã quen thuộc, bình dân để "hóa" cho người cõi âm.

Chủ cửa hàng số 28 phố Hàng Mã cho biết thêm: Giá hàng mã năm nay tương đương như năm 2009. Cụ thể, quần áo có giá khoảng 20.000-25.000 đồng/bộ; ngựa to từ 60.000-80.000 đồng/con; một ngôi nhà cao tầng với tất cả vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, giường, chăn, gối, bếp gas, bát, đũa… có giá từ 300.000-600.000 đồng. Một khách mua hàng nói: "Việc đốt vàng mã cho người đã khuất đã ăn sâu vào đời sống tâm linh người dân Việt Nam. Vì vậy, Rằm tháng Bảy năm nào tôi cũng sắm sửa, nhưng tôi chỉ mua những vật thông dụng với chi phí không quá 50.000 đồng".

Người dân mua sắm đồ lễ tại phố Hàng Mã. Ảnh: Đàm Duy

Ngoài đồ mã, các thực phẩm chay cũng được bày bán ở nhiều nơi và người dân đã quan tâm tới việc mua những sản phẩm này cúng chúng sinh thay cho những mâm cỗ cao đầy. Chị Thanh – người bán hàng tại cửa hàng hàng phục vụ tín ngưỡng và văn hóa, số 73 phố Quán Sứ khẳng định.

Thắp sáng tâm thành

Những ngày này, ở những vùng quê ngoại thành Hà Nội, các bà, các mẹ tất bật sắp mâm ngũ quả, nấu bát cháo trắng, đồ xôi đóng oản cúng Rằm. Ở nội thành, nhiều gia đình chỉ cúng gia tiên, còn việc cúng chúng sinh được các cụ già mang lên chùa, đồ lễ toàn đồ chay. Chùa Quán Sứ làm lễ cầu siêu từ ngày 11 tháng Bảy âm lịch. Mỗi ngày có 6 khóa lễ, tăng, ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái, dân an. Tối 13, nhà chùa đã làm lễ thỉnh Phật về bố thí cho chúng sinh. Chiều 14, chùa tổ chức chư tăng lễ tự tứ. Ngày 14, chùa Trấn Quốc tổ chức khóa lễ cầu an với sự tham dự của hàng trăm tăng, ni, phật tử. Ngày 15, nhà chùa giảng kinh "Vô lượng thọ" và làm lễ "A Di Đà cầu siêu tiến". Chùa Phúc Khánh lập đàn cầu siêu từ ngày 12 âm lịch… Đặc biệt, bàn thờ vong sau hậu liêu các chùa từ tháng Sáu âm lịch đã đầy ắp hương hoa, vang tiếng tụng kinh. Bà Lại Thị Tâm, quận Long Biên thắp nén hương cho mẹ ở chùa Tăng Phúc, xúc động nói: "Lúc mẹ tôi còn sống thì chúng tôi nghèo quá, chả báo đáp được gì, giờ nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp thì mẹ tôi không còn nữa. Tôi nguyện cầu cho linh hồn mẹ tôi được siêu thoát".

Trong tiếng nguyện cầu của hàng triệu người dân Việt cho vong hồn những người đã khuất, dường như đâu đó vẫn hiện lên hình ảnh những con người thực ở cõi trần. Họ đang thiếu ăn, thiếu gạo, thiếu muối trong những ngày giáp hạt, trong bão lũ, thiên tai… Họ rất cần được quan tâm từ những việc nhỏ nhất như chút cơm, chút muối, gói mì tôm lúc đói lòng tới những việc lớn hơn như vốn, kiến thức khoa học… để họ có thể có cuộc sống no ấm hơn.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: "Chữ "hiếu" trong lễ Vu Lan và ân tình dành cho những vong hồn trong ngày Rằm tháng Bảy không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ và lương tâm của mỗi con người. Nó thể hiện ở tấm lòng thành kính với cha mẹ ngay khi còn sống, ở cách sống, giao tiếp và ứng xử nhân văn với mọi người. Đấy mới là những việc làm đích thực mà mỗi con người chúng ta cần làm hằng ngày chứ không phải chỉ trong ngày Rằm tháng Bảy".