Tham dự lễ vu lan có Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng; ông Michel Cinotti, ủy viên Hội đồng thành phố; các cán bộ, nhân viên Đại sứ Quán Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo các phật tử Việt kiều, học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam hiện đang học tập và công tác tại Paris và các vùng lân cận.
Tại buổi lễ vu lan, người dân nói chung và bà con Phật tử nói riêng được nghe giảng giải về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, gặp gỡ trao đổi tâm tư tình cảm với bạn bè, đồng hương, đồng nghiệp và người thân, đồng thời tìm kiếm sự thư thái cho tâm hồn.
Hòa thượng Thích Tâm Huy cho rằng đây còn là cơ hội cho tất các mọi người, bà con phật tử bốn phương quy tụ thắp nén hương tưởng nhớ đến người thân đã khuất, tri ân đối với ông bà tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
Đặc biệt, rất nhiều Việt kiều, từng sống nhiều thập kỷ qua tại Pháp như bác Tiếu đã sống và làm việc tại đây từ năm 1957, cho rằng đây là một ngày lễ “rất quan trọng” đối với những người con xa “đất mẹ,” nên đây là dịp để họ thực hiện bổn phận của mình dâng lễ và cầu nguyện hướng về đất nước.
Họ cũng cho rằng đi lễ chùa dù ở Pháp hay ở Việt nam đều đã trở thành một nét tâm linh, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của người Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy. Nhiều bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam, những người có vợ hoặc chồng là người Việt Nam ở Pháp cũng “mê” đến Trúc Lâm Thiền Viện tham dự đầy đủ các buổi lễ cầu an, cầu siêu hay giải hạn cho người thân.
Trong khuôn khổ buổi lễ, các tăng ni phật tử nhất tâm đọc kinh cầu nguyện, cầu xin những điều tốt lành, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, quốc thái dân an và sự bình an cho cả những linh hồn lang thang, phiêu bạt ở khắp nơi.
Đã thành thông lệ, sau buổi lễ, các phật tử và khách tham dự được thưởng thức những món ăn chay truyền thống thuần Việt, đơn giản nhưng ấm áp tình người, do nhà Chùa chuẩn bị.