Chỉ biết mong đợi, nên cũng chẳng trách được quý ngài lãnh đạo Thành hội vì đó là lỗi hệ thống trong tổ chức của Phật giáo hiện nay. Kinh phí hoạt động chủ yếu do ngân sách Nhà nước cấp, nhân sự được dựng lên cho đủ ban bệ. Lãnh đạo đã quá già, lấy đâu năng lực để điều hành, để có tầm nhìn, có chiến lược. Và điều quan trọng nhất, “ghế” của các ngài vẫn vững như bàn thạch, dù kết quả điều hành có ra sao, dù Phật giáo có thụt lùi đến đâu.
Nhưng cũng không đến mức phải thất vọng, vì thực ra, sức mạnh, cội rễ của Phật giáo nằm ở mỗi ngôi chùa, mỗi quý chư Tôn đức Tăng Ni, ở lực lượng tín đồ, như hàng ngàn năm nay vẫn thế. Thực tế chuyển mình của Phật giáo Việt Nam những năm qua đã cho thấy điều đó. Dân góp công, góp của trùng tu chùa. Quý thầy tự thân nỗ lực hoằng dương Phật pháp. Rồi những hoạt động có tính mới mẻ, sáng tạo, những pháp hội lớn đều do các chùa tự tổ chức.
Ngay cả những ban ngành của Giáo hội hoạt động có tính đột phá như ban Hoằng pháp Trung ương thì nguyên nhân thành tựu cũng chủ yếu nằm ở sự nỗ lực, nhiệt tình, đổi mới, tầm nhìn và khả năng tập hợp nhân tài ở vị Trưởng ban cũng như lãnh đạo Ban, hơn là những thay đổi trong cơ chế, thể chế, tổ chức hoạt động của Giáo hội.
Vì vậy, quần chúng Phật tử và những người yêu đạo Phật tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, vẫn có có quyền hi vọng được sống trong mùa Phật đản tràn đầy niềm hân hoan khi mỗi ngôi chùa đều tổ chức những lễ hội Phật đản đúng nghĩa.
Nếu chùa nào cũng tổ chức tắm Phật, giảng pháp cho Phật tử và người dân, rước Phật xung quanh khu dân cư, văn nghệ cho các chúng trong đạo tràng, rồi các hoạt động lễ hội khác thì số người được hưởng pháp màu trong thời khắc linh thiêng nhất của người con Phật, còn lớn hơn nhiều ở những lễ đài Phật đản tập trung, dù có thể lên tới hàng vạn người.
Vì vậy, kính mong quý chư Tôn đức trụ trì các chùa, vì sự hưng thịnh và trường tồn của Phật pháp trong lòng dân, trong lòng đất Việt, hãy tổ chức những lễ hội Phật đản thấm đẫm tình đạo nghĩa đời tại chùa, coi đâylà dịp thích hợp nhất để ban mưa pháp và gắn kết người dân với ngôi chùa, với đạo Phật, đưa lễ hội Phật đản trở lại trong đời sống xã hội hiện đại của mọi người, mọi nhà.
Kính mong quý Phật tử hãy thể hiện tấm lòng của mình trước ngày đản sinh của đấng Cha lành bằng những hành động cụ thể nhất, thiết thực nhất.
Kính mong và kính chúc TT. Thích Thanh Phong và chư Tăng chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tổ chức một lễ hội Phật đản thành tựu viên mãn, là điển hình cho các chùa học tập.
Cuối cùng, qua việc này, chúng ta cũng đã biết nên đặt niềm tin và lời cầu nguyện của mình vào đâu.
Nam mô Thường Tinh tiến Bồ tát Ma Ha Tát.