Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Lễ Phật đản ở đất Bắc sau Phong trào Chấn hưng Phật...

Lễ Phật đản ở đất Bắc sau Phong trào Chấn hưng Phật giáo (1936 -1937)

82

Xin được điểm qua vài nét về lễ Phật đản ở một số nơi trên đất Bắc giữa những năm 1936 – 1937, sau Phong trào Chấn hưng Phật giáo. 


Tại Hòa Bình


Là vùng thượng du phía Tây Bắc Hà Nội lúc bấy giờ, tuy chưa thành lập CHPG nhưng đã có người vào hội và mua báo Đuốc Tuệ. Tuần phủ hưu trí Đinh Công Siển ở xã Phương Lâm, tổng Hòa Bình, châu Kỳ Sơn đã tham gia hội và sửa sang ngôi chùa ở xã mình thành một ngôi  phạm vũ rất trang nghiêm. Xem báo Đuốc Tuệ cho thấy Hội Phật giáo đã thành lập một ban thường xuyên diễn giảng, lập tức Tuần phủ viết thư về xin với Ban Quản trị Trung ương cử người lên làm lễ và diễn giảng cho nhân dân nghe, vì ở trên ấy chưa có các sư. Nhận được thư, ông Chánh Hội trưởng cử Thượng tọa Trí Hải và sư cụ Tâm Nhiên đi Kỳ Sơn. Đoàn đi lúc 6 giờ sáng ngày 6-4 âm lịch năm 1936, chặng đường dài hơn 70km mà chỉ có ít đường dễ đi còn lại là đường núi khó đi, mãi tới 9 giờ 30 mới tới tỉnh lỵ, xuống xe sang đò Phương Lâm, đi bộ 5 – 6km mới tới nhà ông Đinh Công Siển.


Chiều ngày mồng 7 Tuần phủ sắm sửa lễ vật đem ra chùa, cả hai ông bà cùng ra, đường xa tới 2km. Chùa được dựng trên một quả núi ngay bên đường đi chợ Bờ; chùa tuy nhỏ nhưng tôn nghiêm, cây cối um tùm, suối khe mát mẻ… Đến 6 giờ tối, các sư vào khóa lễ.


Sáng sớm ngày mồng 8, chuông trống vang lừng cả một khu rừng núi. Trời mới tang tảng đã thấy nhân dân khắp châu Kỳ Sơn lục tục kéo đến; mỗi người đến đều mang theo áo thụng xanh để dự lễ. Đúng 7 giờ, các sư vào làm lễ Mộc dục và thay áo cúng Phật, rồi lên tuần cúng Phật, lúc vào cúng thì tất cả mọi người đều vào, số lượng rất đông, đứng chật cả ngoài sân. Lễ xong, ông Tuần phủ Kỳ Sơn yêu cầu Phật tử trang nghiêm đạo tràng để nghe giảng sư thuyết giảng về sự tích Đức Phật. Thượng tọa Trí Hải thăng tòa giảng về sự tích Đức Phật Thích Ca lúc giáng sinh và nói qua về giáo lý của Phật cùng tôn chỉ của Hội Phật giáo, thính chúng đều hoan hỷ lắng nghe vì xưa nay chưa từng nghe bao giờ; Ngài Trí Hải nhận xét: tuy dân xứ Hòa Bình là người Thổ, người Mường song cũng hiểu rõ tiếng kinh lắm, chỉ có người trên ấy nói thì ta nghe hơi khó hiểu. Xem cách lễ bái thì người trên ấy lại có vẻ kính cẩn lắm; lúc diễn thuyết các người ngồi nghe rất yên tĩnh, không hề ồn ào.


Tại Bắc Ninh


Suốt ngày mồng 8-4 âm lịch năm 1936, ở chùa Đại Thành, hội quán CHPG tỉnh Bắc Ninh đã làm lễ khánh đản và có cả cuộc xướng danh phóng bảng, ai nấy đều hân hoan cổ vũ, không khí tưởng như Đức Phật tái giáng sinh để đưa cả dân tộc Việt Nam tới nơi Cực lạc.


5 giờ sáng, cụ giám viện và chư Tăng lên lễ Phật. 8 –10 giờ Tăng Ni học sinh thực tập thuyết pháp. Hội cử 2 vị cố vấn sang làm Trưởng ban điểm duyệt. Trường Đồng Nhân có 3 Tăng sinh ứng thí, 2 vị (Nghiêm Thanh Sáng và Nguyễn Văn Hàm) đã tự soạn được bài thuyết pháp, còn Tăng sinh Nguyễn Văn Thảo chưa làm được bài, nhưng sử dụng báo Đuốc Tuệ nên cũng đủ tư liệu để diễn thuyết. Trường Niềm Xá đã được 2 vị Ni (cô Đàm Dễ và cô Đàm Xuyên) ứng thí. Hội đồng điểm duyệt đã cho cả 5 vị trúng cách.


Từ 10-12 giờ chư Tăng lên cúng ngọ.


Từ 14-15 giờ, chư Ni lên cúng Phật.


15-17 giờ, Ban Hộ niệm lên khóa Lễ, đồng nam 20 người, đồng nữ 30 người, nghi tiết rất nghiêm, giọng điệu rất đều.


17-19 giờ, Tú tài Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến giảng sự tích Đức Thích Ca, giọng điệu hùng hồn, mạch lạc, gãy gọn, lịch sử Đức Phật không sót chút nào.


19 giờ 30, các vị quan viên trong tỉnh đến chùa xem lễ. Tổng đốc Bùi Thiện Căn giảng thuyết, ngài lấy chữ sắc không và ngũ giới làm chủ đề thuyết giảng và đã nêu lên được ý nghĩa của chính tâm duyệt dục, sửa mình, sửa nhà, việc làng việc nước. Thính giả ai cũng hoan nghênh.


20 giờ 30 phát phần thưởng. Trong cuộc thi diễn giảng mùa Phật đản năm ấy, Tăng sinh Nguyễn Văn Đàm đoạt giải nhất. Sau khi phát thưởng xong, giáo viên là ông Nguyễn Tam Tỉnh nói lời cám ơn, công chúng đều lấy làm vui lòng vì chưa từng có một lễ Phật đản nào đầy đủ và có không khí như thế.


Tại tỉnh Kiến An


Những người dự lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca tại chùa Hội Quán tỉnh Kiến An đều cho rằng từ trước tới nay chưa hề có một thiền môn nào ở tỉnh Kiến An tổ chức được buổi lễ một cách long trọng như vậy. Trừ 10$ của Hội Trung ương cho trích quỹ ra sắm lễ như hương, hoa, nến, hội viên đã quyên góp cho CHPG Kiến An trên 50$ để tổ chức lễ ấy.


Từ trưa mồng 6-4 âm lịch năm 1936, Ban Khánh tiết đã đôn đốc các nhân viên trang hoàng sắp đặt trong chùa. Không kể ngoài rạp, hoa đèn giấy giăng khắp nơi, bát bảo, ban thờ sơn son thiếp vàng sáng loáng. Trong chùa được trang trí đầy hoa và nến, bảo điện và khuôn viên chùa trông rất lộng lẫy bởi ánh sáng của các màu được hắt lên từ các loại đèn để lẫn trong các bụi cây, trong các bức tường giả phủ rêu đá, các đèn hoa sen trắng đỏ phất phới mọi nơi. Lễ bắt đầu từ 14 giờ ngày 8-4 âm lịch đến 2 – 3 giờ sáng mồng 9. Ước tính có trên 600 đàn na thiện tín chưa kể gần 200 hội viên đều tham dự Đại lễ Phật đản. Ban Tổ chức Đại lễ đã khéo léo sắp xếp nên đã thu hút được khá đông quần chúng tham dự toàn bộ chương trình của lễ hội. Đặc biệt, trong số những vị khách tham dự Lễ hội Phật đản, còn thấy mấy vị thượng quan người Âu, với dáng vẻ tôn nghiêm và thành kính đã tham dự các khóa lễ. Chương trình buổi lễ như sau:


14 giờ: Ban Đạo sư cúng Phật
16 giờ: Ban Đạo sư lên khóa tụng
19 giờ: Ban Đồng sinh rước Phật từ ngoài rạp lên Tam bảo và ca bài tán Phật
20 giờ: Ban Đạo sư, Ban Trị sự, Ban Hộ niệm cùng hội viên lên khóa tụng
21 giờ: Ban Đồng sinh hát, hòa nhạc theo
21 giờ 30: Chánh án Nguyễn Huy Xương diễn thuyết về Sự tích Đức Phật Thích Ca và giáo lý nhà Phật
22 giờ 30: Ban Đồng sinh lên khóa lễ;
23.30: Ban Đạo sư và hội viên lễ Ngũ bách danh.


Đúng 3 giờ sáng, các khóa lễ đều xong mà hội viên vẫn còn quyến luyến cảnh thiền môn không ai nỡ rứt ra về. Thật là một buổi lễ có một không hai từ trước đến nay.  


Tại Hội quán Trung ương


Theo chương trình đã định, được đăng trên báo Đuốc Tuê ra ngày 15-5-1937, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã cử hành Đại lễ Phật đản trong 2 ngày mồng 7 và mồng 8 tháng 4 âm lịch (tức 16 và 17.5.1937) tại chùa Quán Sứ – Hội quán Trung ương. Đại lễ Phật đản mang tính chất thuần túy Phật giáo, nghĩa là ngoài việc thành tâm lễ bái của tín đồ và các giảng sư thuyết giảng, không có việc trang hoàng mằu sắc lòe loẹt, mặc dù vậy, thiện tín vẫn đến dự lễ rất đông, tỏ lòng mộ đạo một cách rất chân thành.


7 giờ ngày mồng 7, các Tăng sinh trường tiểu học lên khóa lễ, đến 9 giờ dâng lễ Lục cúng. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc đứng chủ lễ. Có nhiều vị chức sắc các tỉnh nhân ngày Chủ nhật về dự lễ. Lễ tiến hành rất trang nghiêm kính cẩn.14 giờ, Tăng sinh trường đại học (học ở chùa Sở tức chùa Phúc Khánh) lên khóa lễ. 15 giờ 30 tụng kinh Pháp Hoa. 17 giờ 30 khóa niệm. 18 giờ 30 chư Tăng, Ban hộ niệm cùng lên khóa đại lễ. 20 giờ Phó bảng Bùi Kỷ diễn giảng bài Vì lẽ gì mà chúng ta nên theo đạo Phật gồm 4 phần:1. Sự quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với đời người; 2. Đạo Phật đối với phong trào mới xã hội ta bây giờ; 3. Đạo Phật đối với những quan niệm về tôn giáo; 4. Đạo Phật đối với khoa học. Bài thuyết giảng được thính giả nhiệt liệt hoan nghênh.


Sang mồng 8 là ngày lễ chính đản: 5 giờ làm lễ Mộc dục; 9 giờ lên Tuần đại cúng; 15 giờ tụng kinh Pháp Hoa do Hòa thượng Trung Hậu làm Pháp chủ; 17 giờ lên khóa lễ do Hòa thượng Tế Cát – Thích Doãn Hài làm Pháp chủ có Hội trưởng danh dự Hoàng Trọng Phu, Chánh án Hà Đông – Bùi Ngọc Hoàn, Bố chánh Nguyễn Trinh Cát đến dự; có các đại thương gia Hoa kiều đến lễ. 18 giờ Ban Đồng nữ hòa đàn và dâng hoa, ca những bài tán tụng công đức Đức Phật Thích Ca, thập phương vào lễ và xem rất đông; 19 giờ chư Tăng và Ban Hộ niệm làm lễ nhiễu Phật điện. 20 giờ Hòa thượng Cồn (Tuệ Tạng – Thích Tâm Thi) lên diễn giảng về Sự tích Đức Phật Thích Ca giáng sinh. Bài nói gồm 3 đoạn: đoạn thứ nhất nói về tiền thần của Ngài; đoạn thứ hai nói về Ngài giáng sinh trong vương cung; đoạn thứ ba nói về việc Ngài đi cầu đạo, đắc đạo và truyền đạo.


Những người dự lễ Khánh đản trong hai ngày ở chùa Quán Sứ- Hội quán Trung ương đều dâng lên trong lòng một cảm xúc dạt dào đối với đạo Phật, họ đã có một cái nhìn về đạo Phật đúng hơn, trầm tĩnh hơn và hiểu ra được nhiều điều căn bản về giáo lý đạo Phật từ các thời thuyết giảng.


Qua lễ Phật đản ở một số tỉnh nói trên ta có thể thấy, sau ngày thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ và tiến hành phong trào chấn hưng Phật giáo, nội dung và hình thức lễ Phật đản ở đất Bắc đã có những chuyển biến rõ rệt. Những chuyển động bước đầu đó đã tạo cho người đến dự lễ một cảm thức trân trọng, quy ngưỡng đối với Đức Phật và tính thiết thực, gần gũi trong giáo lý của Ngài. Tuy chỉ là thành quả sơ khởi nhưng cũng là kết quả đáng khích lệ từ Phong trào Chấn hưng Phật giáo.