Ngày 17/2/1935, Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ họp hội đồng dưới sự chủ tọa của Chánh Hội trưởng, đã quyết định:
1. Hội đồng công nhận 2 ngày sau là ngày Đại lễ của Hội:
a. Ngày 8/4 âm lịch là ngày vía đức Thích Ca và ngày Đại hội đồng thường niên của Hội;
b. Ngày 17/11 âm lịch vừa là ngày vía đức Di Đà vừa là ngày kỷ niệm Hội thành lập.
Việc ban hành quy định thống nhất nói trên đã làm cho các ngày lễ đó được tổ chức đồng loạt ở khắp nơi với hành trăm nghìn Phật tử tham gia, do đó tạo ra không khí lê hội rầm rộ trọng thể, nâng cao được niềm tin của Phật tử vào đạo Phật.
Khác với các nơi, Thượng tọa Đỗ Trân Bảo đã tổ chức lễ đón đức Phật Thích Ca giáng sinh bằng một cuộc rước đèn rất long trọng, Ngài kể lại trên báo Đuốc Tuệ số 85 ra ngày 15/5/1938 như sau:
Đại lễ phụng nghi Phật tổ giáng sinh được Chi hội Phật giáo Tế Xuyên (sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám) huyện Nam Sang cử hành vào ngày thứ năm, mồng sáu tháng tư âm lịch.
Dự cuộc rước Phật tổ tới 3.000 người, một phần do chư tăng các chùa cổ động các dân làng đem hết các đồ thờ ở đình đi rước, một phần nhờ có Giáo thụ Hoàng Hanh và ông Thư ký Phụng, các ông giáo đôn đốc các học sinh các trường làm đèn dự thi.
Nhất là ông Trưởng giáo trường Cầu Không, ông Hương sư trường Yên Trạch, trường Mai Xá, hơn một tháng trời ngoài thời gian học ra lại dạy các học trò học những bài kinh quốc âm của Hội Phật giáo Trung ương để sung vào Ban Đồng nam, Đồng nữ cầm đèn đi rước.
Tất cả 250 cái đèn làm đủ các thứ như: hoa sen con đồng, long ly quy phượng, có nhiều cái đèn con qui, con cá hóa long, cổ làm lò so cử động được, ai xem cũng khen là mỹ thuật. Học sinh phần nhiều túng thiếu, nhưng hết sức trổ tài, nhiều đèn làm phí tới bảy tám hào bạc.
Tối mồng 4, học sinh các trường rước đèn vào chùa Tú Yên là trụ sở của sư ông Thái Hòa làm lễ. Đến 3 giờ chiều ngày mồng 6 lại bắt đầu rước từ chùa Mai Xá vào đến chợ Cầu Không, rồi rước lên chùa chốn tổ Tế Xuyên, là trụ sở của Hòa thượng Tế Cát, cuộc rước đi dài tới 2 cây số, đủ các thứ âm nhạc múa rồng.
Một cỗ Long đình kết toàn hoa tươi, trong để tượng đức Bản sư, sáu đồng tử đôi mũ kiều kết hoa mặc áo mũ tiên bê đồ lạc cúng. Trong khi đi học sinh cầm đèn, các hội viên các tin lão đều đồng thanh đọc bài ca tán Phật Thích Ca muôn năm một hồi Hoa đàm do cư sĩ Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật sáng tác, đọc dứt 2 câu lục bát, lại tiếp câu niệm Phật nghe vang động cả một góc trời.
Đi qua các làng đều có bày hương án bái vọng, 6 giờ tối đám rước tới chùa Tế Xuyên, chư tăng lên cúng Phật, đồng tử dâng lục cúng, các hội viên làm lễ, rồi đến các học sinh dâng đèn đọc ca. Sau đó đến cuộc diễn giảng về lịch sử đức Thích Ca giáng sinh, rồi đến phát thưởng, số tiền phát phần thưởng đèn này do tiền quyên của hội viên và thiện tín chứ không trích ở quỹ Hội.
Mãi 10 giờ đêm mới rước về, vì các đèn đều thắp sáng nên trông rất ngoạn mục, một cuộc rước không phí tổn bao nhiêu mà rất long trọng, tưởng từ xưa tới nay ít thấy ở chốn thôn quê.
Mong rằng các chi hội Phật giáo ở thôn quê khác đối với ngày đại lễ Phật tổ giáng sinh này cũng nên tổ chức cuộc rước như thế, để cho Phật giáo có ảnh hưởng với nhân dân, ở thôn quê biết cách tổ chức thì cuộc rước rất đông và rất dễ, bởi vì làng nào cũng có đình có chùa, sẵn đồ sẵn người đi rước.
Theo tục lệ thôn quê từ trước tới nay mỗi khi có rước sách đình đám gì thì lễ vật rất tốn kém, trong khi ăn uống lại phân ra thứ bậc. Đại để như đàn em cầm cờ khiêng kiệu thì ngồi cỗ bé, đàn anh chỉ tay năm ngón lại ngồi cỗ to lấy phần nhiều, đàn em cho thế là bất mãn, rồi sinh ra tranh giành ngôi thứ kiện cáo.
Nay đem thuyết bình đẳng của Phật ra mà thi hành vào cuộc đón rước thì đàn em rất tán thành, nghĩa là chỉ tỏ lòng thành kính thôi, chứ không ai ăn uống gì cả. Nếu đâu đâu cũng tổ chức cuộc rước Phật như thế, rồi sau nhân đó mà đem cải lương vào những ngày đình đám rước thần, thì đỡ tốn kém biết bao.
Xin lưu ý quí vị độc giả, mãi tới tháng 4/1953, Tổng hội Phật giáo Việt Nam mới ra Thông bạch chỉ rõ: Hiện có 2 lễ Phật đản:
1. Ngày 20/5 (8/4 âm lịch) là Phật đản cổ truyền thì tùy tục lệ địa phương châm chước;
2. Ngày 27/5 (15/4 âm lịch) là Phật đản thế giới phải tổ chức theo chỉ thị của Tổng hội