Trang chủ Văn học Tùy bút Lê Minh Xuân! Nơi đặt đá Học Viện Phật Giáo Việt Nam

Lê Minh Xuân! Nơi đặt đá Học Viện Phật Giáo Việt Nam

145

Sáng 4/11/2012, đường về Lê Minh Xuân – huyện Bình Chánh thật khác lạ ngày thường, ngay khi rẽ vào đường Trần Đại Nghĩa cách Lê Minh Xuân còn rất xa, mọi người đã thấy từ 4-5 giờ sáng đã tấp lập xe đi vào, nhất là rất nhiều xe mang biển số các tỉnh thành khác.

Còn dân thành phổ thì khỏi phải nói, bằng tất cả mọi phương tiện về đây hội tụ, làm cho cả một vùng quê vốn yên ả tự dưng rộn ràng, tấp lập.

Thiên nhiên hôm nay cũng ưu đãi nơi này, gần sáng đã có một trận mưa, rửa sạch bụi bặm trên đường, trên cỏ cây, làm cho đường về Lê Minh xuân mát hơn, sạch hơn, không khí thật trong lành.

Chúng tôi lại bất chợt nhớ về Ấn Độ khi đi qua vùng cỏ cây bạt ngàn hai ven đường. Tôi  đang mơ về một trường Đại học Na-Lan- Đà ở Việt Nam (Trường Đại học Na-Lan-Đà rộng khoảng 14 km2). Còn Học Viện Phật Giáo Việt Nam chỉ có 23 ha thôi, rất nhỏ phải không các bạn?

Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư, các Đại Đức, Tăng, Ni sinh đông đến thế (khoảng 1000 người), còn lại trên 2.000 là Phật tử và khách tới dự.

Theo ban tổ chức thông báo là số ghế chỉ bố trí có 2.500 ghế thế là còn không biết bao nhiêu người không có ghế ngồi, đành phải đứng.

Như vậy là số lượng người đổ về đây đã vượt xa dự kiến của ban tổ chức. Có lẽ ai cũng muốn mình là người có được chút duyên hay một chút xíu phước đức được chứng kiến buổi lễ Đặt đá này.

Cả một bãi xe rộng mênh mông mới được ủi tạm là thế mà giờ đây đã không còn một chỗ trống.

Vất vả nhất vẫn là bàn ghi nhận công đức thu tiền đóng góp của Phật tử và các du khách. Có tới vài chục bàn ghi thu mà mọi người vẫn phải sếp hàng chờ đợi. Ai cũng muốn góp một cái gì đó cho Học viện này.

Khi công bố danh sách cúng dường của các nhà hảo tâm 40 tỷ, 10 ; 2.5, 1 tỷ và vài trăm triệu.  Một danh sách công đức nếu có đọc hết thì phải mất vài giờ.

Chúng tôi đang mải mê ngắm nhìn những khuôn mặt rất hoan hỷ sau khi rời bàn công đức, thì bất chợt ánh mắt tôi  dừng lại ở một bà cụ. Trên tay bà đang cầm một tờ bạc 20,000 đồng, đứng bên cạnh là một cô cháu gái cũng còn ít tuổi chỉ khoảng 13-15 tuổi gì đó. Bà cụ thì cứ muốn kéo cô cháu gái đến bên bàn ghi công đức, trong khi cô cháu gái lại tỏ ra rất e dè, chắc là bé đang ngại vì bà cháu cô ít tiền quá.

Cuối cùng thì bà cũng kéo được cô cháu gái đến bên bàn. Tay bà cụ thì cứ cầm tờ 20,000 một cách thận trọng. Bà sợ bị đánh rơi mất hay sao ấy. Đến bên bàn, bà trịnh trọng đưa cả hai tay có tờ bạc 20,000 cho người ngồi ghi mặc dù người ngồi ghi thu còn rất nhỏ tuổi, cô cũng chỉ hơn cháu bà khoảng 5-7 tuổi thôi.

Cô ngồi ghi thật bất ngờ, cô định nói gì đó (tôi đoán là cô định nói ít tiền quá thì khỏi phải khi vào tờ công đức mà chỉ ghi vào phiếu thu thôi hay là cứ bỏ vào các thùng công đức để ở hai bên dẫy kia), nhưng thấy bà cụ như thế cô nhoẻn miệng cười rồi cũng đưa cả hai tay nhận và hỏi bà tên, địa chỉ để ghi tên bà vào tờ công đức.

Khi nhận tấm bằng công đức bà lấy tay lau cứ như sợ bụi bám vào làm hư mất ấy và bà nở một nụ cười rất tươi. Có lẽ bà nghèo lắm thì phải vì vậy dù chỉ 20,000 thôi bà cũng quí và trân trọng nó như tiền tỷ.

Phải! Đúng là khi đã có tấm lòng cúng dường thì tiền tỷ hay là chỉ một ngàn thì cũng quí và phước báu như nhau cả.  Thế mới biết là tấm lòng và ước mong của những người phật tử vào ngôi trường Phật học lớn nhất nước này như thế nào.

Với một kinh phí dự kiến xây dựng trên 2.000 tỷ đồng thì sự đóng góp  cúng dường hôm nay của tất cả các tỉnh thành, các tổ chức,đoàn thể… và cá nhân mang một ý nghĩa rất lớn cho sự thành công của dự án.

Chắc chắn rằng với gần 83 tỷ tiền cúng dường hôm nay đã là vô cùng quí báu nhưng vẫn là chưa thể đủ. Vì vậy mà Ban tổ chức rất mong sự đóng góp cúng dường của tất cả mọi người. 

HVPGVN với một qui mô mang tầm vóc quốc tế “Công trình này sẽ trở thành trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam, là cơ sở giáo dục đào tạo và tu học nội trú, là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật cho hàng Phật tử Việt Nam nói riêng và Quốc tế nói chung. Sự thành tựu của Phật sự này không những góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc Văn hóa giáo dục Phật giáo để lại cho con cháu đời sau, mà còn là nơi đào tạo ra những tu sĩ Việt Nam đầy đủ giới đức, tâm đức và tuệ đức để phục vụ cho đạo Pháp và dân tộc”.

Khi nghe xong lời của Hòa Thượng Thích Trí Quảng “ồ đúng là một Na-Lan-Đà ở Việt Nam” nếu ai có bảo tôi ấu trĩ khi so sánh như thế thì cũng mặc thôi. Tôi lại cứ mơ ước như thế thì có sao đâu. có ai phạt và đánh thuế tôi đâu chứ.

“Na-lan-đà vừa là một tu viện vừa là một cơ quan giáo dục và hoằng Pháp mang tính cách quốc tế. Chương trình giáo huấn siêu việt và lối sống kỷ luật và vô cùng tinh khiết của cả giáo đoàn cũng như những người tu học đã đưa thanh danh Na-lan-đà vang dội khắp Á Châu”. Na-lan-đà là nơi hun đúc và đào tạo các đại sư của Phật giáo và cũng là nơi phát sinh hầu hết các học phái lớn của Đại thừa.

Có lẽ bà cụ kia cũng như tôi, cũng như hơn 3000 người có mặt tại đây cũng đều mơ ước và kỳ vọng như tôi. Vì vậy mà hôi tụ và có mặt tại đây hôm nay.

Khi đến đây! Trên mỗi ghế đều có để sẵn một cái túi. Tôi cứ nghĩ có lẽ là đồ ăn sáng. Tôi cũng định là không đụng vào vì thôi để cho cái miệng thanh tịnh một chút để làm lễ đã. Thật là đồ tham ăn quá, tôi phì cười hóa ra là không phải mà là một chai nước uống và một cuốn sách “Đừng vì tiền phụ nghĩa quên tình”, một chiếc Đĩa “Vì sao tôi theo Đạo Phật” cả hai đều của Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Ôi cám ơn Thượng tọa! cám ơn các nhà cùng dừng đã ấn tống tới 2.500 cuốn sách và 2.500 Đĩa cơ chứ, phước báu, phước báu!

Phước báu và hữu duyên hơn nữa cho những ai được đọc nó, đúng là một cuốn cẩm nang cho những người mới theo Đạo, một cuốn cẩm nang cho những ai lỡ lầm lỗi…

Có lẽ chỉ bỏ ra vài tiếng của một sáng chủ nhật quí báu tôi đã mang về được cho mình hai điều quí giá này. Một cuốn sách quí giá, một hình ảnh bà cụ với tấm lòng cúng dường chỉ với đúng một vài viên gạch cho HVPGVN.

Trong số hơn 3000 người đến đây có bao nhiêu người lời như tôi nhỉ?

Tạm biệt Lê Minh Xuân! Tạm biệt một trường đại học Na- Lan- Đà Việt Nam, hẹn gặp lại nhé !

Sài Gòn, tháng 11 năm 2012

Giác Hạnh Hoa