Trang chủ Bài nổi bật Lễ khai giảng lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc...

Lễ khai giảng lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc niên khóa 2018 – 2021

Sáng ngày 16 tháng 10 năm 2018, nhằm ngày 08 tháng 09 năm Mậu Tuất, tại chùa Vạn Phúc – thôn Đoài – xã Phù Lỗ - huyện Sóc Sơn – Hà Nội, Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã trang trọng tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc niên khóa 2018 – 2021.

387
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch HĐTS, Tổng thư ký GHPGVN, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế TƯ; Hòa thượng Thích Thanh Hùng – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử TƯ; Hòa thượng Thích Tấn Đạt – Ủy viên thư ký HĐTS, Phó chánh văn phòng 2 TƯ, Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ, Trưởng phân ban đào tạo Cao – Trung cấp giảng sư Ban hoằng pháp TƯ; Thượng tọa Thích Thanh Giác – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ; Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ; Hòa thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; Thượng tọa Thích Chiếu Tạng – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban hoằng pháp TƯ; Thượng tọa Thích Từ Nghiêm – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban hoằng pháp TƯ; Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban hoằng pháp TƯ cùng chư tôn đức trong HĐTS, chư tôn đức thường trực Ban hoằng pháp TƯ, chư tôn đức trong BTS các tỉnh thành cùng 159 Tăng ni giảng sinh của 17 đơn vị tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Về phía chính quyền có: Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ; Ông Vũ Ngọc Trìu – Phó phòng an ninh tôn giáo Cục an ninh nội địa Bộ công an; Bà Nguyễn Kim Dung – Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Ông Hoàng Quốc Việt – Trưởng phòng văn hóa văn nghệ Ban tuyên giáo thành ủy; Bà Phạm Bảo Khánh – Phó Ban tôn giáo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Tuấn Bình – Phó phòng an ninh đối nội công an thành phố Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành TƯ, thành phố Hà Nội và địa phương sở tại, cùng sự tham dự của Phật tử đạo tràng các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Mở đầu buổi lễ, Hòa thượng Thích Tấn Đạt đã phát biểu khai mạc nói lên mục đích quan trọng của việc tổ chức khóa học này, đó là để “đào tạo các vị giảng sư có tri thức Phật học cao, có kỹ năng Hoằng pháp tốt để tham gia công tác hoằng pháp trong thời đại mới với tinh thần nhập thế và dấn thân, có hoài bão và lý tưởng cao cả để mạng mạch Phật pháp được trường tồn, lan tỏa, đem lại an bình hạnh phúc đến nhân sinh. Đó cũng chính là bản hoài của mười phương chư Phật và tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Đồng thời, Hòa thượng cũng nhấn mạnh để thực hiện được lý tưởng trở thành một vị sứ giả của Như Lai, có đầy đủ tâm đức, trí tuệ và có tầm trong thời đại mới, mỗi vị Tăng ni giảng sinh “hãy tự mình xây dựng và định hướng những tiêu chí căn bản phục vụ cho công tác hoằng pháp: Thứ nhất, uyên thâm về Phật pháp cả 3 phương diện văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Thứ hai, rèn luyện trau dồi, bồi dưỡng cho mình những kỹ năng và phương thức hoằng pháp theo tinh thần khế lý và khế cơ. Thứ ba, giáo hóa tín đồ bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Thứ tư, xem khổ đau của chúng sinh và sự tồn vong của Phật pháp để xây dựng tâm nguyện của một vị giảng sư hoằng pháp”. 
  
  
  
  
  
  
  
  
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã đón nhận những lẵng hoa tươi thắm của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN và đại diện chính quyền các cấp chúc mừng buổi lễ.
  
  
  
  
  
  
Sau đó, Hòa thượng Thích Thanh Giác đã báo cáo công tác tổ chức lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc. 
Theo đó, từ khi thành lập Giáo hội đến nay, Phật giáo khu vực phía Bắc chưa mở được lớp đào tạo giảng sư có quy mô, mà chỉ có một số khóa bồi dưỡng kinh nghiệm hoằng pháp cấp khu vực. Nó đưa đến hệ lụy: Mặc dù chư đại đức Tăng Ni tốt nghiệp các trường Phật học, có kiến thức về giáo lý, nhưng lại thiếu và yếu về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp, thuyết trình, tổ chức sự kiện, kỹ năng ứng xử giao tiếp sư phạm hoằng pháp. Từ thực tế đó dẫn đến số lượng Tăng Ni đông đảo, nhưng đội ngũ giảng sư lại thiếu hụt trầm trọng. Đặc biệt những vị giảng sư đạt tiêu chuẩn không có nhiều. Chính vì thế, mà chất lượng hoằng pháp bị ảnh hưởng, thiếu hiệu quả. 
Để giải quyết vấn đề này, thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 – 2022) về công tác hoằng pháp. Được sự đồng thuận của Thường trực Hội đồng Trị sự, sự cho phép của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, Ban hoằng pháp Trung ương – Phân ban đào tạo giảng sư đã quyết định mở lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc tại chùa Vạn Phúc, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. 
Khóa học nhằm mục đích trang bị cho những vị giảng sinh các kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoằng pháp, tổ chức sự kiện; củng cố uy nghi phép tắc của vị giảng… nhằm đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn, năng lực, phục vụ công tác hoằng pháp trong thời đại mới đạt được hiệu quả cao. 
Nhiệm vụ của khóa học đó là:
– Đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo phù hợp với đặc thù của văn hóa Phật giáo khu vực phía Bắc; loại bỏ hình thức học “cưỡi ngựa xem hoa”; Không nặng về kiến thức mang tính “Hàn lâm”; không đào tạo lại kiến thức cơ bản trong các trường Phật học, mà chú trọng các môn học phục vụ trực tiếp công tác hoằng pháp, giảng dạy của các vị giảng sư. Thỉnh mời chư tôn đức giảng sư đủ năng lực, trình độ, đáp ứng về mặt chuyên môn đứng lớp.
– Hoàn thiện các loại thủ tục hành chính, cơ sở vật chất hạ tầng, đảm bảo điều kiện học tập, giảng dạy, sinh hoạt nội trú tốt nhất.
– Xây dựng bộ máy văn phòng, quản chúng có năng lực, chuyên môn, tâm huyết, đảm bảo trực văn phòng trong tất cả các giờ hành chính. 
– Xây dựng không khí học tập thân thiện, cởi mở, chia sẻ, giúp đỡ, không tạo áp lực trong học tập, thi cử, nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc trong học tập, giảng dạy, sinh hoạt. 
– Thành lập Ban bảo trợ lớp đào tạo giảng sư nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động và sinh hoạt ăn ở của Tăng Ni giảng sinh. 
Thời gian đào tạo của khóa học trong 03 năm; mỗi năm học 6 tháng, mỗi tháng học 16 buổi, mỗi buổi học 04 tiết. Tổng số là 390 tiết/năm. Trong đó, các buổi chiều dành cho việc thực tập diễn giảng. Số lượng Tăng ni giảng sinh là 159 vị.
Chương trình đạo tạo trong 03 năm học được xây dựng trên bốn nhóm vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, khối kiến thức Kinh, Luật, Luật: Các môn học được xây dựng nhằm trang bị cho các vị giảng sinh phương pháp nghiên cứu Kinh, Luật, Luận; xây dựng bộ khung kiến thức giáo lý và hệ tư tưởng Phật giáo mang tính đồng nhất, cốt lõi của Phật giáo và các hệ phái, tông phái Phật giáo. Các môn học này chiếm tỉ lệ 30%.
Thứ hai, khối kiến thức về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp: Các môn học được xây dựng nhằm trang bị cho các vị giảng sinh về kỹ năng, phương pháp hoằng pháp; bổ túc về mặt ngữ âm, soạn thảo văn bản, giáo án, giáo trình, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình lễ hội Phật giáo… các môn học này chiếm tỉ lệ 60%. 
Thứ ba, khối kiến thức văn hóa – tín ngưỡng tôn giáo: Các môn học khối kiến thức này, nhằm trang bị cho các vị giảng sinh những đặc thù của văn hóa, tín ngưỡng khu vực phía Bắc; những vấn đề thời sự, luật pháp liên quan đến hoạt động  tín ngưỡng tôn giáo; phương pháp nghiên cứu một số tôn giáo lớn trên thế giới. Các môn học khối kiến thức này chiếm tỉ lệ 10%.
Thứ tư, thực hành, nói chuyện chuyên đề: Vào các buổi chiều, sẽ diễn ra các buổi thực hành và nói chuyện chuyên đề. Các buổi thực hành đa dạng, phong phú, được thiết kế tổ chức tùy theo tính chất nội dung của từng môn học, qua đó hoàn thiện về những kỹ năng mục tiêu đào tạo đề ra. Các buổi chuyên đề sẽ được chư tôn đức giảng sư, các nhà tri thức, học giả có uy tín chia sẻ những kinh nghiệm hoằng pháp, tu tập, những kinh nghiệm ứng dụng Phật học trong đời sống. 
 
  
  
  
  
  
  
Tiếp theo, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đã thay mặt Ban hoằng pháp TƯ công bố quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Ban điều hành lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc niên khóa 2018 – 2021 và quyết định thành lập Ban bảo trợ của lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và Hòa thượng Thích Tấn Đạt đã trao quyết định chuẩn y nhân sự tới từng thành viên trong hai ban.
 
  
  
  
  
  
  
Tại buổi lễ, ông Bùi Hữu Dược đã đại diện lãnh đạo chính quyền phát biểu chúc mừng buổi lễ, đồng thời ông bày tỏ niềm hi vọng với các vị Tăng ni giảng sinh “Phật giáo là tôn giáo được xếp trong đội ngũ của tư duy duy vật biện chứng. Người ta không dám xếp Phật giáo vào duy tâm. Chính vì thế, những người giảng sư hãy làm rõ vai trò và trọng trách của Phật giáo trong đời sống xã hội bằng sự hiểu biết và sự cống hiến với đạo Pháp cũng như với xã hội…Phật giáo là chủ động đi theo con đường Đức Phật đã chỉ ra. Chính vì thế, những người giảng sư hãy nói tiếng nói đó với cộng đồng xã hội, nói với tất cả mọi người hãy hiểu về Đạo Phật và cống hiến cho xã hội tốt đẹp. Rất mong các vị giảng sư làm được điều đó”. 
 
  
Nhân dịp này, đại chúng đã lắng lòng đón nhận lời đạo từ quý báu từ Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ và chúc mừng buổi lễ khai giảng thành tựu viên mãn. Qua đây, Hòa thượng chia sẻ “Từ ngàn xưa cho tới ngày nay, công tác hoằng pháp là công tác vô cùng quan trọng nhằm đền đáp công ơn của Đức Phật, trước hết theo chủ trương của Giáo hội là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, làm tốt đời đẹp đạo. Đó là một ý nghĩa thực tiễn mà GHPGVN đã thực hiện trong suốt gần 40 năm qua, từ khi thành lập GHPGVN vào năm 1981 tới nay. Ngay từ nhiệm kỳ đầu của Giáo hội, Ban hoằng pháp TƯ được thành lập. Đại hội đã suy cử Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ. Đến năm 1997, chương trình Hoằng pháp của Ban hoằng pháp TƯ được mở rộng, thêm một chương trình là thêm một lớp đào tạo cao – trung cấp giảng sư của Ban hoằng pháp TƯ. Khóa đầu tiên được đặt tên là khóa Thiện Hoa và khóa Trí Thủ đến nay đã 11 khóa. Nếu cộng thêm khóa đầu tiên ở khu vực phía Bắc này được coi như là 12 khóa. Ở khu vực phía Nam, qua 11 khóa đào tạo được tổng cộng là 1756 Tăng ni giảng sinh Trung cấp và cao cấp. Còn ở khóa đầu tiên tại khu vực phía Bắc lần này có 159 Tăng ni giảng sinh. Như vậy, chúng ta có thể thấy số lượng giảng sư của GHPGVN rất phong phú và rất nhiều trình độ. Qua đó, có thể thấy được niềm tin vào sự phát triển của GHPGVN từ khi thành lập cho tới nay. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển một cách bền vững của GHPGVN thông qua công tác hoằng pháp của các vị giảng sư trong GHPGVN. Trong hơn 20 năm qua, khu vực phía Bắc chỉ có các lớp bồi dưỡng giảng sư ngắn hạn hoặc chuyên đề chứ chưa có một lớp đào tạo giảng sư chính quy nào. Do đó, chương trình làm việc của Ban hoằng pháp TƯ nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), đặc biệt trong năm 2018, Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN kết hợp với phân ban đào tạo giảng sư thuộc Ban hoằng pháp TƯ tiến hành khai giảng lớp đào tạo cao cấp giảng sư cho khu vực phía Bắc gồm 159 vị. Trên cơ sở 159 vị giảng sư này trình độ toàn Tiến sĩ, cao học, cử nhân và cao đẳng. Cho nên không cần qua lớp trung cấp giảng sư. Nói như thế có nghĩa các vị đã thành tựu được 2 lĩnh vực đó là học vị và học thuật. Như vậy còn thiếu phần học hành tức là thực hành những việc đã học, mà để thực hành những việc đã học ấy, với Giáo hội có 2 môi trường hoạt động một cách tích cực đấy chính là Ban giáo dục Tăng Ni TƯ và Ban hoằng pháp TƯ. Hai ban này nhằm đào tạo các vị chuyên môn. Ở đây, phần học hành của Ban hoằng pháp TƯ chính là thể hiện trách nhiệm của mình trong phạm vi triển khai những gì mình đã học trở thành hiện thực. Do đó cho nên Đức Phật cũng từng dạy muốn thành tựu được một vị giảng sư thì phải đầy đủ 4 pháp vô ngại”.
Qua đó, Hòa thượng sách tấn các vị Tăng ni giảng sinh “phải trau dồi kiến thức hơn nữa, không phải chỉ am hiểu giáo lý kinh điển Bắc truyền mà còn phải cả giáo lý kinh điển Nam truyền và những giáo lý liên quan khác, có như vậy mới thành tựu được phần giáo pháp. Qua đây mới có thể đi vào một cách chuyên môn qua việc phải trải qua ngành hoằng pháp. Đồng thời, cần phải nắm vững ý và nghĩa của câu pháp, giáo pháp, vì thế bắt buộc phải thông qua khóa đào tạo giảng sư để các vị trong Ban giảng huấn hướng dẫn một cách cụ thể, chính xác và thực tế. Vấn đề ngôn ngữ cũng phải vô ngại, nếu thiếu ngôn ngữ để diễn đạt pháp và ý nghĩa thì sẽ rất khó khăn. Chúng ta cần phải học thêm các văn tự, cổ ngữ để đủ phương tiện truyền bá Phật pháp. Có 3 cái trên rồi thì chúng ta mới có thể thuyết pháp một cách vui vẻ, không chướng ngại”.
Thay mặt Ban Hoằng pháp TƯ, Hòa thượng Thích Tấn Đạt cùng toàn thể hội chúng phát nguyện thọ nhận lời đạo từ của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS và đôi lời cảm tạ cũng đã khép lại chương trình lễ khai mạc trong niềm vui hoan hỷ vô biên của những người con Phật.