Trang chủ Văn hóa Lễ hội Vu Lan – Khởi nguyên và ý nghĩa Văn Hoá

Lễ hội Vu Lan – Khởi nguyên và ý nghĩa Văn Hoá

257

1. Khởi nguyên của lễ Vu lan

Lễ hội Vu-lan bồn (hay Vu-lan bồn hội 盂蘭盆會,Vu-lan tiết 盂蘭節) là một khái niệm của khu vực Phật giáo Hán ngữ, khởi nguyên có từ trong kinh tạng của Phật giáo. Hai chữ Vu-lan 盂蘭 được chuyển dịch tắt từ chữ Ullambana trong tiếng Phạn, được người Trung Quốc phiên âm là 烏藍婆孥, người Việt căn cứ theo mặt chữ, đọc cụm từ này theo âm Hán-Việt là Ô lam bà noa; hàm nghĩa của cụm từ này là hiếu thuận, cúng dường, báo ân, cứu đảo huyền, giải thoát sự thống khổ. Danh từ Ullambana có gốc động từ Ud-vlamb, nghĩa là “treo (ngược) lên”. Do đó, các nhà ngôn ngữ Trung Quốc đã dịch thành “đảo huyền 倒懸” và gia tăng thêm hàm nghĩa “cứu đảo huyền chi khổ 救倒懸之苦”, tức là cứu nỗi khổ đau bị sa đọa trong địa ngục. Từ Bồn 盆 là chữ Hán, có nghĩa là cái chậu, đồ dùng để chứa đựng.

Theo những điều ghi chép trong “Phật thuyết Vu-lan bồn kinh” (佛說盂蘭盆經), để báo đáp công ơn sinh thành, hằng năm, vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, người ta tổ chức những nghi lễ cúng tế của Phật giáo nhằm siêu độ vong linh cho cha mẹ, ông bà tổ tiên và những vong hồn còn vất vưởng nơi cõi tạm. Dựa theo tích truyện được ghi chép trong bộ Vu-lan bồn kinh 盂蘭盆經 do pháp sư Trúc Pháp Hộ 竺法護 (đời Tây Tấn 西晉) dịch, tập tục này có liên quan đến vị đại đệ tử nhà Phật là Mục-kiền-liên tôn giả 目犍連尊者, vì cứu người mẹ bị đọa trong địa ngục mà tìm đến Đức Phật tham vấn cách siêu độ. Đó là nội dung cơ bản của tích “Mục-liên cứu mẫu 目連救母”.

2. Lễ hội Vu lan và tiết Trung nguyên của Đạo giáo

Về nguồn gốc, tết Trung nguyên 中元 của Đạo giáo 道教 và lễ hội Vu-lan khởi nguyên không giống nhau nhưng lại trùng khớp về thời gian là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm. Cả hai lễ tiết đều là những hình thức kỷ niệm, cúng tế. Vào ngày này, các chùa chiền, đạo quán đều có những hoạt động kỷ niệm phong phú và đa dạng, trong đó nổi bật nhất là thả đèn hoa sen (phóng liên đăng 放蓮燈). Trong không gian tối tăm và mờ ảo tượng trưng cho dòng sông vô minh của nhân gian, ánh sáng của đèn hoa sen từ từ trôi xa và dần lan tỏa; toàn bộ hình thức thể hiện này mang một ngụ ý tinh thần, biểu thị đạo pháp uy lực vô biên, có thể siêu độ cho các cô quỷ đang lưu lạc.

Theo văn hóa Trung Hoa, ngày Rằm tháng Bảy âm lịch cũng là Trung nguyên tiềt 中元節, lễ tiết này bắt nguồn từ trong Đạo tạng 道藏, vì thế nó được xem là một trong Tam nguyên 三元. Du Hương Thuận 俞香順 trong cuốn Trung Quốc Hà Hoa Thẩm Mỹ Văn Hóa Nghiên Cứu 中國荷花審美文化研究 cho biết theo quan niệm của Đạo giáo thì ngày Rằm tháng Giêng là ngày Thiên quan xá tội 天官赦罪 (Thiên quan tha tội), còn gọi là Thượng nguyên tiết 上元節; ngày Rằm tháng Bảy là ngày Địa quan xá tội 地官赦罪 (Địa quan tha tội), còn gọi là Trung nguyên tiết; và ngày Rằm tháng Mười là ngày Thủy quan xá tội 水官赦罪 (Thủy quan tha tội), gọi là Hạ nguyên tiết 下元節. Đạo giáo lấy Thiên 天, Địa 地, Thủy 水 làm Tam nguyên 三元, cũng gọi là Tam quan 三官. Theo Đạo tạng, vào ngày Rằm tháng Bảy, hai vị thượng tiên là Thái thượng lão quân 太上老君 và Nguyên thủy thiên tôn 元始天尊 nghe chúng tiên báo cáo về chuyện nhân gian. Do đó, đối với tín ngưỡng Đạo giáo, ngày này cũng là một trong những ngày có tính chất xá tội vong nhân 赦罪亡人 và có lẽ vì sự tương đồng về ý nghĩa văn hoá nên ngày lễ Vu-lan và tết Thượng nguyên rất được coi trọng trong văn hoá Trung Hoa, Việt Nam.

3. Ý nghĩa văn hoá của lễ hội Vu-lan

Trong bộ Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀, lễ hội Vu-lan bắt đầu được đại chúng hóa từ thời Lương Võ đế 梁武帝 niên hiệu Đại Đồng 大同 thứ 4 (tức năm 538). Dưới đời Đường, phong tục này cũng rất thịnh đạt và được người dân coi trọng; sang đến đời Tống thì ý nghĩa của nó không còn là pháp sự cúng dường tam bảo mà đã dần chuyển sang cúng cầu siêu cho các vong hồn ở nhân gian. Từ đó về sau, lễ hội Vu-lan là một trong những hoạt động chủ yếu được diễn ra trong các tự viện.

Ý nghĩa cơ bản của lễ hội Vu-lan trong kinh tạng Phật giáo là: “Phúng kinh thí thực, cứu tế u minh 諷經施食救濟幽暝” (đọc kinh và bố thí thức ăn, cứu tế cho những người bị đoạ ở cõi địa ngục). Ông Chu Hoành Hội 朱宏會 trong cuốn Chính Ngoa Tập 正訛集 đã biện giải rằng: “Người đời thường lấy ngày Rằm tháng Bảy, tức là ngày bố thí thức ăn cho cô quỷ, oan hồn, làm ngày Vu lan, ấy là điều không đúng vậy. Ngày Vu-lan là ngày chúng tăng giải hạ, kết thúc 9 tuần (mỗi tuần 10 ngày, khoảng 03 tháng) an cư kiết hạ, chấm dứt một quãng thời gian tu tập, tham thiền, đạo pháp đã tăng tiến, nên vào ngày này trên thì phụng cúng hiền thánh, dưới thì tế độ ngạ quỷ, ấy là ý nghĩa của điển lễ này vậy…”

Nghi Nhuận 儀潤 đời Thanh 清 đã tổng hợp tất cả các thuyết và đưa ra ý nghĩa cơ bản của lễ Vu-lan là: “Bạch nhật cúng dượng tam bảo, dạ gian thí thực phổ độ quỷ thần 白日供養三寶夜間施食普渡鬼神” (ban ngày thì cúng dường tam bảo, ban đêm thì bố thí cho quỷ thần). Nhưng trong dân gian, người ta vẫn xem việc cứu độ vong linh cho các cô hồn, ngạ quỷ là hoạt động chính của lễ tiết này. Như vậy, mặc dù trong văn hoá Phật giáo, do tư tưởng “hiếu tử báo ân 孝子報恩” trong kinh Vu-lan bồn, hàng Phật tử xem tháng bảy là Giáo hiếu nguyệt 教孝月, với tinh thần “tự chứng hoá tha, quảng tu cúng dượng chi lực, báo luỵ thế thân ân chi nghĩa 自證化他, 廣修供養之力, 報累世親恩 之義” (tạm dịch: tự chứng ngộ và giáo hoá chúng sanh, mở rộng pháp lực tu tập, cúng dường, báo đáp nghĩa của song thân ở cõi thế). Song, trong dân gian, người ta vẫn xem đó là Quỷ nguyệt 鬼月 (tháng bố thí cho ngạ quỷ).

Tóm lại, ý nghĩa công đức viên thành của ngày hội Vu lan là cúng dường tam bảo, cứu hộ chúng sanh khỏi đường ngạ quỷ, giải cứu khỏi nỗi khổ “đảo huyền” (treo ngược). Ấy cũng là lúc chúng tăng hoan hỷ mừng ngày Viên mãn giải hạ 圓滿解夏, công đức vô lượng, uy lực vô song và có thể hoằng dương Phật pháp, soi rọi cho nhân gian thoát khỏi vô minh, trở về với con đường chánh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà chúng sanh báo đáp ân nghĩa dưỡng dục của mẹ cha, cha mẹ hiện tồn thì phúc thọ tăng vô lượng, tổ tiên các đời sớm được siêu thăng. Điều đó góp phần thể hiện đạo nghĩa cao quý, một vẻ đẹp tinh thần mà người phương Đông chúng ta luôn gìn giữ và phát huy.

Theo Văn hóa Phật giáo