Ba ngày diễn ra lễ hội đã thu hút hơn 10.000 lượt người tham dự. Trước khi lễ hội diễn ra, tôi đã không tin vào con số mà Hòa thượng Phương Trượng Viên Giác mách với tôi, nhưng những gì qua tai nghe mắt thấy tôi đã tin vào điều đó. Giờ đây, mới có chuyện ngồi kể lại cho quý vị nghe.
Lễ hội Quán Thế Âm “Ngàn Tay Ngàn Mắt” lần đầu tiên được tổ chức ở chùa Viên Giác nói riêng và xứ Đức nói chung. Ở Đức có khoảng hơn 12 ngôi chùa Việt nhưng Viên Giác là lớn nhất, cho nên được coi là chùa Chi Bộ (giống như bên Việt Nam gọi chùa lớn nhất tỉnh, nơi đặt trụ sở của Giáo Hội vậy). Mỗi khi có lễ tết, bà con Phật tử bên này lại lên lịch, kéo nhau về chùa như trẩy hội; dù cho họ ở xa hay gần. Các ngôi chùa nhỏ khác thì chọn ngày làm lễ trước hoặc sau, còn ngày chính thì về chùa “Hội” Viên Giác. Xung quanh chùa Viên Giác có khoảng 3 đến 4 khách sạn lớn nhỏ, nhưng hầu hết bà con Phật tử chọn chùa làm nơi nghỉ lưng. Khắp nơi trong chùa, mọi ngỏ ngách đều được trưng dụng để Phật tử ngủ qua đêm. Vì thế, trong ba ngày lễ hội, chùa đã trở thành ngôi nhà lớn dung chứa đàn con ở xa trở về. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, có rất nhiều thứ để nói, tuần tự ra đây sẽ kể cho bà con nghe vui.
Ở một đất nước mà thứ gì cũng đắt đỏ, việc tiết kiệm tài chính để dùng vào việc khác được ưu tiên hàng đầu. Ở đây, một giờ làm việc được trả vài chục đồng, cho nên Phật tử hay quý thầy cùng nhau gánh vát công việc trang trí, dọn quét. Những tấm pano lớn in hình đức Bồ Tát Quán Thế Âm cũng được đặt tại Việt Nam đem qua; lồng đèn đủ loại thì được đem từ bên Việt Nam sang làm đã giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền của. Lần trang trí lễ hội này, thầy Hạnh Nhơn và sư cô Chơn Toàn với sự giúp sức của quý Phật tử bổn tự đã làm việc hết sức mình để có được một đạo tràng vừa trang nghiêm vừa đẹp mắt như thế.
Chư Tôn Hòa Thượng và quan khách cắt băng khai mạc lễ hội
Lễ khai mạc lễ hội đã để lại trong lòng người tham dự và ban tổ chức đi từ nỗi lo này đến nỗi lo khác. Số là trời đổ mưa tầm tả từ chiều khai mạc cho đến gần 8h30 tối. Buổi chiều, lúc 4h, khóa lễ lạy Ngũ bách danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm vừa diễn ra thì mưa như trút nước đổ xuống, khiến cho cả đại chúng một phiên đứng ngồi không yên. Rồi đến lúc ăn chiều, Hòa thượng Phương Trượng hỏi thầy trụ trì có phương án nào thay thế nếu vẫn trời mưa không thì thầy trả lời, chưa có phương án nào cả. Và thầy còn nói, con đang theo dõi thời tiết, và rằng sẽ dứt mưa trước 9h tối. Hòa thượng Phương Trượng chỉ còn cách bảo đại chúng cầu nguyện đức Bồ Tát gia hộ để Phật sự được diễn ra tốt đẹp. Linh ứng thay, đến 8h30 mưa bắt đầu bớt, Gia đình Phật tử liền được triệu tập để quét nước và chuẩn bị cho lễ khai mạc. Và đến khi lễ khai mạc diễn ra thì mưa đã tạnh. Đức Bồ Tát thật là linh ứng, lời nguyện cầu của đại chúng thành sự thật.
Tuy trời trước đó mưa, khiến cho nhiệt độ ngoài trời trở nên lạnh nhưng vẫn không kiềm chân được người con Phật đến với lễ hội. Lễ khai mạc đã diễn ra vượt quá thời gian quy định nhưng ai cũng hoan hỷ, vì đây là lần đầu tiên trên đất nước Đức này, tại chùa Việt Nam, hình ảnh người mẹ hiền Quán Thế Âm đã sống dậy, khơi dậy niềm tin và đức hạnh từ bi của Người cho mọi loài chúng sinh được thoát khổ. Sau lễ hành chính là khóa lễ tụng kinh hồi hướng. Tiếng tụng kinh của ba dân tộc khác nhau đã vang lên: tiếng Việt, tiếng Tây Tạng và tiếng Đức.
Có lẽ Viên Giác là ngôi chùa duy nhất trên thế giới mỗi khi tổ chức lễ hội điều có chương trình lạy hồng danh đức Phật, Bồ Tát. Các khóa lễ lạy Ngũ bách danh đều thu hút khá đông Phật tử tham dự. Khóa lễ Ngũ bách danh được chia ra làm ba thời, hai thời đầu 200 lạy, và thời sau 100 lạy. Kèm theo giữa các thời là thuyết pháp, thỉnh linh cúng tổ tiên ông bà nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Năm nay, Ban tổ chức cũng đã tổ chức “Cổ Phật Khất Thực” để hàng Phật tử gieo phước cúng dường, gợi lại Tăng đoàn khất thực ngày xưa của đức Thế Tôn. “Cổ Phật Khất Thực” diễn ra vào trưa ngày thứ hai của lễ hội. Một đoàn chư Tôn đức Tăng, Ni đi một vòng ra trước chùa rồi vào lại, tuy ngắn thế nhưng đã để lại một ý nghĩa thật đẹp, hình ảnh thật đẹp phạm hạnh của một vị tỳ kheo.
Đến tối ngày thứ 2 là chương trình hoa đăng cúng dường Tôn tượng. Ban tổ chức đã chuẩn bị hơn 1000 cây nến nhưng vẫn không đủ. Lửa từ bi được Hòa thượng Phương Trượng thỉnh từ trên bàn Phật, truyền xuống, truyền xuống đốt lên những ánh lửa niềm tin Phật pháp. Lửa từ ánh nến này truyền sang ánh nến khác trong tiếng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm trầm hùng đã tạo nên một khung cảnh thật trang nghiêm và huyền diệu.
Đại đức Trụ trì Thích Hạnh Giới đang hướng dẫn lễ Hoa Đăng
Sang ngày thứ 3 của lễ hội là lễ Vu Lan – Hoa Hồng Cài Áo. Lúc ban đầu, Ban tổ chức dự định tổ chức trong chánh điện, nhưng với sự gợi ý của Hòa Thượng Phương Trượng, đã dời ra ngoài sân khấu, vì thế, đã dung chứa hết những người con hiếu thảo tham gia lễ hội mang đậm ý nghĩa truyền thống nhớ ơn sinh thành của người Việt Nam này. Vào mùa Vu Lan báo hiếu, khắp năm châu bốn biển, nơi nào có người con Việt sinh sống, nơi nào có ngôi chùa Việt thì như rằng đều tổ chức gắn lên ngực người con những đóa hoa hồng, hoa trắng tưởng nhớ đến hai đấng sinh thành của mình. “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, và một bông hồng cho những ai, những ai không còn mẹ…” vang lên khiến khóe mắt ai đó cay cay. Người con Việt xa xứ càng thắm thía hơn nỗi nhớ cha mẹ nơi quê nhà. Ở Việt Nam, cũng bài hát ấy vang lên, nhưng ít có những cảnh người len lén lau nước mắt; ít có những cảnh che miệng cố không để tiếng nất vang lên; lại càng hiếm có cảnh cả hội trường vang lên tiếng khóc vì nhớ cha thương mẹ xa cách nơi quê nhà như những người con sống ở đất khách quê người này. Cả ba lần tham dự lễ Bông Hồng Cài Áo ở ba nơi khác nhau trên xứ Đức, tôi đã cảm nhận rất nhiều về điều ấy. Những ai một khi xa quê hương xứ sở mới có thể cảm được câu hát “quê hương là chùm khế ngọt”. Chỉ có quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn là nơi ta hằng mong ước về, như người con muốn về bên mẹ vậy.
Trong lễ hội này, Hòa thượng Phương Trượng luôn luôn nhắc đến công lao của hàng Phật tử tại gia khi đến chùa làm công quả. Trong một bài phóng sự nói về “hội chợ chùa” lúc đó tôi chỉ đưa hình ảnh lên cho mọi người xem, chứ chưa nói đến công việc chuẩn bị cho “hội chợ chùa” đó. Để có được những chiếc bánh cam, bánh tiêu, chè, xôi, bún phở, Phật tử chùa Viên Giác và các Phật tử các chùa Việt Nam ở Đức đã cùng nhau về chùa làm công quả rất sớm và ở lại chùa suốt một tuần lễ trước đó; một người một việc, bỏ công để tạo tài chính cho chùa. Những chiếc bánh mang hương vị quê hương xứ Việt được những đôi bàn tay khéo léo và đầy tâm huyết làm nên đã được mọi người đón nhận hưởng ứng một cách nhiệt tình. Ba ngày lễ hội, phục vụ cho hơn 10.000 lượt người viếng thăm và ăn uống, thì phải biết công sức của quý Phật tử Viên Giác và các chùa khác bỏ ra thế nào. Và thêm điều đáng khen nữa phải nói là tuy làm cả ngày mệt mỏi như thế; nhưng thời Công phu khuya họ vẫn tinh tấn tham gia, không bỏ buổi nào. Họ đến làm và ra đi như thể chưa từng đến làm và ra đi. Vì Phật sự mà đến, xong Phật sự mà đi.
“Hội chợ chùa” này là một truyền thống đẹp được các ngôi chùa Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mỗi khi có lễ hội. Một năm có ba lễ hội chính đều có “hội chợ chùa” là Phật Đản, Vu Lan và Tết, đã đem lại không khí lễ hội Việt trên mảnh đất xứ người này. Người bản xứ cũng đến tham gia và thưởng thức những món ăn Việt qua thông tin được đăng tải trên Internet và truyền hình. Đài truyền hình địa phương trước đó vài tuần cũng đã có phóng sự ngắn giới thiệu về lễ hội, vì thế, vào ngày chủ nhật cuối tuần, số lượng người Đức đến chùa tham quan đông hơn. Qua ánh mắt và nụ cười của họ, có thể thấy họ hài lòng với món ăn Việt và không những ăn tại chỗ, còn gói đem về.
Các chùa Việt Nam tại Đức cũng đã về dựng gian hàng phát hành thức ăn và bánh trái. Sau đó, mang tịnh tài về tự viện của mình để xây dựng tại đó. Điều này ít thấy xảy ra ở các chùa lớn tại ngoại quốc mà ngay cả ở Việt Nam cũng vậy. Đó chẳng qua là do tấm lòng bao dung của Hòa thượng Phương Trượng và Đại đức Trụ trì Thích Hạnh Giới, khuyến khích để các chùa vừa có thể đóng góp vào Phật sự chung, vừa đem cái riêng để lại Phật sự tại bổn tự riêng.
Mỗi năm có vài lần về thăm mái chùa dân tộc, cho nên trước khi ra ngoài để tham gia các sự kiện lễ hội, tham quan “hội chợ chùa”; bà con Phật tử ta lên chánh điện để lễ Phật và dâng cúng hoa hương và cầu nguyện cho gia đình sức khỏe và hạnh phúc. Mỗi gia đình đều mua hoa hay bánh trái, sắp lên dĩa rồi dâng lên cúng Phật. Sau đó thỉnh về để đem về dùng; một kiểu mang “oản” về nhà sau khi đi lễ chùa để lấy hên. Vì thế, đồ cúng để la liệt trên bàn và dưới nền chánh điện. Khói hương nghi ngút giống đi lễ chùa đầu năm ở Việt Nam ta. Mỗi năm có ba lễ chính cho nên là người Phật tử hay không phải Phật tử đi chùa đều diện quần áo đẹp, đi chùa giống như đi hội, và thường đi cả gia đình.
Phật tử ngồi nghe giảng pháp
Đi chùa thắp nhang lễ Phật
Để dung chứa cả vài trăm con người, lo vệ sinh sạch sẽ cho hàng trăm con người như thế trong suốt ba ngày lễ hội không thể không nhắc đến Gia đình Phật tử Tâm Minh. Hòa thượng nói, nếu không có đội ngũ trẻ này chắc công việc trở nên quá tải và khó đảm bảo thành công lễ hội được. Ngoài những công việc tham gia những sự kiện chính lễ hội như múa dâng hoa, múa lân, múa “Phật bà nghìn tay nghìn mắt”, tham gia ca hát, phụ giúp tổ chức khán đài trước mỗi buổi lễ là còn phải thức đến gần 4 giờ sáng để quét dọn chánh điện, hút bụi nền nhà, lau dọn nhà vệ sinh để chuẩn bị cho một ngày mới. Rồi đến cuối ngày bế mạc, khi ai nấy đều ra về, họ chính là người ở lại sau cùng để dọn rác xung quanh chùa. Tuy thế, nhưng lúc nào cũng vui vẻ và xem đó là bổn phận và trách nhiệm phụng sự của thế hệ trẻ, vì Phật sự quên mình.
Cuối ngày thứ 3, khi những chiếc xe cuối cùng rời khỏi cổng chùa, cũng là lúc Hòa Thượng Phương Trượng cầm que đi…. Ăn cơm chiều xong, Ngài dạy tôi đi Phật sự với Ngài. Phật sự đó chính là cầm que đi lượm rác dọc ngoài đường, xung quanh chùa và khu bãi đổ xe mà chính quyền thành phố cho mượn mỗi khi có lễ. Ngài nói rằng, đã hơn vài chục năm qua, cứ mỗi khi lễ hội kết thúc, không đi lượm những thứ mà Phật tử sau khi tham dự về để lại ở ngoài đường phố quanh chùa thì tối đó Ngài khó mà ngủ yên. Những chiếc ly, những chiếc lá gói bánh đã được người và được gió cuốn đi cả trăm mét, phải được lượm lên và bỏ vào thùng rác. Vì thế mà, Hòa thượng nói thêm, cả vài chục năm qua, hàng xóm xung quanh chùa chưa ai than phiền chùa câu nào. Xứ Đức này, đường phố chỉ cho phép lá cây rụng chứ không cho phép rác trú ngụ. Cho nên “lượm rác” cũng là một Phật sự mà Hòa Thượng Phương Trượng đã thực hiện suốt vài chục năm qua; đó cũng là một cách thân giáo cho hàng xóm láng giềng. Và sáng hôm sau, một ông người Đức qua chùa cũng lượm rác và giúp bỏ rác vào thùng, dù ông không biết nhiều về chùa, về Phật pháp, hỏi ông thì ông cho biết làm để có công đức.
Nói “Mái chùa che chở hồn dân tộc” không đâu đúng bằng mái chùa Việt xa xứ. Chùa Việt ở đâu thì hồn dân tộc Việt nằm ở đó. Hồn dân tộc Việt đâu nằm ngoài những chiếc bánh cam, chuối nướng, tô phở, bún huế, ly cà phê đậm chất… Hồn dân tộc Việt đâu nằm ngoài chiếc tà áo dài, chiếc nón lá…. Mỗi lễ hội được tổ chức ở chùa như thế là một dịp để người con Việt xa xứ lại tập trung về, gặp gỡ, thưởng thức hương vị quê hương; và đặc biệt mùa Vu Lan còn làm sống lại tinh thần trọng hiếu của dân tộc Việt Nam ta; một tinh thần mà từ ngàn xưa đức Phật đã dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh Hiếu là hạnh Phật. “Nếp sống muôn đời của Tổ tông” đã được chùa Việt trên xứ người gìn giữ mãi để một mai kia, văn hóa Việt Nam lan tỏa khắp năm châu bốn biển.