Phật tử đến chùa đông vui cũng là dấu hiệu đạo Phật hưng thịnh, được xã hội đón nhận yêu quý. Phật tử đến chùa đông vui cũng là danh dự chung của PG để so sánh với tôn giáo bạn vốn có ngày giáng sinh đã biến thành văn hóa của mọi người.
Nhưng ta có hai câu hỏi. Một, trụ trì muốn Phật tử đến đông đảo để làm gì. Hai, làm sao thu hút Phật tử đến chùa đông đảo vui vẻ.
Câu hỏi thứ nhất rất quan trọng, vì nó định hướng nhân quả cho chùa lâu dài về sau. Tăng Ni muốn Phật tử đến chùa đông đảo để làm gì? Nếu ngay đây mà ta khởi tâm bất thiện thì chùa sẽ đi về hướng bất an. Nếu ngay đây mà ta khởi tâm chân chính thì chùa sẽ đi về hướng an lành.
Thế nào là tâm bất thiện khi vị trụ trì muốn cho chùa đông vui? Khi nào vị trụ trì muốn Phật tử đến chùa cho đông để chùa được cúng dường thật nhiều. Đây là tâm bất thiện căn bản nhất, phổ biến nhất. Theo tâm niệm này, chùa sẽ đi dần về hướng danh lợi phàm tục tầm thường, rồi mất tất cả.
Hoặc là trụ trì muốn Phật tử đến chùa cho đông để chứng tỏ rằng mình tài giỏi đặc biệt, mình uy đức lớn, mình hơn các chùa khác. Đây là tâm niệm bất thiện kế tiếp, thường xuất hiện nơi những trụ trì có chút kiến thức lanh lợi, tài chánh thì cũng tạm ổn rồi. Tâm niệm này sẽ dẫn ngôi chùa theo hướng cạnh tranh đố kỵ thê thảm về sau.
Hoặc là trụ trì muốn Phật tử về cho đông để tạo thành một lực lượng hoạt động xã hội gì đó. Đây là tâm niệm nguy hiểm vì dễ rơi vào quyền lực chính trị về sau, khiến cho chùa rời xa sự tu hành chân chính…
Khi nào thì ý niệm mong cho Phật tử đến chùa đông thì lại là chân chính tốt lành? Khi nào vị trụ trì nhìn thấy con người loay hoay trong vô minh tội lỗi, muốn cho con người được cơ hội tiếp xúc với Phật Pháp để được hóa độ, nên rất muốn Phật tử về chùa để tu học. Ý niệm này sẽ khiến ngôi chùa trở thành điểm hút tâm linh cho mọi người.
Khi có ý niệm thiện lành như thế, nhìn thấy chùa nào có Phật tử tụ hội đông vui, vị trụ trì đó cũng đều hoan hỷ như chính chùa mình có được. Tâm hoan hỷ này cũng khiến cho các chùa đoàn kết giúp đỡ hỗ trợ nhau.
Như vậy, chỉ có một tâm niệm chân chính duy nhất khi vị trụ trì muốn Phật tử đến chùa đông đảo, đó là muốn cho Phật tử được cơ hội tu học tinh tấn. Ngoài ra những động cơ khác đều nguy hiểm sai lầm.
Nhân nào quả nấy, muốn Phật tử về chùa tu học thì Phật tử sẽ về chùa tu học đàng hoàng.
Tuy nhiên, để có được ý niệm chân chính đó thì vị trụ trì đã phải là người tu hành đàng hoàng mẫu mực rồi. Chỉ có những người chân tu mới có ý niệm mong muốn cho mọi người tinh tấn tu hành. Còn người giả tu thì chỉ muốn lợi dụng lòng mộ đạo của người khác để tìm lợi ích cho mình mà thôi.
Một vị xuất gia tu hành chân chính thì buộc phải có một pháp môn tu tập tâm linh chuyên sâu. Có thể vị đó theo pháp môn Tịnh độ, hoặc Thiền, hoặc Mật, nhưng vị đó phải lấy Vô ngã làm mục đích cuối cùng.
Không nhắm đến Vô ngã thì tu gì cũng chỉ là phàm phu hoặc ngoại đạo. Nhờ tất cả cùng nhắm đến mục tiêu Vô ngã mà các chùa không bị chia rẽ với nhau, dù cho ban đầu bắt đầu bằng những pháp môn khác nhau. Cuối cùng ai cũng gặp nhau ở mục tiêu Vô ngã.
Chính sự tu hành tâm linh chuyên sâu đúng nghĩa của vị trụ trì khiến cho ngôi chùa có sức hút mầu nhiệm khó giải thích, dù vị đó trầm tĩnh không phô trương khoe khoang, cũng như không cố ý lôi kéo quần chúng. Cũng chính sự tu hành tâm linh chuyên sâu của vị trụ trì khiến cho ngôi chùa có đạo lý để Phật tử tìm về tu học. Phật tử yêu thích đạo lý nên tìm đến với đạo Phật. Đây là yếu tố quan trọng nhất, chủ yếu nhất. Mọi hoạt động của chùa đều phải xoay quanh đạo lý, phù hợp với đạo lý, không sai lệch với đạo lý.
Vị trụ trì không được tự mãn với sở học, bằng cấp, hạ lạp, giáo phẩm, kinh kệ, mà phải tinh tấn tu hành tâm linh chuyên sâu với pháp môn chân chính. Đây là trụ cột quan trọng của người đệ tử Phật, là nền tảng tâm linh của mỗi ngôi chùa, cũng là giá trị của toàn thể đạo Phật. Dù cho vị trụ trì chưa chứng được quả Thánh gì cao siêu, nhưng sự tinh tấn đúng hướng cũng đáng để cho Thiên Long Hộ Pháp ngày đêm ủng hộ. Nếu vị trụ trì chứng được quả Thánh, dù là ban đầu, thì thật là viên ngọc quý trong Phật Pháp.
Khi một vị trụ trì có pháp môn tâm linh chân chính để tu hành tinh tấn đều đặn từng ngày thì vị đó cũng sẽ có lòng mong muốn cho nhiều người khác cũng như vậy.
Điều này tạo nên ý nguyện chân chính của vị trụ trì là Mong nhiều người đến chùa để tu học. Điều mong ước này sẽ trở thành Nhân quả, tạo nên hướng đi cho ngôi chùa lâu dài về sau.
Kế tiếp, vấn đề là Làm sao thu hút nhiều Phật tử về chùa tu học đông vui.
Lễ hội Phật giáo sẽ đông vui khi quanh năm ngôi chùa đó đã thu hút được Phật tử về tu học đều đặn rồi. Nếu ngôi chùa quanh năm chẳng ai tới, đến khi có dịp lễ hội thì mới gửi thư mời, thì ta chẳng cần bói cũng biết sẽ rất ít người hưởng ứng. Muốn lễ hội đông vui thì quanh năm ngôi chùa phải có sinh hoạt tu học cho Phật tử đều đặn, không dồn dập căng thẳng, chỉ đều đặn ổn định, nhưng duy trì bền bĩ lâu dài.
Tại sao Phật tử thích đến chùa?
Phật tử chỉ chịu đến chùa khi họ cảm thấy được lợi ích gì đó. Người mộ đạo thì muốn được học đạo lý mới lạ sâu sắc; người chưa hiểu đạo sâu thì mong tìm được sự phù hộ của ơn trên Trời Phật; người tò mò về những hiện tượng tâm linh thì muốn tìm thấy sự kỳ lạ, phi thường gì đó tại chùa; người chưa thể đi sâu vào tâm linh tu học thì muốn có không khí vui tươi lành mạnh… Mỗi người một vẻ, nhưng cũng đều tin Phật là đấng cao siêu.
Người trụ trì phải có nhiều hình thức sinh hoạt tu học phù hợp với đa số mọi người, phù hợp với nhiều trình độ, phù hợp với nhiều ước vọng tâm lý. Như vậy chùa sẽ thu hút nhiều Phật tử đến tu học. Tuy nhiên không phải chùa nào cũng có thể tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt nhộn nhịp như thế vì nó đòi hỏi khả năng, tiền bạc, nhân sự, kiến thức chuyên môn… Ta có thể tập trung lại vài loại hình sinh hoạt cũng giúp Phật tử thích thú đến chùa hơn là đã tốt rồi.
Chùa, ngôi Tam Bảo, nên cần phải có đủ 3 chức năng như thế. Một ngôi Phật đường, tức là Chính điện thờ Phật, dành cho việc lễ bái, tụng niệm. Một ngôi Pháp đường, dành cho việc học hỏi giáo lý, gồm có thư viện và nhà giảng pháp.
Có thể một ngôi nhà chung hai chức năng, cả thư viện và giảng đường luôn. Phật tử, thậm chí không phải Phật tử, đều có thể ghé lại Pháp đường để ngồi đọc sách cả ngày, được phục vụ nước trà nước lọc miễn phí. Ghế ngồi cực kỳ thoải mái, ngồi hoài không muốn đứng dậy. Pháp đường phải là nơi quan trọng nhất trong việc giáo hóa Phật tử.
Cuối cùng mới là Tăng đường, nơi ở của người xuất gia, cách biệt và thanh tịnh.
Dĩ nhiên một ngôi chùa còn phải có Quảng trường rộng, Thiền đường, Khách đường, Trai đường, Bếp đường (hii), WC vân vân…
Chánh điện phải linh thiêng, đẹp đẽ, nhưng đừng rườm rà quá mất đi tinh thần giản dị của đạo Phật. Sự thiêng liêng của Chánh điện cũng tùy thuộc vào sự tu hành của Chư Tăng trong chùa nữa. Chư Tăng trong chùa tinh tấn tu hành thì tự nhiên chùa được Long Thiên Hộ Pháp phò trì nên rất thiêng. Nhiều khi Phật tử bị bế tắc điều gì đến cầu nguyện sẽ thấy linh ứng. Phật đường chánh điện là nơi mở cho tất cả mọi người, cả xuất gia lẫn tại gia, đến lễ bái tụng niệm.
Pháp đường lại là trái tim của ngôi chùa. Nhiều chùa đến bây giờ vẫn chưa có Pháp đường. Mỗi chùa phải có một ngôi Pháp đường cực kỳ hấp dẫn, ai đã ghé qua một lần rồi là cứ muốn trở lại hoài. Mọi người, không phân biệt Phật tử đã quy y hay chưa quy y, đều có thể đến chùa ngồi lì ở Pháp đường cả ngày, được cư sĩ công quả ân cần phục vụ nước trà hay nước lọc miễn phí. Ly tách sạch sẽ; thái độ cư sĩ phục vụ rất chân thành lịch sự ân cần; ghế ngồi không muốn đứng dậy; sách vở băng đĩa nhiều chủng loại (nhưng bảo đảm không sai với chánh pháp); WC sạch sẽ gần bên thuận tiện. Khách đến chùa sẽ được tự do đến Pháp đường để uống nước và đọc sách, nghe băng đĩa thuyết pháp (phone nghe riêng từng người).
Sau đó nếu khách muốn gặp chư Tăng, hoặc muốn ngồi thiền, thì sẽ được giới thiệu đến khu vực khác. Khách đến Pháp đường rồi đều cảm thấy vui thích vì đươc tôn trọng, được thư giãn, được học hỏi.
Mỗi chùa nên nhanh chóng thành lập một ngôi Pháp đường để có chỗ cho nhiều người đến thăm.
Chùa cũng phải tổ chức những khóa tu học đều đặn cho Phật tử. Hầu hết các chùa chỉ quen với Bát quan trai, chưa đột phá thêm hình thức tu hành gì mới, nên chỉ những người lớn tuổi mới an phận tham gia.
Chùa phải có thêm các hình thức tu học mới, chuyên sâu hơn, phong phú hơn. Khóa tu thiền, tập khí công, vấn đáp đạo lý, sinh hoạt âm nhạc Phật giáo, bàn bạc hoạt động từ thiện xã hội… Hình thức tụng kinh cổ sẽ không hấp dẫn được lớp trẻ thời đại kỹ thuật số hôm nay. Ngay cả kinh tụng cũng phải thay đổi giọng điệu cho thích hợp chứ không thể chấp nê theo lối cũ mãi.
Nếu có lớp thanh niên trẻ đến tu học thì lập tức vị trụ trì phải mở rộng việc tu học liền. Phải cho thanh niên rèn luyện kỹ năng cứu hộ cứu nạn, võ thuật, kỹ năng an toàn giao thông, kỹ năng làm người thừa hành giỏi và làm người chỉ huy tài ba, vô số các kỹ năng khác trong cuộc sống. Thanh niên là lớp người gánh vác trách nhiệm với xã hội nên phải được rèn luyện rất nhiều, chứ không giống người lớn đã qua trách nhiệm và chuẩn bị đi vào chiều sâu tâm linh.
Lớp trẻ được tu học sẽ là tương lai của đạo pháp và của dân tộc. Trẻ có lý tưởng sống, có đạo lý để tu dưỡng, sẽ trở nên người có ích, làm được nhiều công đức lành, dễ thành công, và góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Vì thế, chùa nào cũng phải quan tâm thu hút dạy dỗ lớp trẻ nhiều hơn nữa.
Lễ hội lại là một chuyện khác nữa.
Khi chùa là điểm đến tâm linh của mọi người, thường xuyên có những hoạt động tu học rèn luyện, thì khi đến mùa lễ hội, chắc chắn chùa sẽ được nhiều Phật tử tham gia giúp tổ chức lễ hội được diễn ra tốt đẹp.
Điều thứ nhất để mọi người thích đến chùa tham dự lễ hội là chùa có những dãy nhà vệ sinh sạch sẽ. Ít ai ngờ rằng khu vực xa xa bé bé, chốc chốc mới dùng đến, lại ảnh hưởng nhiều đến lễ hội như vậy. Rất nhiều chùa không giữ chân Phật tử được chỉ vì WC kém chất lượng quá, Phật tử đành ghé qua chút rồi đi về vội vì không thể ở lâu được nữa. Như thế lễ hội của chùa sẽ không thể kéo dài, long trọng, hoành tráng, vui vẻ được. Chùa phải hết sức quan tâm đến việc xây cất những dãy nhà WC hiện đại, sạch sẽ, để phù hợp với đời sống văn minh hiện nay.
Điều thứ hai để mọi người thích đến chùa tham dự lễ hội là có chỗ để ngồi khi mỏi chân, có chỗ để ngả lưng khi mệt, có nước uống trong lành khi khát, đến bửa có miếng cơm tử tế. Đây là những điều thuộc về vật chất, nhưng có thực mới vực được đạo. Chùa phải chú ý đến nhu cầu cuộc sống vật chất của con người. Đừng sợ tốn kém, miễn sao cho mọi người tăng trưởng được đạo tâm sau lễ hội là ta “có lãi” rồi. Đạo tâm của mọi người là vô giá, còn vật chất là hữu hạn tạm thời.
Điều thứ ba để mọi người thích đến chùa tham dự lễ hội là chương trình lễ hội hợp lý, đi từ phần này sang phần khác dễ chấp nhận, không dồn thời gian cho phần nào nhiều quá. Tụng kinh cũng chút thôi, ngồi thiền chút thôi, thuyết giảng chút thôi, đọc diễn văn chút thôi, giao lưu nhân vật chút thôi, văn nghệ vui tươi thì dài hơn cũng được.
Có những khoảng thời gian cho mọi người thư giãn, đi vệ sinh, ăn uống, ngả lưng, chuyện trò riêng tư…
Điều thư tư để mọi người thích đến chùa tham dự lễ hội là không khí lễ hội ấm cúng, thân thiện, trật tự, thiêng liêng, và vui vẻ. Mọi người biết quý mến nhau nên không khí thân thiện; mọi người được ban tri khách hướng dẫn chu đáo nên không lúng túng lạc lõng; mọi người không nói chuyện ồn ào khi vào các nghi lễ tụng niệm thuyết pháp ngồi thiền giao lưu nên không khí trật tự; mọi người được tụng đọc các bài kinh dễ hiểu, sâu sắc, cao thượng, nên không khí rất thiêng liêng.
Điều thư năm khiến mọi người thích đến chùa tham dự lễ hội là Bài thuyết pháp. Bài thuyết pháp là “cây đinh” của lễ hội. Đạo lý là lẽ sống của Phật giáo.
Vì thế, nếu bài thuyết pháp càng hay càng gây cho mọi người đạo tâm tăng trưởng, càng hứa hẹn sự quay lại ở những lễ hội khác nữa. Tuy nhiên, đôi khi ta không có giảng sư xuất sắc cho lễ hội của mình, thì ta cũng cần cần bài thuyết pháp của một vị thầy hiền lành chân tu là đủ. Đức độ của vị thầy chân tu sẽ khiến cho Phật tử cảm động yêu quý, và thích đến chùa mãi. Ta cần biết bao nhiêu những vị chân tu để làm chỗ dựa tinh thần cho Phật tử như thế.
Âm nhạc cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ta chọn lọc những bài nhạc PG hay, cho phát ra vào những lúc thích hợp, tạo nên không khí lễ hội. Có khi chỉ mở nhạc không lời êm dịu. Có khi tắt hẳn mọi âm thanh lại cần thiết. Đừng cho ai cầm micro la ơi ới mãi. Mọi việc điều hành sắp xếp nhân sự chỉ được nói riêng, không được đưa lên loa bắt mọi người cùng nghe ồn ào khó chịu. Loa chỉ phát những điều nghi thức chính mà thôi.
Trong vài phần nghi lễ chính, có khi phải phát nhạc to để mọi người chìm trong không khí của lễ hội, nhất là lúc cho mọi người lần lượt lên dâng hoa cúng Phật.
Ta chọn những Phật tử biết tu hành, biết thương người, biết nhẫn nhục, biết lễ phép để làm tri khách tiếp đón, hướng dẫn sắp xếp cho những người mới đến. Ta nhờ nhiều thanh niên có sức khỏe phục vụ hành đường bưng cơm mời nước.
Ta chọn những người có lòng nhất để thường xuyên dội nước dọn rửa nhà WC để không bị mùi hôi. Ta cũng nên có đội bảo vệ để cứng rắn và khéo léo ngăn chận những thành phần phá hoại, gây hấn, trộm cắp, phát tờ rơi, rỉ tai nói bậy…
Kỹ thuật âm thanh là cực kỳ quan trọng. Không có hệ thống âm thanh tốt thì đừng tổ chức lễ hội, vì sẽ thất bại tất cả. Tăng Ni phải được học về kỹ thuật âm thanh để biết thuê dàn máy âm thanh cho lễ hội, để biết sắm máy móc âm thanh cho chùa, để biết điều khiển âm thanh đứng mức.
Ta ghi nhớ thêm lần nữa rằng, hệ thống âm thanh là quyết định phân nửa sự thành công của lễ hội. Khi nào thì phát loa ở ngoài sân, khi nào thì phát loa trong chánh điện, khi nào thì phát loa tất cả khu vực, phải được thiết kế chu đáo hoàn chỉnh trước.
Ngoài ra có khi ta phải có các màn hình dành cho người ở xa lễ đài theo diễn diễn biến của buổi lễ.
Trước khi diễn ra lễ hội, trong chùa phải họp bàn chi tiết mọi vấn đề, và phân công cho từng người cụ thể. Mỗi người sau đó viết ra kế hoạch làm việc của mình để trình lên trụ trì xem lại lần cuối. Càng bàn chi tiết chừng nào, càng phân công cụ thể chừng nào, thì khi vào việc ta bớt sai sót chừng nấy. Việc bàn bạc phân công phải diễn ra trước lễ hội cả tháng.
Khi nào ta cảm nhận rất rõ sau lễ hội lòng mọi người hân hoan vui mừng tức là ta đã thành công. Đạo tâm mọi người tăng trưởng là ta đã thành công.
Trung bình thì làm sao cho mỗi ngôi chùa khi tổ chức lễ hội như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, phải có vài nghìn người tham dự. Chùa nhỏ thì cũng phải được vài trăm. Chùa lớn thì phải vạn người tham dự. Nếu không thu hút được con số đó thì ta phải lo lắng cho vận mệnh của Phật giáo, đó là dấu hiệu suy yếu.
Muốn cho lễ hội đông vui thì ta lại phải bắt đầu từ trái tim của mình, đó là sự tinh tấn tu hành, thiết tha tôn kính Phật, tràn ngập lòng yêu thương chúng sinh.
Muốn cho lễ hội đông vui thì ta phải bắt đầu từ sự tu hành hàng ngày của chùa, sao cho cả Xuất gia và Tại gia đều tinh tấn tu học với nhiều chương trình phong phú, thiết thực, lợi ích.
Tất cả những điều ta làm được đều là sự gia hộ của Mười Phương Tam Bảo, công đức này xin hồi hướng đến pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.
Nam mô Hoan Hỉ Tạng Bồ tát Ma ha tát.