Trang chủ Blog chùa Lễ an vị Phật tại NPĐ Hồng Trung Sơn, H, Tân Phú

Lễ an vị Phật tại NPĐ Hồng Trung Sơn, H, Tân Phú

120

Với không khí trang nghiêm và thành kính cung thỉnh chư tôn đức, Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn vinh dự được đón tiếp Hòa thượng, Thượng tọa, chư tôn thiền Đức Tăng Ni quang lâm. Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Liêm Chính – phó BTS kiêm trưởng Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai; Thượng tọa Thích Pháp Cần – Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Phú; Thượng tọa Thích Minh Hóa – Phó trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang và Thượng tọa Thích Quảng Trường – Phó ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Phú, cùng quý chư tôn Đại đức đức Tăng – trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai và Ban trị sự Phật giáo huyện Tân Phú.

Hòa thượng Thích Liêm Chính – phó BTS kiêm trưởng Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai và Thượng tạo Thích Pháp Cần 

Về phía chư tôn đức Ni có sự chứng minh tham dự của Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Phó Ban Trị sự, Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh Đồng Nai; Ni trưởng thích nữ Tân Liên – Phó Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới Hệ phái Khất sĩ, chứng minh Phân Ban Ni Giới tỉnh Tiền Giang; Ni trưởng Thích nữ Chiêu Liên, Ni trưởng Thích nữ Phục Liên – giáo phẩm Ni giới Khất sĩ và sư cô Thích nữ Diệu Trí – trưởng ban Kinh tế tài chính Giáo hội PGNV tỉnh Đồng Nai.

Cùng quý đại đức Ni thuộc Tổ đình tịnh xá Ngọc Phương; chư tôn đức Tăng Ni giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam; chư tôn đức Tăng Ni đại biểu trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong huyện, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng…; một số Tăng Ni sinh của học viện Phật giáo Việt Nam và lớp giảng sư Trung – Cao cấp.


Đại diện chính quyền cơ sở: có ông Nguyễn Thanh Sang, Phó phòng Nội vụ huyện Tân Phú; ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên; và đại diện các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đồng tham dự.

Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn là ngôi Tam bảo đầu tiên tại xã Nam Cát Tiên, do Thượng tọa Thích Pháp Cần sáng lập vào năm 1998. Nơi đây, trước kia là khu kinh tế mới, là vùng xa của tỉnh Đồng Nai, có nhiều cư dân ở các miền khác nhau về đây khai hoang, sinh sống. Vì vậy, phong tục, tập quán cũng khác, nên cần thiết phải xây dựng một ngôi Tam bảo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cho phật tử địa phương, đồng thời giúp nhân dân tránh xa các tệ nạn mê tín dị đoan, cũng như các hoạt động hành đạo trái phép khác, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời xiển dương chánh pháp nơi vùng hẻo lánh. Sau nhiều thăng trầm, với những khó khăn gian khổ của miền sơn cước, Thượng tọa Thích Pháp Cần đã giao cho ban Hộ tự quản lý ngôi Già lam và duy trì sinh hoạt tôn giáo. Mãi đến năm 2007, duyên lành hội đủ, sư cô Thích nữ Hằng Liên thuộc Hệ phái Khất sĩ được Ban trị sự phật giáo tỉnh Đồng Nai ra quyết định bổ nhiệm trụ trì Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn.


Khi tiếp nhận Niệm Phật đường, ban đầu chỉ là nếp nhà ba gian, không vách chắn và cột, kèo đã bị mối mọt, đã từng được khắc họa với những vần thơ mộc mạc trong lời tác bạch của Ni sư trụ trì: Hồng Trung Sơn tự, Hồng Trung Sơn/ Bốn bề trống hoắc gió từng cơn/ Cột kèo mối mọt nhăm rỗng tuếch/ Người về có nhớ Hồng Trung Sơn?

Vậy đó, nhưng với sự đồng lòng dốc sức của ban Hộ trì Tam bảo, nhân dân thập phương, và trước hết là sự nỗ lực phấn đấu không ngơi nghỉ của sư cô Hằng Liên trong 10 năm qua, đã tạo dựng nên một Hồng Trung Sơn ngày nay với những đổi thay diện mạo mới có thể hòa nhập chung trong sự vận hành bánh xe Pháp của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Tuy ngôi Tam Bảo vẫn chưa hoàn thành, nhưng tạm đủ rộng mở chào đón những ai hữu duyên về đây tu tập thiền vị. Hội đủ thắng duyên lành, chư Phật tử thành tâm chung tay góp sức thỉnh cúng ba tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni được chế tác chất liệu bằng đồng, mỗi tôn tượng có trọng lượng trên 5 tấn.


Đây là biểu tượng của Đức bổn sư trải qua 3 quá trình: Hàng Ma (Trúc địa), Thành đạo và chuyển pháp luân. Tượng an trí tại Bảo Điện, có diện tích gần 1000m2 làm tăng thêm linh khí cho ngôi già lam giữa núi rừng thôn dã. 

Như kinh pháp cú đã từng dạy:

“Làng mạc hay núi rừng.

Thung lũng hay đồi cao.

La Hán trú chỗ nào.

Nơi ấy được an lạc.”


Hiện nay, tổng diện tích đất thuộc Niệm Phật đường quản lý, sử dụng khoảng 7ha; cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp. Nơi đây, đang là trung tâm tu học thiền Tuệ (Vipassana) do chính Ni sư trụ trì – Thích nữ Hằng Liên truyền dạy. Hàng tháng, Ni sư tổ chức đều đặn một khóa tu trong thời gian 10 ngày, có khoảng 200 thiền sinh tham dự. Số lượng thiền sinh đăng ký tu học ngày một gia tăng, không chỉ người dân địa phương mà có nhiều người từ các tỉnh, thành trong toàn quốc đã tìm về đây tu học. Sau mỗi khóa tu, họ quay về với cuộc sống thường ngày và đã thành tựu được nhiều lợi lạc, đem lại an vui, hạnh phúc. Sau mỗi khóa tu, dù muốn tham gia tu tập tiếp, nhưng ai cũng vậy, chỉ được tu học tối đa không quá 2 khóa trong một năm, bởi sức chứa phòng thiền có hạn, nên người được học rồi phải dành cho người chưa được học.

Ni sư Thích nữ Hằng Liên hiện là Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban hoằng pháp Phật giáo huyện Tân Phú, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Nam Cát Tiên; ngoài ra, Ni sư còn tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Mặc dù bận rộn với nhiều công tác phật sự, nhưng hàng năm Ni sư vẫn tổ chức trại hè cho các em thiếu niên, nhi đồng trong thời gian 4 ngày tại ngay Hồng Trung Sơn; hoạt động từ thiện đều đặn mỗi năm một lần cho người khiếm thị tại Vĩnh Châu – Sóc Trăng với số lượng phần quà trên 500 phần, có giá trị 300 ngàn đồng trên phần; tặng quà cho đồng bào vũng bão, lũ lụt bị thiệt hại; trao quà cho thương bệnh binh; tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở và một số địa phương khác. 


Trong chương trình lễ an vị, thật xúc động trước lời giáo huấn, ban đạo từ của Hòa thượng Thích Liêm Chính – phó BTS kiêm trưởng Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai, Người đã tán dương công đức của Ni sư trụ trì, một vị ni xứng đáng là người con Phật, đã dám hy sinh, đã dám dấn thân đến hành đạo ở vùng sâu vùng xa, hẻo lánh nơi cuối nguồn tỉnh Đồng Nai này. Thật là hiếm có được vị Ni nào quả cảm như thế, nhất là khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại nước ngoài về. Ni sư Hằng Liên thật là một trong những vị Ni điển hình của Ni giới đương đại.

Cũng trong buổi lễ, Niệm phật đường Hồng Trung Sơn cúng dường Trai Tăng; tri ân sự hiện diện của đại diện chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp; đồng thời đã trao tặng và tuyên dương công đức cho một số phật tử đã có công hộ trì Tam bảo từ khi thành lập đến nay. 

Đại lễ kết thúc trong không khí hòa hợp và đoàn kết trong ngôi nhà chánh pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lá thắng duyên để người hoằng pháp tiếp nối di nguyện của chư vị Thầy – Tổ “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Tu hành và phụng sự là hai việc không thể tách rời, hành đạo tùy duyên bất biến – mục tiêu tối thượng là luôn mang lại chân hạnh phúc và trí tuệ cho nhân sinh./.