Trang chủ Văn hóa Du lịch Lễ cúng dừa ở Sóc Trăng

Lễ cúng dừa ở Sóc Trăng

237

Lễ Cúng dừa có từ sự tích: xã An Trạch, huyện Mỹ Tú xưa (nay là An Hiệp, Châu Thành) tự nhiên nổi lên cái gò giống như chiếc cồng. Ai bước chân lên, âm thanh như tiếng kim loại vang. Hiện tượng này ngày càng nhỏ dần rồi biến mất. Bà con người Khmer cho rằng đó là điều linh thiêng nên lập miếu thờ. Trong tiếng Khmer, “thác côn” có nghĩa là “đạp cồng”, gợi lại sự tích tiếng cồng vang lên từ lòng đất theo bước chân người.

Lễ hội Thác Côn cũng như lễ hội cầu an, mong được trúng mùa, bà con bình an lao động sản xuất. Những lễ vật dâng cúng trong lễ này lại là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Chiếc bình bông làm bằng trái dừa vạt miệng, đây là loại trái cây có nước tinh khiết, ngọt lành.

Theo một số người, cúng dừa là nhằm cầu xin Trời Phật ban cho sự ngọt ngào để công ăn việc làm thuận phát, con cháu hiếu thảo… Ngoài ra, bên cạnh dừa, người ta còn dâng cúng trầu cau, bông sen, nhang đèn… Đó là những vật phẩm đồng bào Khmer Nam bộ gọi là Slathođôl – biểu tượng cho sự thanh khiết và thiêng liêng…

Mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dâng cúng, thường thường mỗi gia đình đem 1 hay 2 cặp dừa dâng cúng nhưng cũng có gia đình đem đến 7 – 8 cặp dừa, có màu sắc khác nhau. Đa số lễ vật cúng có năm thứ tượng trưng cho năm vị Bồ Tát.

Hai bên cổng vào chùa có nhiều gian hàng bán nhang đèn, bông sen, đặc biệt là bình bông dừa. Một cặp bình bông dừa được bán với giá 20.000 đồng. Khách mua tấp nập.

Đêm hội Thác Côn là những đêm thức trắng, nam thanh nữ tú ba dân tộc Việt, Khmer, Hoa có dịp kết bạn trong không khí nô nức của hôi trăng rằm.

Hai bên con đường dẫn vào chùa Mahasal Thatmon tràn ngập hàng quán và các điểm giữ xe. Đằng sau khuôn viên chùa là sân khấu dành cho đoàn nghệ thuật dân gian Khmer biểu diễn “dù kê” phục vụ thiện nam tín nữ tham dự lễ. Bên cạnh đó có rất nhiều gian hàng trò chơi thu hút các nam nữ, các em nhỏ vui đùa… Trong chùa, các tăng đoàn địa phương lân cận được mời đến tụng kinh cầu an cho bá tánh. Tất cả diễn ra trong khí không vừa trang nghiêm vừa nhộn nhịp, kéo dài suốt sáng – là một “đêm trắng” vừa thiêng liêng vừa trần tục.

Ông Danh Pung, thủ quỹ chùa Mahasal Thatmon, cho biết lễ Cúng dừa thu hút dân địa phương, các tỉnh bạn, nhiều nhất là khách Kiên Giang, đặc biệt còn tiếp nhận khách từ Campuchia đến viếng cúng.

Lễ Cúng dừa diễn ra tương ứng vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch hằng năm. Sau lễ hội những bình bông chất cao như núi trong sân chùa Thác Côn, cũng là lúc bà con xã An Hiệp thực hiện nghi lễ cuối cùng mang đậm phong tục nông nghiệp. Ban quản trị chùa gom những giống ngũ cốc đã đặt trên bệ thờ, lấy một số tro nhang từ các lư hương cho vào chiếc mâm bạc, người mang chiếc mâm đi trước, phụ nữ theo sau ra đồng dâng cúng đất đai, ruộng vườn, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no ấm. Sau đó họ bỏ hạt giống, rắc tro, chân nhang lên cánh đồng, liếp ruộng.

Lể hội năm nay đông hơn các năm trước.