Trang chủ Đời sống Tâm sự Lấy tâm làm gốc

Lấy tâm làm gốc

640

Tuy nhiên, trong môi trường đại học hiện nay, tôi nhận thấy rất rõ nhược điểm của mình là không mấy am tường giáo điển Phật giáo và nhiều lúc tôi có cảm nhận “đã đi sai đường” (thay vì theo học sơ-trung cấp Phật học). Dù cố gắng tự học kinh điển nhưng trong lòng vẫn còn chút hoang mang, mong Tổ Tư vấn cho tôi những lời khuyên.


Chia sẻ

 

Có thể nói tuy còn trẻ nhưng cô đã có tầm nhìn, biết xác định mục tiêu phụng sự Phật pháp trong tương lai để vạch ra phương hướng học tập trong hiện tại. Thành công ngày mai còn tùy thuộc nhân duyên nhưng trước mắt, cô biết lập chí để phấn đấu, vươn lên nhằm đạt mục đích phụng sự đạo pháp trong một lĩnh vực cụ thể, chuyên biệt và có tính chuyên môn hóa cao là điều đáng trân trọng.
Trong bối cảnh giáo dục của Phật giáo Việt Nam (PGVN) hiện tại, dù đã hết sức nỗ lực nhưng chỉ đào tạo ra đội ngũ Tăng Ni kế thừa có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chung chung, trừ một vài trường hợp tự trang bị thêm để kiện toàn và Giáo hội đang thiếu hụt nhân sự có nghiệp vụ chuyên ngành cao. Trong khi các ban ngành của Giáo hội khá đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác biệt, nguồn lực nhân sự có nghiệp vụ chuyên môn cao còn khan hiếm và đây cũng là vấn nạn, thách thức cho nền giáo dục PGVN hiện nay.
Ngoài vấn đề giáo điển, tu tập của tự thân, điều mà mỗi người phải tự hoàn thiện bằng những phương thức khác nhau, trong xu thế toàn cầu hóa PG, nghiệp vụ chuyên ngành đối với các Tăng Ni là điều cần được chú trọng để phụng sự Phật pháp một cách tích cực, hữu hiệu. Đơn cử như tinh thông Hán ngữ cổ chẳng hạn. Chúng ta đều biết trong thời cận-hiện đại của PGVN xuất hiện khá nhiều cao tăng, trong đó chỉ một vài vị xuất dương du học, tuy vậy các ngài đều tinh thông Hán ngữ và nhờ đó đã mở cửa được kho tàng Đại tạng kinh (Hán tạng).
Ngày nay, tiếng Anh khá phổ biến, cần thiết cho các mối quan hệ PG quốc tế đồng thời kinh sách PG bằng Anh ngữ rất dồi dào, do đó am tường ngôn ngữ này là điều cần thiết. Mặt khác, việc chuyển ngữ các khảo luận về lịch sử PGVN và các ngữ lục, trước tác của chư vị cao tăng Việt Nam thành Anh ngữ để giới thiệu rộng rãi trên thế giới là điều cực kỳ quan yếu, có thể xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của PGVN hiện nay. Để làm được việc này, không thể thiếu những nhà dịch thuật PG chuyên môn, có kinh nghiệm và uy tín tầm quốc tế.
Theo thiển ý của chúng tôi, sở dĩ PGVN hiện nay chưa có vị trí lớn trên trường PG quốc tế bởi chúng ta chưa giới thiệu một cách trọn vẹn về PG nước nhà có bề dày hơn 2.000 năm lịch sử du nhập và phát triển ra thế giới bằng phương tiện sách báo Anh ngữ và Internet. Điều này có thể xem là một “tổn thất” của PGVN hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa PG.
Nói như thế, chúng tôi muốn minh định rằng, ngoại ngữ không phải là môn học Nội minh nhưng có vai trò trợ duyên quan trọng trong sự nghiệp tu học và hoằng pháp. Trở lại vấn đề, việc cô theo học Anh ngữ với mục tiêu trợ duyên để phụng sự đạo pháp trong tương lai là hoàn toàn đúng đắn. Bởi mỗi người tu có một hạnh nguyện, con đường riêng; nếu không rời bỏ chí nguyện, quyết tâm phấn đấu đến thành công, góp phần xiển dương Phật pháp thì bất cứ hạnh nguyện nào cũng đều xứng đáng được ca ngợi, tán thán.
Tuy vậy, việc tự thân phản tỉnh, ưu tư về sự yếu kém trong nhận thức giáo pháp cũng như tu tập của cô hiện nay là điều nên có. Bởi khi chưa thực sự vững chãi, môi trường học đường và các sinh hoạt bên ngoài dễ dàng chi phối, ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp tu tập. Mặt khác, nếu chỉ am tường Anh ngữ thôi mà thiếu tu học thì chưa đủ duyên để tác thành nhân sự PG có chuyên môn cao, gồm đủ tài đức, đó là chưa kể đến chuyện viên thành chí nguyện cao cả, thượng cầu hạ hóa của người xuất gia.
Do đó, để không bị “đi sai đường”, trước hết cô phải nuôi dưỡng và gìn giữ tâm nguyện phụng sự cao cả của mình. Cái tâm ban đầu này là gốc của người tu và là nền tảng để cô nương tựa, tránh đi lệch hướng. Kế đến, cần xác định việc học Anh ngữ là phương tiện, cốt tủy vẫn là tu tập đồng thời kiện toàn giáo lý (cơ bản) bằng cách tự học. Với trình độ sinh viên đại học, cùng với việc thọ giáo một vài vị giáo thọ (học thêm hay hỏi những điều cần thiết) và bằng tất cả tâm nguyện, chúng tôi tin rằng cô sẽ nắm vững phần giáo pháp cơ bản. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Anh văn, cô có thể thi vào Học viện PGVN hay du học để kiện toàn tri thức nội-ngoại điển.
Lý tưởng nhất là sau khi tốt nghiệp cử nhân Anh văn và Phật học trong nước, nếu đủ duyên cô nên du học chuyên ngành Ngữ văn Anh tại nước ngoài như Anh hoặc Mỹ chẳng hạn. Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Anh trong nước hoặc nước ngoài với văn bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mới thực sự là người có chuyên môn cao, có thể đóng góp hữu hiệu cho PG nước nhà về phương diện dịch thuật, nghiên cứu v.v… trong hiện tại và mai sau.