Trong và sau mùa Phật Đản, nhiều bạn đọc là Phật tử và tu sĩ Phật giáo đã gọi điện thoại cho tôi, đề nghị tôi vào xem bài đăng trên Giác Ngộ Online liên hệ đến việc không được treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên cơ sở tự viện Phật giáo, như bài “Trưởng ban Tôn giáo đề nghị thu hồi công văn của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm” (giacngo.vn/thoisu/sukienvande/2017/05/05/7F54C8/), bài “Gia Lai: Sở Nội vụ “Không chấp thuận” cho treo cờ Phật giáo, có hợp lý?”(https://www.giacngo.vn/thoisu/2017/05/09/7B5681/).
Có bạn đọc mỉa mai bài viết của tôi đã đăng trên facebook về vấn đề trên, cho là không đủ cơ sở, không đủ căn cứ, hỏi tôi bình luận sao về việc Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm, Hóc Môn không thu hồi văn bản 531/UBND, và về Văn bản số 119/SNV-BTG Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, ký ngày 18/4/2017 với giọng điệu gay gắt, chế giễu.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Anh Minh Thạnh đặt vấn đề Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm không xin chủ trương cấp trên, không nêu văn bản căn cứ trong văn bản của mình, thì giờ đây, trên báo Giác Ngộ, ông Trưởng ban Tôn giáo TPHCM đã có nêu chủ trương đề nghị thu hồi văn bản, nhưng cũng trên báo Giác Ngộ, một công văn nội dung tương tự nhưng do cấp sở ban hành, có nêu căn cứ rõ ràng là khoản 1, Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch ký ngày 22/12/2015. Vậy thì anh nghĩ sao? Cũng có tin trên Báo Giác Ngộ là ở các địa phương khác như tại tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng cũng có sự việc tương tự?
MINH THẠNH: Đây là một vấn đề mà trước sau Phật giáo Việt Nam cũng phải giải quyết. Ngày càng nhiều các địa phương trên cả nước có chủ trương hạn chế treo cờ Phật giáo tại nơi công cộng, tại tư gia Phật tử, ngoài tự viện Phật giáo.
Tất nhiên trách nhiệm giải quyết thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những năm trước, đã nghe nói đến việc chính quyền một số địa phương ở cấp phường xã không cho treo cờ Phật giáo, hay buộc phải tháo gỡ cờ Phật giáo treo nơi công cộng. Tuy đó chỉ là lệnh miệng, tăng ni Phật tử đều tuân thủ.
Nay, chính quyền một số địa phương không chỉ ra lệnh miệng, mà ban hành văn bản hẳn hoi, và đáng nói là đã có văn bản ở cấp Sở thuộc tỉnh.
Đây là một xu hướng có chiều hướng gia tăng. Các văn bản như vậy đương nhiên là phải đặt lên bàn làm việc của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chứ không phải trên bàn các tự viện xã Bà Điểm, huyện Hốc Môn TPHCM, trên bàn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai hay trên bàn Biên tập Báo Giác Ngộ.
Các công văn như vậy đương nhiên có hiệu lực. Nó có thể là cơ sở tham khảo để các địa phương đó và cả những địa phương khác ban hành những công văn có nội dung tương tự. Từ chỗ chính quyền địa phương ra lệnh miệng đến ban hành văn bản đã là một tiến trình bất lợi cho Phật giáo Việt Nam. Tiến trình bất lợi đó đã phát triển thêm một bước nữa, khi không chỉ một, hai địa phương, mà nhiều địa phương ban hành văn bản có nội dung như vậy trong đó có cơ quan cấp sở.
Cần thấy tầm quan trọng của lệnh “không được”, “không chấp thuận” ban hành bằng văn bản. Nếu là lệnh miệng thì chưa hẳn đã là pháp luật dù trong một số trường hợp, lệnh miệng của lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn có giá trị.
Còn khi đã ban hành văn bản thì đó là pháp luật. Tình thế như vậy, nếu chẳng hạn Phật tử ở các địa phương đó vẫn treo cờ ở tư gia, thì đã là vi phạm pháp luật và chính quyền địa phương có thể cưỡng chế.
Mà đã nói đến pháp luật là nói đến trách nhiệm của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cụ thể của Hội đồng Trị sự.
Trách nhiệm của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng nặng nề hơn, nếu năm sau có nhiều địa phương hơn ban hành những văn bản có nội dung như vậy.
Trách nhiệm của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng nặng nề hơn nữa, nếu các địa phương căn cứ những văn bản đã ban hành mà cưỡng chế việc treo cờ Phật giáo sai quy định.
Ngoài ra, còn một vấn đề khác nữa, cũng có ý nghĩa rất quan trọng, là các địa phương ra những văn bản có nội dung như vậy đã bác bỏ các loại văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, từ trung ương đến tỉnh thành liên hệ đến tổ chức lễ Phật Đản có đề cập đến việc treo cờ Phật giáo ngoài các cơ sở Phật giáo.
Các văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có đề cập đến khả năng đó với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhưng đối với một số chính quyền địa phương, họ không chấp nhận khả năng đó và nêu rõ trong văn bản của mình. Như vậy, về mặt hành chính, tại các địa phương đã có ban hành văn bản như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các văn bản có nội dung khác của mình, đã là tổ chức vi phạm pháp luật. Xin nhấn mạnh tại các địa phương mà chúng ta đang nói về văn bản của họ, như xã Bà Điểm, như tỉnh Gia Lai. Và không phải là tăng ni Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương vi phạm pháp luật, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Trung Ương, cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương vi phạm pháp luật, vì đã ra những văn bản trái với chủ trương với chỉ đạo của địa phương.
Nếu nghĩ rằng đây là quan hệ pháp luật giữa chính quyền địa phương với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương với tăng ni Phật tử địa phương là rất sai. Đây là quan hệ pháp luật của chính Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành phố thuộc Trung ương, vì trong trường hợp này văn bản của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành phố bị chính quyền địa phương bác bỏ, rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.
Mặt bằng trình độ của giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam nói chung không cao, nên khi có vấn đề, thường tìm cách im lặng, lẫn tránh trách nhiệm, cúi đầu cho qua. Nhưng những sự việc này là không nhỏ. Nó đang ở giai đoạn phát triển từ cấp độ lệnh miệng địa phương sang cấp độ văn bản, đã có giấy trắng mực đen, đóng dấu ký tên, nên không phải cứ cúi đầu im lặng là qua đâu! Hơn nữa, việc treo cờ Phật giáo rất nhạy cảm.
Tình trạng Hội đồng Trị sự ban hành văn bản mà trở nên trái pháp luật ở địa phương cấp tỉnh là chưa từng thấy.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao lại khái quát đến mức Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vi phạm pháp luật, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam yếu kém về năng lực quản lý? Trong bài trước về treo cờ Phật giáo, anh đã nói việc lãnh đạo xã Bà Điểm yếu kém về năng lực quản lý, giờ anh lại nói lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam yếu kém! Không hiểu nổi? Vậy, rốt cuộc ai yếu kém năng lực quản lý?
MINH THẠNH: Tôi căn cứ vào chính những văn bản do mỗi cơ quan ban hành mà đi đến kết luận.
Lãnh đạo địa phương xã Bà Điểm thể hiện năng lực quản lý nhà nước ra sao, mà như Báo Giác Ngộ đưa tin. Ông Trưởng ban Tôn giáo đề nghị xã thu hồi văn bản?
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện năng lực lãnh đạo quản lý ra sao mà để xảy ra tình trạng phần nội dung văn bản của Giáo hội bị chính quyền địa phương bác bỏ, không chấp thuận?
Chưa hết, nếu Phật Đản năm sau xảy ra tình trạng như thế nữa, mà có xảy ra việc cưỡng chế, hay mà khi truy cứu trách nhiệm, các văn bản liên hệ bị đưa ra xem xét, thì rất phức tạp về mặt pháp luật cho lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng trong bài “Trưởng ban Tôn giáo đề nghị thu hồi công văn của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm” đăng trên báo Giác Ngộ, thông tin là rất rõ ràng, chứng tỏ cố gắng của chư tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của riêng Báo Giác Ngộ. Sao anh lại nói thế được?
MINH THẠNH: Đây, vấn đề năng lực là ở chỗ này đây.
Thứ nhất, báo Giác Ngộ đăng ý kiến như thế của ông Trưởng ban Tôn giáo TPHCM (mà tựa đề bài trên báo Giác Ngộ không ghi rõ cấp TP) cũng tốt, nhưng cũng có mặt bất lợi.
Ban Tôn giáo TPHCM không phải là cấp trên trực tiếp của Ủy ban Nhân dân Xã Bà Điểm, nên chỉ có thể “đề nghị”. Mà “đề nghị” thì Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Hóc Môn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM sao không “đề nghị”. Trách nhiệm của hai Ban trị sự này ở đâu? Việc của chính mình sao mình không lo?
Thứ hai, nên trông chờ vào cấp trên trực tiếp của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm là Ủy ban Nhân dân Huyện Hóc Môn, Ủy ban Nhân dân TPHCM. Các cơ quan này có thẩm quyền bác bỏ công văn của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm nếu cho công văn đó sai. Nếu chỉ “đề nghị” và chỉ qua Ban Tôn giáo TP, thì Ban Trị sự Phật giáo TPHCM không có tiếng nói chi cả và chưa chắc đúng.
Thứ ba, báo Giác Ngộ đăng tin ông Trưởng ban Tôn giáo TPHCM nói như sau: “Trao đổi với Giác Ngộ cũng trong ngày 27-4, ông Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM cho biết đã đề nghị UBND xã Bà Điểm thu hồi Văn bản 531/UBND; bởi văn bản này trái với những văn bản hiện hành của cấp thẩm quyền cao hơn. Và sau cuộc họp, ông trao đổi với chư tôn đức, nếu có tình trạng tương tự như trên tiếp diễn thì có thể trực tiếp thông báo cho ông biết để có sự chấn chỉnh kịp thời.”
Vậy, “những văn bản hiện hành của cấp có thẩm quyền cao hơn” như lời phóng viên Báo Giác Ngộ tường thuật là những văn bản nào? Quan hệ pháp lý ở đây rất phức tạp. Nếu có những văn bản của cấp có thẩm quyền cao hơn, thì cần dẫn rõ số văn bản, tiêu đề văn bản, cơ quan ban hành văn bản, ngày ký, thì tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni Phật tử có nghĩa vụ chấp hành những văn bản đó. Mặc nhiên, nếu “trái với những văn bản của cấp thẩm quyền cao hơn”, thì văn bản của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm không có giá trị thực hiện.
Thứ tư, khi Ủy ban Nhân dân đã ra lệnh “không được” bằng một văn bản, thì “đề nghị” thu hồi văn bản đó phải được lập thành văn bản, gửi đến cơ quan ban hành văn bản, không thể nói miệng trên báo chí được.
Quy trình tự nhiên của việc lập văn bản đề nghị này như sau, và phải với những căn cứ pháp luật rõ ràng:
– Các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại xã Bà Điểm nơi nhận văn bản 531/UBND của xã Bà Điểm đề nghị.
– Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Hóc Môn đề nghị
– Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đề nghị
– Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị…
Tôi nghĩ là ông Trưởng ban Tôn giáo TPHCM có thiện cảm với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM nên mới “đề nghị”, thay vì yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM lập văn bản đề nghị.
Thứ năm, vì đã là đề nghị, và chỉ là đề nghị miệng (Báo Giác Ngộ không đưa tin về văn bản đề nghị), nên Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm có thể thực hiện có thể không. Thực tế, Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm có thực hiện đề nghị nói trên của ông Trưởng ban Tôn giáo TPHCM không?
Việc một cơ quan quản lý nhà nước thu hồi văn bản của mình là điều vô cùng khó khăn. Đưa tin như báo Giác Ngộ là chủ quan. Nếu chính quyền địa phương không thực hiện đề nghị nói trên, thì không có lợi cho nhiều bên, mà trước hết là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM trong trường hợp cụ thể này.
Nếu công văn trên vẫn có hiệu lực thi hành trên địa bàn xã Bà Điểm trong dịp lễ Phật Đản vừa qua, điều đó có nghĩa những văn bản của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM trái với nội dung văn bản trên là bất hợp pháp ở xã Bà Điểm.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong một bài viết trước đây khá lâu, đăng trên báo Giác Ngộ, cũng anh đã đề nghị hình thức “xin phép” chính quyền các địa phương bằng cách in những panô cỡ lớn hình ảnh cờ Phật giáo treo trên đường phố ở thủ đô Hà Nội, ở TPHCM, treo ở các địa phương không cho phép treo cờ Phật giáo. Trên những bài mới đây của Báo Giác Ngộ, những hình ảnh như vậy đã được sử dụng. Bây giờ, cũng anh, anh lại nêu đến vấn đề đến mức phải có văn bản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và cả Hội đồng Trị sự để đề nghị. Anh Minh Thạnh có tự mâu thuẫn?
MINH THẠNH: Có mâu thuẫn ở chỗ nào đâu? Nếu chỉ có lệnh miệng, thì “xin phép” bằng hình ảnh, là dạng xin phép không văn bản, trưng dẫn trường hợp Thủ đô và các thành phố lớn.
Nếu đến mức đã có văn bản, thì đương nhiên phải “đề nghị” bằng văn bản.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm về những văn bản của mình trước pháp luật, trong đó có Kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật Đản.
Nếu có căn cứ cho rằng kế hoạch của mình vẫn đúng trước một văn bản bác bỏ của chính quyền địa phương thì đương nhiên cần phải lập thành văn bản trình bày rõ ý kiến của mình gửi đến cấp có thẩm quyền và trách nhiệm. Dĩ nhiên, trừ trường hợp lãnh đạo Ban Trị sự không có đủ năng lực để thực hiện hoạt động hành chính bình thường và có trách nhiệm trước pháp luật như vậy.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM không thể không biết Kế hoạch tổ chức Lễ Phật Đản do mình ban hành là bất hợp pháp tại xã Bà Điểm và điều đó có thể trở thành tiền lệ ở những nơi khác.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng chính anh Minh Thạnh cũng không nêu ra trong bài viết của mình những căn cứ pháp luật cho việc treo cờ Phật giáo ngoài cơ sở tự viện.
MINH THẠNH: Ý kiến riêng tư và chủ quan của riêng một Phật tử đăng trên facebook cá nhân, thể hiện ý kiến trao đổi bên lề, khác với trách nhiệm của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành. Tăng ni Phật tử bầu ra những cơ quan này làm gì mà để đến nỗi những cơ quan như vậy rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật ở cấp xã, thậm chí đến cấp tỉnh như vậy.
Sao đạo hữu lại đặt vấn đề ở tôi, mà không trông cậy vào những cơ quan đầu não của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai dẫn Thông tư của Bộ Văn hóa ra đó, thì còn đề nghị gì nữa?
MINH THẠNH: Có những căn cứ pháp luật vững chắc để có thể trình bày những ý kiến có lợi cho việc treo cờ Phật giáo nơi công cộng, tại tư gia, ngoài cơ sở tự viện. Xin hẹn cuộc trao đổi ý kiến sau, chúng ta sẽ trao đổi cụ thể, chi tiết hơn.
(Còn tiếp)