Trang chủ Đời sống Tâm linh “Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết

184

Theo lời bà Nguyễn Thị Xuân, là vãi trông chùa Viên Quang, vì người dân trong làng phá vỡ long mạch đất thiêng, phạm đến “ngài”, nên “ngài” mới trút thịnh nộ lên đầu dân làng.

Vào năm 2007, khi cơn thịnh nộ của “ngài” giáng xuống, người dân trong làng Vân Gia (Trung Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn không biết gì. Những cái chết bất đắc kỳ tử, tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của những người trẻ chỉ được coi như là vận hạn, đen đủi.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Bà Xuân (trái) cho rằng vì người người dân làm đứt long mạch, nên "ngài" phạt vạ dân làng. 


Thế nhưng, những cái chết trẻ kiểu bất thình lình cứ diễn ra liên tiếp, lại thường xuyên xảy ra vào “ngày đen tối” 22 âm lịch hàng tháng, đám ma nhiều hơn đám cưới, khiến dân làng bắt đầu lo lắng, sợ sệt. Các câu chuyện chết chóc bí ẩn được đem ra mổ xẻ, bàn tán râm ran nơi đầu làng cuối xóm.

Nhà có người chết lo lắng, đi cúng bái xem bói đã đành, những gia đình vẫn bình an vô sự cũng cúng bái tứ phương, tìm thầy giải hạn. Với tình hình hàng xóm liên tiếp chết bất đắc kỳ tử như vậy, thì không ai dám vỗ ngực mà rằng thần chết kiêng nể mình.

Chẳng hiểu kết quả bói toán có đúng không, nhưng ai đi xem bói về cũng đều kể thầy bói phán như đinh đóng cột: Làng bị động long mạch. Nếu không cúng vái, làm lễ giải, trấn trạch long mạch, thì sẽ chết cả nhà, cả họ, cả làng, cả xã.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Cô giáo Minh dâng lễ ở chùa Viên Quang, cầu cho linh hồn em rể và 2 người em con chú (được cho là nạn nhân của vụ động long mạch) siêu thoát. 


Tôi ngồi ở chùa Viên Quang ghi chép tẩn mẩn từng vụ chết người và nếu cứ đúng như người dân và các bà vãi kể, thì thấy vụ nào cũng rùng rợn, quái đản, lạ lùng. Sau khi sàng lọc, thống kê số vụ người chết trẻ, thì tôi thấy nổi lên 2 thôn có nhiều người chết trẻ nhất, gồm thôn 8 và thôn 6 (làng Vân Gia gồm thôn 5,6,7,8).

Đứng đầu bảng chết chóc oan nghiệt là thôn 8. Thôn này có gần 200 hộ, nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm 2007 và đầu 2008, thời điểm vừa phá đồi lấy đất, có tới hơn chục người chết.

Sau thời điểm “ngài” nổi giận lôi đình đó, lượng người chết bất đắc kỳ tử có giảm, song vẫn rải rác diễn ra. Tính đến thời điểm này, theo thống kê của người dân, tôi ghi nhận được số người chết lạ lùng (không kể chết bệnh và chết già) là 25 trường hợp.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Người phụ nữ này cầu an cho con trai. Cậu con trai của chị mới ngoài 20 tuổi, rất ngoan ngoãn, tự dưng treo cổ tự tử. 


Số liệu 25 người chết bất đắc kỳ tử mà tôi thống kê cũng được ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8 xác nhận qua cuốn sổ tử của mình. Ông là trưởng thôn 8, phụ trách nhiều mặt cuộc sống, phụ trách cả việc ghi sổ người chết, điều hành xe đòn, nên ông nắm rất rõ từng trường hợp chết trong thôn.

Từ cuốn sổ tử của ông, so sánh với các cuốn sổ trước đó của các trưởng thôn khác, chưa từng ghi nhận thời kỳ nào có nhiều người về thế giới bên kia như thế. Điều đau xót hơn cả là ông Tuấn đã có tới 6 lần rơi nước mắt khi viết tên những người thân yêu, những đứa cháu ngoan hiền, đẹp đẽ của ông vào sổ tử.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Ngôi mộ mới của làng Vân Gia. 


Cuối năm 2007, tình hình chết chóc ở làng Vân Gia khủng khiếp quá, liên tiếp diễn ra cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, khiến nhiều người tính đến cảnh động viên con cháu tạm thời rời khỏi làng. Sự thực, đã có nhiều thanh niên bỏ làng đi làm ăn xa, với mục đích tránh ngôi "làng ma ám” này càng xa càng tốt. Chỉ khi nào tình trạng “thánh vật” không còn nữa, thì mới nghĩ đến chuyện về làng.

Thế nhưng, những người chạy trốn tử thần cũng không thoát được. Năm 2008, người cháu ruột của ông Tuấn, con ông Toại, gần 30 tuổi, công tác mãi trong TP. HCM, cũng bị tử thần bắt đi.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Ông Tuấn và cuốn sổ tử. 


Theo người dân trong làng, anh này rất khỏe mạnh, thông minh, giỏi giang, chẳng có bệnh tật gì. Anh làm trong một cơ quan lớn, là chỗ dựa cho cả nhà về mặt tinh thần và kinh tế.

Thế nhưng, một ngày, họ hàng nhà ông Tuấn bỗng nhận được tin dữ, rằng đứa cháu ông đang làm việc ở cơ quan thì tự dưng lăn đùng ra chết. Cái chết của người cháu ông Tuấn không có gì khó giải thích, mà người ta đổ ngay cho là “ngài” bắt đi. Buổi nhận xác người cháu ở sân bay thấm đẫm nước mắt.

Giữa lúc họ hàng nhà ông Tuấn còn đang bối rối với tang ma, với các lễ cúng đầy tháng, trăm ngày, thì lại có một tin dữ chuyển về: Đứa cháu ruột ông, con trai ông Lập, đi lao động xuất khẩu ở mãi Malaixia, cũng về thế giới bên kia.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Đền thời Thành Hoàng ở làng Gia Vân. 


Mọi người chỉ có thể nói cậu ta chết vì cảm, nhưng trong bụng ai cũng nghĩ đến cái long mạch bí ẩn, kỳ quái ở phía Tây chùa Viên Quang. Một chàng trai khỏe mạnh, hoạt bát, từng là bộ đội, được rèn luyện thân thể, sức khỏe trong quân ngũ, không có tật bệnh gì như thế, chẳng có lý do gì mà đang ở nhà trọ lại tự dưng lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử.

Những cái chết liên tiếp của người nhà ông Tuấn, của các hộ gia đình xóm 8 khiến cả cái xóm nhỏ này thêm u ám. Đã vậy, xóm 8 lại nằm ngay cạnh mấy nghĩa địa của làng. Hàng ngày, nhìn cảnh khói hương nghi ngút ngoài nghĩa địa, những vòng hoa trắng, người dân xóm 8 lại thêm hoang mang.

Nhiều gia đình ở xóm 8 chẳng còn thiết làm ăn, đi lại nữa. Họ đóng cửa ở trong nhà suốt ngày. Các ông bố, bà mẹ không cho con ra đường vì sợ đụng xe, cũng chẳng dám mắng mỏ con cái, vợ chồng chẳng dám cãi nhau, vì rất nhiều trường hợp tự dưng treo cổ tự tử mà chẳng có lý do chính đáng.

“Làng ma ám”: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết
Nhiều người ở Gia Vân không dám ra đường nữa. 


Người người, nhà nhà đi cúng vái cầu xin thánh thần tha mạng, rồi sắm bùa ngải dán khắp nhà, đeo vào tay, tròng vào cổ để xua đuổi tà ma.

Tình trạng trong các gia đình, làng xóm căng thẳng đến nỗi chính quyền xóm, đoàn, hội đã phải vào cuộc. Họ không đi mời các nhà khoa học về tìm hiểu thực trạng mà lại tổ chức một buổi cúng lớn ở Đền Và.

Đền Và là di tích nổi tiếng đất Sơn Tây, thờ Đức Thánh Tản, nằm ngay đầu làng Vân Gia. Hàng ngày, xe cộ biển số Hà Nội và các tỉnh xa nối đuôi nhau xếp dọc đường để đi lễ Đền Và.

Buổi cầu cúng ấy có tới 50 người, đại diện các đoàn hội, các gia đình, dòng họ trong thôn. Lễ lạt đầy đủ, hương khói nghi ngút, từng ấy con người xụp lạy khấn vái, những mong Đức Thánh Tản giang tay cứu độ dân làng thoát khỏi cảnh đau thương.

Thế nhưng, Đức Thánh Tản cũng không cứu được người dân Vân Gia khỏi thảm cảnh chết chóc. Những cái chết đầy ẩn ức vẫn diễn ra đều đều.

Cả chục thầy bói, thầy cúng, thầy phong thủy đã được người dân, nhà chùa mời về Vân Gia cứu độ chúng sinh. Thế nhưng, đến mảnh đất này, nhìn cái long mạch bị đứt, các thầy đều lắc đầu quầy quậy bảo không thể cứu được.

Còn tiếp…