“Về” Hương, cái từ “về” khác với từ “đi”, người ta thường nói: “đi chùa Hương”. Mấy người thốt lên từ: “Về” Hương, dường như từ sâu thẳm người đó đã đặt Hương trong trái tim mình. Về, là của những kẻ đi xa trở về miền đất quen thuộc, nơi ấy hẳn là có sức hút thế nào khiến cho người ta có thể lội ngược dòng mà tìm về?
Chưa biết! Người lữ hành chỉ đang cảm nhận những giây phút của hiện tại – khi thời tiết sương khói của Tết, cả khung cảnh lẫn con người, cả khoảng không bao la kia cũng đang đẫm mùi vị của Tết – một mùi vị đặc trưng không thể miêu tả nhưng cũng không thể lẫn vào đâu được.
Giờ này, lênh đênh trên suối với những hình, những bóng núi, những làn sương phủ nhẹ đến mơ hồ. Vắng người, đàn cò bay trắng trên đồng ven suối.
…
Suối Yến xẩm tối 30. Vắng, nhưng thanh. Lác đác vài con thuyền đang khua nhẹ mái chèo. Những nhánh rong từ dưới suối bị mắc lại ở mái chèo, rồi lại tự rớt xuống nước theo vòng quay. Nhánh rong đã bị rời khỏi suối trong chốc lát, bị nhấc lên khỏi nơi quen thuộc, rồi lại được trả về dòng suối cội nguồn. Cũng như một cuộc viễn du, đi đâu xa mấy, rồi cũng trở về! Người ngồi một mình trên thuyền chợt so vai lại vì lạnh khi làn gió mùa đông đang dạo chơi đâu đó chợt ào ào tràn qua suối. Lạnh đến tê người.
…
Kẻ ngồi trên thuyền đi trong bóng tối của suối Yến chợt cười thầm vì như vừa được sống lại cùng cảm giác của đôi trẻ xưa ấy. Tiếng mái chèo vẫn đang khỏa dưới suối.
Cô lái đò có lẽ cũng thấy lạ lùng nhưng không hỏi, chỉ cặm cụi mà giang tay chèo đò. Cô có biết đâu, trong đầu kẻ lang thang đó đã vang lên khúc: “Om mani padme hum, om mani padddme hummmm….um….ah….”.
Mọi thứ mơ hồ như ảo ảnh trong đêm 30 Tết giá lạnh. Muốn kéo dài thời gian lênh đênh trên suối, như một cuộc đào thoát những gánh nặng ngoài bến Đục, để rơi vào khoảnh khắc của cuộc mộng du trên suối Yến! Rồi chớp mắt chẳng thấy thuyền, chẳng thấy sương rơi, chỉ thấy mình đang tìm lại chính mình.
(Trích Tạp chí Chùa Hương – Xuân Quý Tỵ)