Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Làm thế nào để vượt qua năm triền cái? (Phần 1)

Làm thế nào để vượt qua năm triền cái? (Phần 1)

229

Nói chung, tâm họ có được sự thích thú lớn trong những thứ ấy. Nhưng bây giờ không có phim ảnh, không có ca nhạc v.v.. để làm thỏa mãn mắt, tai…của họ, và vì thế tâm họ chẳng khác một con cá bị vớt ra khỏi nước bỏ trên đất khô, vẫy vùng trong khốn khổ và thèm khát nước.

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhasa 
 
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri 
 
Làm thế nào để vượt qua năm triền cái 
 
Hôm nay tôi sẽ chỉ cho quý vị biết những cách thức khác nhau để vượt qua năm triền cái vốn được xem là những chướng ngại lớn đối với rất nhiều hành giả (người hành thiền). Trước tiên, tôi sẽ trích dẫn những lời của Đức Phật để cho quý vị thấy tại sao việc vượt qua năm triền cái được xem là quan trọng. 
 
Trong kinh Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Đức Phật có nói: 
 
‘ Có năm cấu uế của tâm, do bị các cấu uế này làm cho suy yếu tâm không dẽ uốn nắn, không dễ sử dụng, không chói sáng và vững chắc, không thể tập trung tốt vào việc đoạn trừ các lậu hoặc [1]. Năm cấu uế ấy là gì? Đó là: tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử -hối quá và hoài nghi.’
Chú thích [1] : Lậu hoặc (āsava) có bốn: dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. 
 
‘Nhưng khi tâm được giải thoát khỏi năm cấu uế này, nó sẽ dễ uốn nắn, dễ sử dụng, chói sáng, vững chắc, và sẽ tập trung tốt vào việc đoạn trừ các lậu hoặc. Bất cứ pháp gì có thể chứng đắc bằng thắng trí (tuệ căn), vị ấy có thể hướng tâm đến pháp ấy, trong mỗi trường hợp, nếu các điều kiện ấy đầy đủ, vị ấy có khả năng để chứng đắc.’ 
 
Trong một bài kinh khác của cùng cuốn sách (Anguttara Nikāya ), Đức Phật dạy như vầy: 
 
‘ Có năm chướng ngại và triền cái, một pháp bao phủ tâm làm cho tuệ giác mất tác dụng. Sân hận… hôn trầm thụy miên… trạo cử-hối quá… hoài nghi là những chướng ngại và triền cái, bao phủ tâm làm cho tuệ giác mất tác dụng.
  
Không vượt qua được năm chướng ngại này, vị Tỳ kheo thiếu sức mạnh và năng lực như vậy, không thể biết được lợi ích của mình, lợi ích của người, và lợi ích của cả hai; vị ấy cũng không thể chứng đắc siêu nhân pháp, tri kiến thù thắng giúp cho sự chứng đạt thánh quả. 
 
Nhưng khi một vị Tỳ kheo đã vượt qua năm chướng ngại và triền cái, những bao phủ của tâm làm cho tuệ giác mất tác dụng này, vị ấy có thể biết được lợi ích của mình, lợi ích của người, và lợi ích của cả hai; vị ấy sẽ có thể chứng đắc siêu nhân pháp, tri kiến thù thắng giúp cho sự chứng đạt thánh quả.’ 
 
Như vậy, để thành tựu mục tiêu cuối cùng của người Phật tử, tức thành tựu sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, chúng ta phải vượt qua năm triền cái. Vì một khi tâm bị một trong năm triền cái này áp đảo nó không thể có định hay sự tập trung tốt được. Và một cái tâm không định tĩnh thì yếu ớt và không có năng lực tập trung để thể nhập vào danh sắc tối hậu hay ngũ uẩn. Nhưng khi tâm được giải thoát khỏi năm triền cái thì sẽ có định và nhờ đó nó có thể biết và thấy các pháp đúng như chúng thực sự là. Vì thế chỉ khi bạn đã vượt qua năm triền cái và đạt đến sự thanh tịnh tâm, bạn mới có thể thanh tịnh thêm nữa cái nhìn (thanh tịnh kiến) của bạn. Đó là lý do vì sao tôi thường dạy các thiền sinh thực hành thiền chỉ (samātha) trước. 
 
Bây giờ tôi sẽ giải thích năm triền cái theo tuần tự. 
 
I. Tham dục: Trong Tương Ưng Kinh (Sayutta Nikāya), Đức Phật có đưa ra một ảnh dụ để minh họa tham dục như sau: 
 
‘Nếu nước trong một cái bình bị hòa lẫn với màu đỏ, màu vàng, màu xanh, hay màu cam, một người với thị lực bình thường, nhìn vào nước ấy, không thể nhìn ra và thấy được hình ảnh của khuôn mặt mình. Cũng vậy, khi tâm một người bị tham dục ám ảnh, bị tham dục áp đảo, người ấy không thể nào thấy đúng được lối thoát được tham dục đã khởi lên; do đó người ấy không hiểu và thấy đúng lợi ích của mình, không hiểu và thấy đúng lợi ích của người, không hiểu và thấy đúng lợi ích của cả hai, cũng thế, những bài pháp đã thuộc lòng trước đây không còn đi vào tâm của người ấy (không còn nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc’. 
 
Thường thường tâm của người mới bước đầu hành thiền bị tham dục gây phiền nhiễu rất nhiều. Tại sao? Bởi vì tâm của họ không quen sống không có những dục lạc. Trước khi đến với thiền, tâm họ không ngừng tiếp xúc với các loại dục trần khác nhau như phim ảnh, ca nhạc, thức ăn ngon, và cuộc sống giao du thú vị. Nói chung, tâm họ có được sự thích thú lớn trong những thứ ấy. Nhưng bây giờ không có phim ảnh, không có ca nhạc v.v.. để làm thỏa mãn mắt, tai…của họ, và vì thế tâm họ chẳng khác một con cá bị vớt ra khỏi nước bỏ trên đất khô, vẫy vùng trong khốn khổ và thèm khát nước. Ở đây, hơi thở vô – và ra cũng giống như đất khô, nó quá đơn điệu và không làm thỏa mãn cái tâm vốn luôn luôn khao khát các dục lạc của họ. Trong khi ngồi, thay vì tập trung vào hơi thở, họ dành hầu hết thì giờ của họ để sống với các dục lạc quá khứ mà họ đã hưởng thụ, hay trong các dục lạc tương lai mà họ chờ đợi sẽ được hưởng thụ. Nhưng làm vậy chỉ phí thời giờ và chẳng lợi ích gì cho việc trau dồi tâm. Cho dù họ có hành như thế suốt cả cuộc đời thì cũng sẽ chẳng có sự cải thiện nào đối với họ. Như vậy, để vượt qua tham dục, họ phải tránh những nguyên nhân làm phát sinh ra nó, và tu tập những gì đưa đến sự đoạn giảm của tham dục. Trong Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Đức Phật có nói như vầy: 
 
‘ Này các Tỳ kheo, Như Lai không biết một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho tham dục chưa sanh, sanh khởi, hay, tham dục nếu đã sanh được vững mạnh và tăng trưởng, như tịnh tướng (nét đẹp). 
 
Nơi người nào phi lý tác ý đến tịnh tướng, tham dục nếu chưa sanh sẽ sanh khởi, hay, nếu, đã sanh có khả năng vững mạnh và tăng trưởng. 
 
Này các Tỳ kheo, Như Lai không biết một pháp nào có sức mạnh ngăn ngừa sự sanh khởi của tham dục, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hay, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như bất tịnh tướng (nét bất tịnh).
 
 
Này các Tỳ kheo, Như Lai không biết một pháp nào khác có sức mạnh ngăn ngừa sự sanh khởi của tham dục, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hay, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như nét bất tịnh.
 
 
Nơi người nào phi lý tác ý đến nét bất tịnh tướng, tham dục nếu chưa sanh sẽ không sanh,  hay, nếu đã sanh, được đoạn trừ.’ 
 
Ở đây, phi lý tác ý là tác ý không thích hợp, tác ý sai lối. Hay nói đúng hơn, đó là sự tác ý vốn xem vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là ngã, và bất tịnh là tịnh (đẹp). Như lý tác ý chỉ là đối nghịch của phi lý tác ý. 
 
Trong Pathamasekha Sutta của bộ Itivuttaka, Đức Phật có nói: 
 
‘Này các Tỳ kheo, đối với một vị Tỳ kheo là bậc hữu học, chưa đạt đến sự hoàn thiện, nhưng đang sống cần cầu sự an tịnh tối thượng khỏi các trói buộc, liên quan đến các yếu tố bên trong (nội phần), Ta không thấy một yếu tố nào khác có nhiều lợi ích như Như Lý Tác Ý. Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo (hữu học) như lý tác ý từ bỏ những bất thiện pháp và tu tập những thiện pháp.’ 
 
Vị Tỳ kheo hữu học
Không pháp nào lợi hơn,
Để đạt đích tối thượng
Như như lý tác ý.
Vị Tỳ kheo tinh tấn
Với như lý tác ý
Sẽ đoạn mọi khổ đau. 
 
Thêm nữa, chú giả bài kinh Đại Niệm Xứ nói rằng, có sáu pháp đưa đến đoạn trừ sự tham dục, đó là:
  
  1. Học cách hành thiền bất tịnh
  2. Dành hết nổ lực cho việc hành thiền bất tịnh
  3. Phòng hộ các căn
  4. Tiết độ trong ăn uống
  5. Thiện bạn hữu
  6. Nói chuyện thích hợp. 
  1. Học cách hành thiền bất tịnh
  2. Dành hết nổ lực cho việc hành thiền bất tịnh  
Về hai pháp đầu, có hai loại thiền bất tịnh: một thuộc thiền chỉ (samātha), và loại kia thuộc thiền Minh sát (Vipassana). Thiền chỉ về bất tịnh còn được chia thêm thành hai loại: thiền trên tính chất bất tịnh của thân hữu thức hay thân sống (aviññāna- asubha). Saviññāna- asubha là thiền trên tính chất bất tịnh của ba mươi hai thân phần bên trong và bên ngoài. Pháp hành này có thể loại trừ tham dục đối với các hữu tình chúng sinh. Aviññāna- asubha là thiền trên tính chất bất tịnh của tử thi. Trước tiên quý vị nên thiền trên xác chết bên ngoài cho tới khi sự tập trung hay định của quý vị sâu lắng và năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và định) được rõ ràng. Sau khi đã thành công trong sự phân biệt (tử thi) bên ngoài, quý vị có thể phân biệt thân của chính mình và suy xét như vầy: ‘ Một ngày nào đó ta chắc chắn sẽ chết. Khi ta chết, thân ta cũng sẽ bất tịnh như tử thi ấy.’ Khi định của quý vị sâu hơn,  có thể quý vị sẽ thấy chính mình như là một tử thi như thế. Sau khi đã thành công trong việc phân biệt các tử thi bên ngoài và bên trong, bây giờ quý vị có thể lấy người mà quý vị ham muốn (dục) làm đối tượng, và phân biệt xác chết (tương lai) của anh ta hay cô ta. Nhờ thực hành theo cách này, quý vị có thể loại trừ được lòng ham muốn hay tham dục của quý vị đối với anh ta hay cô ta.  
 
Riêng thiền Minh sát (Vipassana) trên tính chất bất tịnh, trước tiên quý vị phải phân biệt danh và sắc cùng tột, rồi suy xét trên tính chất đáng nhờm gớm liên hệ đến các màu sắc, âm thinh, mùi v.v.. bất tịnh của chúng, quý vị cũng nên suy xét thân này đầy rẫy các loài sâu bọ, và rằng nó (thân) chính là hố phân, bệnh viện, và nghĩa địa của các loài sâu bọ ấy. Sau khi đã phân biệt tính chất bất tịnh bên trong và bên ngoài như vậy, tham dục của quý vị đối với các chúng sinh được loại trừ. 
 
  1. Phòng hộ các căn: 
Một lần nọ, đức Vua Udena của xứ Kosambi hỏi Tôn giả Pindola- Bhāradvaja
 
‘ Thưa Bhāradvaja, do duyên gì, những Tỳ kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’ 
 
‘Thưa Đại vương, điều này đã được Đức Thế Tôn, bậc biết và thấy, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến này các Tỳ kheo, với người nữ nào là mẹ, hãy nghĩ về họ chỉ như một người mẹ, người nữ nào là chị, hãy nghĩ về họ như một người chị, và người nữ nào là con gái, hảy nghĩ về họ chỉ như người con gái.” Đó là lý do vì sao những Tỳ kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ.’ 
 
‘Nhưng này Bhāradvaja, tâm thường hay thay đổi. Đôi khi những ý nghĩ tham dục có thể khởi lên đối với những người họ nghĩ chỉ là mẹ, chỉ là chị, chỉ là con gái. Có nhân nào khác, có lý do nào khác nhờ đó những Tỷ kheo trẻ này còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’ 
 
‘ Thưa Đại vương, điều này đã được Đức Thế Tôn, bậc biết và thấy, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác nói, “Hãy đến này các Tỳ kheo, hãy quán thân này từ lòng bàn chân đổ lên, từ đỉnh đầu đổ xuống,bao bọc bởi da, chứa đầy những vật bất tịnh. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô (màng treo), lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước hoạt dịch, nước tiểu.” Thưa Đại vương, đó là lý do vì sao những Tỳ kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ.’ 
 
‘ Vâng, thưa Bhāradvaja, đối với những Tỳ kheo nào có tu tập về thân, tu tập về giới, tu tập về tâm và tuệ, thì điều đó dễ rồi, nhưng đối với những người không tu tập, thời lại là chuyện khó. Đôi khi có người nghĩ, “ta sẽ xem điều này là bất tịnh”, nhưng họ lại đi đến chỗ nghĩ về nó như là hấp dẫn (tịnh). Có nhân nào khác, có lý do nào khác nhờ đó những Tỷ kheo trẻ này còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’ 
 
‘ Thưa Đại vương, điều này đã được Đức Thế Tôn, bậc biết và thấy, bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác nói, “Hãy đến này các Tỳ kheo, hãy phòng hộ các căn của các ông, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng (chi tiết) của nó. Bởi vì những ai sống không kiểm soát nhãn căn, tham ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó, hãy thực hành phòng hộ nhãn căn. Khi nghe một âm thanh, ngửi một mùi,nếm một vị,cảm giác một sự xúc chạm, nhận thức một pháp trần, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Bởi vì những ai sống với nhĩ căn, tỷ căn,thiệt căn, thân căn, ý căn không kiểm soát, tham ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ.   Do đó để kiểm soát nó, hãy thực hành phòng hộ nhĩ căn… ý căn …, luôn phòng hộ nhĩ căn… ý căn.” Đó là lý do vì sao những Tỳ kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ.’
  
Đây chính là cách phòng hộ các căn đã được Đức Phật dạy trong rất nhiều bài Kinh. Các vị Tỳ kheo phải phòng hộ các căn của mình theo cách này, và các nữ nhân tất nhiên cũng phải phòng hộ các căn của mình theo cách như vậy. 
 
Để chỉ thêm cho quý vị thấy tầm quan trọng của việc phòng hộ các căn, tôi sẽ trích dẫn ra đây bài kinh thứ nhất của bộ Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh). Trong kinh, Đức Phật nói như sau: 
 
‘Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một sắc nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như sắc của người đàn bà như thế. Này các Tỷ kheo, sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng. Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một tiếng nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như tiếng nói của người đàn bà như thế. Này các Tỷ kheo, tiếng nói của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng.  
 
Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một mùi nào khác, một vị nào khác, một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn bà như thế.  
 
Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một sắc nào khác, một tiếng nào khác, một mùi nào khác, một vị nào khác, một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn bà bị biến thành nô lệ như sắc, tiếng nói, mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn ông như thế. Này các Tỷ kheo, tâm của người đàn bà bị ám ảnh bởi những thứ ấy không ngừng.’ 
 
Như vậy, quý vị phải phòng hộ các căn của mình với chánh niệm lớn. Nếu quý vị có thể chánh niệm về đề mục thiền của mình trong mọi lúc thì thật là tốt, vì thế các căn của quý vị cũng sẽ được khéo phòng hộ. Nếu quý vị đang thực hành niệm hơi thở, quý vị phải làm sao không để bị nhàm chán với hơi thở, vì nó cũng giống như người bạn tốt giúp quý vị loại trừ phiền não vậy. Do đó quý vị phải tác ý đến hơi thở với sự kính trọng. Nếu quý vị làm được như thế là quý vị đã kính trọng Pháp (Dhamma), và như vậy quý vị là những đệ tử có lòng tin của Đức Phật. 
 
Ở đây tôi sẽ trích dẫn một bài kinh từ Mahāvagga của Tương Ưng Kinh (Sayutta Nikāya) để cho quý vị thấy như thế nào là một đệ tử có lòng tin của Đức Phật, và biết sống theo lời dạy của Ngài. Trong kinh Đức Phật nói:
  
‘Này các Tỳ kheo, xưa có một con chim ưng cái bất ngờ lao xuống và chộp được một con chim cút. Rồi con chim cút, này các Tỳ kheo, trong khi bị con chim ưng cái cắp đi, đã than khóc như vầy: “ Đúng thật là vận rủi của tôi, thật là thiếu phước cho tôi! (Thật đáng đời tôi) vì đã vượt ra ngoài trú xứ của tôi và đi vào lãnh địa của người khác. Nếu hôm nay tôi cứ ở trong khu vực của tổ tiên tôi, thời con chim ưng cái này ắt hẳn không phải là đối thủ của tôi, nếu có xảy ra một cuộc chiến.” 
 
“Thế, trú xứ của mày là gì? này con chim cút, đâu là khu vực của tổ tiên mày?” 
 
“Đó là cánh đồng được lưỡi cày lật lên, một nơi phủ đầy những ụ đất đấy.”
  
‘Rồi này các Tỳ kheo, con chim ưng cái không có sự khó khăn trong sự khẳng định sức mạnh của mình, cũng không màng tranh cãi với con chim cút về sức mạnh của nó, thả con chim cút ra và nói, “Cút đi, này chim cút, nhưng ngay cả có đi đến đó mày cũng sẽ không thoát khỏi ta đâu đấy.”
  
‘Thế là, này các Tỳ kheo, con chim cút chạy nhanh vào một cánh đồng đã cày, đến một nơi có đầy những ụ đất, ngồi trên một cái ụ đất lớn và thách thức con chim ưng cái, như vầy, “ Này chim ưng cái, hãy tới đây! Này chim ưng cái, hãy tới đây! “ 
 
‘ Rồi, này các Tỳ kheo, con chim ưng cái không có sự khó khăn trong sự khẳng định sức mạnh của mình, cũng không màng tranh cãi với con chim cút về sức mạnh của nó, thăng bằng đôi cánh, và lao vút xuống chộp con chim cút.” 
 
‘Nhưng, này các Tỳ kheo, ngay khi con chim cút biết được rằng con chim ưng cái đã đến thật gần mình, nó bèn lủi nhanh vào trong ụ đất ấy. Và rồi này các Tỳ kheo, con chim ưng vỡ ngực ở (ụ đất) đó. 
 
‘Số phận cũng sẽ như vậy, này các Tỳ kheo, với một người lang thang ra khỏi trú xứ của mình, vào lãnh địa của người khác. Vì thế, này các Tỳ kheo, chớ có đi ra ngoài trú xứ của mình, chớ có đi vào lãnh địa của người khác. Này các Tỳ kheo, với người nào đi ra ngoài trú xứ của mình, vào lãnh địa của người khác, Mara (Ác ma) sẽ có được lối vào. Mara sẽ tìm được một sự ủng hộ nơi người ấy.’ 
 
‘Và thế nào, này các Tỳ kheo, không phải là trú xứ của một vị Tỳ kheo, mà là lãnh địa của một người khác? Đó là năm loại dục lạc. Thế nào là năm?’ 
 
‘ Các sắc do mắt nhận thức, đáng thèm muốn, có sức quyến rũ, thú vị, làm say mê, đầy dục vọng, quyến rũ. Các tiếng, các mùi, các vị, các sự xúc chạm do thân nhận thức, đáng thèm muốn, có sức quyến rũ, thú vị, làm say mê, đầy dục vọng, quyến rũ. Này các Tỳ kheo, đây không phải là trú xứ của một vị Tỳ kheo, mà là lãnh địa của một người khác.’ 
 
‘Này các Tỳ kheo, các ông hãy giới hạn chỗ trú xứ của mình, giữ khu vực của tổ tiên mình. Với những ai giới hạn trong trú xứ của mình, giữ khu vực của tổ tiên mình, Mara sẽ không có được lối vào. Mara sẽ không  tìm được một sự ủng hộ nơi các ông.’ 
 
‘ Và thế nào này các Tỳ kheo, là trú xứ của một vị Tỳ kheo? Thế nào là khu vực của tổ tiên vị ấy? Đó là bốn niệm xứ.’ 
 
Như vậy, nếu quý vị thực hành thiền Minh sát, quý vị phải luôn luôn phát triển bốn niệm xứ. Nói cách khác, quý vị phải phân biệt những tính chất đặc biệt hay những đặc tính chung của danh- sắc bên trong, bên ngoài, danh –sắc quá khứ, vị lai và hiện tại. Nhờ thực hành theo cách này, quý vị được bảo là đang thực hành lời khuyên của Đức Phật. Nếu quý vị vẫn đang thực hành niệm hơi thở,  đề mục nằm trong thân quán niệm xứ, là quý vị cũng đang sống theo lời khuyên của Đức Phật. 
 
  1. Tiết độ trong ăn uống  
Trong Sabbasāva Sutta (Kinh Tất Cả Lậu Hoặc) của Trung Bộ, Đức Phật dạy như vầy: 
 
‘Thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây vị Tỳ kheo thọ dụng vật thực sau khi đã như lý tác ý: không phải vì mục đích hưởng thụ, không phải để ngã mạn, không để làm đẹp thân thể hay trang hoàng cho thân thể; mà chỉ để duy trì và nuôi dưỡng thân này, để tránh sự tổn thương và để hổ trợ đời phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy ta sẽ diệt được cảm thọ cũ và sẽ không để cho cảm thọ mới sanh khởi. Ta sẽ được sống lâu, không lầm lỗi và an vui.”  
 
  1. Thiện bạn hữu (làm bạn với thiện) 
Liên quan đến thiện bạn hữu, tôi sẽ trích dẫn một bài khác trong Tương Ưng Kinh (Sayutta Nikāya): 
 
Một lần nọ, Đức Thế Tôn sống giữa những người dân Sakyas, tại Sakya, thị tứ của Sakkara. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda nói với Đức Thế Tôn: 
 
‘ Bạch Đức Thế Tôn, phân nửa phạm hạnh này là nhờ thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện kết hợp.’ 
 
‘ Chớ có nói vậy, này Ananda. Chớ có nói điều đó, này Ananda. Toàn bộ phạm hạnh này là nhờ thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện kết hợp. Đối với một vị Tỳ kheo, này Ananda, là bạn với thiện, giao du với thiện, kết hợp với thiện, được chờ đợi là sẽ tu tập và thực hành nghiêm túc Bát Thánh Đạo… Nhờ lấy Ta như một bậc thiện tri thức (bạn lành), các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh, các chúng sanh bị già được thoát khỏi già, các chúng sanh bị chết được thoát khỏi chết, và các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não.’ 
 
‘ Này Ananda, cần phải hiểu vì sao toàn bộ đời phạm hạnh là nhờ thiện bạn hữu, thiện giao du, thiện kết hợp theo cách này vậy.’ 
 
Hơn nữa, trong kinh Dutiyasekkha Sutta của Itivuttaka, Đức Phật có nói như sau:
 
 
‘ Này các Tỳ kheo, đối với vị Tỳ kheo là bậc hữu học, chưa đạt đến sự hoàn thiện nhưng đang sống cần cầu sự an ổn tối thượng khỏi các trói buộc, về các yếu tố bên ngoài, Ta không thấy một yếu tố nào khác hữu ích như thiện bạn hữu. Này các Tỳ kheo, một vị Tỳ kheo có thiện bạn hữu (có bạn lành), sẽ đoạn trừ những pháp bất thiện và tu tập những pháp thiện.’ 
 
Tỳ kheo có bạn lành,
Tôn quý và kính trọng,
Làm theo lời bạn khuyên,
Tỉnh giác và chánh niệm,
Sẽ tuần tự đạt đến,
Chỗ dứt mọi kiết sử. 
 
  1. Nói chuyện thích hợp  
Trong Mahāsuññata Sutta của Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya), Đức Phật nói: 
                                        
‘ Khi một vị Tỳ kheo trú như vậy, nếu tâm vị ấy hướng đến nói chuyện, vị ấy quyết định như sau: 
 
“ Sự nói chuyện như vậy là thấp hèn, thông tục, thô tháo, đê tiện, không có lợi ích và nhất là không dẫn đến sự yếm ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn, đó là, nói về vua chúa, nói về phường trộm đạo, nói về quan lại, quân binh, những hiểm nguy, chiến trận, đồ ăn uống, y phục, giường nằm, vòng hoa, dầu thơm, quyến thuộc, xe cộ, làng mạc, tỉnh lỵ, đô thị, quốc gia, phụ nữ, anh hùng, đường sá, giếng nước, người chết, chuyện tầm phào, nguồn gốc của thế gian, nguồn gốc của biển cả, những chuyện có như vậy hoặc không có như vậy, ta sẽ không nói những chuyện như thế.” Theo cách này, vị ấy có sự tỉnh thức đầy đủ về việc nói. 
 
‘ Nhưng vị ấy quyết định: 
 
“Nói chuyện như thế liên quan đến sự thu thúc, có lợi cho tâm giải thoát, nhất là dẫn đến sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn, đó là, nói về thiểu dục ( ít muốn), nói về tri túc (biết đủ), nói về độc cư, xa lánh quần tụ, khơi dậy tinh tấn, giới hạnh, định tâm, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nói chuyện như thế ta sẽ nói.” 
 
‘Theo cách này, vị ấy có sự tỉnh thức đầy đủ về việc nói.’ 
 
Những cách khác 
 
Trên đây là sáu pháp có lợi ích trong việc khắc phục tham dục. Ngoài sáu pháp ấy, chi thiền nhất tâm, niệm căn và niệm giác chi cũng lợi ích trong việc vượt qua tham dục nữa. 
 
Để cho quý vị một ví dụ về cách phải tu tập chánh niệm như thế nào, tôi sẽ trích dẫn một bài kinh khác từ Mahāvagga của Tương Ưng Kinh (Sayutta Nikāya): 
 
Một lần nọ, Đức Thế Tôn trú giữa những người dân xứ Sumbha tại Sedaka, một thị tứ của người dân Sumbha. Ở đó, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ kheo: 
 
“Này các Tỳ kheo, ví như có một đám đông người tụ tập với nhau, la lên “ Ô, hoa hậu! Hoa hậu! Và nếu cô gái hoa hậu ấy còn có năng khiếu diễn xuất như ca múa nữa, thời đám đông sẽ la lớn hơn: “Ô hoa hậu đang múa, hoa hậu đang hát!” 
 
Rồi có một người, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc và chán ghét khổ đau. Mọi người nói với anh ta như sau: “Này anh kia, hãy nhìn đây! Đây là cái bát dầu đầy lên tới miệng. Anh phải mang cái bát dầu đầy này đi giữa đám đông và cô gái hoa hậu. Một người với thanh kiếm giơ cao sẽ theo sau lưng anh, và tại chỗ nào anh làm đổ, dù chỉ một giọt dầu, tại chỗ đó người ấy sẽ chặt đứt đầu anh!” 
 
‘ Bây giờ các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo? Liệu người đàn ông đó, có không chú ý đến bát dầu, có dám gạt sự chánh niệm ra ngoài không?’ 
 
‘ Chắc chắn là không, bạch Đức Thế Tôn.’ 
 
‘ Phải, này các Tỳ kheo, ví dụ này Ta đưa ra đây để làm rõ ý nghĩa. Và ý nghĩa của nó là như thế này: “Bát dầu đầy tới miệng, này các Tỷ kheo, là một từ để chỉ niệm thân” 
 
‘Do đó, này các Tỳ kheo, các ông phải học tập như sau: “ Chúng ta cần phải tu tập niệm thân, niệm thân phải được làm cho sung mãn, làm cho thành cỗ xe, làm cho thành mặt bằng. Niệm thân phải được làm cho có hiệu quả, làm cho khéo quen thuộc, và làm cho hoàn thành trong chúng ta.” 
 
‘ Này các Tỳ kheo, các ông phải học tập như vậy.’ 
 
Để chỉ cho quý vị thấy thêm tại sao chúng ta phải có sự chú niệm trong từng sát na hay trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, tôi sẽ trích dẫn kinh Paduṭṭhacitta của bộ Itivuttaka, ở đây Đức Phật nói như sau: 
 
‘ Ở đây, này các Tỳ kheo, người kia có nội tâm đồi bại. Với Tâm của Ta, Ta xem xét tâm của người ấy, Ta biết rằng nếu người ấy chết lúc đó, người ấy sẽ rơi vào địa ngục. Lý do vì sao? Đó là vì nội tâm của vị ấy đồi bại. Chính vì nội tâm đồi bại mà một số chúng sanh ở đây (thế gian này), khi thân hoại mạng chung, sẽ tái sanh trong cõi khổ, ác thú, địa ngục.’ 
 
Tôi sẽ nêu ra đây cho quý vị một vài thí dụ để chứng minh bài Kinh trên. Giả sử một người nam thấy một người nữ đẹp và nghĩ : “Ồ,cô nàng này đẹp tuyệt! Đôi bàn tay của của cô ta thon thả làm sao! v.v.”.. Và nếu anh ta chết ngay lúc đó, anh ta sẽ bị tái sanh vào một trong bốn ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và Atula). Tương tự, nếu một người nữ chết vào lúc khởi lên một ý nghĩ nhục dục do thấy một người nam, cô ta cũng sẽ tái sanh vào một trong bốn ác đạo như vậy. Bất cứ lúc nào, nếu một người chết vào lúc khởi lên một ý nghĩ bất thiện, như ý nghĩ nhục dục hoặc ý nghĩ sân hận, chắc chắn người ấy sẽ tái sanh vào một trong bốn ác đạo. Quý vị thấy, ngay cả một ý nghĩ bất thiện cũng có sức mạnh như vậy, cũng khủng khiếp như vậy. Và chúng ta trong một ngày có nhiều ý nghĩ thiện hơn hay nhiều ý nghĩ bất thiện hơn? Thử nghĩ về điều đó xem. Tôi nghĩ chắc quý vị biết rằng Tôn giả Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) là người có tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế (bát thiền ngũ thông), nhưng cuối cùng ông ta vẫn rơi vào địa ngục A tỳ (Avici) do ác nghiệp đã làm vậy. Còn hiện nay quý vị có bát thiền ngũ thông không? 
 
Như vậy, vì lợi ích  của bản thân, mặc dù quý vị không thể có chánh niệm liên tục, song quý vị vẫn nên hết sức mình để giữ chánh niệm trong mọi lúc, dù khi đi, đứng, ngồi hay nằm trong suốt cả ngày. Quý vị phải luôn chánh niệm về hơi thở của mình, về tứ đại, về ba mươi hai thể trược, về đề mục kasina, về danh và sắc, hay về mười hai chi phần duyên sanh (thập nhị nhân duyên), tùy thuộc vào đề mục quý vị đang thực hành. Nếu quý vị thực hành liên tục theo cách này, thời do sức mạnh của sự lập đi lập lại chắc chắn định và chánh niệm của quý vị sẽ càng lúc càng mạnh hơn.   Việc làm này cũng giống như nấu nước sôi. Nếu quý vị nấu một bình nước trong vòng vài phút rồi ngưng để cho nó nguội trở lại. Lần thứ hai quý vị lại nấu vài phút rồi lại để cho nó nguội trở lại. Theo cách này, dù cho quý vị có nấu cả trăm hay ngàn lần, nước cũng không thể sôi được. Tuy nhiên, nếu quý vị nấu nước liên tục không ngừng, chẳng bao lâu nó sẽ sôi. Tương tự, nếu quý vị hành thiền trong vài tuần hay vài tháng rồi ngưng. Lần thứ hai quý vị cũng thực hành trong vài tuần hay vài tháng rồi lại ngưng, không tiếp tục công việc hành thiền của quý vị nữa. Hay nếu quý vị hành thiền trong lúc ngồi nhưng lại làm công việc gì khác giữa các thời ngồi, thì sẽ thất bại. Dù quý vị có thực hành như thế này suốt cả cuộc đời quý vị cũng không thể đạt đến một đạo quả nào được. Nhưng nếu quý vị thực hành liên tục với lòng tôn kính ( pháp hành) trong nhiều tháng hay nhiều năm, thì rất có thể quý vị sẽ thành tựu cứu cánh. Nếu quý vị thực lòng ước muốn cho sự an vui hạnh phúc của mình, tôi nghĩ quý vị biết những gì phải làm. 
 
Theo: Vượt qua chướng ngại
Việt dịch: Tỳ kheo Pháp Thông