Trang chủ Đời sống Làm gì trong mùa Vu lan

Làm gì trong mùa Vu lan

97

1. Đối với những người có tín ngưỡng đạo Phật, Vu lan – rằm tháng Bảy âm lịch là ngày kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ của chư Tăng theo truyền thống Đại thừa. Đây là ngày “giải hạ”, khắp các chùa, hay các “trường hạ” (điểm an cư tập trung), chư Tăng làm lễ “giải hạ”. Ngày này trong Phật giáo gọi là “ngày hoan hỷ”, nên Phật tử các chùa thường tổ chức dâng cúng y cho chư Tăng (Ni) với tâm niệm nhờ chư Tăng chú nguyện để câầ cho cha mẹ hiện còn được bình an, sức khoẻ, không bệnh tật, nếu đang bệnh tật thì mau vượt qua cơn nguy biến; cầu cho cha mẹ đã khuất được siêu sinh đến cảnh giới tốt đẹp. Sự cầu nguyện đó không chỉ dành cho cha mẹ đang còn hay đã mất mà còn hướng đến cha mẹ tổ tiên nhiều đời, họ hàng nội ngoại…


2. Tháng Bảy âm lịch là thời gian mà nhiều người Việt chúng ta phát nguyện ăn chay, làm việc lành nhiều hơn, có người ăn chay từ ngày mùng một tháng Bảy đến thết rằm tháng Bảy, nhưng cũng có người ăn chay trọn cả tháng.


3. Nhiều người chuyên tâm làm việc thiện như san sẻ với người nghèo khó, những hoàn cảnh bất hạnh. Việc làm này thể hiện bằng nhiều phương cách như trích phần thu nhập đóng góp vào các cơ sở từ thiện, phóng sinh; hoặc tự tay mình đến chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn ở bệnh viện, các cơ sở nuôi người tàn tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn…


4. Vu lan không chỉ dành cho cha mẹ, những người ruột thịt của mình mà người ta còn nghĩ đến những người đã khuất, với quan niệm “thác cũng có cuộc sống như dương thế”, ở đó có nhiều người sống vô định, không nơi nương tựa do chết oan uổng, không người thờ tự, quanh năm đói khát… Linh hồn của họ không được siêu thoát, họ được gọi là “cô hồn”. Vu lan là “ngày xá tội vong nhân”, theo quan niệm dân gian, cửa ngục được mở ra cho họ trở về. Trong dịp này, người Việt chúng ta thường tổ chức cúng cô hồn (còn gọi là cúng thí thực) với tâm niệm cung cấp lương thực cho họ được ăn uống. Mâm cúng cô hồn rằm Vu lan là mâm cỗ đầy đủ nhất. Ở nâm cũng này không chú trọng những thứ cao lương mỹ vị, mà chỉ những thức ăn mang tính bình dân, dẫu có thức ngon gì thì trên mâm cúng cũng không thể thiếu “cháo cô hồn” (cháu nấu rất lỏng, vì quan niệm rằng có loại cô hồn bụng lớn cổ bé), đường, muối, gạo, khoai, củ mì luộc… Ngoài những vật phẩm đó, tuỳ theo phong tục và điều kiện cũng như quan niệm của từng địa phương, có những vật phẩm cúng khác. Cách thức cúng cũng tuỳ đặc điểm văn hoá từng vùng. Nhưng cúng cũng tuỳ đặc điểm văn hoá từng vùng. Nhưng ở đâu, mâm cúng cô hồn cũng được soạn bày ngoài trời hay ở hiên nhà, không để trong nhà.


5. Với người Phật tử ngày nay, đến chùa lễ bảo, quy hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên; tham dự một khoá lễ Vu lan Báo hiếu, nghe giảng về các gương hiếu hạnh… rồi được cài lên ngực mình đoá hoa hồng, hoa màu trắng cho những người mẹ đã mất, hoa màu hồng cho người còn mẹ.


6. Với những người mà cha mẹ còn ở đời này, ngày Vu lan, đồng thời với những nghi lễ truyền thống, hãy có một món quà cho mẹ/cha mình, hãy dành chút thì giờ, dành cả tâm hồn để “ở” với cha mẹ mình, hãy làm một việc gì đó mà mẹ/cha mình cảm thấy hạnh phúc, hãy nấu một bữa cơm gia đình, mở một bài hát, kể một câu chuyện, viết một tấm thiệp gửi đến mẹ/cha, hay… nắm bàn tay mẹ thật sâu, thật lắng để cảm nhận dòng máu đang chảy trong con người mình chính là dòng máu của mẹ…


Đời sống theo quan niệm đạo Phật và dân tộc là luân hồi tái sinh, cho nên bất kỳ một chúng sinh nào cũng có thể đã từng là cha, là mẹ của chúng ta ở một kiếp sống trong quá khứ. Do vậy, tất cả những việc làm trong mùa Vu lan, chúng ta không chỉ dành tình thương yêu, hồi hướng đến cha mẹ, ông bà huyết thống mà còn hướng đến tất cả chúng sinh, luôn ước mong tất cả chúng sinh được hưởng sự an vui, hạnh phúc hơn.


Vu lan là thiêng liêng. Thiêng liêng nhưng không xa rời cuộc sống. Vu lan không còn là ngày của riêng người có tín ngưỡng đạo Phật mà là ngày của đạo lý dân tộc. Vu lan là ngày vui vì tình thương trở về với cuộc sống, gắn kết mọi phân chia.