Trang chủ Blog chùa Lâm Đồng: Lễ húy nhật TT. Viên Quang, rót đồng đúc tượng...

Lâm Đồng: Lễ húy nhật TT. Viên Quang, rót đồng đúc tượng Bổn Sư

149

Quang lâm chứng minh, tham dự có HT. Thích Toàn Đức, UV.HĐTSTW GHPGVN cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni, trong BTS PG các huyện thị thành, trú trì các tự viện và quý phật tử đến từ  các đạo tràng trên địa bàn toàn tỉnh .


Cố TT.Thích Viên Quang, họ Trần, huý Văn Vinh, pháp danh Tâm Huệ, tự Viên Quang, chánh quán xã Thủy An, Tp.Huế; sinh năm 1959 (Kỷ Hợi) tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Thượng tọa là con thứ bảy trong một gia đình gồm 8 anh em, 4 trai, 4 gái. Trần tộc vốn là một gia đình nhiều đời kính tín Tam bảo. Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, vào năm 12 tuổi (1971), khi túc duyên hội đủ, Thượng tọa được phép của song thân xuất gia tu học với HT.Thích Đức Trạch ở Đơn Dương (Lâm Đồng).


Năm 16 tuổi (1975), Thượng tọa về đầu sư với cố Đại lão Hòa thượng thượng Trừng hạ Chiếu, đạo hiệu Thích Từ Mãn tại chùa Linh Sơn Tp.Đà Lạt. Năm 21 tuổi (1980), Thượng tọa được Hòa thượng bổn sư cho thọ giới Sa di với pháp danh Tâm Huệ. Năm 27 tuổi (1986), Thượng tọa được phép thọ Tỷ kheo giới tại chùa Linh Sơn, do chính Hòa thượng bổn sư làm Đường đầu Hòa thượng. Vào năm 1996, sau khi cố TT.Thích Viên Tịnh là huynh trưởng trụ trì chùa Trúc Lâm viên tịch, Thượng tọa được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng bổ nhiệm về làm trụ trì điều hành công tác phật sự tại chùa.


Năm 1997, Thượng tọa được mời vào đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nghi lễ tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, nhiệm kỳ VI & VII, và với tâm nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”, Thượng tọa đã không quản ngại khó khăn đóng góp vào sự nghiệp chung của Giáo hội. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 29-4-2008 (24-3-Mậu Tý), sau hai ngày thọ bệnh, Thượng tọa đã an nhiên thị tịch tại chùa Trúc Lâm, trụ thế 50 tuổi đời, 23 hạ lạp. Tính đến ngày thị tịch, Thượng tọa đã thâu nhận 12 đệ tử xuất gia trong đó 8 vị đã thọ Tỳ kheo giới, 2 Sa di và 2 điệu.


ĐĐ.Thích Huệ Tín, trưởng tử của Thượng tọa hiện đảm nhiệm chức vụ trú trì chùa Trúc Lâm , ĐĐ đã tốt nghiệp khóa VII Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, số huynh đệ còn lại đã tốt nghiệp cũng như đang tiếp tục theo học các lớp cao đẳng, trung cấp Phật học ở các tỉnh Lâm Đồng, Tp.HCM, Thừa Thiên Huế.


Tọa lạc trong một khuôn viên rộng khoảng 6 sào, chùa Trúc Lâm  được thành lập từ năm 1959,  xây dựng theo phong cách, kiến trúc của các ngôi chùa xứ Huế, cổng Tam Quan có mái cong, trang trí tứ linh và bên trên có tượng thờ Long Thần Hộ Pháp. Chánh điện và tiền đường có cổ lầu, mái cong và cặp Rồng uốn khúc, phía trước là bảo tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên, ngự trên hồ bán nguyệt chung quanh trang trí hòn non bộ, bên phải chánh điện là Tổ Đường và nhà Tăng

Dần theo năm tháng ( 53 năm qua ), chùa đã xuống cấp trầm trọng, hư dột, chấp vá nhiều nơi nên chúng huynh đệ phát nguyện cùng nhau chung sức đại trùng tu chùa ( chánh điện, nhà tổ, nhà tăng, nhà trù  ) với tổng kinh phí dự kiến trên 10 tỷ đồng .


Sau bốn năm, kể từ ngày đặt đá trùng tu chùa, ngôi phạm vũ đã dần được hoàn thành rõ nét, duy chỉ có bên trong, phần hồn cốt tủy của ngôi chùa thì vẫn còn trống trãi . Đó chính là kim thân Phật tượng, nơi quy hướng của tất cả chúng sanh . Chính vì thế mà nhân dịp này, chùa Trúc Lâm đã thành tâm thiết lễ cầu nguyện rót đồng đúc tôn tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni . Bảo tượng nặng 1 tấn, cao 2 m50 , do nhóm nghệ nhân đến từ phường đúc đồng Huế , Võ Văn Tòng chế tác .


Ban đạo từ, HT chứng minh đã tán thán công hạnh của chư Tăng, Phật tử chùa Trúc Lâm trong việc trùng tu, xây dựng, phát triển phật sự tại Bổn Tự sau khi Thượng tọa Bổn Sư viên tịch . Cũng nhân dịp này, HT đã ân cần nhắc nhở, nói rõ ý nghĩa của việc cúng dường xây chùa, đúc tượng và đúc chuông, đây là một trong những phật sự vô cùng quan trọng để lại ngàn sau, nhằm báo đáp thâm ân Thầy – Tổ …