Tối hôm qua, ngày 8/6/2013 ( nhằm ngày 01/5/Quí Tỵ ), tại văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo huyện Đơn Dương ( chùa Giác Hải ) đã long trọng tổ chức lễ hoa đăng, hoàn mãn đợt sinh hoạt văn hóa chiêm bái bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc thạch , cầu nguyện ” Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc” .Tham dự lệ có chư tôn thiền đức tăng, ni trong Ban Trị Sự Phật giáo huyện Đơn Dương cùng hàng trăm Phật tử đến từ các đạo tràng trong các tự viện .
Được biết, nhân dịp Đại lễ Phật đản phật lịch 2.557 _ DL . 2013, được sự hoan hỷ chấp thuận của chư tôn đức cùng quí cấp chính quyền . ĐĐ. Thích Trí Định trú trì chùa Giác Hải huyện Đơn Dương đã cung thỉnh Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc thạch về tôn trí tại chùa Giác Hải huyện Đơn Dương từ ngày 15/4 đến 01/5/Quí Tỵ cho toàn thể đại chúng đảnh lễ, chiêm bái .
Năm 2011, Phật tử Tường Vân cùng nhóm Phật tử Tp Hồ Chí Minh đã sở hữu một khối ngọc Nephiete trọng lượng 4.450 kg xuất xứ từ CaNaDa . Tháng 6 / 2012 , khối ngọc quí này đã được phát tâm chế tác thành Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tỉnh tọa, kim thân tượng cao 1,6 m và nặng 2.000 kg , riêng phần đài sen được làm bằng cẩm thạch trắng .
Tháng 12/2012, công trình chế tác Bảo tượng được thành tựu viên mãn và đã được tôn trí tại một số các tự viện trong cả nước . Trong đó có Cung văn hóa Hữu Nghị Việt Xô tại thủ đô Hà Nội – nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7, để đại chúng đảnh lễ, chiêm bái . Đây là Bảo tượng Phật Hoàng bằng Ngọc Bích đầu tiên ở Việt Nam có kích thước kỷ lục, việc tổ chức chiêm bái, tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh đậm đà bản sắc hồn Việt .
Phật Hoàng Trần Nhân Tông ( Đệ nhất tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử), là con trưởng của Đức vua Trần Thánh Tông và Nguyên Khánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu, tên tục Trần Khâm, sinh ngày 11/11/năm Mậu Ngọ ( 1.258 ) . Năm 16 tuổi, Ngài được lập làm Hoàng thái tử, năm 21 tuổi lên ngôi hoàng đế . Tuy làm vua, nhưng Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh tu tập theo triết lý Phật đà và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy . Ngài là vị vua anh minh, đức độ, tất cả những đức tính : trí tuệ, từ bi, bình đẳng, uy dũng điều kết tinh trong con người con Ngài . Nhà vua luôn lấy đức trị dân, lấy ý dân làm nền tảng xây dựng nước nhà cho nên trong nước trên thuận dưới hòa, vui trong niềm vui của dân tộc .
Năm 35 tuổi, Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, sau đó Ngài xuất gia tu học theo hạnh Đầu Đà tại núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân ( sau đổi hiệu Trúc Lâm Đầu Đà ) . Trần nhân tông là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thuộc hệ thứ sáu ( tiếp nối vị tổ thứ năm là Ngài Huệ Tuệ) và đã thống nhất các thiền phái đương thời thành thiền phái Trúc Lâm . Ngài viên tịch tại am Ngọc Vân núi Yên Tử vào ngày 01/10 năm Hưng Long thứ 16 ( 1.308 ), thọ 51 tuổi .Với đức độ anh minh, vẹn toàn cả đạo lẫn đời, Ngài được suy tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ