Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Lá thư huynh trưởng gia đình Phật tử: Đạo Phật trước sự...

Lá thư huynh trưởng gia đình Phật tử: Đạo Phật trước sự thách đố của khoa học hiện đại

223

Các Em thân mến,

Như anh đã gợi ý với các em trong thư trước, chúng ta sẽ tiếp tục nói đến đề tài về sự thách thức của thời đại đối với tuổi trẻ Phật tử Việt Nam. Trong giới hạn của một lá thư,  anh sẽ tập trung vào đề tài: “ Đạo Phật Trước Sự Thách Đố của Khoa Học Hiện Đại”.
 
Trước khi vào nội dung chính, anh xin gởi lời cám ơn các em về những ý kiến hồi âm nhiệt tình và thân quý của các em.
 
Trong số những thư liên lạc của các em làm anh quan tâm suy nghĩ, có thư của một anh huynh trưởng nhận xét về tình trạng sinh hoạt của GĐPT tại quê nhà có chiều suy yếu.  Để tất cả chúng ta có cơ hội đồng đều đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung, anh xin trích lại nguyên văn thư của em Trương Văn Cường gởi đi từ Việt Nam ngày 26 tháng 3 năm 2006.  Nội dung như sau:

Thưa anh,

Em thật xúc động khi được đọc cuốn Tạp Chí Văn hóa Phật Giáo (Giáo hội Phật giáo Việt nam ) và nhất là khi được đọc bài viết "Lá thư hải ngoại" của anh gởi về cho tất cả các em đòan sinh áo Lam nơi quê nhà, đó là Việt Nam.

Thưa anh, đã không vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử thì thôi, nhưng khi đã vào sinh hoạt rồi thì không còn điều gì có thể ngăn cản ta đến với tổ chức; đến với Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Nhân dịp năm mới nầy, em kính chúc anh và gia đình được thân tâm thường an lạc, vạn sự kiết tường.  Ở Việt Nam hiện nay,  Gia Đình Phật Tử sinh hoạt ngày càng suy yếu dần và đây đang là một vấn đề đang được quan tâm hàng đầu; không chỉ riêng em mà tất cả các anh chị Huynh Trưởng thâm niên, các anh chị Huynh Trưởng có chí với Gia Đình Phật Tử.  Anh có cách gì có thể chèo chống nỗi con thuyền nầy không.  Xin anh hãy cho em một lời khuyên chân thành của người anh cả áo Lam.

Cuối thư, em kính chúc gia đình anh được dồi dào sức khỏe và thư sau em xin được mạn phép nói lại tình hình sinh hoạt GĐPT tại Việt Nam.

Kính chào tinh tấn.
Người em áo Lam
Huynh Trưởng Cấp I A-Dục GĐPT Việt Nam
Thiện Tuấn Trương Văn Cường
 

Cho dẫu đây là ý khiến riêng của một huynh trưởng hay đó là ý kiến chung của các em thì nội dung bức thư cũng đang đi vào trọng tâm của vấn đề mà chúng ta đang bàn thảo: Gia Đình Phật Tử Việt Nam, cùng chung với tuổi trẻ toàn đất nước, đương đầu với những thử thách của thời đại như thế nào. 
 
Anh đã nêu ý kiến của Huynh trưởng Thiện Tuấn trong một cuộc hội luận “liên lục địa” của nhóm Thân Hữu Cư Sĩ và ban chủ biên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo vào chiều thứ sáu tuần trước (Ô hay! “Chiều ở Mỹ nhưng sáng sớm ở Pháp, Đức và buổi trưa ở Việt Nam!)  Theo ý kiến của một số cư sĩ ở Pháp, Đức và Mỹ thì chưa nói đến số lượng, nhưng chỉ cần thấy được hình ảnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam còn hiện diện sinh hoạt – sau bao nhiêu năm thăng trầm theo hoàn cảnh – thì cũng đã là một hiện tượng tích cực, đầy khích lệ và đáng tự hào của thế hệ Phật tử trẻ tại quê nhà rồi. Theo một đạo hữu trong ban Chủ biên của Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo thì hiện nay có 67.000 huynh trưởng và đoàn sinh chính thức đăng ký sinh hoạt.  Ngoài ra, còn một số lượng khá lớn huynh trưởng và đoàn sinh GĐPTVN có sinh hoạt nhưng không đăng ký.  Tuy con số còn khiêm tốn so với dân số 82 triệu người, nhưng sức mạnh tinh thần truyền thống của người Phật tử Việt Nam không nhất thiết nằm ở giới hạn những “số liệu thống kê” đóù.
 
Đề tài mà tất cả các thành viên trong cuộc hội luận nầy là để trang bị một tinh thần “Bi – Trí – Dũng hiện đại hóa” cho thế hệ Phật tử trẻ trước những thách đố của thời đại là tinh thần khoa học, nhu cầu trẻ trung hóa, bớt dần não trạng câu chấp hình thức và bảo thủ địa phương để tiến vào địa bàn của toàn đất nước và toàn cầu. 
  
Khi nói đến khoa học, chúng ta liên tưởng ngay đến trình độ cao cấp của học vấn. Và trình độ học vấn lại được đo bằng cái thước rất tương đối là bằng cấp, học vị mà ở đó, mảnh bằng “đốc tờ”, mảnh bằng tiến sĩ nằm ở vị trí cao nhất.  Sự đo lường nầy lắm khi lại phản tác dụng vì có một số xã hội hiện nay đào tạo “tiến sĩ giấy” nhiều hơn là tiến sĩ thật mà cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến ngày xưa đã từng gọi là “Ông Nghè Tháng Tám”: Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi!
 
Thế nhưng trong cộng đồng khoa học kỹ thuật, muốn dùng người thì biết căn cứ vào đâu, nếu không dựa vào bằng cấp.  Tuy nhiên, bằng cấp xưa nay vẫn là con dao hai lưỡi vì giá trị bằng cấp tùy thuộc chủ yếu vào hệ thống giáo dục và đào tạo của một xã hội, một quốc gia.  Như Mỹ hiện nay là “trùm” hoài nghi bằng cấp nước ngoài. Bởi vậy, hệ thống giáo dục Mỹ đánh giá thực chất kiến thức và tài năng thực tiễn của chuyên viên và trí thức bằng kết quả các kỳ thi trực tiếp hơn là qua các mảnh bằng xanh xanh , đỏ đỏ dù là nội địa hay nhập cảng.  Có lẽ tất cả các em cũng như anh đều luôn luôn ước mong xã hội nước ta cần phải thoát ra khỏi tình trạng vụ bằng cấp mà quên thực chất.  Hiện tượng “mảnh giấy làm nên thân giáp bảng” của xã hội thời Nguyễn Khuyến rất phản tinh thần khoa học.  Nó đã làm đã làm cho thế hệ già khệnh khạng ôm những mớ danh xưng học vị thiếu tri thức khoa học và bị dính chùm vào mớ bằng cấp rỗng tuếch thiếu nội dung học thuật.  Nó đã làm nản lòng thế hệ trẻ có nhiệt huyết và tài năng muốn xây dựng đất nước bằng thực chất chân chính hơn là hình thức dễ dãi.

Có một lần tham dự lễ tốt nghiệp của các tân khoa tiến sĩ và bác sĩ tại trường Đaị Học Nam California (USC), anh nghe một vị giáo sư, tiến sĩ – bác sĩ Roy Sumpter, phát biểu có một ý rất đáng ghi nhận rằng: “Khi bạn đỗ cử nhân (bachelor), bạn tưởng rằng mình biết tất cả vì bạn chỉ được đào tạo trong một chừng mực hợp lý để có thể ra làm một chuyên viên trong một lĩnh vực giới hạn nào đó. Khi bạn đỗ thạc sĩ (master) bạn biết khá hơn một chút rằng, bạn chỉ học được một phần trong lĩnh vực chuyên môn rất mênh mông của bạn.  Nhưng khi bạn đỗ tiến sĩ (doctor) bạn mới biết rằng, bạn chưa biết gì cả, vì giá trị của bậc giáo dục cao cấp không phải là để truyền thụ vốn kiến thức đã có sẵn trong sách vở mà chủ yếu là đào tạo cho bạn một Phương Pháp Luận (methodology) để bạn sử dụng như một phương tiện tốt mà tìm tòi, khai phá”.
 
Các em ạ, anh nghĩ rằng Phương Pháp Luận mới là yếu tính của khoa học.  Sẽ không có những sản phẩm khoa học kỹ thuật tinh vi và tân tiến như ngày nay nếu lịch sử khoa học thiếu vắng phương pháp tìm tòi, nghiên cứu, kiểm nghiệm để đưa ra những nguyên lý đúng nhằm giải thích hiện tượng và giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, rạch ròi, minh bạch.  Đạo Phật được xem là một hệ thống triết lý, tư tưởng khoa học bởi vì đạo Phật dùng một phương pháp luận rất khoa học.  Đạo Phật sẽ không tồn tại đến ngày nay nếu đạo Phật tách rời cuộc sống hiện thực của con người để theo đuổi một thế giới viễn mơ, một cứu cánh hoang tưởng.  Khoa học nói: “Hỡi thế giới nguyên sơ đầy hùm beo, ta sẽ khai sáng ngươi để đánh tan ù lì và mông muội.  Muốn thế ta phải biết rõ ngươi là gì, là ai, là thế nào, là phải làm sao để biến đổi kẻ dã man thành người tử tế”.   Đức Phật dạy trong bài học khai tâm cơ bản đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như trong vườn Lộc Uyển: “Cuộc đời nầy vốn khổVì sao mà khổ.  Làm thế nào để khỏi khổ. Ta thấy con đường diệt khổ.  Người có muốn hết khổ thì nương theo con đường diệt khổ ấy mà đi”!  Cốt lõi của “khổ đế” trong đạo Phật là vô minh. Nguyên nhân của phi khoa học là sự dốt nát. Đường khoa học và chân lý khách quan không thể có được bằng sự áp đặt và hứa hẹn.  Trước vấn đề, phải tự chính mình tìm hiểu. Rồi tìm cách giải quyết vấn đề. Cũng thế, khoa học là nắm bắt bằng thực nghiệm, không có bắt buộc hay hứa hẹn vu vơ bằng những điều ngoài chính nó. 
 
Khái niệm và chu trình cơ bản nhất của khoa học là đặt vấn đề, quan sát, kiểm nghiệm và chứng minh để tìm ra nguyên lý.  Đạo Phật nhìn thấy vấn đề; quán tưởng và suy niệm để thấy rõ nguyên nhân của vấn đề; chính mình thực chứng để tìm ra chân lý giải quyết vấn đề.  Tứ Diệu Đế – Khổ, Tập, Diệt, Đạo – là một biện chứng khoa học.  Bát Chánh Đạo là một cấu trúc chặt chẽ trong tiến trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học.  Thập Nhị Nhân Duyên là tác động hỗ tương nhân quả của một quá trình thực nghiệm khoa học. Phật tính trong mỗi chúng sanh trong lời dạy của đức Phật là những chủng tử nguyên tử tinh yếu nhất nằm sẵn trong lòng vạn vật thiên nhiên mà khoa học thường nhắc đến.
 
Giới hạn của một lá thư không cho phép anh em chúng ta luận bàn và phân tích sâu rộng nhãn quan khoa học của đức Phật trong cả hai lĩnh vực thực nghiệm và tâm linh.  Suốt cả thế kỷ 20, nhân loại đã tự mình khai sáng (clarification) và giải huyền (demythologization) để thoát ra khỏi phần nào bóng tối âm u của giáo quyền và tín điều phi khoa học.  Nhân loại đã đề cập đến tinh thần khoa học của đạo Phật dưới hình thức nầy hay hình thức khác qua nhiều thế kỷ và bởi nhiều trường phái.  Không phải chỉ ở phương Đông mà ở phương Tây, từ Albert Einstein đến Carl Jung, Karen Horney, Erich Fromm, Martin Heidegger, Thomas Merton, Alan Watts… đều ca ngợi và chịu ảnh hưởng tính lô-gích, tính khoa học của Phật giáo trong cách nhìn ngắm và nhận định về thế giới và con người.
 
Trong đời sống tâm linh và tri thức, kẻ thù của khoa học là tâm lý tiểu xảo vì sự tiểu xảo là nguyên nhân của cái nhìn chủ quan, méo mó và phiến diện về con người và cuộc đời. Triết lý đạo Phật đã cung cấp nhiều cách nhìn, cách phản ứng khác nhau. Con số thường được nhắc đến như một biểu tượng “hằng hà sa số” của Phật giáo là ý niệm “tám vạn bốn ngàn pháp môn”.  Những pháp môn trùng điệp của Phật giáo xứng hợp với khái niệm “không gian vô số chiều” của nền khoa học kỹ thuật hậu E=MC² (Einstein).  Thế nhưng, mọi hình tướng, mọi thể tánh nhất thiết sẽ quy về không tánh, về “vạn pháp quy nhất”.  Cái vòng Không rất tròn trịa nầy như như bất động và sẽ “không mất một ly, không đi một mảy” gợi lên khái niệm tương đồng của nguyên lý Bảo Toàn Năng Lượng trong khoa học hiện đại.
 
Các em thân mến,
 
Khi nói về tính khoa học của Phật giáo, anh không cố ý đem những nguyên lý và dữ kiện khoa học để gán ép cho Phật giáo một cách máy móc, ngô nghê hay ngược lại để giải tỏa “mặc cảm tôn giáo” qua nỗ lực viễn mơ, soi rọi tín lý bằng tia la-de của lý tính. Điều anh muốn nhấn mạnh ở đây là sự nhất quán của Phật giáo.  Phật giáo có trong từng cội rễ của hơn 26 bộ phái khác nhau; nhưng từng bộ phái không có chung một bản sắc Phật giáo như nhau.  Tương tự như cái tai, cái vòi, cái chân, cái ngà là những bộ phận của một con voi nhưng tách riêng từng bộ phận riêng lẻ thì nó không phải là con voi…
 
Các em ạ, chúng ta là Phật tử, được suy tư, ngưỡng vọng và tắm gội trong suối nguồn đạo Phật.  Đạo Phật, tự thân, là một biển lớn thái hoà, mênh mông và an lạc.  Bởi vậy, trong hướng nhìn tích cực, không có sự phân hóa hay rạn nứt nào có ý nghĩa hoặc có lý do tồn tại trong một đại dương Phật giáo.  Nếu có bộ phái, tập đoàn hay cá nhân nào đó cố tình gây ra thế phân hoá thì đấy là một sự vô minh, một lối vọng động  phi Phật giáo.  Và, một khi nội dung đã không phải là Phật giáo thì chúng ta quan tâm đến hình thức làm gì.  Những khe, những suối, những ao hồ, sông lạch có thể có dòng chảy riêng, nhưng tất cả đều được hoá giải khi chảy về biển mẹ.  Những đơn vị Gia Đình Phật Tử Việt Nam đang là những dòng sông thanh tân chảy về biển Phật. 

Tính khoa học của đạo Phật chính là hướng nhìn tích cực của một tiến trình tự thân hóa giải. 
 
Thương mến chào tất cả các em với lời chúc tinh tấn và an lạc.