Trang chủ Diễn đàn Lá thư Hà Nội: 24 giờ trước Khai mạc Đại hội đại...

Lá thư Hà Nội: 24 giờ trước Khai mạc Đại hội đại biểu PGVN lần VI

165

Thầy phương xa!


Hà Nội đang mùa Đông. Đến hôm nay, mùa Đông đã trôi đi được 1 tháng 2 ngày. Vậy là chỉ còn non 2 tháng nữa là mùa Đông sẽ qua, mùa Xuân của năm mới sẽ đến. Nằm trong chuỗi vô cùng tận sinh tử của các kiếp người, thì hôm nay chỉ là một ngày bình thường như muôn ngàn ngày khác.


Nhưng trong tháng 11 của năm Đinh Hợi – 2007 này thì hôm nay lại có thể coi là ngày đặc biệt, chỉ còn 1 ngày nữa là Đại hội lần thứ VI của Phật giáo Việt Nam sẽ chính thức được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tại đây, những vấn đề quan trọng của Phật giáo nước nhà trong 5 năm tới và sau nữa sẽ được quyết định. Cho dù ở nơi xa thì Thầy cũng rõ điều đó. Trong thư này con gắng ghi lại không khí của ngày trước thềm Đại hội mà thôi.


Thầy ạ!


Sớm nay, như đã hẹn trước, con thức giấc từ 4 giờ để ra ga Hàng Cỏ đón thầy G.T. từ Yên Bái về. Thầy G.T ở Sài Gòn ra Bắc từ đầu tuần trước nhưng đã kết hợp đi làm Phật sự ở vùng sâu vùng xa, sáng nay mới vội về Hà Nội kịp đón và thị giả các Thầy lớn trong Nam ra Đại hội.


Bên đó thời gian này chắc đang rất lạnh Thầy nhỉ? Hà Nội có đỡ hơn, nhưng tiết trời lúc 5 giờ sáng ngoài đường vắng cũng khoảng 15 – 17 độ C. Gặp Thầy G.T thật là vui. Lần đầu tiên ra Bắc, cái rét làm cho thầy vừa thú vị vừa vất vả, cứ xuýt xoa thật tội! Đón được thầy rồi, chẳng kịp hàn huyên gì nhiều, vội đưa thầy về một ngôi chùa bên Gia Lâm, nơi sư phụ của thầy vừa ghé qua chiều tối hôm qua, để thầy kịp trình diện. Đưa thầy tới nơi đã 7 giờ 30, con lại vội quay về ngay chùa Quán Sứ để kịp tham dự buổi họp báo của Trung ương Giáo hội.


Đường phố Hà Nội vào lúc 7 – 8 giờ sáng thật đáng quan ngại. Xe cộ như nêm, chạy xe trên đường mà cứ nơm nớp sợ bị ùn tắc. Nạn tắc đường hiện nay gần như vô phương cứu chữa ở Hà Nội và Sài Gòn! Điều này làm cho các Thầy trong ban tổ chức Đại hội rất lo lắng, 2 khách sạn Kim Liên và La Thành – nơi phần lớn các Đại biểu Đại hội sẽ ở, đều các xa Hội trường Cung Văn hóa Hữu Nghị vài cây số.


Không gian ảnh hưởng của Đại hội kỳ này vẫn không có gì thay đổi so với các kỳ trước. Pa nô, biểu ngữ, băng rôn, cờ phướn chào mừng Đại hội được khuôn hẹp trong khoảng Cung Đại hội và trên đường Quán Sứ đến ngã tư cắt phố Lý Thường Kiệt. Ngoài khoảng đó tuyệt nhiên không có trang hoàng gì cả. Không hiểu tại sao mà dường như tất cả các chùa khác ở Hà Nội, có lẽ ở cả nước ta (?) đều không có lấy 1 băng rôn, 1 khẩu hiệu chào mừng Đại hội? Con lại chạnh lòng nghĩ đến dịp Phật Đản vừa qua, khi con có đi tác nghiệp ở Huế. Cả thành phố Huế rợp cờ hoa biểu ngữ. Nơi nơi đều rực rỡ cờ Phật. Thật là nức lòng những người con Phật!


Con ước sao, ngày Đại hội như thế này trở thành ngày hội, không chỉ ở nơi diễn ra Đại hội, mà còn là ngày Hội thật sự ở khắp các không gian Phật giáo trên đất nước Việt Nam.


Hơn nữa, con cũng không hiểu sao, ở ngay cả không gian của Đại hội, cờ Phật giáo lại chỉ được sử dụng “khiên nhường” đến thế! Tất cả chỉ có đúng 4 lá cờ: 1 dải cờ Phật đang được bài trí trong lễ đài hội trường lớn, 2 lá cờ được kéo lên có cùng kích cỡ, lẫn vào với khoảng 30 lá cờ đỏ khác trên dãy cột cờ trước Cung Đại hội và 1 lá cờ “nhỏ xíu” được cắm trên mui xe của 1 chiếc xe VIP. Không biết đến hôm Đại hội chính thức, tình hình sẽ ra sao?



Con hy vọng rằng, sau Đại hội này, tình hình này sẽ có những bước cải thiện quan trọng. Chí ít cũng rõ ràng hơn.


Thầy!


Chưa đến Đại hội chính thức mà con đã thấy có rất nhiều đoàn Đại biểu và khách thập phương đã đang đổ về Hà Nội. Con thấy mình hạnh phúc biết bao khi được là một Phật tử sống ở Hà Nội – trái tim của Tổ quốc, được chứng kiến và tham gia vào các hoạt động đầy ý nghĩa như thế này. Ngoài các đoàn Đại biểu chính thức của các tỉnh thành đang khẩn trương vân tập về thủ đô, tập trung ở 2 khách sạn Kim Liên và La Thành, còn có rất nhiều đoàn đại biểu “tự phát” của Phật tử thập phương.


Đoàn ít thì 5 – 7 người, đoàn đông thì vài chục người, đang “đổ bộ” xung quanh không gian Đại hội. Quan sát sinh hoạt của họ, con thấy họ thường là những người dân thường, mộ đạo thì có dư mà cơm áo thì thật tùng tiệm. Chỉ với cơm nắm muối vừng, bánh mì và nước lã thôi mà sao ai nấy đều an lạc quá. Con cứ ước sao, nếu được tổ chức lại thì các tổ Phật tử ở Hà Nội hoàn toàn có thể chia sẻ với họ. Đó không phải là Phật sự sao? Thấy họ ăn uống “lê la” trên hè phố Thủ đô “ngàn năm thanh lịch” mà con thấy mình đáng xấu hổ quá! Gần hơn là đồng đạo, rộng hơn là đồng bào, sao nỡ để như thế, phải không Thầy?


Để chuẩn bị Đại hội, trong mấy tháng qua, chùa Quán Sứ – Trụ sở của Trung ương Giáo hội đã được tu bổ khang trang lên rất nhiều. Toàn bộ sân chùa và hệ thống các bậc lên xuống đều đã được lát bằng đá tảng; vôi ve đã được sơn lại kỹ lưỡng; cây cảnh đã được chỉn trang; hệ thống các phòng ốc đã được trang cấp lại mới mẻ và hiện đại. Tất cả đều tinh khôi, tố hảo. Không biết cơ man nào các ảnh tư liệu đã được lồng khung kính treo lên trang trọng. Trong đó có những tấm hình tư liệu thật đáng quý, có niên đại đã hàng mấy chục năm, dường như là một cuốn sử bằng hình ảnh về chùa Quán Sứ nói riêng và Giáo hội nói chung.


Nhưng thầy ạ! Con vẫn không hiểu tại làm sao mà ở đây lại không thấy có treo cờ Phật giáo. Phía trước sân chùa, trên 2 cột lớn chỉ thấy có treo một cờ Tổ quốc rất lớn và một lọng phướn rất dài. Nếu con không nhầm thì hình như cách đây hơn nửa thế kỷ, cờ Phật được treo ở đây trước hết. Phải vậy không thầy?



Vào ngày hội, khách thập phương đổ về đây rất đông, nườm nượp như nước chảy. Các thầy ai cũng khẩn trương hoàn tất phần việc của mình.


Theo như chương trình của Ban Tổ chức Đại hội, sáng nay có một buổi họp báo trọng thể tại chùa Quán Sứ. Con nhận được giấy mời tham dự từ tuần trước. Con rất vui. Thế là website mà chúng ta đang thực hiện đã “lọt vào mắt xanh” rồi. Khấp khởi là vậy mà sáng nay con vẫn tới muộn, đến nơi thì phần khai mạc đã gần xong, tài liệu thì đã phát hết. Lý do đến muộn thì như thầy đã biết đấy. Phải chăng phúc duyên của con ít ỏi quá!


Buổi họp báo diễn ra trên phòng họp tầng 2. Rất chuyên nghiệp. Có tới gần 100 người tham dự. Hòa thượng Thanh Tứ, Hiển Pháp, Trí Quảng chủ tọa. Tham dự còn có Hòa Thượng Giác Toàn; Chư tượng tọa Thanh Nhiễu, Gia Quang, Bảo Nghiêm…. Không khí buổi họp báo rất khoan hòa, hoan hỉ. Phần lớn các nhà báo có giấy mời đều được nhận thẻ tham gia đưa tin trực tiếp về Đại hội. Con, tuy có trục trặc đôi chút, nhưng rồi cũng được hanh thông.


Rộng đường báo chí thật sự là một bước tiến lớn, một đột phá về tư duy của các nhà tổ chức Đại hội, chí ít trên lĩnh vực truyền thông.


Con đến muộn và cũng ngại nên không dám hỏi gì, thầy ạ! Hơn nữa cũng nghĩ là nên giữ không khí đại hoan hỉ.


Nếu hỏi thì con sẽ hỏi 2 câu: Câu 1: Tại sao cho đến giờ GHPGVN vẫn chưa có một tờ báo chính thức (Mặc dù đã có Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học), là cơ quan ngôn luận của GHPGVN? Và câu 2: Khi nói “GHPGVN là tổ chức duy nhất đại diện…” thì làm thế nào để tất cả Tăng Ni, Phật tử đoàn kết, hòa hợp trong Giáo hội duy nhất đó?


Trước đây, trong một bài viết nào đó, con đã tìm hiểu về vị trí đắc địa của chùa Quán Sứ ở Hà Nội. Hôm nay, sau buổi họp báo, đeo tấm thẻ được phép tác nghiệp, tản bộ sang Cung Văn hóa Hữu Nghị – nơi sẽ diễn ra hoạt động chính của Đại hội VI Phật giáo Việt Nam, con lại càng thấm thía điều đó. Cung Văn hóa Hữu Nghị vốn được gọi là Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô là quà của Liên hiệp các Công Đoàn Liên Xô tặng nước ta hồi những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỉ trước, tọa lạc trên một vị trí lý tưởng, hoành tráng. 1/ 4 thế kỷ đã trôi qua mà công trình này vẫn sừng sững nguy nga tráng lệ trên Quảng trường 1 tháng 5 thênh thang.


Hôm nay, cũng như 4 Đại hội trước, Phật giáo nước nhà lại quy tụ về đây. Triển lãm ảnh về các hoạt động Phật giáo lớn nhất từ trước tới nay đang được khẩn trương chuẩn bị cho kịp khai mạc vào ngày mai. Đây thực sự là một bộ phim tư liệu lớn bằng ảnh về lịch sử Phật giáo nước ta: hệ thống chùa chiền, các đỉnh cao “kỉ lục” và hoạt động Phật sự khắp mọi miền Tổ quốc trong thời gian qua.


Bước vào hội trường lớn, nơi các Phật tử và các nhà chuyên môn đang hoàn tất trang hoàng lễ đài và hội trường, ấn tượng đập vào mắt con đầu tiên là tấm phông chính: một tấm vải nhựa rộng tới gần 150 m2 in màu dòng chữ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI trên nền đầm sen rực rỡ với biểu tượng của Giáo hội và tượng đức Bản sư uy nghi ở chính giữa. Chếch về bên trái lễ đài là cờ Tổ quốc và tượng Hồ Chí Minh; bên phải là cờ Phật giáo.


Thầy ạ, có lẽ chưa ở đâu ở nước ta có một lễ đài Phật giáo trang nghiêm và ấn tượng như thế.


Bên ngoài, ở lề sân của Cung Đại hội, các Phật tử của Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Hà nội đã rất có lý khi phát tâm tổ chức trưng bày một tiểu triển lãm Bon – sai. Màu xanh của vườn cây nghệ thuật dường như làm đằm thắm hơn không khí vốn được nghĩ là “nóng” của Đại hội.


Và nữa, lại một lần nữa, Thầy Minh Hiền, với sự tinh tế của một nhà tu hành và sự lãng mạn của một nghệ sĩ, đã dụng công tổ chức một triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây – Đông: tuyết và hoa” tại Trung tâm Nghệ thuật Việt trên phố Yết Kiêu, ngay cạnh đó, như một lẵng hoa đặc biệt chào mừng Đại hội.


Thầy có biết không, vào lúc 4 giờ 30 phút chiều nay, khi quay lại cung Đại hội, con được chứng kiến một sự kiện rất ấn tượng, đó là thời khắc chia tay của Chư tôn đức Giáo phẩm HĐCM và HĐTS TWGHPGVN sau cuộc họp cuối cùng trước thềm Đại hội. Thật sung sướng khi được diện kiến các bậc Đại Trưởng lão: Thích Phổ Tuệ, Thích Trí Tịnh, Kim Minh, Danh Nhưỡng, Thích Đức Nghiệp, Thích Thanh Chỉnh, Thích Thanh Bích, v.v…





Khi tất cả các Ngài đã đi rồi mà sự hoan hỉ vẫn còn đọng lại trên gương mặt của các Phật tử có may mắn được diện kiến.


Thầy ạ, con thật may mắn khi nấn ná ở lại một chút nữa thì lại được chứng kiến một sự kiện hiếm có. Vừa lúc Đoàn Phật tử gần 50 vị là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa kịp tới nơi.



Nhìn trang phục Tây Nguyên trên những người con của miền quê xa xôi ấy giữa lòng thủ đô, với khuôn mặt, đầu tóc, bàn chân, bàn tay, màu da, ánh mắt chân chất của núi rừng, với đôi bàn tay chấp búp sen thành kính niệm Phật mà lòng con và có lẽ tất cả những ai ở đó đều thấy rưng rưng lạ.


Hòa thượng Thanh Tứ ân cần thăm hỏi, động viên và chào mừng những vị đại biểu – khách mời “đặc biệt” đó.


Nhóm Biên tập viên chúng con đã kịp thời ghi hình và trao đổi với nữ cư sĩ Hạnh Mãn – người điều hành của đoàn.


Đồng bào Tây Nguyên khi gặp đạo Phật đã vô cùng vui sướng và nhiệt thành tiếp cận. Đã có hàng nghìn người Quy y Tam Bảo. Ngày 10/11/2007, ở Kon tum đã có 495 người đại diện cho 495 hộ xin và đã được quy y. Còn gần 3.000 người nữa đang có nguyện vọng quy y trong thời gian tới.


Được biết, nữ cư sĩ Hạnh Mãn đã phải vất vả, khắc phục khó khăn rất lớn mới đưa được đoàn đại biểu Phật tử này ra đến Hà Nội. Tiền chỉ có 2.500.000 đồng, phải vay thêm 21.500.000 đồng, mới đưa được gần 50 Phật tử ra đến đây. Chưa biết sẽ tính sao: ăn, ở, đi về? Theo cô: trăm sự nhờ vào sự màu nhiệm của Phật pháp và sự phát tâm của Phật tử Thủ đô.


Cô cũng phấn khởi cho biết: Ban tổ chức Đại hội đã xem xét và bố trí 7 phòng ở khách sạn Kim Liên cho đoàn ở. Tuy rất chật, 6 – 7 người trong 1 phòng, nhưng không sao (!), và tiền thì cô đang quyên góp, hiện đã được hơn 1 triệu rồi…


Không biết rồi mọi chuyện sẽ sao đây? Cầu Chư Bồ tát gia hộ cho cô Hạnh Mãn và anh chị em được xuôi chèo mát mái.


Thầy xa nhớ!


Từ buổi họp báo ban sáng ở chùa Quán Sứ cho tới chiều tối nay, con đã nghĩ nhiều về yêu cầu của đội ngũ những người làm báo Phật. Quả thật là rất khó. Thầy có vui mừng không khi thấy những người tác nghiệp ở Đại hội này khá đông đảo và nhiệt tình.



Nhưng con không khỏi lo lắng cho riêng mình và cho mọi người nữa. Đã có lúc con lẩn thẩn làm phép thống kê xem, về 1 sự kiện Phật giáo mà mình được chứng kiến có bao nhiêu “nhà báo” tác nghiệp; và sau đó có bao nhiêu tin, bài, ảnh được giới thiệu với công chúng; và chất lượng của chúng ra sao?


Thầy ạ, kết quả thường buồn hơn cả nỗi buồn mà con tưởng. Nhất là những tin bài của những đồng nghiệp ít tìm hiểu về đạo. Khi nào có điều kiện con sẽ chia sẻ với thầy nhiều hơn.


Thư viết đã dài mà lại tản mạn, nhưng con vẫn hy vọng dù sao trong sự tản mạn ấy có một cái gì đó xuyên suốt. Chỉ có điều lực bất tùng tâm, con không viết ra được mà thôi.


Cầu mong chư Phật, Bồ tát, Tổ sư gia hộ cho Thầy thân tâm kiện lạc!


Kính thư