Ngày Vu Lan ở quê tôi bao giờ cũng diễn ra rất ý nghĩa và hoành tráng, bởi lẽ Vu Lan cũng là dịp để Huynh trưởng và đoàn sinh chúng tôi kỷ niệm ngày thành lập đơn vị mình và là ngày kết thúc mùa Tảo mộ, một lễ hội mang tính về nguồn của quê hương được khởi đầu từ mồng chín tháng bảy hàng năm.
Đã bao đời nay quê tôi xem mùa tảo mộ như dịp để cho con cháu tạ ơn Tổ tiên, thăm đấng sinh thành, một lễ hội hoàn toàn mang ý nghĩa báo hiếu và thiêng liêng như thế. Cho nên, dù ở đâu, làm việc gì hay đang ở một vị thế nào trong xã hội, tất cả đều hướng về lễ hội tháng bảy như đã thầm hẹn trước.
Mặc chiếc áo lam xinh xắn trong chiếc quần short có dây treo của bộ đồng phục nam Oanh Vũ, tôi ngắm đi, ngắm lại không biết bao nhiêu lần, bởi nó là niềm mơ ước, đợi chờ của tôi. Đã nhiêu lần xin mẹ cũng chừng ấy lần được mẹ dùng kế hoãn binh để từ chối, chỉ vì một lý do đơn giản là: với mẹ bao giờ tôi vẫn là một đứa con bé bỏng cần phải được chở che.
Ngày ấy quê tôi thật sự thanh bình. Vẫn bao mái tranh ẩn mình bên những hàng tre một cách êm ả. Tiếng chuông chùa rơi nhẹ lúc chiều về làm cho cảnh làng quê vương màu thanh thoát. Những buổi chiều tháng ba, trên cánh đồng đã gặt xong, bọn trẻ chúng tôi tha hồ đùa vui, chạy nhảy trên những chân ruộng mọc đầy cỏ cháo, nào thả diều, nào là chơi trò đuổi bắt. Xen lẫn với tiếng hót của những chú sơn ca nghe thánh thót như khởi đầu một khúc nhạc đồng quê. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ níu chân những ai có dịp tới nơi này.
Riêng tôi thì lại khác, hoà nhập cảnh làng quê đáng yêu như thế tôi còn một ước mơ cháy bỏng là đựơc đến với gia đình, chỉ vì một lý do đơn giản đến đó tôi được cùng mấy người bạn thân đã vào Gia Đình Phật Tử đùa vui, mỗi dịp lễ Vu lan hay Phật đản được đi căm trại, được anh chị trưởng mến thương và thêm nữa được khoác lên mình chiếc áo lam dịu dàng, xinh xắn.
Tôi còn nhớ những ngày chưa đến với đoàn, có khi tôi bỏ ra hàng giờ để xem vòng tròn sinh hoạt, các trò chơi vui nhộn cộng thêm điệu bộ mềm mại của các anh chị quản trò trong bài hát sinh hoạt “Ngồi quây quần xem đây thiếu ai,có em đây, có em đây…” không bỏ sót trong tôi một chi tiết nào.
Bởi thế, nhiều lần tôi bị mẹ rầy vì phải để phần cơm. Gần gũi với đoàn, với màu lam đến thế, nên khi được nhận vào đoàn tôi đã hoà nhập ngay với các bạn, tôi đã nhập vai diễn một cách xuất sắc.
Những đoàn sinh oanh vũ cùng lứa với tôi hồi đó hầu hết nay tuổi đã đến lục tuần, ấy thế mà mỗi lần gặp lại đã tốn không biết bao nhiêu nước trà để kể về cái thưở “quay một vòng hát mà chơi”, cái thưở hoang nghịch đến “dễ ghét” nhưng dễ khóc và ngoan ngoãn cũng không ai bằng.
Mới đó mà đã hơn bốn mươi lăm năm rồi! Ngôi chùa uy nghi vẫn còn đó, vẫn lũy tre làng, vẫn ruộng đồng, nhưng cảm nhân của con người trước cảnh vật nay đã khác.
Những “oanh cô” ngày ấy nay mỗi đứa một phương, người thì còn đủ duyên cùng nhau tiếp bước cuộc hành trình, người thì do hoàn cảnh phải tha phương kiếm sống, kẻ thì do vị thế xã hội không còn được nắm tay nhau quay vòng tròn, cũng không thiếu người mõi gối chồn chân đã quên đi lý tưởng từng một thời gắn bó và cũng có người đã vĩnh viễn ra đi.
Người mẹ kính yêu cũng đã bỏ tôi mà đi, tôi không còn được mẹ chở che như thưở nào.
Tôi bỗng cảm nhận sâu sắc lý vô thường của vạn pháp. Ngoài kia mưa vẫn rơi, tiếng chuông chùa thong thả đổ, tiếng còi sinh hoạt vẫn mãi vang.