Trang chủ PGVN Nhân vật Kỷ niệm từ chuyến đi tháp tùng Đức Thích Phổ Tuệ mùa...

Kỷ niệm từ chuyến đi tháp tùng Đức Thích Phổ Tuệ mùa Đông năm Bính Tuất

198

Tri thức, trí nhớ, phẩm cách, sự uyên thâm và bản lĩnh của một nhà khoa học lớn ở Đức Thích Phổ Tuệ là không thể nghĩ bàn. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin được kể lại kỷ niệm mà tôi được trực tiếp chứng kiến, tham gia – cũng là bài học mà tôi được trực tiếp lĩnh giáo từ Đức Thích Phổ Tuệ (dưới đây chúng tôi xin được gọi là Cụ Ráng).

(Mọi chi tiết dưới đây đều là chuẩn xác, được trích lại từ nhật ký cá nhân của tôi từ gần 4 năm trước)
 
Về Ráng được gần 1 tuần, công việc đã có nếp, chiều tối ngày 18/12/2006, khi tôi cùng 2 sinh viên đang chuẩn bị dụng cụ để sớm mai đi rập 1 số văn bia làm tư liệu ở mấy ngôi chùa cổ trong vùng thì Cụ Ráng bảo: “Ngày mai, nếu ông giáo và hai bác có thời gian thì xin mời đi cùng chúng tôi về Ninh Bình chiêm bái Xá Lợi Phật” – Thật là không có tin mừng nào mừng hơn, thực hay mơ đây? – Sợ cơ hội ngàn năm có một vuột mất, chúng tôi nhanh nhảu vâng vâng dạ dạ nhận lời ngay.
 
Cụ thong dong khuất sau cánh cửa nhà Tổ trong tiếng chuông chiều thu không. Trời tím dần, sương dăng mờ, gió bấc chiều đông lạnh buốt đang về.
 
Hôm sau, tinh mơ chúng tôi đã dậy (thực ra cả đêm hôm trước cứ thao thức mãi không ngủ được!), các kế hoạch công việc khác xếp lại để đấy đã, ăn sáng nhanh, chuẩn bị mọi thứ gọn nhẹ, đi ra đi vào, sẵn sàng đi với Tổ về Ninh Bình.
 
6 giờ, 7 giờ, 8 giờ rồi 9 giờ, vẫn thấy Cụ luôn tay làm việc, đọc sách, viết lách, ra vườn…., rồi 10 giờ. Lạ thật! hay hôm qua mình nghe nhầm? hay hôm qua Cụ nói nhầm? Rồi 11 giờ trôi qua! 11 giờ 30 nhà bếp dọn bữa trưa, ăn trưa xong, nghỉ trưa!
 
Đặt mình xuống nghỉ trưa mà tôi tủi thân muốn khóc. Nghĩ mình kém phúc quá, cứ ngỡ sẽ được tháp tùng Tổ đi chiêm bái Xá lợi Phật, thế mà rồi đúng chỉ là 1 giấc mơ. Mình đã vậy, mấy em sinh viên thì thật là sốc. Biết “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”
 
Buổi trưa trôi qua. Buổi chiều chúng tôi lấy lại tinh thần làm việc. Hơn 3 giờ chiều, có tiếng gõ cửa, sư bác Hưởng thông báo: Tổ bảo 30 phút nữa mời ông giáo và 2 cậu cùng Tổ đi Ninh Bình!
 
Đúng là sung sướng vỡ òa, tôi và 2 trợ lý nhanh chóng chỉnh đốn trang phục. Đúng là lỗi ở mình, đáng lẽ hôm qua cần phải hỏi lại Cụ kỹ càng về lịch trình của chuyến đi thì đâu có cả 1 thời căng thẳng như buổi sáng nay.
 
3 giờ 30, chiếc xe ô tô 7 chỗ mang biển số Ninh Bình đưa chúng tôi rời chùa Ráng. Đoàn gồm 7 người: Cụ Ráng, 1 sư ông thị giả, cư sĩ Huệ Minh, bác tài xế và 3 chúng tôi.
 
Lên xe, Cụ có hỏi han vài câu về công việc của chúng tôi. Cụ động viên: “Về chùa Ráng công tác là vất vả, đường xá xa xôi, khuất nẻo, thiếu thốn nhiều thứ, sinh hoạt nhà chùa có nhiều điều khác với nếp sống tư gia, cho nên ông giáo và các bác phải dụng công khắc phục. Nên kiên trì mục đích nghiên cứu, đừng nên đối chiếu so bì các điều kiện ở nhà và ở chùa để rồi phân tâm. Hãy để cho chùa là chùa mà nhà là nhà. Thích nghi, phù hợp tùy theo cảnh giới thì sẽ thấy mọi sự cũng nhẹ nhàng thôi”.
 
Chúng tôi vâng dạ nghe lời. Sau đó, trong suốt quãng đường hơn 1 tiếng đồng hồ, Cụ ngồi yên nhắm mắt, tay lần tràng hạt, tuyệt nhiên không nói năng gì nữa. Chúng tôi cũng yên lặng, đôi lúc trao đổi thầm thì…
 
Hơn 5 giờ chiều, nhọ mặt người, thì đến nơi. Mùa đông, gió rét, nặng mây mù, khí núi âm u, cảnh vật thê lương ảm đạm trong ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn điện đung đưa trong gió bấc từ các hẻm núi thổi về.
 
Sau này, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hôm ấy, 19/12/2006, tức 29/10/ Bính Tuất – Phật lịch 2550, tại chùa Quỳnh Vân, xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có Lễ cung thỉnh và động thổ xây dựng Bảo tháp an vị và thờ Xá lợi Phật.
 
Ban sáng khai mạc đại lễ đã có đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận, các vị quan khách đại diện tỉnh, huyện, xã sở tại và hàng nghìn Phật tử thập phương.
 
Chùa Quỳnh Vân là một trụ xứ Phật giáo lớn bậc nhất của huyện Gia Viễn, cảnh quan u tịch, cạnh núi cạnh sông. Ni trưởng Đàm Lai trụ trì và đệ tử là Sư thầy Đàm Thuấn là những bậc tu hành tiêu biểu gương mẫu, được Phật tử xa gần rất ngưỡng mộ. Vì một nhân duyên lớn mà chùa Quỳnh Vân đã được Hoà thượng Tịnh Đức trụ trì chùa Đạo Quang ở Ấn Độ, thừa uỷ quyền của Đại Chúng, trao tặng Xá lợi Phật để an vị và thờ phụng. (theo phattuvietnam.net)
 
Chúng tôi không hiểu sao, Cụ Ráng được cung thỉnh đến chủ trì đại lễ từ buổi sáng mà đến cuối giờ chiều Cụ mới quang lâm. Đến nơi thì lễ đã xong, hội đã sắp tan, chư Tôn đức và quan khách ở nơi xa thì đã về vãn cả. Chiều muộn, nhà chùa đang thu nép dọn dẹp, chuẩn bị cho trai đàn chẩn tế Mông sơn thí thực sẽ khi đàn vào lúc 8 giờ tối.
 
Cụ đến muộn. Chúng tôi đoán già đoán non, chắc là Cụ tránh việc đón tiếp tiền hô hậu ủng phiền toái, hay là Cụ bận việc khác nên đến muộn. – Nhưng cũng không hẳn vậy vì trong nhiều Phật sự lớn thì Cụ vẫn nghiêm trì nghi lễ và coi trọng sự trang nghiêm, vả lại sáng nay cũng không thấy Cụ mắc bận. Và cũng có thể có những nguyên do khác.
 
Sau khi nghỉ ngơi 1 lát, vào lúc gần 6 giờ tối, Cụ đã có một thời thuyết Pháp tại lễ đài trước sân chùa Quỳnh Vân. Đáng lẽ thời Pháp này, theo như bảng chương trình, đã phải được thực hiện vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày.
 
Là người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu mấy chục năm nay, tham gia, chứng kiến, diễn thuyết, trình bày ở nhiều hội nghị, hội thảo, các diễn đàn; dựa trên nền tảng các lý luận, lý thuyết, công nghệ, kinh nghiệm, tri thức về thuyết giảng, về “đăng đàn thuyết pháp”, lúc ấy, nghe nhìn xung quanh, tôi thực sự lo lắng và chìm ngập trong tâm trạng cầm chắc sự “thất bại” của buổi thuyết pháp của Cụ.
 
Sau khi cung thỉnh Cụ lên Pháp tòa, đại diện nhà chùa giới thiệu Cụ với thính chúng, thỉnh Cụ tuyên dương chính Pháp. Cụ uy nghi trang nghiêm trong Pháp phục, mắt nhắm hờ, khuôn mặt thanh thản, tay lần tràng hạt.
 
Bên dưới đại thính chúng, cả các sư, quan khách và Phật tử ước chừng có khoảng ngót 500 người, ngồi thưa thớt trong khu hội trường rộng, tạm căng bằng bạt dù trước cửa chùa. Còn quá nửa số ghế trống. Ai nấy đều căng thẳng sốt ruột, chẳng còn chút tâm thế nào muốn nghe Pháp. Họ chỉ miễn cưỡng “lịch sự” ghé ngồi nán lại. Muốn về.
 
Gió bấc từ các khe núi đá hun hút thổi ra lồng lộng; cờ phông dù bạt no gió căng phần phật; ánh sáng vàng loãng ra đung đưa nhợt nhạt; hai ngọn nến trên Pháp tòa lập lòe muốn tắt.
 
Sau lời giới thiệu của nhà sư đại diện ban tổ chức, Cụ đứng dậy đề nghị tất cả đại chúng nghiêm thân chấp tay niệm Phật cầu gia hộ. Tiếng kẻng đồng được Cụ thỉnh từ Pháp tòa lanh lảnh đưa lời niệm Phật bay vút vào màn đêm của không trung phủ đặc bóng núi.
 
Từ Pháp tòa, tiếng thuyết Pháp sang sảng được lan truyền vào thinh không bởi mấy cặp loa tăng âm được treo cao trên mấy cây gạo ở cổng chùa, hòa với tiếng gió bấc đang gào hú trong các khe núi đá, đang phần phật trên cờ phướn, phông bạt, nghe lúc xa lúc gần, rờn rợn.
 
Phía dưới thính chúng, sau 10 phút, sức chịu đựng và phép “lịch sự” đã tới ngưỡng. Mọi người dù rất ái ngại cũng bắt đầu nhúc nhắc cáo lui. Từ vài người rồi vài chục người lũ lượt đứng dậy, len lén cúi mặt về.
 
Đúng thôi, chắc họ đã đến đây từ sáng, thậm chí từ hôm trước. Đến giờ đã muộn, gió rét, trời tối, bao nhiêu người, bao nhiêu việc, rồi là bữa cơm gia đình đầm ấm đang đợi họ ở nhà…
 
Trên Pháp tòa, Tổ vẫn trang nghiêm tuyên thuyết chính Pháp, giọng sang sảng, ý nối ý, lời nối lời, khúc triết, minh bạch, logic, nhiều đoạn kinh được Tổ đọc bằng âm Hán – Việt cổ, cho dù có giải thích thì cũng cực kỳ khó hiểu.
 
Phía dưới, thính chúng vẫn đang bỏ về, cuối thời Pháp thì chỉ còn đúng 18 người ngồi nghe trên một khu sân rộng mênh mông với hơn 1.000 chiếc ghế trống.
 
Khi mọi người lác đác bỏ về, tôi đã mạnh dạn đề nghị cư sĩ Huệ Minh thỉnh với Cụ xin Cụ chỉ nói ngắn gọn vài câu dễ hiểu rồi kết thúc kẻo mọi người về hết thì nói cho ai nghe.
 
Cư sĩ đã tác bạch nhưng Cụ coi như không nghe thấy, vẫn sang sảng thuyết Pháp, vẫn nói về những vấn đề nội điển “lông rùa sừng thỏ”, thật khó hiểu, khó nghe.
 
Sau gần 1 giờ thuyết giảng, đến cuối thời Pháp, Tổ mới nói đến nguyên do có liên quan trực tiếp đến buổi lễ ngày hôm nay:“Đã gọi là Xá lợi Phật tức là phần di cốt thiêng liêng và đẹp đẽ mà Đức Thế tôn đã để lại cho hậu thế sau khi nhập diệt. Đương thời, theo Kinh điển xác tín, Xá lợi Phật đã được xây tháp để thờ phụng nhiều nơi. 2500 năm đã trôi qua, Xá lợi Phật, theo quy luật vô thường của thế gian, có lẽ còn lại không nhiều. Phải chăng vì một nhân duyên lớn mà ngày nay ở đây chúng ta có được vinh dự hi hữu này?”
 
“Phật tử cúng dường Xá lợi Phật thiết thực nhất là tinh tiến tu tập, hành Đạo, thực hiện di huấn mà Đức Từ phụ đã để lại”. 
 
Ninh Bình, trong đó có Gia Viễn là nơi có truyền thống mộ Phật và yêu nước từ lâu đời. Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, 1000 năm trước. Chữ Cồ trong quốc hiệu đó, do các sư Chân Lưu, Pháp Thuận tư vấn, chẳng phải là “Cồ Đàm” –  họ Phật hay sao! Hôm nay, chúng ta coi việc chư vị cung thỉnh được Xá lợi Phật về để an vị, thờ phụng và toả rạng tại đây là một Phúc báo lớn! Kính mong Phật tử Ninh Bình phấn khởi tu tập, xây dựng quê hương ngày một phồn thịnh, xứng đáng với Phúc báo đó”. (theo phattuvietnam.net).
 
Và rồi, khi Cụ đánh kẻng mời đại chúng nghiêm thân hồi hướng hoàn mãn thành tựu thời thuyết pháp đã là hơn 7 giờ tối với 18 vị thính giả cuối cùng cung nghinh Cụ vào nhà Tổ.
 
Sau khi dùng trà, thay Pháp phục, quấn quanh mình tấm áo bông nâu sồng sờn rách, Cụ giục chúng tôi nhanh nhanh ra xe về chùa Ráng kẻo khuya. Cụ đi tắt sau hông chùa để ra cổng mà không đi theo lối chính, ngang qua chỗ các quý Thầy đang chuẩn bị cho lễ cúng Mông sơn. Cụ bảo: “Họ đang chuẩn bị cúng đấy. Đi tắt thế này, không giáp mặt cho họ khỏi phải chào. Để cho họ tự nhiên, khỏi ái ngại”.
 
Đoàn trở về chỉ còn 6 người. Sư ông thị giả hồi chiều đã ở lại chùa Quỳnh Vân.
 
Lên xe về chùa Ráng. Mỗi chúng tôi một tâm trạng rối bời. Với tôi, lúc ấy, coi như chuyến đi với Tổ Ráng là “thất bại”. Mỏi mệt rã rời, vừa đói vừa rét, vừa sốc. Ghé nhìn sang ghế bên, thấy Cụ vẫn điềm nhiên, mắt nhắm hờ, khuôn mặt thanh thản, vô cảm, tay lần tràng hạt. Dường như trong cuộc đời chưa từng có chuyện gì xảy ra.
 
Về đến chùa đã hơn 9 giờ đêm. Chào Cụ chúng tôi về phòng, lau rửa, đi ngủ ngay. Một giấc ngủ nặng nề, mệt mỏi.
 
Sáng hôm sau, mới 5 giờ, khi tôi vừa mới tỉnh giấc 1 lát thì có tiếng gõ cửa nhẹ. Sư bác Hưởng thông báo: “Tổ bảo, ông giáo có rảnh mời lên nhà Tổ dùng trà sáng”.
 
Lên nhà Tổ, trong ánh sáng xanh nhạt, rất khẽ của ngọn đèn từ trên ban thờ Tổ tỏa rạng, thấy Cụ đang ngồi tịch mịch, so ro trong tấm áo choàng cũ kỹ, đầu đội tấm mũ bồ kề Quan âm nâu sồng sờn rách buộc hờ.
 
Cụ ban cho 1 chén trà. Quả thật là trà rất thường, hương đã bay, vị đã nhạt mà nước chế thì không đủ nóng. Tôi hỏi: “hàng sáng Cụ có thường uống trà và uống đặc không ạ?” – Cụ bảo: “ Nhà chùa đây không trồng được trà, mấy bà cụ quý hóa ở trên Hà Nội đôi khi có giúp đỡ. Khi có thì pha uống, không thì thôi. Khi uống đặc thì pha đặc, khi uống loãng thì pha loãng”.
 
Tôi mạnh dạn nói với Cụ về cảm tưởng buổi tháp tùng Cụ đi Ninh Bình chiều qua, rằng: Cụ về đó thuyết Pháp không đúng lúc; rằng: Cụ nói dài, nói cao siêu quá; rằng: Phật tử không nghe bỏ về hết, …. Tôi nói 1 hồi, Cụ chăm chú lắng nghe với những câu đệm nho nhỏ : À, thế à! Nghe rất vui thích.
 
Tôi ngạc nhiên hỏi như vậy là làm sao, Cụ nói: “Vâng! Quả là có như vậy và quả là chúng tôi cũng có biết như vậy. Chúng tôi là người tu hành thì thực hành cái hạnh của người tu là căn bản. Nếu có dạy học, viết sách, làm thơ, viết văn… thì cũng là làm theo kiểu của người tu và nhằm vào mục đích của người tu, chứ không  sa đà vào danh lợi thế gian”.
 
“Chiều qua, chúng tôi có đăng đàn thuyết Pháp ở chùa Quỳnh Vân chứ không có thuyết trình, biểu diễn ở đó. Trong Kinh Phật có nói “Phật pháp nan văn”. Được nghe và nghe được Phật pháp là khó. Phật tính chúng sinh là bình đẳng nhưng nghiệp lực thiện ác lôi kéo thì không đồng đều. Ai có duyên thì nghe, chưa có duyên thì về. Có chính nhân, có chính duyên thì mới có chính quả”.
 
“Tôi tuyên thuyết lại lời Phật Tổ ở đó, lúc đó là khế hợp với lục chủng thành tựu mà Phật đã di giáo. Vả lại đối tượng nghe Pháp đâu phải chỉ có con người. Pháp giới vô biên. Biết đâu lại chả có Sơn thần, Thổ địa giáng lâm thính Pháp. Nếu không có ai nghe thì Pháp âm sẽ trụ ở hư không, ngàn năm sau biết đâu lại chả có thiện nhân, thiện thần nghe được mà đạt đạo.”
 
Nói đến đây, dường như e rằng đã quá lời, cụ dừng ngay lại, tự tay rót cho tôi một tách trà nữa.
 
Bê tách trà, khẽ nhấm 1 chút, lắng nghe tiếng trà, dường như tôi thấy trà lại rất thường, hương đã bay, vị đã nhạt mà nước chế thì không đủ nóng.
 
Tôi thưa với Cụ rằng là như vậy. Cụ nheo mắt cười, bảo: À, thế à! Rồi đứng lên đẩy cửa nhà Tổ bước ra ngoài.