Trang chủ Bài nổi bật Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: Nuôi dưỡng cho thống...

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: Nuôi dưỡng cho thống nhất lòng người

Năm mươi năm – một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước Việt Nam thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã khép lại một chương dài của chiến tranh và mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, tái thiết và phát triển. Trong ánh sáng của lễ kỷ niệm trọng đại này, là người con Phật, chúng ta không chỉ nhìn về lịch sử với niềm tự hào, mà còn bằng tuệ nhãn từ bi để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về những mất mát, đau thương và bài học lớn lao mà chiến tranh để lại.

Chiến tranh không chỉ tàn phá ruộng đồng, làng mạc, mà còn cày xới trong tâm khảm con người những hố sâu của chia rẽ, nghi kỵ và thù hận. Hàng triệu sinh linh đã nằm xuống, bao gia đình ly tán, và vết thương lòng vẫn còn đó trong ký ức của nhiều thế hệ. Biết bao bà mẹ tiễn con ra trận mà chẳng thể gặp lại, biết bao gia đình ly tán, bao tổn thất vật chất và tinh thần chưa thể đo đếm hết. Những vết thương chiến tranh, không chỉ nằm trong lòng đất, mà còn hằn sâu trong ký ức dân tộc, và đôi khi – âm ỉ trong những góc khuất chưa được hóa giải.Dù đất nước đã thống nhất về mặt địa lý và chính trị, nhưng sự thống nhất thật sự – sự thống nhất trong lòng người – vẫn là hành trình cần tiếp tục nuôi dưỡng.

Tinh thần từ bi và vô ngã của đạo Phật là ánh sáng dẫn đường cho hành trình ấy. Đức Phật dạy: “Oán không thể diệt oán, chỉ có từ bi mới diệt được oán. Đó là chân lý muôn đời.” Muốn hóa giải được những hận thù của quá khứ, không thể bằng sự áp đặt hay lãng quên, mà cần sự tỉnh thức, thấu hiểu và chuyển hóa khổ đau bằng lòng bao dung. Phải biết nhìn lại những trang sử đau thương không để khơi dậy oán hận, mà để hiểu rằng: không có ai thật sự thắng trong chiến tranh giữa hai miền của một đất nước – tất cả đều mất mát.

Để thống nhất lòng người, mỗi chúng ta cần thực hành chánh niệm và từ tâm trong đời sống hằng ngày. Đó là biết lắng nghe những khác biệt, biết chấp nhận những đa dạng trong ký ức và quan điểm, để cùng nhau xây dựng một hiện tại hài hòa và một tương lai hướng thiện. Tăng thân, Phật tử có thể đóng vai trò là nhịp cầu nối, là nơi khơi dậy niềm tin vào sự cảm thông, vào khả năng chuyển hóa hận thù thành tình thương.

Trong suốt 50 năm qua, đất nước ta đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, giáo dục, và hội nhập. Nhưng sự phát triển thực sự chỉ vững bền khi đi đôi với sự trưởng thành về tâm thức. Một dân tộc thống nhất không chỉ là sự kết nối của đất đai, mà là sự hòa hợp giữa những con người – không còn kỳ thị, không còn “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” – mà tất cả đều là những người con trên cùng một mảnh đất mẹ Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta cúi đầu tưởng niệm những người đã ngã xuống, và cũng xin phát nguyện sống đời tỉnh thức – để nuôi dưỡng lòng từ, gieo hạt giống hiểu biết và tha thứ vào đời sống xã hội. Bởi chỉ khi lòng người hòa hợp, quốc gia mới thực sự vững bền. Và đó cũng chính là con đường Phật đạo giữa cõi trần.